“Em và Trịnh”: Hạ hồi phân giải từ đánh giá của các chuyên gia
Trong nửa đầu năm 2022, “Em và Trịnh” là một trong số ít các phim nội địa gây tiếng vang tại phòng vé.
Nhưng ngay từ khi ra mắt, phim của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã tạo nên một làn sóng thảo luận mạnh mẽ xoay quanh diễn viên có vào vai tốt chưa, giọng Huế phát âm chuẩn chưa, cách khai thác nội dung hợp lý không, có khắc họa đúng Trịnh Công Sơn hay chưa… và hàng loạt câu hỏi về ai mới là tình yêu lớn nhất đời của ông.
Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ có đóng góp lớn và định hình cho nền âm nhạc Việt Nam. Những tình khúc của ông tính đến nay có bao nhiêu là không đếm xuể nhưng có một điều chắc chắn, đó là phần lớn chúng đều trở nên quen thuộc như hơi thở đối với khán giả Việt nói chung. Có thể biết hoặc không biết quá nhiều về vị nhạc sĩ tài hoa này, nhưng nói đến nhạc phẩm của ông thì ai cũng có thể kể tên ít nhất một bài hoặc có thể ngân nga chúng. Thế nên, ngay từ đầu, dự án được đánh giá là tham vọng và táo bạo này mới trở thành tâm điểm chú ý của giới mộ điệu.
Và đến khi được thưởng thức “Em và Trịnh” qua diễn xuất của Avin Lu (đảm nhận vai diễn Trịnh Công Sơn thời niên thiếu), NSƯT Trần Lực (đảm nhận vai diễn Trịnh Công Sơn lúc về già) cùng các nữ diễn viên trẻ như Lan Thy (trong vai Bích Diễm), Hoàng Hà (trong vai Dao Ánh), Bùi Lan Hương (trong vai Khánh Ly), Phạm Nhật Linh (trong vai Thanh Thúy)… nó càng tạo hiệu ứng trong dư luận mạnh mẽ hơn.
Trịnh trong tim mỗi người, trong hình dung rất riêng tư của mỗi cá nhân ở các thế hệ khác nhau, không thể tránh có sự khác biệt. Mặt khác, với người trong cuộc (những người từng gặp gỡ và đồng hành cùng Trịnh Công Sơn), cũng sẽ cất giữ hình ảnh và những chiêm nghiệm riêng về người nhạc sĩ tài hoa này. Thậm chí, ca sĩ Khánh Ly cũng từ chối xem “Em và Trịnh” đó thôi. Nói vậy để thấy rằng tranh cãi xung quanh về một Trịnh Công Sơn được mô tả trên màn ảnh và các cuộc tình của ông là điều hiển nhiên, chứ không còn nằm ở tính chất dở – hay thuần túy của một tác phẩm điện ảnh.
Tuy vậy, để độc giả có cái nhìn khái quát nhất về tác phẩm này, tôi không chỉ chia sẻ lại một số cảm nhận của người xem là các đạo diễn, diễn viên, doanh nhân… mà còn nhờ họ đánh giá về tiềm năng và chất lượng của sản phẩm này. Bên cạnh khen chê, điều mà ta sẽ nhìn thấy ở bài viết này, đó là những con người không chỉ yêu Trịnh, say mê nhạc Trịnh, mà còn gửi gắm rất nhiều tình cảm và niềm hy vọng của họ đối với sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà.
Những điều tôi yêu ở “Em và Trịnh”
Là một tác phẩm đầu tư tiền tỷ, casting hàng ngàn con người để tìm kiếm những gương mặt có đầy đủ tố chất để mô phỏng người thật việc thật, “Em và Trịnh” đã thành công chinh phục khán giả của mình bằng nhiều khía cạnh khác nhau. Đạo diễn Trần Nguyễn Bảo Nhân, người nổi tiếng với series “Gái già lắm chiêu” thừa nhận mình bị ấn tượng mạnh mẽ bởi dàn diễn viên sắm vai các nàng thơ của Trịnh Công Sơn.
