ART & CULTURE

WOMEN OF LUXUO: Không gian nghệ thuật không giới hạn của NSND Lê Khanh

Sep 28, 2021 | By Nguyen Huu Hon

Nữ diễn viên, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh dường như luôn biết cách khiến khán giả bất ngờ bởi những sự “thoắt ẩn thoắt hiện” của chị với điện ảnh, bởi những vai diễn biến hóa liên tục.

Ảnh: Đẹp Magazine

Không ai có thể đoán được những vai diễn tiếp theo của Lê Khanh thế nào, ở đâu, trên một cuốn phim màn ảnh rộng hay trên sân khấu kịch, ở Hà Nội hay ở Sài Gòn, nhưng cũng vì thế Lê Khanh để lại một dấu ấn không thể xóa nhòa trong lòng công chúng. Ngày tôi phỏng vấn chị ở sảnh Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, nơi chị đang trong giai đoạn tập một vở kịch mới sắp công diễn, hai cô cậu sinh viên đại học tiến đến chào Lê Khanh “Cháu rất thích cô và những bộ phim của cô, cô cho chúng cháu chụp một tấm hình kỉ niệm được không ạ?” Lê Khanh mỉm cười vui vẻ chụp ảnh cùng hai “fan” hâm mộ trẻ tuổi. Và đúng là chị vui thật, đó là niềm vui hàng ngày, niềm vui của một người nghệ sĩ luôn tận tâm và luôn sôi sục làm mới…

Sự nghiệp của Lê Khanh có lẽ không thể tách rời khỏi điện ảnh và sân khấu. Chị cân bằng giữa điện ảnh và sân khấu thế nào?

Nó giống như cha với mẹ, tôi phải có cả hai thì mới có một đời sống trọn vẹn. Tôi cho đó là một khái niệm vừa rộng, vừa ý nghĩa, vừa rất là hẹp. Hẹp hơn khi nói về ngành nghề, nó giống với hai không gian nghệ thuật khác nhau. Có một lợi thế đó là, trào lưu điện ảnh lên thì mình tập trung vào điện ảnh, trào lưu sân khấu lên thì mình tập trung vào sân khấu. Tôi luôn có đất, có cơ hội để tận dụng vùng đất màu mỡ đấy. Bên cạnh đó, sự cân bằng đó cũng rất quan trọng đối với biên độ sáng tạo. Đó là không gian của hai loại hình nghệ thuật khác nhau. Một cái là cuộc sống, thiên nhiên, gần hơn với khái niệm tâm lý hiện thực. Sân khấu thì hơi đối cực với cái thật của điện ảnh, nó có tính ước lệ, và nó như một trò chơi sáng tạo bất tận. Tôi ở trên sân khấu như cá gặp nước, như được bơi ngoài biển, được khám phá khu rừng rậm đầy huyền bí, được leo núi. Tôi không chỉ hóa thân vào những nhân vật có thực trong đời sống, mà đôi khi còn siêu thực vì nghệ thuật sân khấu mang tính ước lệ. Tôi có thể làm cả người, cả vật, cả cây cối, cỏ hoa. Nó cân bằng ở khái niệm đấy. Khi ta cảm thấy nhàm chán, bế tắc ở sân chơi này thì ta đi sang một sân chơi khác. Nó tự do, khoáng đạt, đúng nghĩa là bất tận.

Điện ảnh thì rõ rồi, nhưng với sân khấu, dường như đó không phải loại hình nghệ thuật rất phổ biến? Chị có suy nghĩ như thế nào về sự tương tác của diễn viên với khán giả xem ở hai loại hình nghệ thuật này?

