The Talks: Phỏng vấn độc quyền Stephane Waser – CEO của Maurice Lacroix
Chúng tôi gặp ông Stephane Waser – CEO của Maurice Lacroix tại sự kiện ra mắt đồng hồ lặn Pontos S Diver. Diễn ra trong ba ngày tại Koh Samui, Thái Lan, sự kiện đã quy tụ sự tham gia đông đảo của đối tác và giới truyền thông.
Diễn ra trong ba ngày 8, 9 và 10 tháng 6 vừa qua, ở Koh Samui, Thái Lan, sự kiện ra mắt mẫu đồng hồ lặn Pontos S Diver của thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ Maurice Lacroix đã mang đến cho chúng tôi vô vàn cảm xúc tuyệt vời. Không chỉ được trực tiếp tham gia lặn biển cùng chiếc đồng hồ mới, mà đây cũng là dịp chúng tôi được gặp gỡ, giao lưu cùng “friend of the brand” – nhà vô địch lặn tự do thế giới Lidija Lijic, cô hiện là người giữ kỷ lục lặn dưới nước lâu nhất với thành tích 5 phút 43 giây. Có thể nói rằng, nhờ những ý tưởng do Lidija đóng góp, mà giờ đây tính linh hoạt và tiện dụng của Pontos S Diver 2023 như được nâng cao hơn.
Khi trò chuyện cùng chúng tôi, ông Stephane Waser đã không ngần ngại chia sẻ rất nhiều điều nằm “ngoài biên giới” của mẫu đồng hồ Pontos S Diver mới, như sức hút từ dòng đồng hồ AIKON #tide, cũng như những khó khăn khi định hướng thực hành sản xuất bền vững mà Maurice Lacroix đã vượt qua.
Ông có thể chia sẻ đâu là đối tượng khách hàng mục tiêu của mẫu Pontos S Diver mới?
Đầu tiên, hãy nói về đối tượng khách hàng mà Maurice Lacroix đang có từ bộ sưu tập AIKON, đó là thế hệ millennials cùng Gen Z, với tỷ trọng từ 70 – 80%. Nhưng nếu bạn không thích thiết kế của AIKON và muốn gì đó khác biệt hoặc nổi bật từ thương hiệu, bạn muốn gì đó tinh xảo, thanh lịch, mà vẫn phù hợp để đeo hằng ngày ngày? Đó là lý do để chúng tôi ra mắt bộ sưu tập Pontos từ cách đây hơn 20 năm, và trong năm 2022 chúng tôi đã trình làng phiên bản Pontos Day Date 3 kim, gần đây nhất là sự ra đời của Pontos Chronograph. Giờ đây, chúng ta chính thức chào đón chiếc Pontos mới: Pontos S Diver – mẫu đồng hồ lặn phát hành lần đầu vào năm 2013, được rất nhiều người hâm mộ thương hiệu yêu thích.
Và đó là một thành công lớn. Mọi người đều biết rằng bộ sưu tập AIKON đã đóng góp doanh thu đáng kể cho Maurice Lacroix đúng không thưa ông?
Đúng, hiện tại AIKON chiếm khoảng 70 – 80% tổng doanh thu của thương hiệu chỉ sau 6 – 7 năm ra mắt, điều đó thật tuyệt vời. Lý do cho sự thành công này đến từ tôn chỉ luôn theo đuổi chất lượng ở mức cao nhất từ chúng tôi. Đó cũng là nền tảng để phát triển dòng đồng hồ AIKON #tide, bạn sẽ cảm nhận được chất lượng vượt trội mà thương hiệu mang lại khi cầm trên tay.
AIKON #tide mang đến những đổi mới như thế nào cho danh mục sản phẩm của thương hiệu? Và ý tưởng sau dòng đồng hồ này là gì thưa ông?
Như bạn biết đó, trước khi ra mắt dòng AIKON #tide, chúng tôi đã giới thiệu bộ sưu tập AIKON kèm các chiến dịch tiếp thị – truyền thông để đưa AIKON tới gần hơn với đối tượng khách hàng có độ tuổi từ 50 đến 55 tuổi như những thương hiệu khác. Nhưng trong quá trình phát triển và tiến hành nghiên cứu thị trường, chúng tôi nhận ra rằng AIKON hoàn toàn có thể tiếp cận được tệp khách hàng ở độ tuổi từ 20 đến 25, theo nhiều cách khác nhau.
