Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim-Khôi: “Đại gia Việt bắt đầu biết chơi tranh”
Có lẽ bây giờ, Ngô Kim-Khôi thích người ta gọi mình là nhà nghiên cứu mỹ thuật nhiều hơn dù ông đã gắn bó với thời trang cao cấp suốt hơn 25 năm. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra ở Sài Gòn, và thay vì hồi tưởng lại sự nghiệp thời trang, tôi muốn phác họa chân dung Ngô Kim-Khôi nghiêng hẳn về Mỹ thuật.
Xuất hiện bất cứ đâu, Ngô Kim-Khôi cũng nở nụ cười ấm áp. Ngồi với chúng tôi trên tầng thượng rợp bóng mát của tòa nhà bốn tầng mà mẹ con ông đang ở, ông lại mỉm cười bảo: “Chú không cười không chịu được đâu”. Đó không phải là một câu nói đùa! Nụ cười ấy phác họa phóng túng nét tính cách “ruột để ngoài da” và chân tình của người Sài Gòn nói chung và Ngô Kim-Khôi nói riêng, mặc dù ông là người gốc Bắc.
Ngô Kim-Khôi cũng đang ấp ủ ước mơ một ngày nào đó sẽ ra mắt tác phẩm về cố họa sĩ Nam Sơn lừng danh.
Ông mân mê album ảnh đen trắng được gìn giữ cẩn thận trong tay. Quyển album dày cộm, lưu trữ nhiều bức ảnh quý giá của gia đình và những người thân, người bạn. Ông nâng niu những kỷ niệm trong tay, cẩn thận giở từng trang một, rồi bảo tôi: “Đây là mẹ chú, đây là ông ngoại Nam Sơn, đây là cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà văn Nam Cao, thầy Thích Nhất Hạnh,…”
Họ hàng, gốc gác của ông đều là trí thức và nghệ sĩ. Ngô Kim-Khôi cũng đang ấp ủ ước mơ một ngày nào đó sẽ ra mắt tác phẩm về cố họa sĩ Nam Sơn lừng danh.
Đang ở đỉnh cao trong sự nghiệp nhà dựng mẫu, điều gì khiến ông rẽ hẳn sang lĩnh vực Mỹ thuật? Liệu đó có phải là quyết định có sự dàn xếp từ trước?
Tôi nghĩ, đến một lúc nào, khi bạn nhận ra mình chỉ còn một quãng thời gian để làm việc, bạn sẽ bù đắp vào khoảng trống còn lại bằng niềm đam mê thật sự của mình.
Quay ngược thời gian vào năm 1984, lần đầu tiên tôi đặt chân đến kinh đô thời trang Paris. Mọi bỡ ngỡ đổ dồn về tâm trí. Bản thân mình lúc ấy chẳng khác gì một cây xanh vùng nhiệt đới lạc sang vùng ôn đới và cách duy nhất để tồn tại là bám víu thật chắc vào đất. Ước mơ duy nhất lúc ấy của Ngô Kim-Khôi là gia đình sum họp, giản đơn vậy thôi.
Người Việt ở Pháp nếu khéo tay, họ có thể may vá hay thêu thùa. Chính vì vậy, một người nọ mới khuyên tôi phải có cái nghề như kế sinh nhai. Rồi tôi cũng đi học may, bởi ngoài may, cũng không có lựa chọn nào tốt đẹp hơn. Kỳ lạ thật, trời ban cho tôi 10 ngón hoa tay, vẽ hay may, tôi đều thực hành khéo léo.
Khi con người ta đã đủ đầy tiền bạc, có nhà có cửa, có tất cả mọi thứ, họ bắt đầu nghĩ đến đam mê của mình. Tôi là một người như vậy.
