Art Republik Next Gen: Góc nhìn về giới nghệ sĩ mới từ 4 vị giám khảo
Dự án Art Republik Next Gen gồm hai phần: “The List” – vinh danh 16 nghệ sĩ Next Gen có ảnh hưởng và “The Contest” – tìm kiếm 04 chân dung nghệ sĩ và cây bút nghệ thuật nổi bật. Chúng tôi vừa có cuộc trò chuyện sâu sắc với bốn vị giám khảo để hiểu hơn về nhận định của họ về dự án thú vị này.
Ngô-Kim Khôi: Yếu tố “mới” quyết định tương lai nghệ thuật
Trong thế giới nghệ thuật, dù tinh hoa hay trường tồn như thế nào, thế hệ cũ vẫn phải trôi dần theo năm tháng. Lẽ tất nhiên, sức quyến rũ vẫn còn đó, nhưng lòng khao khát hướng về cái mới luôn hiện hữu trong con tim nhân loại.
Trong hành trình đi tới tương lai, yếu tố “mới” luôn là những xúc tác mạnh mẽ trong việc hình thành lịch sử nghệ thuật. “Mới” cũng là những nhân tố quyết định cho tương lai nghệ thuật, và theo luật đào thải tự nhiên, chỉ những cái “mới” nào có dấu ấn đặc trưng, dù le lói, mới có thể tồn tại.
Dự án Art Republik Next Gen là một dự án đáng mong đợi, nếu không nói là cần thiết cho việc cách tân nghệ thuật Việt Nam. Tôi hy vọng Art Republik Next Gen có thể khám phá ra những tài năng mới, tạo dựng một không gian mà nơi đó chúng ta có đủ điều kiện trao đổi kiến thức và kinh nghiệm, cũng là một môi trường nuôi dưỡng sự sáng tạo và phát triển nghệ thuật.
Nghệ sĩ luôn phải tạo cho mình những thách thức để mà hoài nghi. Nên lấy niềm hoài nghi để đặt những câu hỏi giúp cho bước đường nghệ thuật của họ vững chắc hơn.
Thứ trình chọn lựa từ “The List” đến “The Contest” có thể cho các giám khảo cơ hội tiếp cận một cách trực tiếp những phương pháp làm việc khác nhau của nhiều nghệ sĩ, từ cái nhìn tổng quan đến sự lựa chọn gay gắt hơn. Câu hỏi luôn là làm thế nào để tìm được những nghệ sĩ trẻ có sức sáng tạo mới mẻ, thực sự mong muốn có được sự thay đổi cho bản thân, dấn thân với nghệ thuật.
Thật sự mà nói, thị trường nghệ thuật nước ta không phải là không có, nhưng các nghệ sĩ vẫn đang tìm cho mình một con đường đi. Sáng tạo thì vô vàn, nhưng chúng ta đã trải qua một thời kỳ lạm dụng “đổi mới” để thương mại hoá tràn lan một cách vô tư, vô tội vạ, làm mất đi những tinh hoa cần thiết để nghệ sĩ có thể vươn lên.
Điều mong muốn lớn nhất của tôi là qua ngôn ngữ nghệ thuật, Next Gen Việt Nam có thể khám phá được những tài năng của thế hệ mới, tìm thấy được bản sắc “đặc biệt” vốn dĩ vẫn có sức hấp dẫn của nghệ thuật Việt nam, nhất là trong hội họa, để cảm thức thẩm mỹ tân tiến này có thể bức phá những kềm tỏa của hội họa thời Đông Dương hiện nay vẫn còn sừng sững như bức tường thách đố. Nghệ thuật cần có những bước ngoặc cách tân, và đây là cơ hội mà những ý kiến khác nhau cùng đi đến một mục đích chung : gây dựng thị trường nghệ thuật có một chân trời mới và đáng tin cậy hơn.
Lý Đợi: Bẻ gãy định kiến, các giới hạn đạo đức giả để sáng tạo mạnh mẽ nhất, sảng khoái nhất
Trong mọi lĩnh vực, “thế hệ kế cận” là điều đương nhiên, nhưng riêng trong văn hóa – nghệ thuật, để nhận diện ra thế hệ kế cận là điều rất mơ hồ, rất khó. Ai chịu làm thế hệ kế cận của ai là điều có thể bị phủ nhận, hoặc gây tranh cãi.
Việc mở ra dự án Art Republik Next Gen cũng là một cách nhận diện như vậy. Cách đây gần 90 năm, khi Phan Khôi in bài thơ Tình già trên Phụ nữ tân văn số 22 ra ngày 10/3/1932, ít ai nghĩ đây lại mở ra một cuộc tìm kiếm thế hệ kế cận cho thơ Việt. Hơn 8 tháng sau, tuần báo Phong hóa đăng lại bài thơ Tình già vào số Tết năm Quý Dậu, ra ngày 24/01/1933, văn đàn sau đó dậy sóng bởi những cuộc tranh luận mới/cũ, hay/dở, vị nghệ thuật/vị nhân sinh… để rồi phong trào Thơ Mới chễm chệ ra đời, thành một cột mốc xán lạn trong lịch sử thơ Việt.
