ART & LIFE

Nghệ sĩ Kato Tokiko: ‘Ở đâu có sự sống, ở đó có tiếng hát’

Apr 05, 2019 | By admin

Năm 1972, Trịnh Công Sơn thắng giải Đĩa vàng Nhật Bản cho ca khúc ‘Ngủ đi con’ (đã phát hành 2 triệu bản tại Nhật) và Kato Tokiko là người góp công nhiều nhất.

“Nếu được quyền trao giải Nobel, tôi sẽ trao cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hơn là Bob Dyland” – “tài sản quốc gia” Nhật Bản – nghệ sĩ Kato Tokiko nói trong cuộc trò chuyện, nhân chuyến sang Việt Nam, hát trong đêm nhạc 18 năm tưởng nhớ Trịnh Công Sơn.

Bà Kato Tokiko là ca sĩ, nhà soạn nhạc, nhà thơ và diễn viên nổi tiếng Nhật Bản; từng đạt nhiều huân chương, giải thưởng danh giá tại Nhật; được Chính phủ Pháp trao huân chương Chevalier (Kỵ sĩ) năm 1992. Ngoài nghệ thuật, bà còn là nhà hoạt động xã hội, là đại sứ đặc biệt của Quỹ Bảo toàn thiên nhiên Nhật và chương trình bảo vệ môi trường của Liên Hiệp Quốc.

Vì ngưỡng mộ Trịnh Công Sơn, bà từng nhiều lần đến Việt Nam để gặp ông lúc sinh thời. Bà chính là người dịch ca khúc Diễm xưa ra tiếng Nhật để trình diễn, phát hành hàng triệu bản đĩa tại thị trường Nhật Bản cũng như đưa nhạc Trịnh đi khắp thế giới. Năm 1972, Trịnh Công Sơn thắng giải Đĩa vàng Nhật Bản cho ca khúc Ngủ đi con (đã phát hành 2 triệu bản tại Nhật) và Kato Tokiko là người góp công sức nhiều nhất.

Nghệ sĩ Kato Tokiko – người phổ biến nhạc Trịnh tại Nhật. Ảnh: Gia Tiến

Mục đích của chiến tranh là gì?

Phóng viên: Được biết, bà sinh ra ở Harbin – một thành phố miền Đông Bắc Trung Quốc và gia đình bà là nạn nhân của chiến tranh. Câu chuyện cụ thể ra sao?

Nghệ sĩ Kato Tokiko: Đến bây giờ, khi nhắc hai chữ “quê hương”, tôi vẫn có một tâm trạng khá phức tạp. Harbin trước đây vốn không thuộc Trung Quốc. Gia đình tôi sống ở đó, do công việc của cha tôi. Năm tôi 2 tuổi, Harbin bị Trung Quốc chiếm. Kể từ đó, tôi không biết thực sự quê hương mình ở đâu. Gia đình tôi giống như dân tị nạn. Anh trai cả của tôi đã trở thành chỗ dựa cho cả nhà ở giai đoạn đầy mất mát đó.

Mãi hơn một năm sau khi Thế chiến II kết thúc, gia đình tôi mới có thể trở về Nhật Bản. Những di chứng sau chiến tranh không thể nào biến mất. Tôi từng tự hỏi, mục đích của chiến tranh là gì. Tôi nghĩ, chẳng đạt được cái gì cả. Những năm tháng đó ảnh hưởng rất lớn đến tôi và đều được phản ánh trong âm nhạc của tôi.

Bà từng mang tiếng hát để hàn gắn vết thương chiến tranh. Xin hỏi bà về “phức cảm xứ lạ” của những người lưu lạc, di tản trong chiến tranh; những người nhớ quê hương mà không thể về và cảm giác “đung đưa” giữa các nền văn hóa?

Tháng Sáu năm ngoái, tôi đến hát tại Sakhalin – một hòn đảo ở Nga, từng nằm dưới sự cai trị của Nhật cho đến khi Thế chiến II kết thúc, để dự một lễ hội liên kết giữa hai quốc gia – Năm của Nhật Bản tại Nga và Năm của Nga tại Nhật Bản. Nhiều người Nhật còn sống ở đó sau chiến tranh. Chúng tôi có nhiều điểm chung: đều phải sống xa quê hương, đều là những người sống sót ở vùng đất phía Bắc này, bất kể quê hương chúng tôi ở đâu, bất kể đất nước có tìm kiếm chúng tôi hay không. Họ cũng có những tâm trạng phức tạp như tôi vậy. Theo dòng chảy của thời gian, lịch sử đã sang trang, có thể, nhiều người không muốn nhắc về nó nữa.

Mẹ tôi đã bảo vệ được gia đình trong cuộc chiến đó và bà đã kể lại cho con cái nghe. Tôi luôn xem đoạn ký ức đó là một phần quan trọng, đặc biệt của mình. Song có rất nhiều người, họ đau thương quá, đến nỗi không thể kể lại cho con cháu. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng cái phức cảm xứ lạ, những ám ảnh, cảm giác “đung đưa” đó vẫn đeo bám dai dẳng. Tôi cảm thấy trong tôi có một tình cảm rất mạnh mẽ với những người trải qua khó khăn đó, nên tôi muốn hát để động viên tinh thần của họ.

Tôi từng tự hỏi, mục đích của chiến tranh là gì. Tôi nghĩ, chẳng đạt được cái gì cả. Những năm tháng đó ảnh hưởng rất lớn đến tôi và đều được phản ánh trong âm nhạc của tôi.

Nữ ca sĩ Tokiko Kato hân hoan giao lưu với khán giả tại đường sách Nguyễn Văn Bình.

Sự sống vẫn luôn tồn tại

Có người nói, chiến tranh là trò đùa của tạo hóa. Bà nghĩ sao?

