Nghệ thuật / Nghệ sĩ

Giám tuyển tổng hợp tại môi trường làm việc: Làn gió mới của thị trường nghệ thuật

Jan 05, 2021 | By Trang Ps

Nhà nghiên cứu nghệ thuật Lý Đợi nhận định thị trường nghệ thuật Việt Nam vẫn đang độ dậy thì, Zoe Butt – Giám đốc nghệ thuật The Factory nhấn mạnh nền giáo dục Việt Nam thiếu giảng dạy nghệ thuật đương đại. Bởi thế, thực hành giám tuyển ở nước ta hãy còn mới mẻ và gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, giữa bối cảnh thử thách ấy, Dương Đỗ – nhà sáng lập chuỗi không gian làm việc Toong và công ty sáng tạo đa lĩnh vực GốcCreation xuất hiện như một nhân tố mới tái định nghĩa giám tuyển thông qua loạt hoạt động nghệ thuật đương đại vào môi trường làm việc.

Cấp độ giám tuyển cao nhất là tự tạo nhu cầu, xu thế, khái niệm mới và hiện thực hóa điều đó

Nhà nghiên cứu nghệ thuật Lý Đợi. Ảnh: RABHUU

Là nhà nghiên cứu nghệ thuật kiêm giám tuyển cho không ít triển lãm nghệ thuật tại Việt Nam, Lý Đợi cho rằng vấn đề giám tuyển ở thị trường nghệ thuật trong nước hãy còn mới, được thể hiện qua những tranh luận mang tính sơ đẳng về việc dùng chữ “curator” hay “giám tuyển”. Tuy nhiên, với một số người, chẳng hạn như nhân viên bảo tàng, thì công tác giám tuyển đã xuất hiện từ lâu, chỉ là lúc ấy, khái niệm giám tuyển chưa hình thành. Tuy nhiên, trong một thập niên trở lại đây, thị trường đã xuất hiện một bộ phận hiểu và thực hiện công việc giám tuyển cặn kẽ như Nguyễn Như Huy, Trần Lương, Arlette Quỳnh-Anh Trần,… đến các nghệ sĩ đương đại thành danh như Bùi Công Khánh, Trần Nguyễn Ưu Đàm,…  Ngoài ra còn có nhóm thường nói về giám tuyển nhưng chưa hiện thực hóa điều đó.

Triển lãm Rục Rà Rục Dịch tại Toong.

Công việc của giám tuyển nghệ thuật là tuyển chọn, tổ chức và trình bày tác phẩm trong một triển lãm/sự kiện, thậm chí giám tuyển ở Việt Nam còn kiêm nhiệm thêm việc xin giấy phép, thuê mặt bằng, đặt finger food,… Đây là hình thức giám tuyển bước 1, cũng là hình thức giám tuyển phổ biến ở nước ta, tức triển lãm diễn ra ở quy mô nhỏ thường chỉ có một giám tuyển và họ phải kiêm nhiệm nhiều thứ. Thậm chí, nhiều họa sĩ tự giám tuyển luôn triển lãm của mình mà không hề hay biết. Giám tuyển bước 2 là nhà giám tuyển nghệ thuật hiện tại giám tuyển triển lãm của các giám tuyển khác. Còn đối với những sự kiện lớn như biennale thì công việc giám tuyển đã lên bước 3, tức quy tụ nhiều giám tuyển với các chức vụ cao thấp khác nhau như trong bộ máy công ty.

Nếu công việc giám tuyển của nhân viên bảo tàng mang tính bản năng (cấp độ 1), thì giám tuyển cấp độ 2 là những người có khả năng tạo ra triết lý, thông điệp và tư tưởng cho triển lãm có sẵn. Giám tuyển cấp độ 3 sẽ là những người tự tạo ra nhu cầu, thông điệp và hiện thực hóa ý tưởng ấy. Còn cấp độ cao nhất là giám tuyển ngoại hạng với khả năng tạo ra xu thế và khái niệm mới.