Nhà mốt Hermès năm đó tuyển dụng, tôi ứng tuyển, và bất ngờ, họ chọn tôi thay vì những người còn lại. Tôi nghĩ, có lẽ sản phẩm của tôi hợp ý họ. Tôi cũng biết đàn, biết hát, tâm hồn nghệ sĩ “lộng gió” ắt phần nào giúp ích trong công việc. Kể từ ngày định mệnh ấy, tôi bước chân vào ngưỡng cửa thời trang cao cấp.
Thời trang đơn giản chỉ là lĩnh vực giúp tôi không phải lo nghĩ về chuyện tiền bạc và vật chất. Nhưng, thứ tôi đam mê từ những năm tháng tuổi trẻ đến hôm nay vẫn là mỹ thuật, chỉ có điều, tôi không nghĩ mình có thể sống bằng nghề ấy. Khi con người ta đã đủ đầy tiền bạc, có nhà có cửa, có tất cả mọi thứ, họ bắt đầu nghĩ đến đam mê của mình. Tôi là một người như vậy.
Là một người vừa thành công trong lĩnh vực thời trang, vừa thành danh trong lĩnh vực nghiên cứu Mỹ thuật, ông có nghĩ rằng tất cả là năng khiếu hay do quá trình tu tập?
Tôi nhớ rất rõ ràng rằng từ bé bản thân đã khéo tay. Ở độ tuổi lên 5, tôi đã hát và khiến cả nhà ngạc nhiên thốt lên “Ơ kìa, thằng bé hát hay thiệt”. Rồi ở tuổi 20, tôi vẽ chân dung mẹ bằng chất liệu lụa, chân dung ông ngoại Nam Sơn và nhiều bức chân dung khác nữa dù không qua trường lớp mỹ thuật nào. Mẹ từng có ý dẫn dắt tôi vào con đường văn chương, vì bà là giáo viên dạy bộ môn Văn. Ở nhà có vô số sách, tôi dành thời gian ngấu nghiến toàn bộ tác phẩm.
Tôi nghĩ những việc mình làm một phần nhờ năng khiếu nghệ thuật thiên bẩm. Bởi, có những người cố gắng lắm nhưng vẫn không thể thành công trong nghề.
Được biết, trong thời gian rẽ sang lĩnh vực nghiên cứu Mỹ thuật, ông đã ra đời tác phẩm Thang Trần Phềnh thu hút cộng đồng mỹ thuật quan tâm. Ông có thể chia sẻ thêm về quá trình nghiên cứu?
Tôi luôn ấp ủ ước vọng viết một cuốn sách về ông Nam Sơn. Trong thời gian tìm hiểu, quá trình nghiên cứu dạy cho tôi vô số điều, cái duyên đưa đẩy tôi tiếp cận nhiều tài liệu quý giá. Đam mê nghệ thuật ngày càng lớn lên.
Trường Mỹ thuật Đông Dương hồi đó được thành lập bởi ông Nam Sơn và Victor Tardieu, tôi cũng tìm thấy một phần hồ sơ của hai ông, gom gộp chúng lại, dành thời gian đọc và dịch ra. Trong số đó có rất nhiều thư từ của học trò gửi cho họa sĩ Victor Tardieu, các thông tin phần nhiều bằng tiếng Pháp chứ không phải tiếng Việt.
Trong quá trình nghiên cứu ông Nam Sơn, tôi phát hiện thấy những tài liệu khác viết về ông Thang Trần Phềnh, một người cùng thời với ông ngoại tôi. Cũng vì tài liệu Thang Trần Phềnh xuất hiện khá nhiều khiến tôi ra mắt cuốn sách này trước. Lúc ấy, gia đình của cố họa sĩ cũng tìm đến tôi, vì họ cũng mong muốn viết về cha ông nhưng tài liệu rất hiếm hoi.
Triết lý của một người đam mê nghiên cứu Mỹ thuật như ông là gì?