Tại sao chúng tôi lại làm được điều đó ở phân khúc người dùng này, cũng như có thể khiến họ thích AIKON. Họ là ai? Họ là những người thuộc thế hệ millennials và bạn có thể tìm hiểu trên internet xem họ có hành vi tiêu dùng hay phong cách sống như thế nào. Từ đó, chúng tôi đã thay đổi lối tiếp cận của bộ sưu tập AIKON, rồi tập trung vào tệp khách hàng trẻ hơn, tươi mới hơn, họ là những người có độ tuổi từ 20 đến 40 hoặc cả 45 tuổi.
Trong khi đó, đối tượng thanh thiếu niên từ 16, 18 đến 25 tuổi vẫn có thể mua đồng hồ của chúng tôi. Họ là ai? Gen Z. Một điều thú vị ở Gen Z là họ đòi hỏi rất khắt khe không chỉ ở khía cạnh bền vững. Vì sẽ là người làm chủ thế giới trong tương lai, do đó Gen Z quan tâm nhiều điều hơn thế. Và một điều rõ ràng nữa là Gen Z rất chú trọng các di sản văn hóa. Đó không chỉ là những thứ đẹp đẽ, mà còn là việc chúng ta thay đổi cách làm việc. Ngành đồng hồ Thụy Sĩ cũng là một di sản văn hóa bền vững hoàn hảo và đã truyền tải cho Gen Z sự nhạy bén. Do đó, chúng tôi biết rằng mình phải khiến ngành đồng hồ Thụy Sỹ trở nên bền vững hơn.
Tôi bắt đầu cuộc cách mạng ấy qua bao bì, dây đeo được làm mềm hơn v.v… Cơ hội đã đến với chúng tôi vào năm 2020, khi lên kế hoạch chế tạo mẫu đồng hồ AIKON #tide dành cho số đông. Đầu tiên là tinh chỉnh thiết kế, phối hợp cùng các nhà cung cấp, tổ chức các cuộc họp và thảo luận về những ý tưởng đó, thú thật chúng tôi đã gặp một chút vấn đề. Bạn có thể tạo ra một vật liệu tuyệt vời dựa trên nhựa, nhưng sẽ không muốn làm ra một chiếc đồng hồ trông hoàn toàn bằng nhựa. Vâng, đó là sự thật. Vì vậy, bạn không thể mong chúng có giá đắt hơn 5.000 hoặc 4.000 USD… Nhưng để có một sản phẩm hoàn chỉnh bạn buộc phải hoàn thiện thật tốt và chất lượng là ưu tiên hàng đầu.
AIKON #tide có cấu tạo cơ bản rất giống với mẫu AIKON nguyên bản, như mặt kính sapphire, tính năng thay dây nhanh, một bộ máy bền bỉ và ở đây là bộ máy quartz, đó không phải là vấn đề vì bạn có thể can thiệp để sửa chữa hoặc thay pin một cách dễ dàng. Ở góc độ bền vững, bạn có thể nói: “Ồ! Đây là một chiếc đồng hồ pin? Vâng”, vì bạn sẽ không ném chiếc đồng hồ ấy đi nếu có thể giữ lại đúng không? Do đây là bộ máy rất cơ bản mà chúng ta có thể sửa chữa cũng như bảo dưỡng trong 20 năm nữa.
Nói về tính bền vững, điều đó hiện chỉ áp dụng cho mỗi dòng AIKON #tide hay cho tất cả các mẫu đồng hồ của thương hiệu?
Hiện tại chúng tôi đang hợp tác cùng khá nhiều nhà cung cấp vật liệu bền vững tin cậy và vấn đề không phải là “khi nào” ta bắt đầu, mà là ta sẽ bắt đầu “như thế nào”. Khi thực hành sản xuất bền vững, chúng tôi không biết làm thế nào để đạt được tham vọng của mình, nhưng chúng tôi không làm cho có lệ. Trong vòng 12 năm qua, Maurice Lacroix đã cống hiến rất nhiều và cần làm một điều gì đó hết sức mình. Vì thế, những gì chúng tôi làm lúc này là kết hợp tất cả vào dòng AIKON #tide, nhưng ban đầu sẽ khá khó khăn vì khách hàng sẽ không còn nhận được những chiếc hộp đựng bằng gỗ, hoặc đại loại như “khi nào sẽ ra mắt kèm hộp đựng bằng nhựa?”.
