ART & LIFE

KTS Trần Lê Quốc Bình: “Người se duyên” đưa tác phẩm mỹ thuật hòa quyện vào thế giới kiến trúc

Nov 19, 2019 | By Trang Ps

Không chỉ là kiến trúc sư nổi tiếng xây dựng nên những công trình dân dụng, Trần Lê Quốc Bình còn đóng vai trò cầu nối đưa thế giới mỹ thuật chạm vào kiến trúc. Sự giao thoa này, theo như anh chia sẻ, sẽ có ảnh hưởng lớn đến tư duy và gu thẩm mỹ của trẻ em – thế hệ kế thừa.

Nếu có cơ duyên gặp gỡ một vị kiến trúc sư nổi tiếng, chúng ta thường có xu hướng hỏi về những công trình tiêu biểu hay phong cách thiết kế mà anh đang theo đuổi. Nhưng vốn dĩ, mỗi kiến trúc sư đã là một nghệ sĩ và thế giới của họ đôi khi vượt ra khỏi phạm vi kiến trúc đơn thuần. Trần Lê Quốc Bình cũng thế, ngoài vai trò chính là người thiết kế, tư vấn dự án, anh còn là nhà sưu tầm tranh. Suốt 10 năm qua, anh đã thổi hồn mỹ thuật – nhiếp ảnh vào lĩnh vực kiến trúc, khiến mỗi công trình trở nên hoàn thiện hơn.

Luxuo.vn đã có cuộc trò chuyện cởi mở với kiến trúc sư Trần Lê Quốc Bình để hiểu hơn về hành trình kết nối mỹ thuật – kiến trúc của anh.

Chào kiến trúc sư Trần Lê Quốc Bình! Được biết, anh là người đam mê mỹ thuật và bắt đầu việc sưu tầm tranh cách đây khá nhiều năm. Không biết cơ duyên này đã đến với anh trong hoàn cảnh đặc biệt như thế nào?

Thực sự, để gọi là sưu tầm thì hơi quá (cười). Tôi là người thích tranh, quan tâm nhiều đến tranh và nhiếp ảnh. Cách đây 10 năm, tôi tìm hiểu thế giới mỹ thuật sâu hơn, bắt đầu mua và sở hữu những tác phẩm tranh đầu tiên. Thời điểm ấy, việc đưa tác phẩm mỹ thuật Việt Nam vào công trình kiến trúc vẫn còn khá hiếm hoi. Bởi thế, tôi muốn tác động đến khách hàng của mình, để họ dần hiểu và quan tâm đến tranh và nhiếp ảnh. Tôi tác động đến những người xung quanh mình trước, từ đó làn sóng lan rộng ra dần dần.

Những tác phẩm tôi mua thường có 3 dạng cơ bản. Thứ nhất, đó là bức tranh tôi cảm thấy thích. Thứ hai, họa sĩ ấy đang mắc kẹt vấn đề gì đó trong công việc hay tài chính, tôi mua hỗ trợ để họ có thể tiếp tục sáng tác và hoàn thành bộ sưu tập dang dở. Thứ ba, tôi mua tranh và muốn giới thiệu cho khách hàng để họ sử dụng tác phẩm ấy trong công trình của mình.

Như bạn cũng biết, cách đây 10 năm, nhiều người – bao gồm những khách hàng của tôi – nếu có chơi tranh thì cũng chỉ chơi tranh chép, thậm chí nhiếp ảnh cũng thế. Họ nghĩ họ dễ dàng tải một bức ảnh đẹp của một nhiếp ảnh gia nổi tiếng nào đó, sau ấy in ra và treo trong nhà. Họ không để tâm đến vấn đề vi phạm bản quyền. Tôi muốn thay đổi quan điểm đó, vì những tác phẩm kia đều là chất xám.

Nhiều bạn bè của tôi là họa sĩ, nhiếp ảnh gia, họ phải sống được bằng nghề của chính họ. Tôi muốn khách hàng hiểu và tôn trọng điều đó. Khi họ đã có thói quen dùng tranh và ảnh thật rồi, họ không những giúp cho họa sĩ mà còn chính họ và gia đình họ.

Đóng vai trò cầu nối giữa thế giới mỹ thuật và kiến trúc, hành trình của anh đã bắt đầu và trải qua những chông gai như thế nào?

