Em và Trịnh: Cảm nhận sự sâu sắc của tình yêu qua tâm tư người nhạc sĩ
Liệu chăng, cho tới hôm nay, cách yêu của Trịnh có còn tồn tại trong đời sống này?
Thế hệ nam tính những năm 90s thế kỉ trước, đối diện với sự vùng vẫy trong biên độ Rock dần dần len lỏi, hay ủy mị với làn sóng nhạc Hoa lời Việt. Trong lứa xuân xanh ấy, chắc hẳn còn có hình bóng rất đỗi tự tình và sâu lắng như “Màu nắng hay là màu mắt em”, những bản nhạc Trịnh thuở đầy ắp sự lãng mạn, với ngón đàn guitar từng là biểu tượng “tán gái” dọc chiều dài miền Nam Việt Nam, với các lá thư tình ướt đẫm mưa xứ Huế. Những chàng trai văn nghệ đa tình khi xưa, nếu đặt vào thời đại này, có bị chới với để rồi trở thành một thứ kí ức hay sẽ mang đến sự thuần khiết hiếm hoi của tình yêu giữa những thập kỉ thăng trầm?
Trịnh đa tình, đa đoan hay đa sầu đa cảm?
Sinh ra và lớn lên trong sự bảo bọc của một gia đình gia giáo, phần đời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trước năm 1960 được nhận định là êm đềm, trôi dạt có chủ đích. Ông theo học các trường Lycée Français và Providence ở Huế, sau vào Sài Gòn học triết học trường Lycée Jean Jacques Rousseau và tốt nghiệp tú tài. Trong mắt nhiều người, ông Trịnh không chỉ giỏi viết nhạc mà về cơ bản ông cũng là một chàng trai tri thức với không nhiều biến động trong suốt những năm hình thành tính cách. Tuy nhiên bản ngã đàn ông của Trịnh Công Sơn chỉ nổi trội khi ông bắt đầu theo đuổi con đường sáng tác âm nhạc, mà ở đó, những nam thanh nữ tú chính là một phần tạo nên người nhạc sĩ mà hàng triệu người Việt thần tượng.
Nếu không có tình yêu âm nhạc, Trịnh Công Sơn có thể đi theo con đường cách mạng như Ngô Kha, hay trở thành một gã họa sĩ tiệm cận với sự nổi loạn Định Công. Nhưng tâm hồn bay bổng, cái đẹp đi đều với cái nhịp điệu âm thanh khiến Trịnh khác biệt, kể từ trong Tuyệt Tình Cốc cho đến khi bước chân lên sân khấu Quán Văn, ông luôn khác biệt với các chàng trai thời ấy. Ông thốt lên lời thơ, mùi mẫn và tình tứ tới mức nếu chỉ nghe thoáng qua hoặc nghe lần đầu, có thể hiểu nhầm Trịnh quá trau chuốt và cẩn trọng đến độ không thực.
Và trong cái vóc dáng gầy gò, có phần yếu ớt đó, là một nội tâm trầm mặc mà không phải cô gái nào cũng cảm nhận được, dễ cả các chàng trai ngày ấy bây giờ cũng khó mà can đảm đến đáng sợ như họ Trịnh khi “theo em về nhà” tới tận cửa. Nhưng sẽ có những tâm hồn đồng điệu với Trịnh như Dao Ánh, hay Lệ Mai (tức Khánh Ly sau này). Tính nam trong Trịnh không thể đánh giá bằng vẻ ngoài, mà chỉ có thể cảm nhận được từ cách ông “rót mật” vào tai những người con gái ông si mê. Từ Bích Diễm, Dao Ánh… đến những “nàng thơ” chúng ta không thể đếm tên kể hết chỉ trong một bộ phim (Nguyệt, Bích Khê…).
Tình yêu đúng là phải đến từ những kẻ có mắt xích với nhau, nhưng không loại trừ sự nam tính “ẩn bên trong” của Trịnh khiến cho những cô gái có cá tính như Bích Diễm e dè từ chối.
Chúng ta đều biết rằng Diễm chính là nguồn cơn của “Diễm Xưa”, song cô gái 16 tuổi hao gầy này, lại chất chứa bên trong sự tranh đấu để du nhập vào văn hóa phương Tây (sau đi học Sài Gòn, chúng ta thấy rõ Diễm thoát xác ra sao). Nhiều người bảo Trịnh Công Sơn đa tình, như nói tránh đi cụm từ nhạy cảm khác, khi ông cùng lúc yêu thích hai, ba người. Cảm xúc là thứ quá mạnh, đến nỗi nó khiến cho lí trí của ông chùng xuống. Khi Bích Diễm từ chối thiện tình, họ Trịnh liền trao nó cho… cô em gái Dao Ánh, người mà mảnh ghép có phần trùng khớp với Trịnh, họ “giấu mình bên trong” tới mức nhìn thì rất thơ, nhưng đơn điệu và vô định.
