LIFESTYLE / Du lịch

ECOXURY: “Đại sứ sông Hương” Hương Lan – Người phụ nữ kiên trì bảo vệ nét đẹp nên thơ của Huế

Nov 16, 2019 | By Trang Ps

Tựa như “Đại sứ sông Hương”, người phụ nữ nhỏ bé và bình dị Võ Thị Hương Lan suốt những năm vừa qua đã cùng biết bao người già và trẻ ở cố đô chung tay bảo vệ nét xanh trong và hiền hòa của dòng sông nên thơ nói riêng và thành phố Huế yên bình nói chung.

Là một hướng dẫn viên du lịch tự do suốt ba năm nay, Lan ấp ủ một tình yêu đặc biệt sâu nặng với xứ Huế thân thương. Chị mê mẩn bơi lội giữa dòng sông Hương, nơi Lan xem là người mẹ thứ hai của chính mình để rồi đau đớn phát hiện, con sông bao năm đi vào vần thơ, áng văn nổi tiếng đã bị ô nhiễm bởi sự vô tâm và thiếu ý thức của con người, đặc biệt là những người đã uống nước sông Hương hàng ngày để sống và trưởng thành.

Xuất phát từ khao khát dành lại sự nguyên sơ thuở ban đầu của sông Hương – trái tim xứ Huế, Hương Lan và những người cùng chí hướng đã thành lập nhóm Cảm Ơn Dòng Hương, tổ chức nhiều hoạt động nhặt rác xung quanh bờ sông, dưới sông, tuyên truyền nói không với túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần,… cũng như thức tỉnh sự cuồng tín của bao cư dân đốt hoa đăng, vàng mã và thải xuống dòng nước.

Hành động đẹp đẽ của người phụ nữ Huế ấy có thể khiến bất cứ ai xao động. Luxuo đã có cuộc chuyện trò thân mật và chân thành với chị, để hiểu hơn về Cảm Ơn Dòng Hương nói riêng cũng như tất cả mọi hoạt động, dự án bảo vệ môi trường mà Hương Lan đang dốc tâm huyết thực hiện.

Chào Hương Lan! Điều gì đã khiến chị nặng lòng với Huế đến như vậy? Phải chăng, điều đó xuất phát từ nền giáo dục gia đình hay nguồn cảm hứng đặc biệt nào khác?

Tôi cảm thấy may mắn vì đã được lọt lòng ở miền đất hứa – một nơi mà dòng chảy tâm hồn tôi hòa quyện với hồn nơi ấy: lãng mạn, yên bình và hoài cổ. Sống giữa bao thành quách, lâu đài cổ xưa, tôi hạnh phúc vì Huế vừa là quê hương, vừa là thiên đường của chính mình.

Tôi gắn bó với Huế cùng tâm thế vô cùng biết ơn: biết ơn vì cố đô đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, để tôi mãi đong đầy sự hào phóng từ tận đáy lòng mình. Tôi mê mẩn vẫy vùng trong dòng sông Hương. Bao đời này, con sông đã làm hao tốn giấy mực của bao thi sĩ, và với những ai mang nặng nỗi lòng yêu thương Huế như tôi, hẳn phải xiêu lòng ngay từ khi sinh ra và được tắm mình trong dòng nước mát trong và thơm thảo ấy.

Tựa như dải lụa hiền hòa bao quanh cố đô, bất cứ vị khách nào dừng chân trước sông Hương đều cảm giác nhẹ lòng, tự thấy mình nhỏ bé và bình dị trước tạo tác nguyên sơ và trìu mến của vũ trụ.

Không dừng lại ở một người con “ngoan đạo” của Huế, tôi còn là vị khách du lịch trên chính mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình, để rồi khi bắt gặp một khoảnh khắc xinh đẹp khiến tôi xao lòng, rung động, tôi không quên chụp lại để lưu trữ ký ức bằng hình ảnh – và để sau này nếu có nhìn lại thì cũng giống với cá tính hoài cổ mà tôi luôn tự nhận xét chính mình.

Chị đã bắt đầu dự án “Cám Ơn Dòng Hương” từ bao giờ? Cơ duyên nào khiến một người phụ nữ nhỏ bé, giản dị lại có tiếng nói quyết liệt bảo vệ dòng sông Hương cũng như nói không với túi ni lon, nhựa…

Ngày hôm nay, nhìn từ xa, sông Hương nom vẻ trong xanh, hiền dịu và đẹp như năm nao nhưng chỉ những ai bơi ngụp giữa lòng sông mới vỡ lẽ ra rằng, không ít người đan tâm xem dòng Hương như “thùng rác khổng lồ”. Bất cứ thứ gì có trong thùng rác thông thường đều xuất hiện ở sông Hương: nào là bao bì ni lông, hộp đựng thức ăn dùng một lần, bỉm trẻ em, áo quần cũ, và đặc biệt là đèn hoa đăng và vàng mã. Chẳng qua, “thùng rác” khổng lồ này luôn luôn chảy và sâu hoáy nên lượng rác thấy được bằng mắt thường không nhiều như thực tế.