Giống như lật một ván bài, thắng thì lật tiếp. Tôi đã từng phê phán cuộc chiến tranh thế giới đó. Lúc ấy, có lẽ, Nhật Bản cũng có một ảo tưởng nào đó, rằng nếu thắng, Nhật sẽ thống trị thế giới. Cuối cùng, đó lại là cuộc chiến mà chúng ta cùng nhau chết. Thế nhưng, tôi vẫn luôn cho rằng, điều tuyệt vời nhất của cuộc đời này, dù thua hay thắng, kể cả khi người dân không còn quê hương, không còn đất nước để về, dù trong chiến tranh loạn lạc, những đứa trẻ vẫn nối tiếp nhau ra đời. Sự sống vẫn luôn tồn tại, dù thế nào chăng nữa.

Thế giới bây giờ vẫn chưa hết tiếng đạn bom và luôn có những con người di tản, lưu vong. Nhưng như tôi nói, tôi vẫn tin vào sức mạnh nội tâm của con người. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, người ta vẫn luôn đấu tranh để bảo vệ sự sống, bảo vệ những điều thân thuộc nhất của mình. Dù như thế nào đi nữa, chúng ta cũng không thể từ bỏ sự sống.

Cuối cùng, đó lại là cuộc chiến mà chúng ta cùng nhau chết. Thế nhưng, tôi vẫn luôn cho rằng, điều tuyệt vời nhất của cuộc đời này, dù thua hay thắng, kể cả khi người dân không còn quê hương, không còn đất nước để về, dù trong chiến tranh loạn lạc, những đứa trẻ vẫn nối tiếp nhau ra đời. Sự sống vẫn luôn tồn tại, dù thế nào chăng nữa.

Có phải vì trải qua một thời loạn lạc như thế mà cảm nhận của bà đối với âm nhạc của Trịnh Công Sơn gần gũi hơn? 

Đúng vậy. Tôi rất đồng cảm với âm nhạc Trịnh Công Sơn. Lúc còn sống, khi nghe tôi hát, ông Trịnh Công Sơn cũng nói ông cảm nhận được điều đó. Giống như 2 đêm tôi hát ở Nhà hát Thành phố hay Đường sách Nguyễn Văn Bình vừa qua; dù khác ngôn ngữ, tôi cảm thấy được, khán giả Việt Nam cảm nhận được phần nào đó về tôi. Tôi cũng cảm nhận được điều đó khi hát. Tôi nghĩ, giữa đất nước này với đất nước kia có thể có chiến tranh, có biên giới, nhưng luôn tồn tại sự sống. Ở đâu có sự sống, ở đó có tiếng hát.

https://www.youtube.com/watch?v=aYfZkIlYpOw

Bà đánh giá thế nào về nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn?

Khi hát, tôi không quá quan trọng chuyện đó có phải là ca khúc phản chiến hay không. Với tôi, Diễm xưa là một “love song” (bài nhạc tình), Ngủ đi con cũng thế. Năm 1968, có một nhà sản xuất của Đài Truyền hình NHK (Nhật) sang Việt Nam thu âm những buổi trình diễn đường phố, trong đó có bài Ngủ đi con. Ca sĩ Takaishi nghe được và đã dịch bài hát đó sang tiếng Nhật. Lúc ấy ở Nhật, phong trào phản chiến đang phát triển mạnh, người Nhật nghe rất thích. Từ đó, người ta biết đến Trịnh Công Sơn, rồi biết thêm những ca khúc khác của ông, đặc biệt là Diễm xưa.

Tôi nghe Ngủ đi con trong bối cảnh lịch sử ấy và cảm nhận được, đó là một bài hát ru có giai điệu rất đẹp, lời cũng hay, vượt lên trên thời đại. Tôi thích ca khúc đó, trước hết vì đó là một bài hát đẹp, chứ không hẳn vì nó là ca khúc phản chiến. Đó là lý do năm 1997, tôi tìm mọi cách sang Việt Nam, gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Với bà, âm nhạc có sức mạnh như thế nào?

Nếu có ai hỏi, âm nhạc có sức mạnh thay đổi lịch sử không, tôi sẽ trả lời là không. Nhưng tôi nghĩ, âm nhạc có sức mạnh vực con người dậy, giúp họ vượt qua khó khăn và khổ nạn, khi họ bị tổn thương, bị chia cắt, khi họ gần như không thể đứng vững được nữa. Bởi vậy, ngay khi bài hát của tôi cất lên, nó đã có cuộc sống của chính nó, không bị ràng buộc bởi những “nhãn mác” về quốc gia, chủng tộc, biên giới, lãnh thổ.

Là một ca sĩ, tôi tin vào sức mạnh đó khi tôi hát cho mọi người nghe. Tôi đã hát suốt 50 năm qua và những trải nghiệm này nhắc tôi về sức mạnh đó. Khi tôi hát, bài hát của tôi giống như cái ôm với cuộc đời, với mọi người. Càng ôm thì người ôm mình truyền cảm xúc cho mình nhiều. Tình yêu không thể từ một phía. Phải ôm nhau mới cảm nhận được hết. Âm nhạc là lẽ sống của tôi.

Tôi đã hát suốt 50 năm qua và những trải nghiệm này nhắc tôi về sức mạnh đó. Khi tôi hát, bài hát của tôi giống như cái ôm với cuộc đời, với mọi người.

Nghệ sĩ Kato Tokiko hát Diễm xưa trên sân khấu Nhà hát Thành phố, trong đêm nhạc 18 năm nhớ Trịnh Công Sơn.

Xin cảm ơn bà. 

Bài: Đậu Dung, theo PNO


 
Back to top