Giới siêu giàu Hồng Kông phản ứng như thế nào trước khủng hoảng từ luật dẫn độ?
Dự luật dẫn độ cùng các thỏa thuận minh bạch về thuế vào năm 2018 của Hồng Kông đang trở thành chất xúc tác mạnh mẽ cho cuộc tháo chạy vốn vội vàng sang Singapore.
Đầu năm 2018, Tập đoàn tư vấn Capgemini SE đã xác nhận một tin đồ lan rộng rằng người giàu Trung Hoa đang kiểm soát khối tài sản lên đến 5,8 nghìn tỷ USD tại nước ngoài bất chấp những quy định nghiêm ngặt liên quan đến tháo chạy vốn tại quốc gia này. Nhằm gia tăng độ tin cậy, họ lấy thêm dẫn chứng về một công dân Trung Hoa vừa mua một bất động sản cao cấp tại Singapore với mức giá lên đến 23 triệu USD (theo báo cáo của Straits Times).
Ông Alan Cheong, lãnh đạo nghiên cứu của Savills Singapore, nhận định rằng người Trung Quốc có giá trị tài sản ròng cao đang dẫn đầu trong hoạt động mua bất động sản, nhà ở tư nhân ở vùng trung tâm Singapore (Core Central Region) trong 5 tháng đầu năm 2019, gấp đôi so với người Indonesia.
Theo Cushman & Wakefield, bất động sản của “đảo quốc sư tử” rẻ hơn nhiều so với Hồng Kông. Singapore hội tụ đẩy đủ những yếu tố vàng như triển vọng quốc tế, tiện nghi đẳng cấp, hộ chiếu quyền lực nhất thế giới. Tất cả điều này đã khiến người dân Trung Hoa không thể ngăn nổi khao khát và nhanh chóng trở thành nhóm khách hàng lớn nhất mua bất động sản cao cấp tại Singapore vào năm 2018.
Singapore vượt mặt Hồng Kông để trở thành điểm đến mới của giới siêu giàu
Trước khi Hồng Kông rơi vào dự luật dẫn độ khiến niềm tin của nhân dân vào chính quyền trở nên lung lay thì Singapore đã sớm trở thành điểm đến mới dành cho giới siêu giàu trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc. Ngày càng nhiều giới nhà giàu và siêu giàu Trung Hoa tổ chức hội nghị thượng lưu ở các khách sạn sang trọng của Singapore. Lợi thế của “đảo quốc sư tử” đang dần được củng cố.
Trong lịch sử, Hồng Kông và Singapore luôn cạnh tranh vị trí trung tâm tài chính hàng đầu châu Á và thậm chí, cuộc ganh đua ấy còn tồn tại đến hôm nay với bản chất ngày càng nghiêng về vốn và tài chính. Thế nhưng, khi sức nặng của thủ đô Bắc Kinh đang dần lấn át, cán cân bắt đầu nghiêng về phía Singapore.
Sau khi được Anh trao trả về cho Trung Quốc vào năm 1997 theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, Hồng Kông được quyền duy trì hệ thống pháp lý riêng, độc lập với Trung Quốc đại lục. Song, dư luật dẫn độ gần đây do trưởng đặc khu Carrie Lam đề xuất dưới sự hậu thuẫn của chính quyền Bắc Kinh khiến nhiều người dân Hồng Kông lo ngại. Dự luật có thể làm ảnh hưởng của Trung Quốc đại lục với Hồng Kông gia tăng, đồng thời khiến họ bị điều chỉnh bởi một hệ thống pháp luật khác. Chưa kể, nếu dự luật được thông qua, điều này cũng đe dọa trầm trọng đến mối quan hệ Mỹ – Hồng Kông và khiến đặc khu hành chính ít hấp dẫn trong mắt du khách và doanh nghiệp nước ngoài.
Ảnh hưởng của dự luật dẫn độ và thỏa thuận minh bạch về thuế
Theo báo cáo tài sản của Credit Suisse 2019, người sở hữu giá trị ròng cực cao (trên 100 triệu USD) tại Hồng Kông gấp đôi so với Singapore. Nghiên cứu ước tính có đến 853 cá nhân sở hữu khối tài sản khổng lồ ấy. Trước nguy cơ dự luật dẫn độ có thể được thông qua, ngày càng nhiều tài phiệt Hồng Kông chuyển tài sản cá nhân sang Singapore. Đây cũng là hiện tượng tháo chạy vốn (capital flight), thường xảy ra khi nền kinh tế chính trị bất ổn định trong nước khiến nhà đầu tư lo lắng.
Theo thông tin từ Reuters, một ông trùm Hồng Kông đã chuyển hơn 100 triệu USD từ tài khoản Citibank địa phương sang tài khoản Citibank ở Singapore. Các chuyên gia pháp lý như Giáo sư Simon Young của Trường Đại học Hồng Kông, đồng thời là cố vấn pháp lý cho giới thượng lưu, đã cảnh báo về các khía cạnh ít được biết đến trong dự luật dẫn độ của Carrie Lam. Nếu dự luật này được thông qua, tòa án Trung Quốc có thể yêu cầu tòa án Hồng Kông đóng băng và tịch thu tài sản liên quan đến hoạt động tội phạm diễn ra tại đại lục.
Vào năm 2018, Hồng Kông đã ký thỏa thuận minh bạch về thuế, trong đó có quy định các ngân hàng tại đặc khu này phải thông báo và cung cấp thông tin khách hàng và tài khoản của họ cho cơ quan thuế Hồng Kông, các số liệu này sẽ được chuyển tới Bắc Kinh. Trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc vẫn chưa đi đến hồi kết, việc để lọt các thông tin tài sản vào chính quyền Bắc Kinh là điều đáng lo ngại với giới nhà giàu ở Trung Quốc. Singapore cũng đã ký những thỏa thuận tương tự, nhưng không có nghĩa vụ phải cung cấp các thông tin này cho Bắc Kinh như Hồng Kông.
Dữ liệu từ Ủy ban Chứng khoán & Tương lai của Hồng Kông cho hay, ngân hàng tư nhân tại đặc khu đã phát triển chậm lại kể từ năm 2015. Tài sản của ngân hàng tư nhân giảm từ 18% xuống còn 10,7% vào năm 2016.