“Em Dao Ánh là gương mặt sáng của phim, nổi bật với lối diễn xuất thông minh và tự nhiên. Mỗi cảnh em xuất hiện là sáng bừng như ánh dương. Tôi thích cách diễn của em Ánh, một gương mặt mới nhiều tiềm năng. Điện ảnh cần những gương mặt và nét diễn xuất này. Bên cạnh đó, tôi cũng thích Lệ Mai. Em diễn như không, chẳng khác gì một diễn viên có bề dày kinh nghiệm diễn xuất. Ngoại trừ giọng nói đã là đặc trưng khó đổi của em, mọi thứ còn lại em đều làm tốt. Em có đôi mắt như chứa cả một bầu trời cảm xúc bên trong. Em là ca sĩ đóng phim duy nhất mà khán giả không phân định rạch ròi vai trò nào của em mới là chính. Em nghiêm túc và có tư duy rõ ràng cho vai diễn của mình.” – Anh không giấu được sự hào hứng của mình.
Còn vai diễn Trịnh Công Sơn, anh cho rằng khán giả trẻ sẽ thích Trịnh Công Sơn của bạn diễn viên trẻ hơn: “Đôi lúc Avin Lu đã xoá được ranh giới của việc thể hiện một chàng nghệ sĩ trẻ đa tình, chiều chuộng cảm xúc bản thân với việc thể hiện một khuôn mẫu nghệ sĩ đã có dấu ấn với đại chúng. Em đã có một vai diễn lớn thành công.”
Về phần doanh nhân Lệ Thu – Nhà sáng lập thương hiệu thời trang Mr Crazy & Lady Sexy, người cho biết mình sinh ra trong thời của nhạc Trịnh, trải nghiệm cuộc sống trong “Em và Trịnh” nên chị thưởng thức và đắm mình trọn vẹn trong từng thước phim: “Phim đẹp từ cách phối nhạc đến lối dẫn chuyện, casting quá xuất sắc, tôi thấy vai nào cũng hợp, hợp với lời ca trong nhạc Trịnh. Tất cả cứ như những hình dung, tưởng tượng của tôi ngày còn là cô bé mộng mơ. Từ cách dựng phối cảnh, khung hình và góc quay, đến trang phục, tôi cảm thấy rất xúc động khi xem phim, nó tái hiện lại cái thời xưa cũ ấy. Tình bạn, cách tiếp cận để làm quen với bạn gái, nhiệt huyết tuổi trẻ, những bức thư tình… tôi không biết giới trẻ bây giờ có hiểu hết và đánh giá cao những điều gần như không còn tồn tại trong thế giới số ngày nay hay không, nhưng tất cả với tôi đều rất thật và đời.”
Ngoài ra, chị cũng bày tỏ mình rất thích lỗi dẫn chuyện của phim bằng cách để nam nhạc sĩ kể về những mối tình của anh cho người yêu mới, không che giấu, không ngại người đối diện đánh giá về quãng đời mình đã đi qua. Rất nhân văn. Vì đa phần đàn ông và kể cả phụ nữ đều chọn giấu nhẹm đi. Thế nên, phân cảnh chị yêu thích cũng không nằm ngoài nhân vật này: “Chị rất thích mỗi khi Sơn hỏi: ‘Sao vậy Ánh, Ánh không nói cho anh biết Ánh giận gì anh thì sao anh biết?”, hay ‘Tại sao vậy Mai?’. Rất thật, rất chân thành.”
Còn đứng dưới góc độ của một người bình phim công tâm, nhà báo/nhà thơ Nguyễn Phong Việt cũng thể hiện sự ngưỡng mộ về sự dụng công của bộ phận thiết kế đến từ sự chăm chút, tỉ mỉ của từng bối cảnh. Phân cảnh anh thích nhất là khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên đường từ B’lao về Huế, trường đoạn này giúp khán giả nhìn thấy rất nhiều cảnh tang tóc của chiến tranh bên ngoài ô cửa chuyến xe, chỉ vài phút ngắn ngủi nhưng có thể diễn tả được sự đau thương của cả một cuộc chiến.