Chuyên ngành của tôi là kiến trúc và hội họa là một trong những bộ môn bắt buộc phải học. Tôi thiết nghĩ, bất cứ ai là kiến trúc sư đều ham thích mỹ thuật, chỉ là điều kiện chưa cho phép họ tiếp cận nhiều về thế giới thú vị này. Nhưng khi tôi tham gia một triển lãm tranh ở Singapore cùng với một số người bạn là họa sĩ, tôi cảm thấy họ khá loay hoay trong việc giới thiệu tranh cho khách hàng trong ngày hôm đó, khi nhận ra họ lúng túng như vậy, tôi nghĩ mình nên là cầu nối giữa họ với khách hàng.

Tôi giúp họ tiếp cận những người muốn mua tranh trong triển lãm, hay nếu có khách hàng phù hợp, tôi cũng giới thiệu giúp họ. Thậm chí, nếu ấn tượng với bức tranh nào đó, tôi quyết định mua ngay, và chờ cơ hội để giới thiệu đến những người khác.

Tôi có ý tưởng đưa tranh hay ảnh vào công trình vì tôi nghĩ rằng nếu được như vậy, tác phẩm kiến trúc ấy sẽ đẹp và hoàn thiện hơn. Ước muốn này càng mãnh liệt bao nhiêu, tôi càng muốn để nó diễn ra tự nhiên bấy nhiêu. Chứ bản thân không muốn ép buộc khách hàng vì hình thành cho họ sở thích yêu tranh mới là mục tiêu quan trọng nhất. Và để yêu cái gì đó, ta cần nhiều thời gian và nỗ lực.

Chính vì thế, làm việc và thuyết phục khách hàng mua tranh trong những ngày đầu cực kỳ khó khăn. Bên cạnh khát khao mỹ thuật hay nhiếp ảnh khiến công trình kiến trúc đẹp hơn, tôi nghĩ đã đến lúc thị trường mỹ thuật  ở Việt Nam cần hình thành và phát triển rõ rệt hơn nữa. Khi có thị trường, những yếu tố khác cũng sẽ phát triển theo.

Tôi đã từng bảo với khách của mình rằng: “Nếu chị mua một chiếc túi, chỉ mình chị cảm nhận được, đôi khi, bạn bè nhìn vào thì họ khen, nhưng với bức tranh, giá trị lớn hơn ở chỗ nó làm đẹp không gian nhà ở, và con cái ít nhiều được ảnh hưởng bởi cái đẹp mà tranh mang lại. Đó cũng là một hình thức giáo dục. Khi con cái lớn lên cùng cái đẹp xung quanh nó, đó sẽ là giá trị mà chúng muốn theo đuổi xuyên suốt cuộc đời. Nó sẽ giúp trẻ hình thành gu thẩm mỹ trong tiềm thức, và khi treo một bức tranh thật trong nhà, lớn lên, thế hệ trẻ sẽ không bao giờ dùng tranh giả”.

Khi con cái lớn lên cùng cái đẹp xung quanh nó, đó sẽ là giá trị mà chúng muốn theo đuổi xuyên suốt cuộc đời. Nó sẽ giúp trẻ hình thành gu thẩm mỹ trong tiềm thức, và khi treo một bức tranh thật trong nhà, lớn lên, thế hệ trẻ sẽ không bao giờ dùng tranh giả.

Trong quan niệm của tôi, khi đưa tranh vào công trình, tác phẩm ấy không có gì là cao siêu, bạn nhìn nó và chỉ cần cảm thấy thích chứ chưa cần phải hiểu. Bạn chỉ cần yêu những điều đến tự nhiên như vậy thì từ từ, khi có sự quan tâm, bạn bắt đầu tìm hiểu. Trong câu chuyện đưa mỹ thuật vào kiến trúc, bản thân tôi là một người đứng ngoài, xác định cho khách hàng rõ giá trị tranh nằm ở đâu, vì bản thân họ chưa có dịp để hiểu, và từ đó, tôi tư vấn cho họ những tác phẩm phù hợp để trưng trong không gian sống.

Hành trình này cần sự kiên nhẫn, nhẹ nhàng và kiên định. Sau một thời gian dài như vậy, bạn bè và khách hàng của tôi bắt đầu “xài” tranh thật, và giờ đây, bảo họ treo một bức tranh chép trong nhà, họ không còn có thể chấp nhận được nữa.

Tôi cảm thấy khá tò mò khi anh nhắc nhiều về việc giá trị tranh ảnh hưởng đến trẻ con – thế hệ tương lai. Anh có thể diễn giải rõ hơn về việc mỹ thuật thay đổi tư duy của con trẻ mạnh mẽ như thế nào?

