Phong cách / Đồng hồ

Vacheron Constantin và kỹ nghệ chế tác đúc kết từ 2 thế kỷ

Sep 28, 2021 | By Ton Binh

Khả năng đo thời gian quãng ngắn được cung cấp bởi cơ chế bấm giờ là một trong những tính năng phức tạp của lĩnh vực chế tác đồng hồ, vì những đòi hỏi khắt khe về độ chính xác vốn không thể tách rời của cơ chế này.

Đồng hồ chronograph ra mắt lần đầu vào đầu thế kỷ 19 với vai trò là một compteur de tierces – bộ đếm thời gian, sau đó được cải tiến với nhiều phát minh, đặc biệt có thể kể đến tính năng bấm giờ kép (Split-seconds) được giới thiệu vào năm 1838, phục vụ cho việc tính toán thời gian tách biệt cùng lúc. Vacheron Constantin đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển này, với chiếc đồng hồ bấm giờ đầu tiên mang chữ thập Maltese xuất hiện vào năm 1874.

Kể từ đó, Maison luôn nổi bật với những chiếc đồng hồ bấm giờ, cũng như những chiếc Grand Complication tích hợp tính năng này gắn liền với tinh thần tiên phong của nghệ thuật chế tác đồng hồ.

Tính năng chronograph gói gọn bản chất của Haute Horlogerie, với vai trò là công cụ đo thời gian quãng ngắn, chúng đòi hỏi độ chính xác hoàn hảo, độ tin cậy xuyên suốt và khả năng chống chịu trong môi trường khắc nghiệt. Đây là những phẩm chất mà cơ chế bấm giờ đã từng bước tiếp thu và cải tiến, dần trở thành đặc điểm không thể thiếu của dòng đồng hồ chuyên dụng, cũng là dấu ấn đặc biệt mà Vacheron Constantin đã tạo ra cho mình.

Cơ chế bấm giờ – một phát minh đầu thế kỷ 19

Sự ra đời và quá trình tiến hoá của phép đo thời gian không thể được hiểu đúng nếu thiếu đi các nghiên cứu thiên văn trước đó. Điều này cũng đúng với cơ chế bấm giờ, một trong những phát minh cận đại trong chế tác đồng hồ đeo tay – đến từ nhà khoa học người Pháp, Louis Moinet vào năm 1816 với sáng chế compteur de tierces.

Dụng cụ được phát triển để quan sát thiên văn này đã được tìm thấy trong một cuộc đấu giá vào năm 2013 và hiện được coi là chiếc đồng hồ chronograph đầu tiên trong lịch sử. Vận hành ở tốc độ phi thường: 216.000 dao động mỗi giờ (30 Hz), chiếc đồng hồ bấm giờ bỏ túi này có khả năng hiển thị 1/60 giây bằng kim trung tâm, giây và phút được chỉ báo thông qua hai mặt số riêng biệt và giờ trên mặt số 24 giờ.

Vào năm 1821, Nicolas Rieussec – thợ đồng hồ người Pháp đã chế tác riêng cho Vua Louis XVIII một thiết bị có khả năng đo thời gian hoàn thành các vòng đua tại các cuộc đua ngựa.

Chính xác đến 1/5 giây, sáng tạo này ghi dấu bằng một giọt mực – ở điểm đầu và cuối phép đo – lên một mặt số tráng men xoay được đặt trong hộp gỗ. Kể từ đó, những tiến bộ và đổi mới không ngừng đã diễn ra trong lĩnh vực đồng hồ bấm giờ, cả về kích cỡ và tính chính xác. Ngay từ năm 1822, nó đã trở thành một chiếc đồng hồ bấm giờ bỏ túi, và đến giữa thế kỷ, được bổ sung với ba tính năng: bắt đầu, dừng và reset phép đo đang khởi chạy.