Trong điện ảnh, nó chỉ đông đá lại, đóng khung lại thành một bức tranh như thế để ghi lại được thời khắc, sự sống và lịch sử. Người ta giở bộ phim ra, người ta lại nhớ lại từng có một thời như thế. Còn sân khấu không giống vậy. Mỗi một đêm diễn sẽ mang tới một tác phẩm hoàn toàn độc lập, ngày càng mới. Đôi khi cái mới của ngày hôm nay, năm năm sau diễn lại vấn đề đó, cái chân lý đó đã thay đổi rồi; Điện ảnh có vẻ biên độ phổ cập rộng lớn, phủ khắp. Khiến diễn viên dễ nổi tiếng, người ta dễ tiếp cận tới nhân vật và dễ xem lại. Mình được xem lại bộ phim từ nhiều năm trước nếu có được dữ liệu. Không có gì lung linh sống động hơn khi được xem lại một quãng đời. Thế giới như thế này, con người như thế nọ, nó là tư liệu về sự sống. Còn ở trên sân khấu lại mang sự ma mị khác. Con người không phải tiếp xúc với máy móc, ống kính giống như điện ảnh. Năng lượng giữa những con người thật truyền trực tiếp cho nhau. Thứ điện năng kết nối giữa người với người là thứ điện ảnh không có được. Trong một nhà hát, có thể người tham dự không biết đến nhau nhiều, nhưng họ cùng cộng hưởng một trạng thái cảm xúc thống nhất. Có những đêm họ cùng nồng nhiệt với mình, xúc động, thổn thức và ngưng lặng cùng với diễn viên. Có những đêm thì ngược lại, họ phản ứng ngay tức thì và có cái gì dao động, họ không đón nhận và cùng hiểu với mình. Trong một lượng khách tối thiểu 2.000 người một đêm, nhưng mà họ rất đồng nhất với nhau. Cái điện nó tác động lên nhau. Tôi khi diễn trên sân khấu như quên hết mọi sự đời. Tôi nghe được tiếng tim khán giả đập, biết được họ thổn thức và cựa mình. Mỗi một đêm là một tác phẩm mới. Vì khán giả cùng với mình nhìn nhận lại một vấn đề, khái niệm mới. Cho nên, khán giả ở sân khấu có thể được gọi là những người đồng sáng tạo.

Trong tất cả những nhân vật mà Lê Khanh từng đóng, nhân vật nào chị tâm đắc nhất?

Tôi thường hay nói vui là thấy chán câu hỏi này, vì cơ bản người nghệ sĩ không có khái niệm về vai hay nhất hay đỉnh cao sự nghiệp. Cái nghề này nó nhọc nhằn, nghiệt ngã, truân chuyên vì chính khái niệm đấy. Lấy một ví dụ cho bạn hiểu, sau 20 năm “gác kiếm” với điện ảnh tôi trở lại Gái già lắm chiêu 3, rất là bất ngờ vì được mọi người đón nhận như một “gái già’, một giang hồ nghệ thuật và cũng rất vui vì tôi đã góp phần vào doanh thu đỉnh của năm trước. Được như thế thì mình có vui không? Trên cả vui, mình bàng hoàng. Nhưng ngay sau giây phút đó là những câu hỏi, trời ơi ngày mai tôi đóng vai gì? Nó có thành công như thế hay là thất bại? Nghệ sĩ luôn luôn là như thế. Họ chỉ có thể nói là, cuộc đời tôi đã rất hạnh phúc. Sinh ra thì tôi chỉ có một đời sống là tôi thôi, tôi là Lê Khanh, con bố ấy, mẹ ấy, từng sống ở đâu, tôi bao nhiêu tuổi. Ngoài ra, đó chính là cái series nhân vật, series cuộc đời của nhân vật.

Cái sung sướng của người nghệ sĩ chính là có cơ hội được sống rất nhiều cuộc đời. Trong thế giới hiện đại, con người bắt đầu tin vào khái niệm tâm linh, bởi vì tin nên họ bắt đầu sợ. Vì thế họ luôn cố gắng sống tốt, sống để đầu thai được làm kiếp người. Trong nghệ thuật, tôi có phải đợi bao nhiêu kiếp để làm kiếp người đâu. Tôi đóng phim điện ảnh từ khi 8 tuổi rưỡi, bộ phim Hai người mẹ, nói về mối quan hệ thân thiết, gắn bó của VN và Lào trong thời chiến, nuôi con cho nhau… Năm 15 tuổi rưỡi, bắt đầu được đóng vai thiếu nữ trưởng thành, biết yêu đương, biết trăn trở, dám dâng hiến tuổi trẻ để góp phần vào chiến thắng dân tộc. Cùng lúc đó, bắt đầu đồng hành song song giữa điện ảnh và sân khấu. Từ đó đên nay đã mấy chục năm rồi, biết bao nhiêu là kiếp người. giàu có, hèn có, tri thức có, vua chúa có, anh hùng có, dân thường có, phụ nữ yếu đuối và ngược lại cũng có,…Tôi đã diễn vai Lý Chiêu Hoàn với cái tâm của người hiện đại, đôi mắt của người hiện đại. Khi tôi diễn những vai phản diện, những con người phải đi đồng nát mưu sinh, phải lươn lẹo, mưu mẹo. Thì trong cái sự châm biếm đó, cái đích cuối cùng vẫn là cho khán giả thấy được cái đẹp. Mỗi một vai diễn với tôi là một bài học. Mình vừa lớn lên, vừa thanh lọc được con người mình.