Như bạn cũng hình dung, thị trường tranh ở Việt Nam nhìn chung còn mới mẻ và chưa có sự chuyên nghiệp. Vì nó chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng làm bệ đỡ cho thị trường phát triển, hay thiếu thông tin minh bạch và các nhà nghiên cứu, phê bình, giám tuyển – những người xác định giá trị tranh nằm ở đâu. Thị trường mỹ thuật nào thoạt đầu cũng sẽ rơi vào tình trạng đấy thôi. Nhưng khi chúng ta hình thành được một thế hệ mới yêu tranh và mua tranh, nghĩa là chúng ta đang bắt đầu kéo những thành tố khác lên. Một trong những giá trị thật nhất mà tôi muốn mang đến là giá trị thẩm mỹ cho gia đình, đặc biệt là những đứa trẻ trong tổ ấm đó.

Có người vẫn thắc mắc: “Tại sao nước mình còn nghèo mà xây nhà hát làm chi?” Nhưng rõ ràng, nó không thể so sánh bằng tiền. Giá trị đó thật sự lớn. Cổ nhân có câu: “Cuối cùng, cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới”.

Nhiều người Việt vẫn còn đánh giá thấp giá trị mỹ thuật – nghệ thuật đem lại. Có người vẫn thắc mắc: “Tại sao nước mình còn nghèo mà xây nhà hát làm chi?” Nhưng rõ ràng, nó không thể so sánh bằng tiền. Giá trị đó thật sự lớn. Cổ nhân có câu: “Cuối cùng, cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới”. Và mỹ thuật chính là cái đẹp lớn lao đó. Người lớn chúng ta chưa để ý và đánh giá cao giá trị thẩm mỹ mà mỹ thuật đem lại, nhưng những đứa trẻ rất cần có cơ hội tiếp cận và phát triển nội lực cùng khả năng sáng tạo bên trong con người mình thông qua mỹ thuật.

Bản thân tôi là người thường xuyên đi du lịch và qua Nhật hay các nước Âu châu, tôi nhìn thấy những em bé 6, 7 tuổi xếp hàng dài rất dài để được vào bảo tàng xem tranh. Khi chứng kiến cảnh đó, tôi thấy các em nhỏ Việt Nam thật thiệt thòi. Nếu ở độ tuổi các em, tôi cũng được tiếp cận mỹ thuật như thế, tôi đã thay đổi sớm hơn rất nhiều.

Cũng như vậy, hồi xưa, khi thiết kế nhà ở cho người nước ngoài, khi quay lại, tôi không hiểu vì sao ngôi nhà đẹp và có hồn hơn rất nhiều so với cái hồn ban đầu mà tôi trao. Và cái đẹp ấy diễn ra thật tự nhiên. Nhưng có một số ngôi nhà của người Việt lại không thể hiện được nét đẹp ấy.

Hồi xưa, thầy giáo bảo chúng tôi: “Nếu gia đình em giàu có, khi em thiết kế một công trình sang trọng sẽ dễ hơn. Nhưng nếu em không có điều kiện như vậy mà em vẫn muốn làm thì bắt buộc, em phải trải nghiệm nó gấp đôi, gấp ba, may ra, em mới có thể tiếp cận được”.

Lúc đó, tôi rất giận thầy, tôi nghĩ thầy nói chẳng đúng chút nào. Nhưng lớn lên rồi, khi đi ra nước ngoài nhiều hơn, đặc biệt khi tôi ghé thăm những ngôi làng cổ bình thường xa trung tâm hay các nước Trung Đông, cái đẹp xung quanh họ như hơi thở vậy, rất tự nhiên và ngấm sâu vào trong con người họ từ khi sinh ra cho đến lúc lớn lên. Nên khi họ biểu hiện ra bên ngoài, nó cũng rất chân thành và tự nhiên như hơi thở. Họ đặt để một chậu hoa bình thường thôi mà cũng thấy đẹp, họ treo trong nhà bức tranh rẻ tiền thôi mà trông vẫn rất dễ thương và duyên dáng.

Cách tiếp cận cái đẹp của bố mẹ sẽ hình thành tư duy thẩm mỹ lên tâm thức con cái. Nếu bố mẹ chỉ chăm chăm tiếp cận vật chất hay những thứ bề nổi, con cái của họ cũng sẽ bắt chước theo. Bởi thế nên, mỹ thuật – cái đẹp không thể đong đếm bằng tiền phải được thế hệ tương lai quan tâm, tận hưởng.

