ART & CULTURE

Trịnh Công Sơn – Nhạc với đời là một

Apr 04, 2022 | By Ton Binh

Không phải ngẫu nhiên mà ca khúc của Trịnh Công Sơn đi vào đời sống của nhân dân Việt Nam và ngày càng được biết đến ở nhiều nước trên thế giới. Càng ngày những người nghe nhạc của ông càng phát hiện ra những vẻ đẹp của nhạc Trịnh Công Sơn. Trong đời sống âm nhạc đôi khi những ca khúc sẽ bị lãng quên.

Nhưng suốt hơn nửa thế kỷ qua, những sáng tác của Trịnh Công Sơn vẫn còn thường trực trong tâm trí của những người nghe nhạc. Những buổi biểu diễn ca khúc của Trịnh Công Sơn vẫn luôn được công chúng đón nhận nhiệt tình.

Trịnh Công Sơn là một hiện tượng khá đặc biệt. Nhạc và đời Trịnh Công Sơn là một, là hai yếu tố luôn song hành. Trong nhạc Trịnh, câu chuyện chung hay riêng đều đi vào đời sống xã hội một cách tự nhiên. Chẳng phải là ngẫu nhiên mà một nhân vật viết ca khúc trong một bối cảnh chiến tranh tàn phá đôi bờ vĩ tuyến lại có thể tự giải thoát được khỏi mối mâu thuẫn giằng xé nảy sinh từ hoàn cảnh đặc biệt này. Ông đi ở giữa hai làn đạn, đảm nhận vai trò của mình, vai trò nghệ sĩ do chính ông xác lập, đi tìm, hoặc như là đang thực hành để hoà giải nguồn gốc của mọi mâu thuẫn đau khổ trên một lập trường nhất quán: tư tưởng nhân văn, nhân đạo của một người nghệ sĩ chân chính.

Tư tưởng của người nghệ sĩ chân chính sẽ luôn đứng trên khía cạnh nhân văn, nhân đạo để suy nghĩ và nhìn nhận các vấn đề chung. Nếu người nghệ sĩ chọn là một nhà truyền giáo hay nhà cai trị, có lẽ người nghệ sĩ đó đã tự đồng nhất mình với một hội đoàn thậm chí là những tác phẩm, tâm huyết của họ không còn những nhân tố khách quan nữa.

Trịnh Công Sơn chọn đứng ở một phong cách riêng, một cõi riêng. Phong cách riêng, cõi riêng của ông vẫn có sự gặp gỡ tinh thần chung của cả dân tộc và nhân loại. Dù đôi khi chính ông vẫn không tránh được cái thế tiến thoái lưỡng nan: Hoặc phải trở thành một biểu tượng xã hội gắn bó với những chuẩn mực của riêng một phía, và những chuẩn mực khác chỉ có thể khêu gợi ông ở sự tò mò – Hoặc ông sẽ hoàn toàn trao hết mình cho các chuẩn mực khác, không còn giữ được tính khách quan.

Vì chọn đứng một cõi riêng, nên cái riêng và chung đối với Trịnh Công Sơn như là những khía cạnh để đi đến một sự nhất quán trong tư tưởng: nhân văn, nhân đạo.

Ca khúc Trịnh Công Sơn mang triết lý của cái đẹp trong tôn giáo, thể hiện rõ hơn cả trong một quan điểm thực hành trung dung. Nó là sự kết hợp giữa giữa cái cao thượng bay bổng với cái đời thường. Đó cũng là cách mà những nghệ sĩ chân chính luôn sống và làm. Nghệ thuật và cuộc đời song hành với nhau, trung lập giữ vai trò người sáng tạo từ những chứng kiến, quan sát đời sống xã hội.

Nghệ thuật của Trịnh Công Sơn cũng là đời. Và đời đi vào âm nhạc Trịnh Công Sơn theo một cách rất tự nhiên. Ca từ là những áng thơ. Giai điệu như một dòng nước chảy qua cõi đời. Kết tinh thành sự dung dị sống mãi.

Để tìm được và duy trì một quan điểm khách quan, dung dị tự nhiên, trong sáng tác cũng như trong phong cách sống, có lẽ Trịnh Công Sơn phải gạt bỏ mọi phán xét không theo trục góc nhìn để gìn giữ các giá trị nhân văn, nhân bản, nhân đạo.

Lắm khi những ca khúc của Trịnh Công Sơn, với ngôn từ của riêng ông, đã vẽ ra hội họa.

Đời vẽ ông. Ông vẽ đời. Đời sống với ông. Ông sống với đời để lại những ấn tượng, những khuôn hình như một tên mục đồng gợi ra phần nào bức tranh của những đời người đã, đang, sẽ sống.

“Đời vẽ tôi tên mục đồng

rồi vẽ thêm con ngựa hồng

từ đó lên đường phiêu linh

đời vẽ tôi trong một ngày

rồi vẽ thêm đêm thật dài

từ đó tôi thề sẽ rong chơi..”

(Chỉ có ta trong một đời – Trịnh Công Sơn)

Đằng sau nét tối giản tưởng chừng đơn điệu là một trí tuệ đi cùng thời đại. Khi viết về sự mất mát thân phận, ông viết như viết về sự mất mát một bản tình ca, hay một cuộc tình. Dù là những cuộc tình đã ra đi nhưng không phải là trong một giọng điệu yếu đuối, bi lụy, ủy mị, tuyệt vọng. Nó là cảm giác thấu hiểu sự chấp nhận các trải nghiệm có thể xảy ra trong một kiếp người.

Sự hồn nhiên của Sơn cũng chính là ở chỗ đời với nhạc là một. Không khiên cưỡng, gò bó. Giản dị tự nhiên để lại cho đời. Viết như một sự giải trí, như những ghi chép biệt tài trong cách sử dụng ngôn từ tiếng Việt theo cách trong sáng, đơn giản nhất, sắp đặt chúng tình cờ cạnh nhau trong một bỏ ngỏ hững hờ khiến người nghe như được tiếp tục hòa vào cái giao cảm rung động, người nghe tiếp tục sáng tạo hòa nhập cùng tác giả. Đây là một phương pháp sáng tạo ca khúc rất hiện đại.

Hiện đại ở chỗ khiến người nghe cùng hoà nhập giao cảm với tác giả để đồng sáng tạo. Cách này của ông rất gần với thủ pháp của Bertolt Brecht, một nhà thơ, nhà soạn kịch, và đạo diễn sân khấu người Đức, người gây sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong những năm đầu thế kỷ 20.

Điều thú vị là có lẽ chính Trịnh Công Sơn cũng không để ý: vào thời điểm ông đang viết những ca khúc đẹp lạ ở nước Đức xa xôi có một Bertolt Brecht có những sáng tác rất gần với thủ pháp nghệ thuật của ông, một nhân vật vẫn còn nguyên tính hiện đại mang tầm vóc thế giới.

31.3.2022
Bài: Giang Trang | Ảnh: NAG Dương Minh Long


 
Back to top