ART & CULTURE

Hỏa mù Nghệ thuật (Kỳ 5): Nhà nghiên cứu Lý Đợi – “Nỗ lực để độc quyền sở hữu, sử dụng, mua bán năng lượng trái đất là một hành động xấu xa”

Sep 06, 2021 | By Trang Ps

Series “Hỏa mù nghệ thuật” tiếp tục thực hiện cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi, lắng nghe thêm những ý kiến của anh về vai trò giám tuyển, ảnh hưởng của NFT đến trái đất, tiềm năng kinh doanh NFT tại Việt Nam và liệu NFT chỉ đơn thuần là phong trào diễn ra trong thời gian ngắn,…

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi trong triển lãm Xúc Cảnh của họa sĩ Trần Quốc Giang.

Ý kiến của anh về việc sàn NFT Cổng trời giới thiệu họa sĩ Phạm An Hải với tư cách là giám tuyển? Phải chăng Cổng trời đã lạm dụng danh xưng giám tuyển và không thực sự hiểu công việc giám tuyển? Liệu thị trường nghệ thuật nhìn chung vẫn còn khá mơ hồ về chức năng của giám tuyển?

Tôi nghĩ Cổng trời mời họa sĩ Phạm An Hải làm giám tuyển là bình thường, vì việc này cũng không hề xa lạ với anh ấy. Qua các triển lãm nhóm trước đây, cũng như các hoạt động tại Viet Art Now, Phạm An Hải đã làm công việc giám tuyển từ lâu, dù có thể không gọi tên như vậy. Mời được Phạm An Hải làm giám tuyển, tôi nghĩ đó cũng là một thành công của Cổng trời, vì qua anh Hải và Viet Art Now, khả năng tiếp cận được nhiều họa sĩ khác để tìm kiếm hợp tác về NFT sẽ cao hơn.

Nói một cách gần gũi nhất, thì Cổng trời giống như một diễn đàn, một cửa hàng NFT, nơi đó người mua, người bán và các trung gian (trong đó có giám tuyển) làm việc với nhau. Việc Cổng trời nỗ lực để có thêm đội ngũ giám tuyển riêng là vì họ muốn làm tốt hơn trong khả năng có thể, chứ nếu họ chỉ quan tâm đến mua bán NFT thuần túy, họ cũng chẳng cần.

Mơ hồ và thần thánh việc giám tuyển là đương nhiên rồi. Bởi vì trên căn bản, đây là công việc vốn có từ lâu, nhưng không được gọi tên là giám tuyển, vì Việt Nam trước đây không có chức danh này, không đào tạo, hoặc không công nhận nghề này. Ví dụ một chuyên viên trong bảo tàng, khi được mời làm một triển lãm chuyên đề, thì đó đã là giám tuyển, nhưng trước đây không gọi tên như vậy. Sau này, Việt Nam xuất hiện vài giám tuyển theo hướng bài bản, nhà nghề và nhiều giám tuyển tự phát, tự xưng, thì lại nảy sinh mâu thuẫn không đáng có. Một bên thì hơi thần thánh việc giám tuyển, tưởng như đó là một giai tầng tinh hoa, đặc chủng; một bên thì hơi dễ dãi.

Trong khi cái chính là nhìn chung thì Việt Nam còn thiếu quá nhiều giám tuyển, dù nhà nghề hoặc nghiệp dư, vậy thì sao không động viên, cổ vũ nhau để phát triển, mà cứ soi mói, chọc gậy bánh xe làm chi cho mệt.

Tôi nghĩ rằng trong tương lai gần, chỉ 5-10 năm nữa thôi, Việt Nam cần có gấp nhiều chục lần số giám tuyển hiện có, để làm việc. Tôi cũng cho rằng, dù xuất thân trường quy, nhà nghề, hoặc xuất thân tự phát, điều ấy không quan trọng bằng việc là làm như thế nào và hiệu quả ra sao.

Trang web của Cổng trời.