Theo nhà nghiên cứu nghệ thuật Lý Đợi, giám tuyển không phải là một danh xưng mà nhấn mạnh hành động cụ thể. Thị trường nghệ thuật Việt Nam muốn phát triển bắt buộc phải thoát ra khỏi những mắc kẹt về tri kiến.

Nếu không có cơ sở hạ tầng hiệu quả, giám tuyển không thể hỗ trợ nghệ sĩ tối đa

Zoe Butt – Giám đốc nghệ thuật tại The Factory Contemporary Arts Center. Ảnh: RABHUU

Hiện là Giám đốc nghệ thuật tại The Factory Contemporary Arts Center, thực hành giám tuyển của Zoe Butt tập trung vào việc xây dựng các cộng đồng nghệ thuật đặt tư duy biện luận và nhận thức lịch sử làm nền tảng, cũng như thúc đẩy đối thoại giữa các quốc gia thuộc bán cầu nam. Trong cuộc trò chuyện gần đây nhất giữa chúng tôi, Zoe nhấn mạnh về quá trình chuyển mình của giám tuyển trong bối cảnh nghệ thuật và văn hóa thay đổi. Ngày nay, chúng ta không chỉ có bảo tàng, phòng trưng bày mà còn có các cơ sở tư nhân, phòng trưng bày ở trường đại học, không gian trưng bày riêng của nghệ sĩ, trung tâm văn hóa cộng đồng, nơi thực hành giám tuyển thể hiện mạnh mẽ. Giờ đây, giám tuyển không chỉ chịu trách nhiệm về quản lý tác phẩm mà còn con người. Đồng thời, họ là nhà lãnh đạo thúc đẩy sự phát triển nghệ thuật và văn hóa tại địa điểm mà họ tổ chức, và quan trọng hơn cả, là nhà phát ngôn, kích thích nhận thức và tranh luận của công chúng về hiện trạng thế giới.

Như vậy, theo góc nhìn này, giám tuyển cũng là nhà sáng tạo “đang trong cuộc gặp gỡ sâu sắc” với nhiều lĩnh vực đa dạng và khác biệt.

Rục Rà Rục Dịch, mô hình triển lãm pop-up theo chuỗi về chủ đề Covid-19 đầu tiên trên thế giới.

Về bối cảnh Việt Nam, cơ sở hạ tầng hay hệ sinh thái văn hóa – nghệ thuật hãy còn nhiều hạn chế và thiếu hỗ trợ tài chính; chế độ kiểm duyệt khắt khe; bảo tàng thiếu giám tuyển chuyên nghiệp, trường đại học không đào tạo nghệ thuật đương đại và do đó hoàn toàn không có lịch sử giám tuyển. Hơn nữa, chúng ta cũng có quá ít phòng trưng bày thương mại đủ khả năng cạnh tranh quốc tế. Đó là lý do vì sao một hệ sinh thái nghệ thuật đa dạng cũng như tập trung giáo dục cộng đồng là hoàn toàn cần thiết.

Giám tuyển tổng hợp tại môi trường làm việc: Làn gió mới của thị trường nghệ thuật

Dương Đỗ - Toong Coworking Space

Dương Đỗ ở tác phẩm “Thở” của nghệ sĩ Ưu Đàm Trần Nguyễn trong không gian Toong Vista Verde. Ảnh: RABHUU.

Quay trở lại chia sẻ của nhà nghiên cứu nghệ thuật Lý Đợi về việc cấp độ cao nhất của giám tuyển là tự tạo nhu cầu, xu thế, khái niệm mới và hiện thực hóa điều đó, thì tại thị trường nghệ thuật Việt Nam, chúng ta cũng vừa chào đón một nhân tố đã ít nhiều đạt thành tựu. Nếu bạn từng nghe đến Rục Rà Rục Dịch, mô hình triển lãm pop-up theo chuỗi về chủ đề Covid-19 đầu tiên trên thế giới, được tổ chức và luân chuyển liên tục trên 11 không gian của GốcLab tại Hà Nội, Sài Gòn, sau đó hợp nhất tại Nha Trang giám tuyển hơn 60 tác phẩm, thuộc gần 10 loại hình nghệ thuật của 40 nghệ sĩ thành danh và mới nổi,… thì hẳn bạn sẽ tò mò về Dương Đỗ, nhà sáng lập Toong, cha đẻ của ý tưởng độc đáo này cùng tham vọng bao trùm là đưa nghệ thuật đương đại thẩm thấu vào cơ thể cộng đồng. Nếu không vì đại dịch chưa được kiểm soát thì Rục Rà Rục Dịch đã trở thành triển lãm quy mô khu vực khi dự định triển khai tại Lào và Campuchia.