Ngày hôm nay, nhìn từ xa, sông Hương nom vẻ trong xanh, hiền dịu và đẹp như năm nao nhưng chỉ những ai bơi ngụp giữa lòng sông mới vỡ lẽ ra rằng, không ít người đan tâm xem dòng Hương như “thùng rác khổng lồ”.

Mê bơi sông bao nhiêu, yêu sông Hương bấy nhiêu, tôi càng cảm thấy đau đớn khi biết nguồn nước chính của thành phố, nguồn thơ ca của bao nhiêu văn sĩ xưa và nay đang bị hủy hoại dần. Càng thương sông bao nhiêu, tôi càng trách và giận những con người vô tâm, thờ ơ và vô tình ấy bấy nhiêu. Nhưng, tôi nghĩ lại, tức giận cũng không thể thay đổi được điều gì, chỉ hành động thực tế may ra mới có thể cứu vãn tình hình.

Điều đầu tiên mà tôi nghĩ là, để thay đổi người khác thì phải bắt đầu từ chính mình. Tôi tình nguyện cúi xuống nhặt rác để đánh động vào ý thức của những người hay vứt rác bữa bãi. Thật may, ngay ở những trang đầu tiên của hành trình, tôi đã gặp được những người yêu sông Hương, yêu Huế và họ cũng có những trăn trở đặc biệt như tôi. Đó là dì Trần Thị Tuyết, bác Trương Đình Ngộ. Một thời gian ngắn sau, cụ thể là tháng 7 năm 2018, dự án nhóm Cảm Ơn Dòng Hương ra đời với mong muốn khơi dậy tình yêu con sông và kêu gọi mọi người cùng bảo vệ sông Hương.

Trong “cơn bão” đồ nhựa dùng một lần như hiện nay, tôi lo sợ Huế sẽ không còn giữ được nét xanh và trong như đã từng. Tôi nghĩ mọi cách để chống chọi nguy cơ đó và may mắn làm sao, ý nghĩ và hành động của tôi được nhiều bạn đã ủng hộ. Chúng tôi cùng mang giỏ và hộp đi chợ thay vì dùng bao ni lông và đồ nhựa dùng một lần. Tôi tin tưởng vào chính mình nhưng còn tin hơn vào các bạn khi thấy nhiều người đã làm tốt hơn những gì mà tôi tưởng tượng.

Chị có thể chia sẻ cụ thể các hoạt động đã triển khai và sẽ triển khai của dự án?

Hiện tại, Cảm Ơn Dòng Hương kết hợp với các nhóm/tổ chức như dự án HIPE, Câu lạc bộ Xanh của Trường THCS Đặng Vinh, nhóm hướng đạo sinh Bầy Thiên An, công ty DMZ và các các cá nhân tình nguyện khác để tổ chức những buổi nhặt rác trên bờ và vớt rác dưới sông vào mỗi Chủ nhật cuối cùng của tháng.

Ngoài ra, chúng tôi còn duy trì trang Cảm Ơn Dòng Hương ở Facebook, nơi đăng tải nhiều hình ảnh đẹp về sông Hương, các hoạt động bơi sông và nhặt rác trên sông Hương, khuyến khích người dân hạn chế dùng đồ nhựa và túi ni lông sử dụng một lần và đưa ra các giải pháp xanh như mang giỏ và hộp đựng thức ăn đi chợ, tái chế,… nhằm khơi gợi tình yêu sông Hương và mong muốn bảo vệ sông Hương nói riêng cũng như bảo vệ môi trường nói chung

Khi đã có thêm nhiều người bơi sông, nỗi lo tiếp theo của chúng tôi là vấn đề an toàn khi bơi. Chính vì thế, tôi cùng một nhóm bạn khác đã lên kế hoạch tổ chức dạy cách cứu hộ cho nhóm những người mê bơi sông ở bến Kim Long và dạy bơi cho các em nhỏ đã và đang tham gia chương trình Nhặt rác Cảm Ơn Dòng Hương.