Tôi nghĩ thị trường mỹ thuật cần môi trường trung gian như vậy, nơi cung cấp thông tin minh bạch và rõ ràng cho người có nhu cầu mua và người có nhu cầu bán. Nếu không có đơn vị trung gian, quá trình trao đổi diễn ra khá lộn xộn vì giá trị thật của tranh không được kiểm chứng một cách rõ ràng.

Anh đánh giá cao môi trường trung gian – tức những người làm cầu nối giữa họa sĩ và khách hàng. Tại sao như vậy?

Lúc đầu, tôi có ý định để họa sĩ chủ động trao đổi, làm việc với gia chủ nhưng chuyện đó khó mà thành công. Nếu họa sĩ tiếp cận chủ nhà mà chưa thông qua sự giới thiệu của tôi, thì người chủ ấy dù có tiền nhiều đến đâu thì họ cũng e ngại và nghi ngờ. Vì họ không biết giá trị thật của tác phẩm nằm ở đâu, và họ cần một người thứ ba khách quan chỉ cho họ rằng đây là món đồ đúng. Người họa sĩ tự nói ra những điều này thì làm sao khách hàng có thể tin tưởng được? Và thông tin về người họa sĩ ấy trên mạng chưa đủ để khách hàng xác minh.

Mặc dù, tôi không phải là một chuyên gia mỹ thuật nhưng khi giới thiệu tranh và họa sĩ cho khách hàng, tôi cố gắng tìm hiểu thông tin thực sự cần thiết và chứng minh đầy thuyết phục rằng những giá trị kia là đúng. Khi đó, chủ nhà sẽ tin.

Tôi nghĩ thị trường mỹ thuật cần môi trường trung gian như vậy, môi trường cung cấp thông tin minh bạch và rõ ràng cho người có nhu cầu mua và người có nhu cầu bán. Nếu không có đơn vị trung gian, quá trình trao đổi diễn ra khá lộn xộn vì giá trị thật của tranh không được kiểm chứng một cách rõ ràng. Thậm chí, họa sĩ đôi khi còn không thể biết hết giá trị này.

Đầu tiên, tôi thường giới thiệu cho chủ nhà những bức tranh không quá đắt tiền. Khi họ đồng ý và cảm thấy hứng thú, tôi mới bắt đầu giúp họ tiếp cận với những tác phẩm đắt hơn.

Gần đây, người ta phát hiện có một nhà thiết kế nội thất kia có treo một bức tranh y hệt tác phẩm nổi tiếng vừa đạt mức bán đấu giá 110 triệu USD, dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều. Với tư cách là một người tìm hiểu nhiều về thế giới mỹ thuật, quan điểm của anh như thế nào?

Tôi nghĩ chúng ta cần có đủ thông tin để xác minh thêm. Vì những bức tranh nổi tiếng của thế giới cũng có những phiên bản in được bán trong các viện bảo tàng. Thế giới nghệ thuật đang phát triển rất nhanh và bức tranh thật của một họa sĩ nổi tiếng đôi khi được sản xuất ra trên nhiều chất liệu khác nhau, vấn đề là quy trình sản xuất ấy có mua bản quyền hay không. Nếu đã mua bản quyền, thì không còn vấn đề gì phải tranh cãi. Còn nếu nhà thiết kế nội thất tự ý sản xuất bức tranh ấy thì không ổn, nghĩa rằng ông ta vi phạm pháp luật.

Khi qua Quảng Châu, Trung Quốc, tôi thấy nhiều bức tranh của các danh họa phương Tây được in lên kính hay canvas. Trào lưu ấy phát triển khá nhiều. Và đơn vị sản xuất phải mua bản quyền trước khi in như thế.

Mỹ thuật hay kiến trúc đều là cái đẹp và nó chữa lành tâm hồn con người. Như một họa sĩ nào đó đã từng nói: “Vẽ là cách khiến cho nội tâm mình thở”. Còn về phần kiến trúc thì sao, anh có suy nghĩ như thế nào?

Từ nhỏ, tôi không có điều kiện tiếp cận thế giới mỹ thuật nhưng khi có đủ điều kiện, tôi trải nghiệm nó tối đa và như bạn nói, nó chữa lành nỗi đau và khiến đời sống tinh thần của mình cân bằng, hạnh phúc hơn.