Anh đánh giá ra sao về tiềm năng của kinh doanh NFT tại Việt Nam? Và họa sĩ Việt có tiềm năng ở mảng này?

NFT dù mới xuất hiện trên thế giới, nhưng đã có sức hút nhất định, trong vài trường hợp, đã bước qua giai đoạn tiềm năng để biến thành tiềm lực, thành sức mạnh, thành một bộ phận của thị trường tài chính, vốn đa dạng và phức tạp. Một số phiên đấu giá NFT đã bán với doanh thu không thua gì các loại hình truyền thống.

Thế mạnh của NFT là dù công nghệ cao, nhưng không quá khó để sử dụng, nên việc ứng dựng vào đời sống tương đối thuận lợi, nhanh chóng. Trong hai năm trở lại đây thôi, Việt Nam đã có nhiều sàn NFT hoạt động, đã vươn tầm ra nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa nghệ thuật, giải trí.

Sở dĩ tranh được NFT chú ý thì cũng dễ hiểu thôi. Vì tranh vốn chuộng độc bản, NFT cũng vậy. Hơn nữa, tranh là vật nhân tạo có giá bán khá cao, hấp dẫn, nên khi xuất NFT cho tranh, cũng dễ được cộng đồng chú ý nhiều hơn.

Việc họa sĩ có thêm NFT cho tác phẩm của mình thì chỉ có lợi, chứ chẳng có hại gì cả. Như trước đây, khi vẽ xong chụp hình bỏ lên mạng, giờ cũng tấm hình đó, xuất ra định dạng NFT, có thể bán độc bản NFT được, vậy thì có gì để mà lo lắng. Mọi lo lắng, nếu có, là vì chưa chịu tìm hiểu NFT là gì, chứ đọc sơ qua rồi, sẽ thấy khá đơn giản và thú vị.

Benyamin Ahmed, 12 tuổi, với những chú cá voi kỹ thuật số của mình trên màn hình

Cậu bé 12 tuổi kiếm được 290.000 bảng Anh sau khi tạo ra các bức ảnh kỹ thuật số về cá voi và bán các token thuộc quyền sở hữu của chúng được lưu trữ trên blockchain.

Một nhận định cho rằng NFT tốn kém khá nhiều năng lượng, không tốt cho trái đất, vì thế các nhà đầu tư nên cân nhắc khi đầu tư vào đây. Ý kiến của anh?

Câu hỏi này quá khó, tôi không thể trả lời được. Nhưng để tự an ủi bản thân, với niềm tin rằng định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng vẫn còn đúng, thì “năng lượng không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác, hoặc từ vật này sang vật khác”.

Và về nhân sinh, tôi thấy rằng việc con người đang nỗ lực để độc quyền sở hữu, sử dụng, mua bán năng lượng trái đất là một hành động rất xấu xa. Nếu trái đất đang đi nhanh hơn đến tận thế, thì con người là nguyên do chính yếu nhất.

Qua vụ việc ta thấy phần nào việc phóng đại tên tuổi, nói dối lý lịch hay thậm chí cam kết ảo tưởng của nghệ sĩ lẫn sàn NFT. Điều đó hẳn đã diễn ra nhiều trong thị trường nghệ thuật Việt!? Nó đã ảnh hưởng đến thị trường nghệ thuật Việt nhiều năm qua như thế nào và có lời khuyên nào cho nghệ sĩ và các đơn vị kinh doanh nghệ thuật không ạ?

Tôi không bình luận về các nhận định ở vế đầu của câu hỏi này, vì nó cần thêm các cứ liệu và điều kiện quan sát khách quan hơn để có thể đưa ra kết luận xác đáng. Chỉ xin nói chung về thị trường nghệ thuật Việt Nam, thật ra nó cũng như mọi thị trường khác, đều có quảng cáo, tiếp thị, có tốt xấu hoặc sự phức tạp riêng.