Dương Đỗ, nhà lãnh đạo đứng sau 20 không gian triển lãm GốcLab khác nhau tại các địa điểm Toong, vốn xuất thân là người học về quản trị học, làm marketing và tư vấn chiến lược thương hiệu. Dù không kinh qua trường lớp thiết kế và nghệ thuật nhưng điều đó lại bất ngờ trở thành thế mạnh để anh ứng dụng kiến thức căn bản của những ngành khác và tạo nên các giải pháp chệch khỏi đường ray truyền thống của thực hành giám tuyển. Nếu số đông nghĩ rằng nơi làm việc chỉ đơn thuần để làm việc thì Dương bác bỏ suy nghĩ rập khuôn ấy và tự tạo nhu cầu thưởng thức nghệ thuật chân chính ngay tại Toong. Điều đó góp phần hình thành một xu thế mới trong việc lựa chọn môi trường làm việc và thụ hưởng nghệ thuật. Giờ đây, để thưởng lãm, mỗi cá nhân không phải di chuyển giữa các không gian GốcLab khác nhau mà các tác phẩm nghệ thuật sẽ tự tìm đến và đặt ngay trước mặt họ. Một ví dụ điển hình khác bên cạnh Rục Rà Rục Dịch là The Showcase Đình Điệp diễn ra tại 12 không gian GốcLab ở cả Hà Nội và Sài Gòn trong vòng một tháng tổ chức. Đây là điều không tưởng và thậm chí chưa bao giờ diễn ra đối với các phòng trưng bày hay tổ chức nghệ thuật chuyên nghiệp tại Đông Nam Á.

Giờ đây, để thưởng lãm, mỗi cá nhân không phải di chuyển giữa các không gian GốcLab khác nhau mà các tác phẩm nghệ thuật sẽ tự tìm đến và đặt ngay trước mặt họ.

Nghệ sĩ Ưu Đàm bên tác phẩm “No Vacancy” trong triển lãm Rục Rà Rục Dịch tại Toong 126 Minh Khai.

Chỉ riêng trong năm 2020, Dương Đỗ với tư cách “giám tuyển” cao nhất trong bộ máy của mình, đã hướng đội ngũ nhân viên hiện thực hóa hàng chục dự án đầu tư, sự kiện/triển lãm mang tính giáo dục sâu sắc về thẩm mỹ học và nghệ thuật đương đại như: Director Workshop Trần Anh Hùng; Giám tuyển, đầu tư và ra mắt tác phẩm Quả Biển của nghệ sĩ cảnh quan Andy Cao tại Nha Trang; Giám tuyển, đầu tư và ra mắt tác phẩm Vortex – Living Water của nghệ sĩ Trần Nữ Yên Khê và nhóm Ykonic; Triển lãm tổng hợp Rục Rà Rục Dịch tại Nha Trang với quy mô triển lãm nghệ thuật đương đại lớn nhất từ trước tới nay tại thành phố, Triển lãm đấu giá Dãn, Chuỗi The Showcase Chú Môi – Đình Điệp – Nguyễn Ngọc Liêm, … Điều đó chứng tỏ công việc giám tuyển này không chỉ dừng lại ở bước 1 mà đã sang bước 2 và tiệm cận bước 3.

Triển lãm Dãn tại Toong.