Diễn viên Kathy Nguyễn từng chia sẻ, điều bạn học được từ chị và những diễn viên gạo cội trong đó có diễn viên Lê Khanh trong quá trình làm phim Gái già lắm chiêu V, là việc mọi người rất tôn trọng kịch bản, bất kể cả tuổi đời và tuổi nghề? Giả dụ chị không đồng tình với lời thoại hay cách làm của đạo diễn, chị thường xử lý tình huống đó thế nào?

Ở ngoài đời tôi không ưa sự “chiến đấu”, rất ngại, vì đôi khi gặp phải những tình huống như vậy, tôi phải nhìn thấy những điều mình không muốn thấy. Tôi lại là người nhạy cảm, sẽ rất khó khăn để quên. Nhưng trong nghệ thuật tôi lại là một người chiến đấu rất ác liệt, và tôi đã từng có những bộ phim mình không thực sự thống nhất được với đạo diễn, tôi sẽ giải thích đến cùng, nhưng chỉ với những điều quá trái ngược với quan điểm hay logic của nhân vật mà mình nhìn thấy. Nhiều khi phải quay hai phiên bản của một phân đoạn, một theo ý đạo diễn, một theo ý diễn viên, rồi sau đó khi dựng đạo diễn có thể chọn lựa. Trên sân khấu cũng vậy, có lúc không thống nhất về phục trang, tôi sẽ tự nghiên cứu và tự làm. Với trường hợp Gái già lắm chiêu, đầu tiên đó là mối quan hệ chuyên nghiệp, chúng tôi tôn trọng quan điểm của đạo diễn, và tất cả đều xuất phát từ những sự phân tích và thống nhất từ trước. Điều này cũng tùy theo cá tính của đạo diễn nữa, ví dụ Bảo Nhân là một người rất chắc chắn, rất kĩ lưỡng ngay từ ban đầu, nên nếu làm khác đi sẽ khiến những mường tượng chặt chẽ của đạo diễn lệch lạc hết.

Sự nhạy cảm trong Lê Khanh đạt tới mức nào?

Đôi khi tôi cảm thấy mình không phải là một thực thể sống. Khi mà tôi khoác lên mình một bộ trang phục khác, là tôi sang một con người khác. Tôi càng suy nghĩ đến nhân vật, càng để ý, đau đáu về con người đó, tôi sẽ càng chạm được tới nhân vật. Cái đau đáu này không phân biệt đẳng cấp của nhân vật, hay thân phận. Bởi vì họ chung nhau khái niệm: họ là một con người. Vua chúa cũng có vấn đề của họ. Ngược lại những người lao động bình thường, họ lại hơn cả vua chúa,vv… Họ hơn về sự lạc quan, họ trong trẻo, thanh thản trong đời sống. Đôi khi họ ăn bánh giản dị, nhưng mà nó ngon làm sao. Có những người ngồi trước bàn sơn hào hải vị nhưng không thấy ngon. Càng ngày mình càng nhạy cảm hơn, vì mình đi nhiều hơn, biết nhiều hơn. Và tôi cũng rất nhạy cảm với nhân vật. Và sự nhạy cảm đấy giúp tôi khám phá được con người mình.

Chị nuôi dưỡng cảm xúc nhân vật như thế nào?

Một cách rất thực tế, tôi có mỗi một nghề, tôi chỉ sống bằng một nghề, vì thế tôi phải làm tốt, phải sáng tạo.

Nhiều người thấy Lê Khanh xuất hiện trong Gái già lắm chiêu đã rất bất ngờ, vì họ tưởng chị chỉ toàn đóng “phim nghệ thuật”?