Khi được hỏi rằng khán giả nên ra rạp với tâm thế nào khi mà cuộc đời và âm nhạc của Trịnh Công Sơn cũng không còn là điều quá xa lạ với công chúng, anh cho biết: “’Em và Trịnh’ là một bộ phim dựa trên cuộc đời nhân vật có thật nhưng có sự hư cấu, sắp xếp… tạo nên chất liệu kịch tính cho một phim điện ảnh cũng như thông điệp mà phim chuyển tải. Thế nên, tôi nghĩ khán giả ra rạp xem phim hãy đi với tâm thế có cơ hội biết thêm một chút về những câu chuyện tình cảm và cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi nghĩ sau bộ phim này, nhiều người trẻ hôm này sẽ tìm hiểu thêm về nhạc Trịnh vì phần nhạc phim của ‘Em và Trịnh’ thật sự rất xuất sắc. Có thể nói, đây là một bộ phim giải trí có cảm xúc.”
Không chỉ riêng anh Nguyễn Phong Việt, diễn viên Trần Kim Nhã cũng là người yêu thích trường đoạn đó. Trong thời chiến tranh loạn lạc, ta mới cảm thấy biết ơn và may mắn sâu sắc khi mình được sinh ra trong thời bình. Và cũng chính những lúc khó khăn ấy mới sản sinh ra những con người tài hoa.
Nói về điều mình nhớ nhất ở phim, Kim Nhã mỉm cười bộc bạch rằng: “Khác với mọi người thường nghĩ về tình yêu nhiều hơn khi xem ‘Em và Trịnh’, lăng kính cá nhân tôi lại chú ý nhiều hơn ở tình mẫu tử. Tôi cảm thấy xúc động với tình cảm mẹ con của Trịnh Công Sơn, nó là điểm sáng của phim và được cài cắm rất tinh tế. Một phân cảnh khác mà tôi cũng rất ưng bụng đó là khoảnh khắc Trịnh Công Sơn bước ra hát bài ‘Diễm xưa’, nghĩ ra được nốt nhạc đầu tiên của bài hát đó.” Bên cạnh phân cảnh yêu thích nhất, nữ diễn viên của “Maika” còn cảm thấy bị lời thoại đáng yêu của phim làm tan chảy và “Sữa chua còn ăn chung hong được, còn nói gì hát chung” là một trong số đó.
Hay như MC Tùng Leo, người thừa nhận là xem hai lần thì khóc đúng cả hai lần ở đoạn bài hát “Diễm xưa” khi nhạc sĩ đứng bơ vơ trong màn mưa tự hỏi “Làm sao có nhau? Hằn lên nỗi đau…”: “Tôi khóc mà nước mắt không dừng lại được. Tôi tin sự diệu kỳ của điện ảnh và âm nhạc. Khi cả hai cộng hưởng, mỹ cảm nhân đôi, người ta khó mà kềm được lòng nhiều xúc động. Và vì thế, tôi có phần nghiêng về bản ngắn một tí. Bản ngắn hơi chông chênh nhưng có vẻ vừa đủ. Cái tiếc nuối mà bản ngắn để lại cũng đẹp. Còn bản dài – vẫn có tiếc nuối đấy chứ. Vì đến cuối, khi xuất hiện Hồng Nhung thì tôi lại thấy chưa xong…”, anh bày tỏ.
Hơn thế, anh còn đặc biết có lời khen dành cho những cú máy nối thời gian. Tuy phim “Những tháng năm rực rỡ” có làm nhưng cách làm của “Em và Trịnh” đúng sở thích của anh. Khi hai Trịnh Công Sơn một già một trẻ đi ngược nhau, thằng bé ở trần ăn mì từ bé thành lớn, anh ước gì được vỗ đùi cái đét trong rạp.