Rõ ràng, cả Dao Ánh lẫn Trịnh Công Sơn đều không thể đến với nhau, sau hàng chục năm âm thầm ôm mối tình đầu đời bên cạnh bởi tới tận thời đại này, yêu bằng cách yêu bay bổng đó thì không thực tế. Nhưng cái tồi tệ nhất trong những cuộc tình họ Trịnh, không hẳn vì ông đa tình, mà bởi vì ông quá đa cảm. Đứng trước một Lệ Mai rưng lệ, ông quên mất cô đã là mẹ đơn thân nuôi con một mình. Đứng trước Dao Ánh, Trịnh dịu dàng ngọt ngào hứa lời mây gió nhưng rồi cũng chẳng đi tới đâu. Như ánh nắng, có lúc chợt tắt vì mây phủ che mờ.
Thế hệ nam tính bây giờ, có thể tìm hiểu tất cả các cô gái mà họ muốn, cùng một lúc, miễn rằng những cô gái ấy đều chưa kí giấy kết hôn. Nhưng thay vì rút ngắn thời gian tán tỉnh để giành lấy người bạn đồng hành tương xứng, trao cho họ danh phận tử tế, Trịnh Công Sơn lại quẩn quanh với trái tim thổn thức mượn danh nghệ sỹ. Ông không lựa chọn hôn nhân là vì sợ nó giết chết đi sự lãng mạn trong âm nhạc mà ông đang tiến lên, hay vì những bất ổn thời cuộc khiến ông cứ phải giằng co giữa một bên là trở thành người đàn ông theo chuẩn mực xã hội (đi dạy học, đi bảo vệ lý tưởng, thậm chí đi lính…), một bên là sống trong sự lâng lâng đắm chìm mà âm nhạc mang lại, để ông phiêu lưu, với những “nàng thơ” trên bước đường đời.
Tình chỉ đẹp khi tình dang dở?
Trịnh Công Sơn có nhắc về nỗi buồn bình thản, nhưng không có điều gì được thể hiện rõ trong Em và Trịnh hay Trịnh Công Sơn – hai bản phim đang chiếu rạp. Họ Trịnh buồn vì điều gì? Vì Tuyệt Tình Cốc tan rã hay vì sự khước từ không trọn vẹn của Bích Diễm, người mà ông gần như chưa một lần đối diện để cả hai có thể tìm hiểu nhau? Trịnh có buồn thương cho cuộc chiến đủ để nỗi buồn ấy xâm lấn hay buồn như một cách giữ mình trong âm nhạc? Bởi khi hạnh phúc vừa vặn thì tâm hồn nghệ sĩ không còn áng văn, lời thơ cho giai điệu của mình?
Chúng ta ở cách xa Trịnh Công Sơn hàng thập kỉ, nên không thể hiểu hết về ông, một con người đặc sắc mà hiếm lắm mới gặp. Sự phức tạp trong tâm trí của Trịnh là điều khiến người xem phân vân mãi, liệu rằng ông có thật sự yêu một ai đó trong số “nàng thơ” của ông, hay ông chỉ yêu một mình âm nhạc và mẹ của mình?
Sự sụp đổ lớn nhất trong Trịnh không phải việc Dao Ánh lập gia đình, hay vì Lệ Mai không trở về Sài Gòn hát cùng ông, mà chính là sự ra đi của người mẹ. Nỗi mất mát đột ngột này bỗng chốc trở nên to lớn khi trước lúc ra đi, bà trao cho ông kỉ vật là chiếc nhẫn, với mong muốn sự an yên trong tâm hồn ông, cạnh một người phụ nữ (là Michiko) có thể đi cùng ông chặng cuối cuộc đời. Họ Trịnh bất an bởi vì chỗ dựa tinh thần thật sự và cuối cùng của ông không còn.
Michiko hay Dao Ánh khi đó, tưởng chừng sẽ là những người phụ nữ mà ông có thể tìm lại bình an (như tất cả những ai xem phim mỏng mỏi). Song rốt cuộc sự xuất hiện của hai người đàn bà này, lại chỉ cho chúng ta hình dung rõ hơn về tính nam của Trịnh Công Sơn và cách yêu của ông. Về sau này, có sự hiện diện của Hồng Nhung – một trong những giọng hát tân thời còn nổi tiếng tới nay, là được công nhận có sức ảnh hưởng tới sự hồi sinh trong âm nhạc lẫn đời sống họ Trịnh. Rất tiếc, Em và Trịnh gần như đã quá dài để có thể kể tiếp về “nàng thơ” Hồng Nhung, đấy là chưa kể mối tình này không phù hợp để kể, nhất là với người ở lại.