Nếu Phan Khôi, rồi Hoài Thanh – Hoài Chân và những người cùng quan điểm với họ không có nỗ lực tìm kiếm thế hệ kế cận cho thơ Việt, thì cuộc cách mạng Thơ Mới khó mà nổ ra, dù người làm thơ mới hiện diện khắp nơi. Cho nên, những dự án như Art Republik Next Gen là cần thiết, còn tìm kiếm được gì, hiệu ứng tới đâu, thì còn tùy vào năng lực tổ chức, tùy thời cuộc của nghệ thuật và cả các may mắn khác nữa.
Bối cảnh nghệ thuật, thành tựu nghệ thuật và thị trường nghệ thuật có giao thoa với nhau đáng kể, nhưng cái riêng của mỗi phần cũng rất nhiều. Thị trường nghệ thuật có quy tắc và lối mòn riêng, đôi khi thế hệ quá cố, thế hệ cựu trào… lại giữ sức hút hoặc vai trò lớn hơn. Đơn cử như Lê Phổ (1907-2001), dù về cá tính sáng tạo và đóng góp cho lịch sử mỹ thuật không đặc sắc bằng nhiều tên tuổi khác, nhưng đang có sức hút mãnh liệt bậc nhất trên thị trường. Sức hút này cũng sẽ thay đổi theo thời gian, ví dụ hơn 20 năm trước, Bùi Xuân Phái (1920-1988) là ngôi sao chói sáng trên thị trường, nhưng bây giờ thì không còn nữa.
Cho nên việc nhận diện về của Next Gen Việt Nam, nếu thành công, là ở bối cảnh nghệ thuật, rồi một phần của thành tựu nghệ thuật. Còn họ có sức hút và tiềm năng ra sao với thị trường nghệ thuật, e rằng còn quá sớm và hơi khiên cưỡng khi đề cập. Đôi khi xét về lịch sử nghệ thuật, tiến trình nghệ thuật thì phải tạm quên khía cạnh của thị trường nghệ thuật.
Và ngược lại, khi xét về thị trường nghệ thuật, đôi khi phải tạm quên các khía cạnh về lịch sử nghệ thuật, về tiến trình nghệ thuật. “Mười bảy bẻ gãy sừng trâu”, với sức trẻ, nếu được mơ ước, thì mơ ước Next Gen Việt Nam sẽ bẻ gãy các định kiến, các giới hạn đạo đức giả để sáng tạo mạnh mẽ nhất, sảng khoái nhất.
Dzũng Yoko: Mong muốn nhìn ra được chất “Việt” trong tư duy sáng tạo
Tôi nghĩ Art Republik Next Gen là một dự án thú vị và ý nghĩa trong cộng đồng sáng tạo trẻ, và hy vọng các bạn sẽ có một sân chơi mới mẻ nhất trong giai đoạn cách ly và hậu cách ly này.
Đóng vai trò là giám khảo dự án, cá nhân tôi hy vọng tìm thấy những gương mặt trẻ thực sự có tài năng và những tác phẩm phản ánh suy nghĩ thực tế của giới trẻ hiện nay chứ không đơn thuần là duy mỹ, trong đó bao gồm sự hội nhập với trào lưu nghệ thuật thế giới và bản sắc Việt nữa.
Tôi tin rằng thế hệ nghệ sĩ trẻ sẽ luôn phản ứng thực trạng nghệ thuật của xã hội, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ sẽ tái cấu trúc thị trường vì nghệ thuật là sự kế thừa. Nhưng để nghệ thuật phản ánh được chiều sâu chứ không chỉ bề nổi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nền kinh tế hay sự tự do trong chính sách sáng tạo. Bằng cách đó, tôi hy vọng một thế hệ trẻ sáng tạo có chất riêng và nhìn ra được chất “Việt” trong tác phẩm và tư duy sáng tạo.
Andy Cao: Giữ cho tâm trí thật cởi mở
Nếu câu hỏi của bạn về việc Next Gen Việt Nam sẽ tái cấu trúc/định hình thị trường nghệ thuật ra sao thì tôi nghĩ, mình nên giữ câu trả lời cho đến khi chúng tôi chính thức đề cử những tài năng mới. Với tư cách là giám khảo, tôi nghĩ giữ cho tâm trí cởi mở là điều quan trọng trong lúc này thay vì hình thành ý tưởng và quan điểm định sẵn.
Art Republik Next Gen là dự án thú vị, và ra mắt đúng thời điểm. Cá nhân tôi mong chờ cơ hội khám phá những bất ngờ mới trong hành trình tìm kiếm tài năng của cả hai phần “The List” và “The Contest”. Sẽ thật thú vị khi chào đón làn sóng ý tưởng nguyên bản được thể hiện với tầm nhìn rõ ràng và độc đáo, đồng thời khám phá những tiếng nói mới sổi đầy sôi động, những người dẫn đường đến một tương lai nghệ thuật Việt phát triển hơn.
Hướng đến cộng đồng nghệ thuật tại Việt Nam, Art Republik Vietnam ra mắt dự án Art Republik Next Gen bao gồm hai phần: “The List” – vinh danh 16 nghệ sĩ Next Gen có ảnh hưởng và “The Contest” – tìm kiếm 04 chân dung nghệ sĩ và cây bút nghệ thuật nổi bật.
Tìm hiểu thêm về dự án tại: link