ART & LIFE

“Tranh chép chỉ có giá trị giải cơn khát tạm thời”: Những ý kiến từ nhà nghiên cứu nghệ thuật

Dec 20, 2019 | By Trang Ps

Trả lời phỏng vấn của Luxuo.vn về vấn đề tranh chép và mua bản quyền tranh, nhà nghiên cứu nghệ thuật Lý Đợi thẳng thắn nhận định: “Tranh chép chỉ có giá trị giải cơn khát tạm thời, chứ không phải là nguồn nước tinh khiết cho cơ thể”.

Chào anh Lý Đợi! Có những người vô tình nhìn thấy một bức tranh giống y hệt bức tranh gốc của một danh họa liền bôi nhọ và chỉ trích kẻ treo tranh. Liệu việc chỉ nhìn tranh đã có thể nói đó là tranh chép và tranh đó vi phạm bản quyền? Anh có thể lý giải thêm về điều này để mọi người thêm phần thông tỏ?

Câu hỏi rất hay của bạn có hai vế rất then chốt: Thứ nhất là liệu chỉ nhìn đã có thể nói là tranh chép? Đây là điều rất nan giải, bởi có nhiều trường hợp dùng cả hội đồng thẩm định uy tín, máy móc xét nghiệm tinh vi, đối chiếu lịch sử công phu… còn chưa biết đó là tranh thật, tranh chép, hoặc tranh nhái, thì làm sao dám khẳng định nhìn là biết.

Chúng ta chỉ nhìn là biết tranh chép trong một vài trường hợp cụ thể, ví dụ biết chắc tranh thật, tranh độc bản hiện nay đang ở đâu; hoặc chép chênh lệch kích thước và bút pháp quá nhiều…; còn lại phải rất cẩn thận khi suy xét. Chưa kể những họa sĩ vẽ đi vẽ lại vài một bố cục – ví dụ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm – hai bức na ná nhau không ít, mà bức nào cũng là tranh gốc cả.

Tranh Bùi Xuân Phái – Phố Hàng Mắm 1984

Vế thứ hai là tranh chép đó có vi phạm bản quyền? Điều này cũng phải rất cận thận khi đưa ra nhận định, bởi có thể đó là một phiên bản được phép sao y bản chính thì sao? Trên thế giới và tại Việt Nam, việc sao chép tranh gốc để trưng bày trong bảo tàng, để tặng ngoại giao, để làm công cụ giáo dục, để bán… cũng không hiếm, người sở hữu những bức tranh được phép chép này là hợp pháp.

Có nhiều tranh chép được bán, được đấu giá rất cao, có cả giấy xác nhận tranh chép chuyên nghiệp, có đóng thuế, có hoàn thuế… như tranh gốc. Ví dụ như hồi tháng 1/2019, một bản sao bức tranh Mona Lisa đã được đấu công khai ở New York với giá 1,6 triệu USD, cao gấp 10 lần mức giá dự tính.

Tuy nhiên, về mặt tâm lý, người chơi tranh vốn chuộng nguyên bản và độc bản, tranh chép dù có giá triệu USD thì cũng khó mang lại cảm giác nể phục, khoái chí. Vì dù có chép “xịn” cỡ nào, thì cũng chỉ là tranh chép mà thôi, nó còn lâu mới trở thành tác phẩm phái sinh, tác phẩm đồng cảm hứng sáng tạo.

Nhiều nhà sưu tập chân chính thà mua một bức tranh độc bản với giá 1.000 USD mà thấy khoái chí hơn một bức tranh chép vài chục ngàn USD. Với bối cảnh tranh chép, tranh giả, tranh nhái tràn lan như Việt Nam, chơi một tranh chép – dù có bản quyền hẳn hoi – thì cũng thường dễ bị chỉ trích, bôi nhọ. Tôi không đồng cảm với sự chỉ trích, bôi nhọ này, nhưng có thể hiểu được tâm lý chung là vì sao.

Việc mua bản quyền tranh và treo tranh danh họa khắp mọi nơi như vậy có ảnh hưởng tiêu cực đến tính độc quyền của tranh ấy hay không? Động lực này liệu có được thúc đẩy mạnh mẽ trong tương lai?