Cơ chế bấm giờ kép để đo thời gian tức thì được phát minh vào năm 1831, khi Joseph-Thaddeus Winnerl người Áo trình làng hệ thống đầu tiên với một kim “Split-seconds” có thể ngay lập tức bắt kịp thời gian đã trôi qua khi khởi động lại. Cơ chế này được cải tiến vào năm 1838 với sự ra đời của một kim bổ sung. Mãi đến những năm 1910, những chiếc đồng hồ chronograph đeo tay mới xuất hiện.

Cũng giống như phiên bản bỏ túi, ban đầu chúng được trang bị duy nhất một nút bấm cho cả ba chức năng, thường tích hợp vào núm vặn. Một nút bấm thứ hai để reset phép đo trở nên phổ biến từ năm 1934 về sau. Cùng lúc đó, các cơ chế đếm giờ kép đầu tiên được cung cấp cho các khách hàng ngày càng quan tâm đến các cuộc thi mạo hiểm, tốc độ và thành tích. Trong khi đó, các nghiên cứu về tần số cao vẫn tiếp tục, cho phép đồng hồ bấm giờ cơ học có thể đo thời gian chính xác đến phần mười, phần trăm hay thậm chí phần nghìn giây, biến chức năng này trở thành một cơ chế phức tạp quan trọng trong thế giới chế tác đồng hồ.

Một cơ chế cơ khí phức tạp

Việc sáng chế ra đồng hồ chronograph được dựa trên rất nhiều phát triển kỹ thuật trước đó, bắt đầu với việc hoàn thiện cơ chế deadbeat seconds/ kim giây giật vào những năm 1750, xuất hiện nổi bật trong chiếc đồng hồ bỏ túi với cơ chế kim giây giật độc lập và điểm chuông theo phút, nguyên mẫu đầu tiên được lưu giữ trong Maison, có niên đại từ năm 1819. Đây là cách tiếp cận đầu tiên đối với một chiếc đồng hồ sở hữu cơ chế cơ học cho phép dừng kim giây và tái khởi động mà không ảnh hưởng đến các chỉ báo thời gian, đặt nền móng cho những thành tựu trong tương lai của nhà sản xuất đối với lĩnh vực sản xuất đồng hồ bấm giờ tin cậy và chính xác.

Trên một chiếc đồng hồ cơ, số lần nhảy của kim giây để quay hết một vòng trong chu kỳ một phút phụ thuộc vào tốc độ dao động của lò xo cân bằng. Do đó, với một chiếc đồng hồ có nhịp dao động 18.000 lần mỗi giờ, kim giây tiến với tốc độ năm “bước” mỗi giây. Có được một bước nhảy mỗi giây – để có thể đếm chính xác – đồng nghĩa với việc lưu trữ các xung động từ các bước, giải phóng lực tất cả cùng một lúc, chính là hàm nghĩa của cái tên “deadbeat seconds – giây giật”.

Thông qua cách cấu hình độc lập nhờ một bộ truyền động bánh răng bổ sung, các nhà sản xuất đồng hồ đã phát triển thứ được coi là tổ tiên của đồng hồ bấm giờ, cho phép dừng và khởi động lại kim giây mà không ảnh hưởng đến hoạt động của kim giờ và phút. Sự xuất hiện của kim giây chuyên dụng, các bộ đếm phút, thậm chí là đếm giờ, tiếp theo đó là một, rồi hai nút bấm trên đồng hồ đeo tay đã mang đến cho chiếc đồng hồ chronograph diện mạo mà ta biết ngày nay.

Bấm giờ kép – split seconds chronograph được phân biệt bằng hai kim giây trung tâm. Khi bắt đầu phép đo, chúng di chuyển đồng bộ cho đến lần nhấn đầu tiên trên nút bấm – tại đây, kim giây hoạt động tách biệt để thực hiện phép đo đầu tiên. Lần nhấn thứ hai cung cấp cho kim phụ động năng cần thiết để bắt kịp kim thứ nhất – vốn vẫn tiếp tục chạy. Thao tác này có thể được lặp lại nhiều lần nếu cần, với việc dừng kim split seconds và kim chính – cho phép xác định hai mốc thời gian khác nhau.