Chị và nhóm đã tuyên truyền chiến dịch ấy ra sao để có thể thu hút nhiều người, đặc biệt thế hệ trẻ tham gia bảo vệ sông Hương, Huế cũng như môi trường nói chung?

Trước hết, để chạm đến tình yêu sông Hương của người Huế, chúng tôi đã chụp và đăng tải những bức hình tuyệt đẹp và quan trọng. Tình thương cố đô một lần nữa được đánh thức trong lòng cư dân, để họ bất giác nhận ra thành phố này mới chính máu thịt của mình theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Đa số người Huế uống nước sông Hương mà trưởng thành nên, máu thịt của họ thấm đẫm làn nước mát trong ấy. Họ mang ơn nguồn sống mà con sông mang lại cho mình. Không một chiến dịch truyền thông nào ý nghĩa hơn ngoài việc thức tỉnh sự tử tế ở một người dân

Vừa khơi gợi tình yêu sông Hương của người Huế, nhóm vừa cảnh báo về tình trạng rác thải trên sông Hương để họ tự giác hành động vì con sông thân yêu. Tôi còn nhớ như in, lần đầu tiên khi nhóm phát động chương trình Nhặt rác Cảm Ơn Dòng Hương, vô số người đã tham gia,  đặc biệt là các bạn nhỏ cấp 2 và cấp 1. Trên mạng xã hội, các bạn chia sẻ, chuyền nhau thông tin đi nhặt rác cảm ơn dòng Hương.

Ngoài hoạt động nhặt rác, Cảm Ơn Dòng Hương còn kết hợp với một số doanh nghiệp và cá nhân khác tổ chức nhiều hoạt động vui chơi cho các em tham gia nhặt rác như đố vui, làm bánh pizza, vẽ tranh đề tài sông Hương. Bởi vậy, những em đã tham gia lúc nào cũng hào hứng muốn được tham gia lần nữa.

Thoạt đầu, tôi cứ đinh ninh rác thải trên sông Hương đến từ những hộ gia đình sống bằng nghề sông nước, cư dân ven sông cũng như những người cuồng tín nên khi nào gặp người ta, tôi cũng bảo dì/chú đừng vứt rác xuống sông Hương. Mỗi lần nhắc nhở như vậy, tôi đều nhận được câu trả lời là họ không làm và tỏ ra không vui. Sau đó, tôi hiểu rằng cách nói của mình chưa phù hợp nên đã tập lại thói quen. Thay vì nói: “Dì ơi, dì đừng vứt rác xuống sông Hương nhé!” thì tôi nhờ họ: “Dì ơi, nếu dì thấy ai định vứt rác xuống sông thì nhờ dì nhắc họ đừng làm vậy dì nhé. Sông Hương là nguồn nước uống của mình đó dì”. Làm như thế, tôi sẽ có nhiều “đồng minh” hơn.

Giống như một “đại sứ môi trường” của sông Hương nói riêng và Huế nói chung, chị đã gặp khó khăn, thử thách lẫn cơ hội nào khi thực hiện hoạt động ý nghĩa này?

Nhìn lại những tháng ngày tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, tôi cảm thấy khá may mắn vì lúc nào cũng có những người bạn tuyệt vời luôn động viên và đồng hành cùng. Nếu thiếu vắng họ, có lẽ tôi đã không bền bỉ được như ngày hôm nay.

Khó khăn lớn nhất phải kể đến việc ngăn chặn hành động rải vàng mã và đèn hoa đăng xuống sông của những người dân cuồng tín bởi rác vàng mã không được tạo ra từ thói quen lâu đời mà là xuất phát từ cái nhìn sai lệch về tín ngưỡng.

Trong quá trình hoạt động Cảm Ơn Dòng Hương, có câu chuyện thú vị nào khiến chị ghi nhớ mãi?

Hoạt động của nhóm Cảm Ơn Dòng Hương không chỉ dừng lại ở việc nhặt rác để kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ sông Hương mà còn lôi cuốn nhiều người biết đến bơi sông và thử bơi trên sông Hương. Sau một thời gian đăng hình về bến Kim Long và Những Cô Nàng Mê Sông Hương trên Facebook thì hè này, cư dân Huế lũ lượt về đây bơi.

Nếu giờ này năm ngoái, bến Kim Long có chưa tới 10 người bơi buổi chiều thì giờ đây con số đó đã cao hơn gấp 10 lần. Những ngày này, bến Kim Long không khác gì bãi biển Thuận An.Tôi thật sự hạnh phúc vì nghĩ rằng, càng nhiều người bơi sông, càng nhiều người muốn bảo vệ sông.