Trong một cuộc trò chuyện gần đây giữa chúng tôi, Dương chia sẻ: “Tôi nghĩ đây không đơn thuần là tư duy của người làm nghệ thuật hay người kinh doanh, mà là sự hợp nhất của cả hai. Tính hợp nhất ấy cho phép tôi đi ra khỏi tư duy đường phẳng để hướng đến tư duy đa chiều. Chúng tôi không coi nghệ thuật chỉ xoay quanh một tác phẩm nghệ thuật đơn thuần. Chúng tôi hướng đến một bức tranh rộng mở hơn thế. Xã hội giờ đây có những nhu cầu cao hơn, bối cảnh không gian đi cùng mô hình kinh doanh là những thành tố tác động cùng với tác phẩm nghệ thuật để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật lớn hơn. Đó là lý do tôi hướng tới khái niệm giám tuyển tổng hợp. Tại Toong, giám tuyển tổng hợp ấy được thể hiện qua việc lựa chọn thiết kế phong cách kiến trúc-nội thất riêng biệt, âm thanh phát mỗi ngày, mùi hương, ánh sáng, cây xanh, con người… đến việc cân nhắc hợp tác với những nghệ sĩ cùng các tác phẩm nghệ thuật phù hợp với những bối cảnh ấy.”

“Chúng tôi không coi nghệ thuật chỉ xoay quanh một tác phẩm nghệ thuật đơn thuần mà hướng đến một bức tranh rộng mở hơn thế. Xã hội giờ đây có những nhu cầu cao hơn, bối cảnh không gian đi cùng mô hình kinh doanh là những thành tố tác động cùng với tác phẩm nghệ thuật để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật lớn hơn.”

Chỉ riêng trong năm 2020, Dương Đỗ đã hướng đội ngũ hiện thực hóa hàng chục dự án đầu tư, sự kiện/triển lãm mang tính giáo dục sâu sắc về thẩm mỹ học và nghệ thuật đương đại.

Đồng thời, anh cũng nhấn mạnh thêm: “Thông thường, tác phẩm nghệ thuật xuất hiện trong không gian riêng biệt như phòng trưng bày hay bảo tàng. Nhưng nếu nhất quyết yêu cầu nghệ thuật phải luôn bày biện ở những không gian như vậy phải chăng hơi cực đoan và có ý coi thường những ngành nghề khác? Nghệ thuật chân chính là cởi mở với các lĩnh vực còn lại và có lẽ, mục tiêu tối thượng vẫn là thâm nhập vào đời sống sinh hoạt hàng ngày, như cách các tác phẩm nghệ thuật ‘sống’ trong môi trường làm việc của Toong và tương tác mật thiết với cộng đồng ở đấy và cả những khách thăm quan.” Như Zoe Butt trình bày, giám tuyển cũng là nhà sáng tạo “đang trong cuộc gặp gỡ sâu sắc” với nhiều lĩnh vực đa dạng và khác biệt.

Tác phẩm sắp đặt Vortex – Living Water của Trần Nữ Yên Khê và cộng sự Ykonic Creation tại Toong Phạm Ngọc Thạch.

Tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung, hiếm có một tổ chức nào sở hữu nhiều không gian triển lãm, đội ngũ giám tuyển riêng, đội ngũ hậu cần hùng hậu lẫn cơ sở hạ tầng chuyên nghiệp như GốcLab của Toong. Như vậy, theo quan điểm mà Giám đốc nghệ thuật The Factory nhìn nhận về sự hạn chế của hệ sinh thái thì rõ ràng, Dương Đỗ đang đứng ngoài vòng luẩn quẩn đó để tự tin tạo ra sân chơi nghệ thuật riêng, góp phần nới rộng cách tiếp cận và đa dạng hóa thị trường nghệ thuật nội địa. Khi nhìn nhận sâu hơn về khía cạnh này, nhà sáng lập Toong lại tiếp tục gợi ý những lối đi mới và mở cho thực hành giám tuyển mà vốn dĩ giới chuyên gia thường nhận định là hiếm hoi cơ hội tại sân nhà.


 
Back to top