Triết lý trong nghiên cứu Mỹ thuật cũng giống như công việc dựng mẫu thời trang vậy. Hồi còn làm việc cho nhà thiết kế tài năng John Galliano, ông ấy đã bảo tôi: “Thời trang cao cấp được đo bằng từng milimet”. Sự tỉ mỉ, chi tiết khiến sản phẩm tốt lên và cũng chính vì tính tỉ mỉ ấy giúp tôi nhìn được cái mà người khác không nhìn ra được.
Một người coi trọng tiểu tiết không có nghĩa là người xét nét, vì kẻ xét nét thì không có khả năng nhìn ra những tiểu tiết.
Trong nghiên cứu cũng có những chi tiết vô cùng quan trọng, khi mình đọc câu văn nào đó, mình phải biết ngoài nghĩa đen thì còn ẩn ý nào nữa hay không. Bạn phải biết đọc giữa hai dòng chữ, như trong một ngạn ngữ Pháp đã nói “il faut savoir lire entre les lignes”. Thời trang dạy cho tôi bài học chi tiết, để khi nhận định hay viết một cái gì, bản thân không bao giờ bỏ qua chi tiết nhỏ. Bởi, phải có tiểu tiết thì mình mới sáng tạo được tác phẩm lớn hơn, và tập trung vào chi tiết giúp mình nhận xét tinh vi hơn.
Một người coi trọng tiểu tiết không có nghĩa là người xét nét, vì kẻ xét nét thì không có khả năng nhìn ra những tiểu tiết.
Bước vào lĩnh vực nghiên cứu mỹ thuật, ắt hẳn nhiều người tìm đến ông để xin lời tư vấn?
Thoạt đầu, tôi tìm đến họ nhiều hơn. Chẳng hạn, tôi từng gặp gỡ họa sĩ Lê Phổ vài lần để trao đổi về vấn đề mỹ thuật . Ông là một trong số ít những họa sĩ Việt Nam có tranh đấu giá cán mức 1 triệu USD.
Ngày xửa ngày xưa, trước 1954, có những nhà sưu tranh nổi tiếng như Đức Minh, Phạm Văn Bổng (Bổng Hàng Buồm), Nguyễn Bá Đạm (Giáo Đạm)… Đất nước sau đó trải qua thời kỳ chiến tranh khốc liệt, hoàn cảnh khó khăn khiến con người phải lo toan vật chất, không còn tâm tư cho thú vui xa xỉ là sưu tập tranh.
Người giàu bắt đầu “chơi tranh” nhưng không mấy người nhìn ra đâu là tranh giả, đâu là tranh thật. Thế nên, họ mới cần tìm đến những người như tôi.
Nhưng những năm gần đây, người ta bắt đầu tìm đến tôi để xin lời khuyên, cố vấn trong lĩnh vực mỹ thuật. Một số người gọi tôi bằng “thầy”, hỏi “thầy ơi, mua tranh này được không?” (Cười).
Trước đây, nhiều đại gia hãy còn treo tranh 3D trong nhà nhưng bây giờ, người ta nghĩ nhiều đến mỹ thuật chân chính. Người giàu bắt đầu “chơi tranh” nhưng không mấy người nhìn ra đâu là tranh giả, đâu là tranh thật. Thế nên, họ mới cần tìm đến những người như tôi.
Gần đây ở Pháp có buổi đấu giá quan trọng, họ mời tôi đến thẩm định tranh ông Nam Sơn. Sau đó, bức tranh ấy được bán ra với giá 12 tỷ VNĐ. Khi kể chuyện này cho người Việt nghe, nhiều trong số họngạc nhiên và hoảng hốt vì không tin vào tai mình.
Để thẩm định được đâu là tranh thật, tranh giả, ông đã học hỏi như thế nào?
Thẩm định là một quá trình học hỏi lâu bền. Tôi đã sống gần bốn thập niên tại Pháp và may mắn, ở đó có rất nhiều bảo tàng và tranh thật cũng rất nhiều ở đất nước này. Tôi đi bảo tàng thường xuyên để xem tranh, và khi đã quen thuộc với những bức tranh thật thì cái gì giả dối sẽ lộ ra.