Giai thoại về chuyện tình của Trịnh Công Sơn thì nhiều, nhưng tất cả kiểm chứng tài liệu đều có chút khác biệt, duy nhất điểm chung là ông không đi đến bến bờ hôn nhân ở cả hai lần đám cưới “hụt”. Gọi là hụt vì lần kết hôn với Michiko, cô phóng viên người Nhật kịp nhận ra rằng trái tim họ Trịnh chỉ đang tìm một mảnh vá, để vá cho cuộc tình sâu đậm trước đó. Nhận ra mình chỉ là người thay thế cho Dao Ánh, hoặc ai đó từ quá khứ, Michiko hủy hôn lễ vào phút cuối. Michiko có thể không nói thẳng, nhưng người xem phải giật mình vì cái mà người đàn ông trước hôn nhân phải “đậu”, đó là sự trưởng thành mà dễ nhìn ra nhất chính là sự dứt khoát và trách nhiệm.
Thât ra Em và Trịnh đưa chi tiết này vào phim, vừa là để tạo cú twist, vừa để những ai đứng trước ngưỡng hôn nhân, hãy suy nghĩ cho mình và người bạn đời tương lai. Còn quan điểm của Trịnh, ông u mê với cái đẹp từ trong đôi mắt, từ trong mài tóc, làn da… tới cả… hình tượng về một tình yêu lý tưởng. Ông không muốn kết hôn, và kết hôn “trượt” đôi khi cũng là cái duyên số vận vào người. Tình yêu thật sự đẹp nhất khi cả hai không bị ràng buộc bởi tờ giấy kí tên, hay các bổn phận phải làm như sinh con, giáo dưỡng?
Khá đáng tiếc khi Em và Trịnh thiếu sự lột tả giai đoạn họ Trịnh ở B’lao nơi ông tiếp xúc với những đứa trẻ vùng cao, vốn thuần khiết và dễ chạm vào lương tri. Có những cuộc hôn nhân, tiếp nối bằng con trẻ, bằng sứ mệnh và nghĩa vụ. Trong khi với Trịnh Công Sơn, cuộc đời ông gói gọn trong âm nhạc, ngay cả với cuộc chiến tàn khốc đến việc “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”, quanh quẩn ông chỉ vẫn là âm nhạc, nó chỉ có hai tác dụng: xoa dịu tâm hồn ông và bảo vệ ông.
Tình yêu thật ra là sự thử thách, theo thời gian. Nếu ngại thử thách, ngại sự bao mòn (thời gian), thì tình yêu đó không đủ để trở nên vĩnh cửu. Nó chỉ là những cuộc tình làm đẹp cho đời, làm vui cho người… Đấy cũng là điều giải thích cho việc khi Dao Ánh trở lại tìm Trịnh Công Sơn rồi sau cả khi bà phát hiện ra lá thứ “nặng kí” ông gửi lần cuối, người xem không thể xúc động như cao trào phim tạo ra. Không phải vì diễn viên yếu kém, mà vốn dĩ cuộc tình đó, vẫn chỉ là một cuộc tình nhỏ, trong vô vàn những tình yêu lớn trong đời, bao gồm cả sự hi sinh, mất mát.
Chúng ta thế nào đều phụ thuộc vào chúng ta!
Em và Trịnh không biết ngẫu nhiên hay trùng khớp, rơi đúng điểm làng điện ảnh gần đây rất chuộng các phim có kết cục lỡ làng. Từ La La Land đến Us and Them, hầu hết đều là các cuộc tình đẹp, nhưng không đi đến hồi kết vì cả hai nhân vật trọng tâm không thể hi sinh cho nhau, không thể hiểu được nhau, bên cạnh các yếu tố ngoại cảnh tác động. Em và Trịnh cũng cho thấy sự chiến đấu và giằng co tâm lý, nhưng rốt cuộc, con người lại đầu hàng. Một cách yêu yếu ớt như vậy, có lẽ chỉ còn trong kí ức cũ.
Tình yêu không nhất thiết phải kết thúc bằng hôn nhân nhưng tìm thấy sự đồng cảm là thứ quan trọng, vì nó mách bảo nhiều hơn những giọt nước mắt.
Một trong những phim kể chuyện tự tình đúng điệu “lát cắt” là trong Tối hảo đích thời quang (đạo diễn Hầu Hiếu Hiến, năm 2005). Trong khi Em và Trịnh vận dụng âm nhạc Trịnh Công Sơn tuyệt vời tới mức, nó khỏa lấp đi các mối tình bé mọn của ông, tình tiết cốt lõi lại chưa đủ thuyết phục. Tối hảo đích thời quang thì khác, trong một cảnh quay đặc tả hai đôi bàn tay níu lấy nhau sau cơn mưa đêm muộn, cũng là mượn âm nhạc, nhưng nó bổ trợ lẫn nhau để khắc họa một tình yêu thuần khiết đến mức, dù tan nát, nhưng là thời cuộc đẩy xô, không phải do con người.
Thật ra để giữ được tình yêu, ở bất kì thời đại nào, không phụ thuộc vào một ai đó, mà là nỗ lực của cả hai.