Chúng ta thường muốn mơ mộng để nghĩ rằng nghệ thuật thì phải thanh cao, tốt đẹp, nhưng khi bước vô thị trường, thấy sao quá xôi thịt, gian dối, rồi đâm ra thất vọng. Chứ thực ra, thị trường nghệ thuật nước nào cũng vậy thôi, có điều sự che chắn và chiêu trò, quảng bá thì mỗi nơi mỗi khác, xấu ít hoặc xấu nhiều, tinh vi hoặc thô thiển.

NFT in dark room

Sự phổ biến tăng vọt của NFT đã thu hút các giao dịch trị giá hàng triệu đô la nhưng ngoài việc tạo ra các tiêu đề xôn xao, nó cũng khiến các nhà bảo vệ môi trường đặc biệt lưu tâm vì NFT tiêu thụ năng lượng lớn làm tăng thêm lượng khí thải carbon tổng thể.

Dù công nghệ đang ngày càng phát triển, nhưng một số họa sĩ nổi tiếng trên thế giới như Lee Ufan có nhận định là trung thành với sáng tạo nguyên thủy (làm việc tay chân khối óc) và tạo ra thứ nghệ thuật có thể cầm nắm xúc chạm… Anh có nghĩ NFT đơn thuần là một phong trào, diễn ra trong thời gian ngắn? Mọi thứ vẫn sẽ quay về quỹ đạo nguyên thủy của nó như Ufan đã nói?

Hình như Lee Ufan và bạn có lầm lẫn một chút về NFT. NFT không phải là một công cụ, một trường phái, một ngôn ngữ, một loại hình nghệ thuật thuật. Tất cả các tác phẩm mà Lee Ufan đã sáng tác đều có thể xuất NFT được, nếu chúng được quay phim, hoặc chụp hình.

Nói một cách dễ hiểu, cái phần vật lý mà bạn nói “cầm nắm xúc chạm”, thì tạm gọi là phần hữu hình/thân xác của tác phẩm. Khi mã hóa đoạn phim hoặc hình ảnh ghi lại tác phẩm đó thành NFT, thì đó tạm gọi là phần vô hình/phần hồn của tác phẩm đó.

Nhiều người trẻ ngày nay chọn lối sống giản tiện trên mặt đất, nhưng lại xây dựng những ngôi nhà công phu, tốn kém trong thực tế ảo. Ở trong đó, họ mua những hình ảnh có bản quyền về trang trí, sử dụng, họ treo những bức tranh có gắn định dạng NFT. Nếu họ thích tác phẩm của Lee Ufan, họ sẽ tìm cách mua các NFT của tác phẩm ấy về treo, nếu sau này không thích nữa, họ có thể chuyển nhượng, mua bán, thừa kế… y như các tác phẩm ngoài đời thực vậy.

Tôi không bày tỏ quan điểm ủng hộ hoặc chống đối thực tế ảo, nhưng tôi chấp nhận rằng chúng đang tồn tại một cách mạnh mẽ, đa diện. Tôi nghĩ rằng con người ta ngoài sống trong không gian và thời gian, thì cũng cần sống trong thời đại. Thời đại này có Internet, có thực tế ảo, có trí tuệ nhân tạo, có đồng tiền Bitcoin, có NFT…, xấu tốt thế nào chưa biết, nhưng chúng ta phải chấp nhận điều đó, còn xâm nhập, sử dụng hoặc từ chối là quyền căn bản của mỗi người. Còn cái này khi nào chết đi, thì tôi không biết, nhưng hãy nhớ rằng ngay cả sự tồn tại của con người thì cũng chỉ là rất mảy may ngắn ngủi nếu so với sự sống nói chung.

Tuổi của trái đất đang vào khoảng gần 4,6 tỷ năm, sự sống của loài người manh nha từ khoảng 6 triệu năm trở lại đây, chỉ là một khoảnh khắc thôi mà. Vậy thì thi ca nhạc họa vài chục ngàn năm, rồi Internet, thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, NFT… chỉ mới đây, chẳng là gì cả, nếu so với hành trình miên viễn của sự sống và cái chết.

 


 
Back to top