Trước đây và đến bây giờ, tôi không có chủ ý đến bảo tàng để học thêm gì mà đơn thuần đến đó để thưởng tranh. Khi tiếp xúc với tác phẩm điêu khắc, tôi bắt nhịp nhanh với nó vì kiến trúc cũng liên quan nhiều đến hình khối. Tác phẩm đó khiến cảm xúc trong tôi trở nên mãnh liệt, và tôi cảm nhận thấy, nỗi đau của nhân vật trong tranh hay điêu khắc dường như còn lớn hơn nỗi đau của bản thân mình. Hay khi xem những bức hình nude của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Tim Walker, tôi xúc động khôn cùng.

Tôi thấy cái sự tự ti của mình nhỏ bé lại, vì những người trong tranh ảnh đâu có đẹp theo đánh giá thẩm mỹ bây giờ nhưng chính nhờ sự tự tin và tự nhiên của họ, họ bỗng trở nên thật đẹp và thật quyến rũ. Những tác phẩm ấy phần nào đó phóng thích những kìm nén và giấu diếm nặng nề bấy lâu trong lòng tôi. Và cũng khoảnh khắc ấy, tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc, và có thể hạnh phúc gấp bội lần những người không quan tâm đến thế giới mỹ thuật. Và lúc này, bản thân tôi là một người giàu có đấy chứ!

Ngoài việc kết hợp thế giới mỹ thuật và kiến trúc, anh cũng là một trong những kiến trúc sư Việt điển hình trong vai trò hướng đến những công trình xanh. Vậy trong quan điểm của anh, một công trình xanh – giá trị xanh được hiểu cụ thể như thế nào?

Hồi xưa, khi ghé thăm một hang động ở Quảng Bình, tôi hay than trách người bạn của mình: “Mày kỳ quá, sao cứ xài túi ni lông hoài, và cứ vứt ra như thế thì ai đi dọn giùm mày”. Thấy tôi trách nhiều quá, bạn cũng nói lại: “Thế còn mày, mày xây nhà thì mai mốt đập đi, nó tan vào đâu?”. Lúc ấy, tôi giật mình và tự hỏi cuối cùng tôi đúng hay bạn đúng.

Sau này tìm hiểu, tôi thấy mọi người có cái nhìn chưa đúng về giá trị xanh. Nó không được thể hiện qua những gì bạn thấy mà là qua chỉ số năng lượng tiêu thụ. Thí dụ, kiến trúc xanh đạt được khi chỉ số năng lượng thấp, chứ cây xanh trồng trông nhà hay màu xanh chưa nói lên được giá trị xanh của công trình. Chỉ số năng lượng ở đây là bản thân công trình ít tiêu tốn năng lượng như việc mọi người ý thức tiết kiệm điện năng, nước, xài túi ni lông cũng được nhưng không được vứt đi ngay mà cần xài đi xài lại nhiều lần, hay xài vật liệu địa phương để quá trình vận chuyển giảm thiểu lượng carbon…

Mọi người hay có cái nhìn tiêu cực về túi ni lông, nhưng rõ ràng năng lượng để sản xuất một miếng thịt bò lớn hơn rất nhiều so với năng lượng tiêu hủy một túi nilong. Và để làm ra một ly sữa bò, người ta tiêu tốn đến 200 lít nước. Chưa kể, lĩnh vực chăn nuôi tiêu hao năng lượng khủng khiếp trong đó khí metan mà con bò thải ra cũng không ít.

Hồi xưa, người ta sử dụng túi giấy quá nhiều dẫn đến việc đốn rừng quá tải, túi ni lông ra đời để ngăn chặn điều đó – và là một dụng ý tốt. Thứ hai, nhựa sinh ra từ ngành dầu khí nên nếu không sản xuất túi ni lông thì rõ ràng, nhựa vẫn nằm ở đó. Việc sử dụng túi nilong tràn lan và vô tội vạ của con người khiến nó trở nên xấu xa. Bây giờ, một số doanh nghiệp có tinh thần để ý giảm thiểu túi nilong và mình nên khuyến khích. Vì với các công ty, việc chuyển đổi cơ chế là không hề đơn giản.

Hồi đi đảo Palawan, bước lên một chiếc tàu, người phục vụ già như người dân tộc thiểu sổc liền thông báo cho hành khách rằng không được mang theo túi nilong lên đảo và nếu đã lỡ mang rồi thì phải để lại toàn bộ túi ở tàu để họ chuyển về đất liền. Rõ ràng, hành động ấy có sự tác động của giáo dục và chính sách.

Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này!

Bài: TRANG PS | Ảnh: RAB HUU STUDIO


 
Back to top