Ngoài ra, nam MC còn dành lời khen đến bản lĩnh của nhà đầu tư và nhà sản xuất. Vì họ dám làm một tác phẩm lớn, tôn vinh nét đẹp của nền văn hoá nước nhà, tái hiện thành công hình ảnh quá khứ và dám thẳng thắn trong quan điểm chính trị, đó là bản lĩnh rất hiếm có ở giới làm phim Việt Nam.
Còn tình yêu của Trịnh thì sao?
Về câu hỏi khó trả lời nhất ở thời điểm này và có lẽ là mãi về sau này, đó là đến cuối cùng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn yêu điều gì nhất, âm nhạc hay tình yêu đôi lứa? Còn về một người cụ thể thì sao, ông trao trái tim cho ai?
Mỗi một nhân vật của tôi đều có lý giải của riêng họ, như chị Lệ Thu thì: “Con người ấy yêu mãnh liệt, chung tình, nên dù rất đào hoa vẫn mãi một mình. Tôi yêu vài người giống vậy rồi nên tôi hiểu lắm”, hay như anh Nguyễn Phong Việt thì: “Tôi nghĩ tình yêu lớn nhất của Trịnh là âm nhạc, và trong những ngày tháng cô đơn cùng cực nhất thì Dao Ánh là viên pháo hoa bắn lên trong bầu trời đêm của cuộc đời ông”, hoặc MC Tùng Leo thì cho rằng: “Nhạc sĩ hầu như chẳng yêu ai cụ thể. Ông yêu ý niệm về tình yêu thì đúng hơn”. Riêng câu hỏi nghiêng nhiều hơn về phần cảm xúc thay vì lý trí, tôi nghĩ độc giả có thể cho mình cơ hội để trải nghiệm và có sự chiêm nghiệm của mình.
Hạn chế là có nhưng vẫn là tia sáng cho điện ảnh Việt
Làm phim có yếu tố hư cấu về một nhân vật có thật không phải chuyện hiếm, ta có rất nhiều tác phẩm được đánh giá cao ở Hollywood như “House of Gucci” hay “Spencer” chẳng hạn. Vậy nên điều mà nhiều người quan tâm đó là nếu đặt “Em và Trịnh” lên cùng bàn cân thì khoảng cách về chất lượng, diễn xuất hay kịch bản có cách quá xa hay không. Hoặc tham vọng hơn, “Em và Trịnh” có tiến ra quốc tế được hay chăng. Giải đáp cho băn khoăn này trong khuôn khổ bài viết, ta có thể xem xét ở hai góc độ, một là từ một khán giả nhiệt huyết, đã từng xem qua nhiều tác phẩm tương tự và một nhà bình phim chắc tay với nhiều năm kinh nghiệm xem và đánh giá phim.
Là người rất mong mỏi điện ảnh Việt sẽ vươn ra quốc tế, doanh nhân Lệ Thu chia sẻ rằng: “Tôi rất thích ‘House of Gucci’ (nhà tôi và nhà của đạo diễn Ridley Scott ở miền nam nước Pháp cách nhau có 3 phút lái xe thôi), chưa xem ‘Spencer’; nhưng cũng xem khá nhiều phim lấy cảm hứng về một nhân vật có thật và mới đây nhất là phim ‘Eiffel’ của đạo diễn người Pháp Martin Bourboulon. Sở dĩ nhắc đến hai phim này trong cảm nhận sau khi xem ‘Em và Trịnh’ vì tôi đánh giá cao một bộ phim Việt Nam được đầu tư rất kỹ vào tính nghệ thuật song song với tính đời. Tôi ít khi xem phim Việt vì không chịu được tính giả trong lời thoại, cách vào vai của diễn viên, cả trang phục và bối cảnh lịch sử nữa. Nếu thế giới biết nhiều về Trịnh Công Sơn như biết đến Gucci hay Eiffel thì tôi dám cá rằng ‘Em và Trịnh’ sẽ thành công ngoài mong đợi trên trường quốc tế.”