Tranh chép, tranh nhái, tranh in… đương nhiên làm ảnh hưởng đến tính độc bản, sự quý hiếm, tính độc quyền của một nguyên tác. Nhưng một bức tranh thường có hai khía cạnh chính là giá trị và giá cả. Xét về giá trị, tại sao có vài tác phẩm, vài tác giả được công chúng phổ thông – phần lớn công chúng phổ thông không mua tranh – biết đến nhiều hơn, là vì được truyền thông, quảng bá rộng rãi hơn.

Dù bất đắc dĩ, nhưng tranh chép, tranh nhái, tranh in cũng là một công cụ quảng bá như vậy. Tại sao trong bộ tứ Nghiêm – Liên – Sáng – Phái thì Bùi Xuân Phái được công chúng bình thường biết đến nhiều hơn, một trong những lý do là vì tranh của ông bị/được chép, nhái, in… nhiều hơn.

Tranh chép chỉ có giá trị “giải cơn khát” tạm thời, chứ không phải là nguồn nước tinh khiết, cần thiết cho cơ thể.

Tha thứ

John Myatt với một bức tranh chép của Van Gogh, được mô tả như một “kẻ gian lận nghệ thuật lớn nhất của thế kỷ 20”

Còn về giá cả? Chắc chắn tranh chép, tranh nhái, tranh in… sẽ làm giảm một phần giá cả của bức tranh nguyên bản, độc bản. Nhưng với những tranh nguyên bản, độc bản ở trạng thái “bất khả xâm phạm” như Mona Lisa, hoặc quá đắt đỏ, bán cũng không mua được, thì tranh chép là cách “giải cơn khát”, cách “tiệm cận” với thần tượng mà thôi. Như xem một diễn viên tái hiện hình tượng một thần tượng, dù rất giống, rất đạt… thì cũng không bao giờ là thần tượng đó. Tranh chép chỉ có giá trị “giải cơn khát” tạm thời, chứ không phải là nguồn nước tinh khiết, cần thiết cho cơ thể.

Tranh chép, tranh nhái, tranh in chỉ có ảnh hưởng tiêu cực không? Đa số là có ảnh hưởng tiêu cực! Nhưng thực tế đời sống thì có vẻ khắt nghiệt hơn, khi nhiều gia đình khá giả, giàu có vẫn còn xem tranh chép, tranh nhái, tranh in… là tranh, thì họ vẫn chọn mua về trang trí cho các căn nhà nhiều tiền.

Chúng ta không thể cấm họ làm điều này, mà chỉ có thể hy vọng sau một thời gian chơi tranh chép, tranh nhái, tranh in thì họ sẽ chơi tranh nguyên bản và độc bản. Cũng có một an ủi rằng thà họ treo tranh chép còn đỡ hơn treo tranh nhái, treo tranh nhái đỡ hơn treo tranh in, treo tranh in đỡ hơn treo mấy cái ảnh lấy trên mạng rồi in decal lòe loẹt bán đầy ở các tiệm trang trí nội thất, vỉa hè.

Mua một chung cư giá 1 triệu USD, treo bức tranh giá 5 triệu USD là cách chơi đang được chọn lựa, dù vẫn còn khá ít.

phòng khách

Mua một chung cư giá 1 triệu USD, treo bức tranh giá 5 triệu USD là cách chơi đang được chọn lựa, dù họ vẫn còn khá ít.

Chỉ khi nào người xây nhà có ý thức hoặc thói quen dành kinh phí cho thiết kế, kiến trúc sư và treo tranh thì tình hình mới cải thiện. Nhiều nước, nhiều gia đình dành cho điều này từ 5 đến 20% tổng kinh phí xây dựng. Riêng với các chung cư trung và cao cấp, nhiều người đã chọn treo tranh nguyên bản, độc bản là cách gián tiếp để tăng giá trị và giá cả của không gian. Mua một chung cư giá 1 triệu USD, treo bức tranh giá 5 triệu USD là cách chơi đang được chọn lựa, dù họ vẫn còn khá ít.

“Phú quý sinh lễ nghĩa”, tranh chép, tranh nhái, tranh in vẫn còn khá phổ biến ở các khu nhà giàu tại Sài Gòn như Thảo Điền, Phú Mỹ Hưng…, nhưng tình trạng này có lẽ sẽ sớm được cải thiện. Chừng 10 năm trước thôi, cả nước tìm cũng không ra nổi 50 nhà sưu tập tranh – những người có trên 50 bức – bây giờ riêng Sài Gòn đã có vài trăm người, hiệu ứng này sẽ giúp cải biến xã hội một phần. Các nhà đấu giá, các phiên đấu giá tranh (dù từ thiện) cũng là một đóng góp cho tình hình chung.