Được biết, Lan là một hướng dẫn viên du lịch. Công việc này bắt đầu ra sao và chị muốn chuyển tải thông điệp gì đến những người bạn quốc tế?

Tháng 05/2017, tôi chính thức nghỉ việc ở một công ty truyền thông sau 10 năm gắn bó. Thời điểm đó, những biến cố cá nhân và gia đình như việc mẹ tôi bị ốm rất nặng khiến tôi nhận thấy vừa làm trọn bổn phận người con vừa chu toàn nghĩa vụ công sở vượt quá khả năng của chính mình. Và, thiết nghĩ, cũng đã đến lúc tôi cần phải thay đổi sau quãng thời gian một thập niên làm việc miệt mài ở doanh nghiệp cũ. Nghỉ việc xong, tôi có thời gian bên mẹ, vừa suy nghĩ xem bản thân mình thực sự muốn gì ở cuộc sống này.

Tôi yêu Huế, luôn chụp ảnh và viết về thành phố ở blog cá nhân như dường như, điều đó thôi chưa đủ. Thế là, tôi quyết định trở thành hướng dẫn viên du lịch tự do để có nhiều thời gian cho mẹ, vừa được thỏa mãn những câu chuyện cố đô trong mỗi lần giao du và đưa khách đi đây đi đó. Tôi hi vọng bất cứ vị khách nào khi gặp mình sẽ nhìn Huế theo một góc riêng, chân thật hơn, gần gũi hơn, sâu lắng hơn chứ không đơn thuần lướt qua nó như bao vùng đất bình thường khác.

Đối với du khách của những công ty du lịch mà tôi được mời cộng tác, chương trình tham quan đã được thiết kế sẵn. Nhưng, với những du khách liên lạc trực tiếp với tôi, tôi thiết kế linh động dựa trên sở thích và yêu cầu của họ. Chẳng hạn, với những người chỉ mê chụp ảnh, tôi sẽ dẫn họ đến những điểm mà tôi mê mẩn như đầm Chuồn lúc sáng sớm, khu chợ lúc đông khách hay đồi Vọng Cảnh thuở hoàng hôn.

Còn đối với những người quan tâm tới cuộc sống của người địa phương và mong muốn tìm hiểu khu vực cư dân sinh sống thì tôi sẽ dẫn họ đi bộ quanh làng Kim Long (nơi tôi sống) và kể cho họ nghe bao câu chuyện thú vị nơi đây. Tôi sẽ không quên mời khách ăn món bèo nậm lọc ở quán mà mẹ tôi thường xuyên lui tới với những người bạn già lúc bà hẵng còn khỏe, hay quán bánh ướt thịt nướng mà hồi nhỏ cứ mỗi lần đạp xe qua đây, mùi thịt nướng thơm lừng đã bay vào từng ngóc ngách trong buồng phổi tôi và theo tôi về nhà.

Tôi sẽ không quên mời khách ăn món bèo nậm lọc ở quán mà mẹ tôi thường xuyên lui tới với những người bạn già lúc bà hẵng còn khỏe, hay quán bánh ướt thịt nướng mà hồi nhỏ cứ mỗi lần đạp xe qua đây, mùi thịt nướng thơm lừng đã bay vào từng ngóc ngách trong buồng phổi tôi và theo tôi về nhà.

Người ta nói rằng “đi ra thế giới”, đến những vùng đất mới mới có thể nhìn đời rộng mở. Nhưng, theo quan niệm sống của chị, có lẽ Huế là thế giới rộng lớn và bao la hơn cả mà chị khám phá hoài không hết.

Không hẳn vậy.

Tôi đam mê xê dịch và luôn khao khát đi ra thế giới để mở mang tầm mắt và tri thức. Đối với riêng tôi, du lịch là cách học lịch sử và văn hóa của dân tộc khác vô cùng sống động và dễ nhớ vì nó không chỉ bổ sung tri thức mà còn cho tôi cơ hội được nếm và trải nghiệm vùng đất mình thăm quan bằng mọi giác quan.

Dù vậy, trong tâm thức của tôi, đi là để trở về và để yêu Huế nhiều hơn. Dù những chuyến đi đến Angkor Wat bí ẩn, Vạn Lý Trường Thành hùng vĩ, Borobudur linh thiêng hay Bagan cổ tích cuốn hút tôi bao nhiêu thì khi về Huế và băng qua dòng sông Hương quen thuộc, tôi vẫn nghĩ Huế là thiên đường của mình, chứ không phải là một nơi nào khác. Huế mình nhỏ lắm nhưng Huế là một vùng đất sâu và dày về văn hoá và lịch sử. Tôi luôn cố gắng gom nhặt từng ngày để hiểu hơn về Huế rồi hiểu hơn về chính mình.