Sự bền vững không phải điều dễ dàng vì phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của các thị trường, có những thị trường tăng trưởng rất nhanh và ngược lại. Do đó, bạn cần theo sát thực tế. Không rõ bạn có tìm hiểu không, nhưng chất liệu thép ngày nay chỉ được tái chế từ 40 – 50%, và nhiều nhà cung cấp sẵn sàng cải thiện nhiều hơn nữa nếu chúng ta vẫn kiên quyết với sứ mệnh bền vững. Khi nói về dây đeo da, chẳng hạn như chủ đề da thuần chay, tôi đã có dịp tiếp cận một số loại da làm từ nho với ưu điểm như độ bền cao, có độ sáng bóng và sở hữu trọn vẹn đặc tính cùng cấu trúc mềm dẻo của da thuộc. Mặc dù vậy, điều cần thiết lúc này là chúng cần được sản xuất hàng loạt ở quy mô công nghiệp, nhưng phải mất 2 – 3 năm để thực hiện, rồi bạn sẽ làm gì tiếp theo? Liệu chúng ta sẽ cần đến chúng sau đó không?
Còn nhớ, cách đây 5 năm chúng tôi không nhận được nhiều email và tin nhắn như bây giờ. Hiện tại, mọi người đều hỏi rằng, “Maurice Lacroix sẽ cải tiến bao bì ra sao?, liệu có thể ứng dụng một chất liệu gì đó khác như vật liệu tổng hợp không?”, hoặc “đó có phải là vật liệu gốc thực vật không?”, cũng sẽ có câu hỏi đại loại như: “Bạn sẽ thực hiện đổi mới gì cho dây đeo da?”, tôi còn nhận được một số email có nội dung: “Maurice Lacroix có phải là thương hiệu theo chủ nghĩa thuần chay không?”. Đó không phải là những điều mới mẻ và chúng tôi vẫn đang nghiên cứu. Có rất nhiều mối quan tâm thực sự từ thị trường, nhưng trên hết mọi người đang có ý thức hơn.
Kế tiếp là một câu hỏi về Việt Nam – một thị trường khá độc đáo. Maurice Lacroix đã thực hiện các nghiên cứu nào trước khi tiếp cận và ra mắt tại đây không?
Ồ có chứ, chúng tôi có nhiều mối liên hệ tại Việt Nam trong vòng 7 – 8 năm qua, đồng thời đã đến quốc gia này vài lần để tìm hiểu và đánh giá thị trường. Tương tự thế, một số nhà bán lẻ lớn ngỏ ý muốn trở thành nhà phân phối chính thức của chúng tôi tại Việt Nam. Chúng tôi hoàn toàn tôn trọng ý kiến với đề xuất của họ, nhưng điều đó thuộc khía cạnh kinh doanh, vì vậy trước khi tiến xa hơn, chúng tôi phải trao đổi cùng các nhà phân phối tiềm năng, sau đó là mạng lưới cộng tác viên.
Về di sản văn hóa, Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa giàu bản sắc và là thị trường mới của thương hiệu. Trong tương lai, ông có kế hoạch hợp tác với các nghệ sĩ Việt Nam không? Và ngoài Pontos S Diver vừa ra mắt, ông có muốn bật mí thêm điều gì không?
Hiện chúng tôi vẫn chưa có kế hoạch gì, vì chỉ mới làm quen với các thành viên vào tháng Tư vừa qua. Nhưng tôi sẵn sàng đón nhận cơ hội và mong muốn hợp tác với các nghệ sĩ Việt Nam để phát triển từ nền tảng di sản văn hóa. Về sản phẩm, sẽ có rất nhiều màu sắc mới cho dòng AIKON #tide, cũng như một số bộ sưu tập khác. Và năm 2024 sẽ là năm của các vật liệu chế tác mới.