Chính vì vậy, tranh chép, tranh nhái, tranh in trong tương lai sẽ đi vào “hoạt động tinh vi” hơn, hoặc là chép có bản quyền, hoặc nhái theo dạng tác phẩm phái sinh, hoặc in dạng chất lượng cao, theo tiêu chuẩn bảo tàng… Còn tình trạng tranh chép, tranh nhái, tranh in tràn lan như hiện nay sẽ dần được thanh lọc bởi sự kiện toàn của chế tài pháp luật, sự nâng cao ý thức văn hóa và thẩm mỹ của cộng đồng.

Chi phí để mua bản quyền một bức tranh như vậy có đắt đỏ không? Anh có lời khuyên gì cho những người yêu tranh và muốn mua bản quyền để sản xuất tranh của một danh họa nào đó?

Không rõ việc mua bản quyền để làm tranh chép, tranh nhái, tranh in một kiệt tác là bao nhiêu, nhưng nguyên lý chung là tùy thuộc vào mục đích công việc và thỏa thuận. Nếu mua vì mục đích giáo dục sẽ rẻ hơn mua vì thương mại rất nhiều.

Tôi thì không ủng hộ việc làm tranh chép, tranh nhái, tranh in…, dù có mua bản quyền đi nữa, vì tranh nguyên bản, độc bản của các tác giả đương đại còn quá nhiều, sao không ủng hộ họ? “Rừng nào cọp nấy”, “thời thế tạo anh hùng”…, tại sao chúng ta không góp sức tạo ra những bậc thầy, những danh họa của thời đại chúng ta?

Tranh của họa sĩ đương đại Lê Minh Phong.

Nhìn lại lịch sử, chính các cuộc mua bản quyền tranh chép, tranh nhái, tranh in… đã góp vào sự nhiễu loạn nguồn gốc, tính nguyên bản ở hiện tại. Ví dụ như nhiều tranh lụa của danh họa Nguyễn Phan Chánh từng được phép chép để treo thay thế thời chiến tranh, để tặng ngoại giao, để bán…, giờ thật giả lẫn lộn, đến mức chuyên gia của bảo tàng mỹ thuật còn khó phân biệt nổi.

Tôi nghĩ rằng kiệt tác nào ở trong bảo tàng thì cứ để ở trong đó, việc của chúng ta là in sách, làm các nghiên cứu về nó, ai thích thì tìm đọc, có điều kiện thì mua vé vào xem. Còn những kiệt tác đang giao dịch trên thị trường thì cố gắng làm hồ sơ và tiểu sử cho thật minh bạch, để đường đi nước bước rõ ràng nhất.

Phần việc còn lại là tập trung cho các tác giả đương thời, chính họ mới là hiện tại và tương lai của nền mỹ thuật. Vì ham cái danh sẵn có mà bỏ tiền mua một tranh chép, tranh nhái, tranh in còn đắt ngang hoặc đắt hơn tranh nguyên bản, tranh độc bản thì hơi phi lý. Cần tập cảm nhận và rung động với cái mới, cái đương thời, cái khác…, ấy mới là con đường đúng đắn.

Tôi chỉ nghĩ rằng nên bắt đầu việc chơi tranh bằng cách mua những tác phẩm nguyên bản, độc bản giá rẻ, dần dà người chơi tự thanh lọc và nâng cấp mình.

Còn lời khuyên ư? Tôi chỉ là một người nghiên cứu mỹ thuật tài tử, nhiều khiếm khuyết, nên đâu dám có lời khuyên bao quát, xác đáng. Tôi chỉ nghĩ rằng nên bắt đầu việc chơi tranh bằng cách mua những tác phẩm nguyên bản, độc bản giá rẻ, dần dà người chơi tự thanh lọc và nâng cấp mình. Nhiều họa sĩ thành danh đã từng là sinh viên mỹ thuật đó thôi, nếu mua tranh của sinh viên mỹ thuật treo, biết đâu sau này sẽ trúng mánh. Mà nếu không trúng mánh cũng không sao, vì nó quá rẻ, so với tranh chép thì tươi mới và nhiều cảm xúc hơn.

Cám ơn anh rất nhiều!


 
Back to top