Bay xa xỉ trên bầu trời châu Á (Kỳ 3): Giới tài phiệt châu Á và thói quen sử dụng chuyên cơ cá nhân
Sở hữu chuyên cơ cá nhân được coi là một dịch vụ xa xỉ được các nhà tài phiệt châu Á ưa thích từ đó thúc đẩy nhu cầu tăng cao.
Trung Quốc và Ấn Độ là hai thị trường sôi động tại châu Á khi giới tài phiệt không ngại chi tiền cho phi cơ cá nhân để du lịch hoặc phục vụ nhu cầu cá nhân.
Trung Quốc dẫn đầu với số chuyên cơ cá nhân
Theo Globe Jet Capital, người dân Trung Quốc đã chi tới gần 13 tỷ USD để mua 255 chiếc chuyên cơ riêng trong 5 năm vừa qua. Hai công ty từ Mỹ là GulfStream Aerospace và Business Jets được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ giới đại gia Trung Quốc. Tuy chỉ chiếm 7% tổng số chuyên cơ riêng trên toàn thế giới nhưng hiện nay, tại châu Á, Trung Quốc vẫn đang là đất nước đứng đầu xu hướng về dịch vụ hàng không thương gia với xu hướng sử dụng dịch vụ di chuyển cá nhân ngày một tăng bất chấp diễn biến phức tạp của đại dịch và suy thoái kinh tế.
Công ty môi giới Jet dự đoán, số lượng máy bay riêng của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng thêm 1% trong năm nay. Công ty cũng cho biết, đa số các khách hàng của họ là các hãng công nghệ đang phát triển. Greg Laxton – CEO của Boeing Business Jets cho biết, tại Trung Quốc, những chuyên cơ thân rộng với tầm hoạt động xa được chú trọng nhiều hơn với số lượng 29 trên tổng số 157 máy bay của hãng đang hoạt động tại Trung Quốc. Thị trường này vốn luôn dẫn đầu khu vực trong 5 năm nay.
Sử dụng máy bay cá nhân tăng cao tại Ấn Độ
Wadhwa, người đồng sáng lập công ty thuê tàu tư nhân BookMyCharters có trụ sở tại Mumbai cho biết, cuối năm 2021, lĩnh vực hàng không tư nhân của Ấn Độ đã bùng nổ khi những tầng lớp thượng lưu bỏ qua chuyến bay thương mại, chọn bay tư nhân trong bối cảnh đại dịch. Trong đó, nhu cầu đối với các loại chuyến bay thuê riêng đã tăng 75% đến 200% vào tháng 12/2021 kể từ tháng 10 năm 2020, sau khi Ấn Độ mở cửa trở lại. Theo nguồn tin trong ngành, đội bay hiện tại của Ấn Độ gồm 515 máy bay tư nhân, bao gồm 257 máy bay cánh cố định và 258 máy bay trực thăng, tăng 25% về quy mô.
Không những thế, những người giàu có nhờ sự phục hồi kinh tế cũng không ngại chi tiền để sở hữu chuyên cơ cá nhân. Với giá trị tài sản ròng 81 tỷ USD, Mukesh Ambani là người giàu nhất Ấn Độ và châu Á. Tính đến thời điểm hiện tại, ông là người giàu thứ 11 trên thế giới. Gia đình siêu giàu này hiện sở hữu cùng lúc ba máy bay riêng, gồm một chiếc Boeing Business Jet, một chiếc Falcon 900EX và một chiếc Airbus 319. Trong số 3 chiếc máy bay, Boeing Business Jet là chiếc nổi tiếng nhất, có giá lên tới 73 triệu USD, được trang bị phòng ngủ riêng và văn phòng điều hành sang trọng.
Đông Nam Á – điểm sáng mới của thị trường private jet
Trong đại dịch, tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn – chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương đã thuê chuyên cơ riêng cho con gái về Việt Nam cách ly, bất chấp thời điểm khó khăn khi đó với chi phí đắt đỏ. Bên cạnh đó, giới tài phiệt tại Việt Nam đã sở hữu máy bay cá nhân cách đây gần một thập kỷ phải kể đến Đoàn Nguyên Đức – ông bầu của đội bóng Hoàng Anh Gia Lai – người đầu tiên sở hữu máy bay riêng.
Năm 2015, câu chuyện đổi máy bay của ông được dư luận chú ý sau khi chiếc phản lực Legacy 600 được thay thế cho chiếc Beechcraft King Air 350 quen thuộc. Sau bầu Đức, ông chủ Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long là doanh nhân Việt thứ hai sở hữu máy bay riêng. Chiếc trực thăng thuộc mẫu EC 135P2i của vị này về đến Việt Nam vào năm 2010. Chiếc máy bay trực thăng đầu tiên mà ông Long sở hữu thuộc mẫu EC 135P2i đã được đưa về Việt Nam với giá mua ban đầu lúc đó vào khoảng 3 triệu USD, cộng các loại thuế và chi phí phát sinh, chi phí mua lên gần 5 triệu đôla Mỹ (tương đương 96 tỷ đồng).
Tại Philippines, nhiều đại gia sở hữu máy bay, trực thăng riêng. Chavit Singason, Chủ tịch Tập đoàn LCS sở hữu chiếc Boeing 737 mà ông thường sử dụng trong các chuyến công tác. Willie Revillame, người dẫn chương trình Wowowin cũng mua một chiếc máy bay 30 chỗ vào năm 2011 với giá 200 triệu Php (tương đương với 90 tỷ đồng). Máy bay riêng của Willie cũng được các ông trùm kinh doanh thuê với giá 500.000 Php (225 triệu đồng) cho mỗi chuyến khứ hồi. Siêu sao nhạc POP Justin Bieber thậm chí đã từng mượn máy bay của Willie vào năm 2013 khi anh ta đến Tacloban để thăm những người còn sống sót và Typhoon Yolanda.
Nhiều đại gia khác ở Philippines như Thượng nghị sĩ Pacquiao hay nữ diễn viên Barretto Gretchen cũng sở hữu những chiếc máy bay và trực thăng riêng nhằm phục vụ mục đích công tác, du lịch…. Vào tháng 1 năm 2017, Gretchen đăng lên Instagram một bức ảnh về việc cô đã sử dụng máy bay riêng của mình trong một chuyến công tác tới Đài Loan.