Nghệ thuật luôn có rất nhiều thể loại, các bạn hôm nay thích thể loại phim bi, tâm lý, trinh thám, hành động, dã sử, viễn tưởng… nhiều thể loại như vậy cơ mà, vậy thì tại sao lại phải vẽ ra ranh giới của người nghệ sĩ như một cái hộp và khóa nó lại? Điều này rất phi tự nhiên. Ngày xưa tôi đã đóng vai liễu yếu đào tơ, rồi đến vai anh hùng, rồi lớn hơn và chững chạc hơn tôi được giao những vai lịch sử, xa hơn nữa, tôi được giao những vai “trái chất ngược chiều”, vai phản diện hay vai hài. Tôi còn nhớ hồi đóng chùm hài kịch “Đời cười” ở nhà hát Tuổi Trẻ, đó chính là tác động cuối cùng, điểm cộng cuối cùng mang cho tôi danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân trẻ tuổi nhất. Nhưng lúc đó cũng có nhiều người thắc mắc vì sao Lê Khanh đóng vai hài, nhưng hài là phương tiện tuyệt vời để châm biếm những thói hư tật xấu, những điều phi lý của cuộc đời, và nó cũng là loại hình thiết thực, mang đến niềm vui cho khán giả. Nói chung thể loại nào cũng có ý nghĩa, miễn là mình làm thế nào. Khái niệm phim thị trường ở đây chỉ là một định danh. Khái niệm này nên được hiểu rất rộng và rất đẹp, vì chinh phục được thị trường rất khó, còn khi đã chinh phục được rồi thì các bạn gửi gắm điều gì, mọi người cũng sẽ xem, nó không còn giới hạn đóng khung giữa các khái niệm nữa. Đây chính là không gian nghệ thuật thực sự.

Xuất hiện trong rất nhiều những tác phẩm điện ảnh và cả sân khấu kịch cả trong Nam ngoài Bắc, dường như chị luôn phải làm mới mình?

Có lẽ như vậy, mỗi khi ở Hà Nội thấy mình “hơi cũ cũ”, tôi lại bay vào trong Nam, tôi đứng chung sân khấu hay đóng phim điện ảnh cùng những người bạn đồng nghiệp ở miền Nam từ những năm 80. Tôi hay nói đùa mình luôn “chạy tung tăng” khắp nơi mọi nẻo đường của tổ quốc. Tôi vẫn giữ tiết tấu như vậy, tiết tấu của riêng mình, điều này khiến tôi rất vui. Ngay cả việc khoác lên mình một bộ trang phục khác, tôi cũng đã là một phiên bản khác của chính mình. Tôi luôn muốn sự chọn lựa của mình phải ngày càng thú vị và độc đáo, và để làm được điều đó thì phải có chữ “dám”: dám dấn thân, dám mạo hiểm, không sợ thất bại.

Cái đạo của những người làm nghệ thuật, nó không tỉ lệ thuận với đời sống đâu, nhân vật càng khó tôi càng tò mò, càng muốn khám phá. Khi không phải tìm hiểu, nghiên cứu hay hồi hộp với nó nữa thì chán lắm. Với tôi không gì “kinh khủng” bằng sự đều đều bằng phẳng. Thậm chí 6 năm trước tôi đi nước ngoài rất nhiều, đóng vai học viên chính thức, không một ai biết “hồ sơ” của tôi thế nào. Để tôi có thể quan sát, tò mò, học hỏi và tự trải nghiệm.

“Tung tăng” nhiều như vậy, chị có sợ không dành được nhiều thời gian bên gia đình?

Nhiều khi tôi không biết đây là sự may mắn hay thiệt thòi với gia đình mình. Ví dụ chồng tôi hay nói đùa với các con “Mẹ chuẩn bị vào nhân vật đấy,” mọi người trong gia đình đều hiểu có rất nhiều nhân vật trong tôi. Tôi thường nghĩ cách duy nhất mình có thể làm để lấp đi khoảng trống mỗi lần vắng nhà vì công việc: khi vắng nhà tôi phải làm việc tốt nhất có thể thì mới xứng đáng với sự vắng mặt của mình, xứng đáng với những người đang ở nhà phải gánh thay mình trọng trách.

Bài: Vân Anh


 
Back to top