Giới tinh hoa toàn cầu nói gì về Elon Musk?
Vắng mặt tại DealBook Summit 2024, Elon Musk trở thành chủ đề thảo luận giữa các tỷ phú, CEO và giới tinh hoa chính trị tại hội nghị.
Trong vài tháng qua, Elon Musk đã trở thành cố vấn chính trị và thân tín của Tổng thống đắc cử Donald Trump, đồng thời là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho chiến dịch tranh cử của Trump với khoản đóng góp lên tới khoảng 119 triệu USD. Mặc dù CEO của Tesla vắng mặt tại DealBook Summit năm nay, các cuộc trò chuyện vẫn xoay quanh vai trò mới nhất của ông, khi người dẫn chương trình và sáng lập của DealBook, Andrew Ross Sorkin, đã đặt câu hỏi về Elon Musk với hầu hết các khách mời.
Phản ứng về vai trò mới của Musk với vị trí đồng lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ rất đa dạng, từ sự lạc quan thận trọng cho đến thái độ hoàn toàn thờ ơ.
Nhận định tích cực
Ken Griffin, tỷ phú quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà tài trợ của Đảng Cộng hòa, đã ca ngợi khả năng kinh doanh của Elon Musk. “Ông ấy điều hành Tesla và SpaceX xuất sắc tới mức có rất ít công ty có thể sánh kịp,” Griffin nhận xét. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ sự hoài nghi về khả năng tác động của Musk đối với chi tiêu liên bang. Cụ thể, Griffin cho biết, “Ông ấy sẽ phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt rằng việc cắt giảm ngân sách, dù chỉ ở mức tối thiểu, cũng sẽ rất khó khăn và không được lòng dân”.
Sam Altman, CEO của OpenAI và từng có mâu thuẫn cá nhân lẫn pháp lý với Musk, cũng khen ngợi tài năng kinh doanh của vị CEO Tesla. “Trong khi phần lớn thế giới lúc đó chưa nghĩ tới những điều quá lớn lao, ông ấy đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người, kể cả tôi, để có những suy nghĩ và tham vọng cao hơn rất nhiều,” Altman chia sẻ về người đồng sáng lập OpenAI. Dù cảm nhận của Altman về Musk đã thay đổi, ông nhấn mạnh rằng Musk sẽ không lợi dụng mối quan hệ chính trị để trục lợi cá nhân.
Jeff Bezos, người sáng lập Blue Origin và là đối thủ trực tiếp của SpaceX, cũng đồng tình rằng mối quan hệ của Musk với Trump không đáng lo ngại. Ông chia sẻ, “Tôi tin vào những gì đã được tuyên bố, rằng Musk sẽ không sử dụng quyền lực chính trị để tạo lợi thế cho công ty mình hay làm hại các đối thủ. Chúng ta hãy hy vọng rằng những lời tuyên bố đó là đúng, rằng mọi thứ sẽ diễn ra minh bạch và vì lợi ích công chúng.”
Trong khi đó, Sundar Pichai, CEO của Alphabet, nhận xét rằng công ty xAI về trí tuệ nhân tạo của Musk là một đối thủ đáng gờm “dựa trên bề dày thành tích của Elon Musk.”
Nhận định thờ ơ
Những nhân vật có kinh nghiệm chính trị, như Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell và cựu Tổng thống Bill Clinton, tỏ ra ít quan tâm đến vai trò mới của Elon Musk.
Powell bày tỏ sự tự tin vào tính độc lập của Fed, dù Musk từng công khai ủng hộ ý tưởng đặt ngân hàng trung ương dưới sự kiểm soát của tổng thống.
Về phần mình, Clinton gần như hoàn toàn gạt bỏ tầm ảnh hưởng đang tăng lên của Musk, kể cả việc ông xuất hiện trong cuộc gọi giữa Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy. “Chiêu trò của Trump là làm như thể mọi quy tắc và hệ thống chẳng có ý nghĩa gì cả,” cựu tổng thống nhận xét. “Trở thành người giàu nhất thế giới quan trọng hơn bất cứ điều gì khác đối với ông ấy. Đó là điều ông ta coi trọng. Chẳng có gì đáng bàn,” Clinton nói thêm.
Elon Musk không chỉ là một doanh nhân xuất sắc mà còn là một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong cả lĩnh vực công nghệ và chính trị. Dù vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều, ông vẫn được xem là biểu tượng của tham vọng và quyết đoán. Tại DealBook Summit năm nay, dù vắng mặt thì người giàu nhất hành tinh vẫn là cái tên được nhắc đến nhiều nhất, chứng minh rằng ảnh hưởng của ông vượt xa khỏi giới hạn của những thành công tài chính hay công nghệ.