Với góc nhìn của mình, khi được hỏi “Em và Trịnh” có được xem là một niềm hy vọng của điện ảnh nước nhà hay không, nhà báo Nguyễn Phong Việt đáp: “Chắc chắn là sẽ có người thích và không thích, hoặc là hài lòng nhưng cảm thấy chưa thật sự trọn vẹn. Tuy nhiên, có thể nói ‘Em và Trịnh’ là một phim rất tâm huyết và kỳ công của ekip. Không thể nói bộ phim sẽ đại diện cho điều gì đấy của điện ảnh Việt hay mang lại một tầm vóc gì đó, nhưng ‘Em và Trịnh’ ít nhiều đang tạo cảm hứng cho một nền điện ảnh non trẻ như Việt Nam, rằng chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt nếu thật sự có một ekip ăn ý cùng một đề tài sâu sắc.”
Còn việc so kè với các phim quốc tế khai thác cùng chủ đề, anh nói: “Chính xác là không thể so sánh, vì nhìn ở góc độ một bộ phim lấy cảm hứng từ nhân vật có thật thì ‘Em và Trịnh’ để lại rất nhiều câu hỏi lớn liên quan đến góc nhìn, thái độ của nhân vật Trịnh Công Sơn trong phim với một số giai đoạn thời cuộc. Ngoài ra, cách kể của đạo diễn ít nhiều cũng không thẳng thắn và rõ ràng như cách mà đầu bộ phim đã nói: Là bộ phim này sẽ có những tình tiết hư cấu để làm nên sự kịch tính của một phim điện ảnh.”
Tựu trung, nếu nói về điểm trừ thì bộ phim có không ít. Nhưng cá nhân anh vẫn tin là bộ phim mang lại rất nhiều cảm xúc cho người xem, và những cảm xúc ấy có thể nói là đủ sức để vượt lên những điều còn hạn chế mà bộ phim mắc phải.
“Thôi kệ đi…”
Theo Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, người từng có thời gian gặp qua nhạc sĩ, do “Em và Trịnh” là một tác phẩm nghệ thuật về Trịnh chứ không phải là phim tài liệu nên góc nhìn của người sáng tác, dù bao quát đến đâu cũng không thể như cái nhìn của mọi người về một “người của công chúng”. Đây là tác phẩm của thế hệ sau Trịnh, họ có quyền nhận biết và tái hiện Trịnh như cách họ cảm nhận. Góc nhìn cách hiểu năm 2022 sẽ khác cách cảm Trịnh những năm 1970, 1980 như của chị, càng không giống người cùng thời với Trịnh, nhất là với người tự coi là đã “biết tuốt” về Trịnh – mà chắc gì đã biết về Trịnh như thật – là – Trịnh.
“Còn nhớ vài lần ngồi ‘chầu’ cuộc nhậu của ba tôi với chú Nguyễn Quang Sáng, anh Trịnh Công Sơn và vài người khác, khi nghe ai đó nói lại dư luận này khác về mình, từ chuyện đời tư đến chuyện chinh trị… anh Trịnh Công Sơn chỉ mỉm cười, sau cặp kiếng trắng ánh mắt lấp lánh như ngạc nhiên, giọng nhẹ nhàng: ‘Ủa có chuyện đó hả? Thôi kệ đi…’” – Chị giải thích thêm – “ Phim về Trịnh Công Sơn và cuộc đời ông (dù chỉ một phần) cũng giống như những ca sĩ khác Khánh Ly hát nhạc Trịnh: là một – phiên – bản – khác. Nếu anh còn sống, khi xem phim này hay khi nghe người ta bình luận đủ kiểu về phim và… về chính mình, anh sẽ nói gì nhỉ? Tôi lại hình dung thấy nụ cười nhẹ nhàng thoáng chút hóm hỉnh của anh. Thôi kệ đi…”
Vậy nên tôi mạo muội dùng câu nói “Thôi kệ đi…” của chính nhạc sĩ thay cho lời kết bài viết này, mặc cho đã và đang có những khen chê, tranh luận rất sôi nổi của dư luận.