Kể chuyện về tranh giả, tranh thật, một số bức tranh Mỹ thuật Đông dương đem ra bán nhưng bị quy vào tranh giả. Người Việt mình đang tự hại mình vì toàn bộ tác phẩm giả ấy đều do người Việt sáng tác.
Từng ra các tác phẩm nghiên cứu về họa sĩ Thang Trần Phềnh, những bài viết về Lê Huy Miến, Nam Sơn, Giải thưởng Đông Dương, Trường Mỹ Thuật,… năng suất làm việc của ông dường như rất mãnh liệt. Ông có thể chia sẻ bí quyết?
Chỉ có sự đam mê! Khi viết, tôi không thể dứt ra được. Và khi vẽ, tôi không thấy thời gian đi qua.
Tôi nghiên cứu và làm việc chậm rãi, tỉ mỉ vì “bút sa gà chết”, tôi sợ cho bản thân tôi và cho gia đình của mình. Tai tiếng không chỉ mình mình chịu mà còn ảnh hưởng đến người thân và dòng họ nữa.
Ở tuổi 61, tôi cũng đi tập gym mỗi ngày hai lần, có sức khỏe mới có thể làm việc.
Công việc nghiên cứu đòi hỏi tập trung, tĩnh tâm, như ông chia sẻ là không chơi như hồi còn trẻ nữa. Nhưng, ông ắt hẳn cũng làm việc hoặc giao lưu cùng nhiều nhà nghiên cứu khác? Ông có nhận xét gì về mỹ thuật Việt Nam?
Mỹ thuật ở Việt Nam khá khó khăn bởi vấn nạn tranh giả khiến ngành không lên cao được như các nước Đông Á, trong khi đó, người Việt mình lại vẽ rất giỏi. Nhưng so với trước kia Mỹ thuật là điều gì đó hết sức xa xỉ thì bây giờ, người Việt ngày càng sống có gu hơn, họ bắt đầu không ngại đầu tư vào những bức tranh giá trị. Đó là cơ hội để Mỹ thuật nước nhà phát triển theo hướng tích cực.
Ngoài công việc viết lách, nghiên cứu, tôi cũng là giám đốc mỹ thuật cho quỹ đầu tư Mỹ thuật Thiên Minh với mục đích giúp những nghệ sĩ Việt Nam có tiếng nói và môi trường sáng tạo trong lĩnh vực mỹ thuật.
Trong suốt quãng đời mình, ai là người có sức ảnh hưởng nhất đối với ông?
Không ai khác ngoài mẹ tôi.
Từ mới lọt lòng đến giờ, hai mẹ con hợp nhau đến nỗi chuyện gì cũng có thể kể cho nhau nghe. Hồi đó sang Pháp, cứ mỗi tuần tôi viết cho mẹ một lá thư dài hàng chục trang dù phải đến mấy tháng sau, mẹ mới nhận được. Có những lúc, tình yêu không được trọn vẹn trong đời, tôi xin lời khuyên của mẹ. Bà ấy nhắn: “Bây giờ con có thể đau khổ đến chết đi được nhưng vài ba năm sau, con sẽ tự cười mình và thấy rằng nó không hề xứng đáng”. Và như mẹ đã dặn, sau hai hay ba năm, tôi thấy đau khổ ấy không xứng đáng chút nào.
Ông có lời khuyên nào dành cho những người trẻ bước chân vào ngành mỹ thuật nói chung và nghiên cứu mỹ thuật nói riêng?
Mỹ thuật là vẻ đẹp của tâm hồn, phải chân thành với nó thì bạn mới có thể gặt hái được kết quả tốt đẹp.
Cám ơn ông vì cuộc trò chuyện thú vị này!