Lịch sử hai thế kỷ của cơ chế chronograph tại Vacheron Constantin

Vacheron Constantin đã đắm chìm vào việc tham gia phát triển cơ chế đầy mê hoặc này kể từ những ngày đầu thành lập vào năm 1755.

Là một nhà chế tác nổi danh với chất lượng của các phép đo thời gian quãng ngắn, họ đã tạo ra những tạo tác lừng lẫy bởi chức năng hoàn hảo và các bộ máy phức tạp. Trong số đó, phép đo thời gian quãng ngắn luôn chiếm một vị trí đặc biệt kể từ những bước đầu tiên trong địa hạt này, đồng thời thể hiện sự sang trọng đặc trưng của Vacheron Constantin, thể hiện qua chiếc đồng hồ kiểu thợ săn năm 1874 – chiếc chronograph lâu đời nhất với bộ đếm phút trong bộ sưu tập của Maison.

Khi bước sang thế kỷ tiếp theo, Vacheron Constantin đã chuyển mình, đem các sáng tạo của mình vào đồng hồ đeo tay. Chiếc đồng hồ chronograph đeo tay lâu đời nhất được biết đến hiện nay của họ, một nguyên mẫu bằng vàng với một nút bấm duy nhất và bộ đếm phút, ra đời năm 1917. Kể từ đó, Maison duy trì danh tiếng không suy chuyển trong lĩnh vực lần theo dấu thời gian, với sự ra đời của những tạo tác “thu nhỏ”, có tính thực dụng và công năng cao, mở đường cho những chiếc đồng hồ công cụ ở nửa đầu thế kỷ 20.

Vacheron Constantin đã bắt kịp xu hướng này thông qua các mẫu đồng hồ bấm giờ một nút bấm giai đoạn 1930 – 1940, được đánh giá cao bởi sự tin cậy trong lớp vỏ thép mạnh mẽ được ưa chuộng và sản xuất cho tới những năm 1970. Tuy nhiên, những tìm tòi về phong cách vẫn luôn là mối quan tâm trọng yếu với nhà chế tác, khi ra mắt chiếc đồng hồ bấm giờ chống nước và chống nhiễm từ đầu tiên, với tên gọi Cornes de Vache, ra đời năm 1955.

Vào năm 2015, Vacheron Constantin đã giới thiệu chiếc Overseas chronograph, với Calibre 5200 chế tác inhouse lên cót tự động đạt chứng nhận Hallmark of Geneva, thành tựu của quá trình năm năm nghiên cứu và phát triển. Cơ chế bấm giờ này tái xuất vào năm 2021, trong phiên bản giới hạn 150 chiếc mang tên “Overseas Everest Chronograph”, vỏ bằng titan, Calibre 5200 xử lý NAC và con lắc khắc hình Everest.

Bấm giờ kép / Split-seconds chronograph

Đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của chronograph, Vacheron Constantin cũng đồng thời hoạt động trong lĩnh vực của cơ chế đếm giờ kép. Có thể lấy ví dụ về một đơn hàng năm 1889 – một chiếc đồng hồ bấm giờ kép được gửi đến Buenos Aires theo yêu cầu của một người đam mê môn đua ngựa với đòi hỏi từ người đặt hàng về sự xuất hiện của một kỵ mã tráng men trên mặt sau của lớp vỏ mạ bạc.

Vào thời điểm đó, cái tên Vacheron Constantin đã được biết đến rộng rãi vượt ra khỏi biên giới Thuỵ Sĩ, gắn liền với các sản phẩm thể hiện chuyên môn tuyệt vời và độ hoàn thiện mẫu mực.

Đặc biệt tại Hoa Kỳ, nơi John Magnin – đại diện chính thức của Maison tại Bắc Mỹ – đã khai trương cơ sở vào năm 1831. Kể từ đó, các tạo tác cơ khí của thương hiệu đã hoàn toàn chinh phục trái tim của người Mỹ, bao gồm các nghệ sĩ, nhà tài phiệt và nhiều người khác. Vào năm 1904, tài phiệt công nghiệp John Davidson Rockefeller đã mua lại ba chiếc đồng hồ bỏ túi với cơ chế phức tạp của Vacheron Constantin, tất cả đều là những mẫu chronograph: hai chiếc bằng vàng với tính năng đếm giờ kép, và một chiếc với bộ điểm chuông theo phút.