Từ khi mẹ tôi ốm nặng vào năm 2016, tôi không còn có nhiều cơ hội để đi đây đi đó nữa và thoạt đầu cũng thấy buồn và “ngứa chân” lắm. Nhưng càng “dẫy đạp”, tôi càng đau khổ. Thế là, tôi quyết định phải sống hạnh phúc với những thứ mình có. Có thể, tôi chưa đặt chân đến New York, Luân Đôn hay Tokyo, nhưng tôi sẽ đi…du lịch Huế. Nhờ thái độ sống này mà cuối cùng tôi đã biết thêm nhiều ngóc ngách khác của Huế.

Nếu mình chưa đi được xa, mình mong muốn bơi thật sâu để chạm đến tận đáy văn hóa và lịch sử của vùng đất nơi mình sống. Chỉ cần mình thấy đủ và luôn cảm thấy biết ơn tự khắc mình sẽ hạnh phúc và đủ đầy.

Cuộc sống của chị Hương Lan thật an nhiên và bình lặng.

Nói chính xác hơn, tôi đang làm cho cuộc sống của mình thật an nhiên và bình lặng.

Tất cả mọi thứ đều là lựa chọn, bạn chọn sống bình yên và hạnh phúc, bạn sẽ kiên định với con đường này. Thoạt đầu, thật khó mà an nhiên khi sống bên cạnh người mẹ ruột đau ốm triền miên và người mẹ thứ hai thì bị người ta làm cho vấy bẩn và ô nhiễm, bởi thế, đối với tôi, sống bình an là một sự cố gắng: cố gắng buông bỏ những thứ không cần thiết và chỉ tập trung vào cái đẹp, cái hay và cái mình có thể làm được. Dù hai người mẹ của tôi không được khỏe mạnh nhưng chí ít, tôi vẫn còn có hai mẹ trên đời và đang làm gì đó vì họ.

Nếu được cám ơn 3 người trong cuộc đời sự nghiệp của mình, đó là ai và tại sao?

Đầu tiên, đó chính là mẹ ruột, người đã hy sinh gần cuộc đời để tôi có được tôi của ngày hôm nay, và vì mẹ đã xuất sắc trong vai trò của cả người mẹ lẫn người cha.

Thứ hai, ấy là mẹ sông Hương luôn bao dung và “lắng nghe”. Mỗi lần hạnh phúc hay khổ đau, tôi đều tâm sự với mẹ sông Hương để rồi thấy tâm hồn mình bình yên và tươi mới hơn sau mỗi lần tôi ôm mẹ vào lòng.

Thứ 3, ấy là thầy Hồ Tấn Phan, người đã truyền lửa đam mê Huế và sông Hương cho tôi. Thầy tự xem mình là người đầy tớ của sông Hương, cả cuộc đời thầy cũng đã dành trọn để nghiên cứu cổ vật dưới đáy sông Hương và lịch sử xứ Huế. Dù thầy không còn nữa nhưng ngọn lửa đó vẫn còn sáng trong tôi.

Lan ấp ủ giấc mơ gì cho hiện tại và tương lai? Chị có thể gửi gắm thông điệp nào đó cho bạn đọc Luxuo?

Giấc mơ hiện tại và tương lai của tôi đều xoay quanh hai người mẹ. Tôi mong mình sẽ khiến mẹ ruột cảm thấy nhẹ nhàng và vui vẻ hơn mỗi ngày để chiến đấu với bệnh tật, và tôi mơ mẹ sông Hương sẽ có nhiều người yêu thương và giữ gìn hơn để mãi xanh trong, khoe sắc.

Và một giấc mơ nho nhỏ nữa cho riêng tôi, ấy là sớm có một ngày tôi sẽ được bơi cùng một “nửa của mình” từ bến Kim Long lên chùa Thiên Mụ, khoảng cách bơi cả đi lẫn về dài 4km. Tôi đã thực hiện hai lần và vô cùng thích thú.

Tôi hi vọng chúng ta cùng hãy trân trọng và gom nhặt những niềm vui nho nhỏ và giản đơn mỗi ngày như là ngắm bình minh, hoàng hôn, được ăn cơm với những người mình thương yêu hay đã cắt được “cơn nghiện” túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần dù là chỉ một lần trong một tuần.

Bài: TRANG PS | Ảnh: NVCC
Ảnh chân dung nhân vật: Phạm Văn Vũ


 
Back to top