Chuyên môn chế tác những mẫu đồng hồ phức tạp và siêu phức tạp từ đầu thế kỷ trước đã khiến Maison liên tục được yêu cầu sản xuất các mẫu đặc biệt. Trong bối cảnh này, cần nhắc lại rằng các mẫu Grand Complication luôn phải được tích hợp cơ chế tính giờ quãng ngắn, đặc biệt trong hình thái bấm giờ kép. Một ví dụ sang trọng: chiếc đồng hồ dành cho Vua Fouad 1 vào năm 1929 bởi cộng đồng người Thuỵ Sỹ tại Ai Cập, thể hiện một kỳ công kỹ thuật ấn tượng. Điều này một lần nữa tái hiện trong chiếc đồng hồ được Vacheron Constantin chế tác 17 năm sau cho con trai ông – Vua Farouk – kết hợp 14 tính năng phức tạp, bao gồm bấm giờ kép.

Mẫu Ref. 57260, được tạo ra để kỷ niệm 260 năm thành lập Maison vào năm 2015, là thành tựu tối thượng của cách tiếp cận này. 57 cơ chế phức tạp, bao gồm một bộ bấm giờ kép với hiển thị kim hồi kép, một hình ảnh làm choáng ngợp ngành chế tác đồng hồ khi lần đầu giới thiệu hai kim giây quét qua các bộ đếm riêng biệt.

Chuyên môn về chế tác các cơ chế phức tạp của Vacheron Constantin không chỉ giới hạn trong những tạo tác độc nhất vô nhị. Sự tích hợp các bộ máy bấm giờ kép, một cấu trúc cơ khí đầy tinh tế và phức tạp, cũng có thể được bắt gặp trong các bộ sưu tập đương đại của thương hiệu. Đáng chú ý là trường hợp của Calibre 3500, một kiệt tác kỹ thuật, lần đầu xuất hiện ở vị trí trung tâm của một chiếc đồng hồ trong BST Harmony, ra mắt vào năm 2015 để đánh dấu kỷ niệm 260 năm thành lập Vacheron Constantin. Cũng chính Calibre 3500 này sẽ xuất hiện trong chiếc đồng hồ Traditionelle bấm giờ kép siêu mỏng ra mắt năm 2021.

Thiết kế đặc biệt của nó – với roto ngoại vi được gắn trên các ổ bi, khiến bộ máy tự động siêu mỏng này trở thành một trong những bộ máy mỏng nhất sở hữu cơ chế phức tạp này (5,2 mm), cho phép độ dày tổng thể của đồng hồ chỉ dừng ở con số 10,72mm. Được thiết kế dựa trên truyền thống sản xuất đồng hồ lâu đời với các kẹp và hai bánh xe cột, bộ máy này vẫn chứa đựng những phát triển kỹ thuật mới nhất, đáng chú ý là khả năng kích hoạt chronograph trơn tru và khả năng đọc thời gian nhanh chóng với kim phút dạng kéo. Thế giới của nghệ thuật chế tác đồng hồ, với Vacheron Constantin, là một thế giới luôn phát triển với những nghiên cứu và đổi mới.

Chuyên môn đặc biệt này cũng được minh hoạ bởi chiếc Les Cabinotiers Grande Complication bấm giờ kép – Tempo ra mắt năm 2020, kết hợp cơ chế bấm giờ kép với những cơ chế siêu phức tạp khác như lịch vạn niên, một vài cơ chế thiên văn học, tourbillon và bộ điểm chuông theo phút. Chiếc đồng hồ đeo tay hai mặt phức tạp nhất mà Vacheron Constantin từng chế tác này, thực sự là một dàn giao hưởng cơ khí tuyệt mỹ, với một bộ máy cơ khác thường có tới 24 cơ chế và 1,163 chi tiết.


 
Back to top