LIFESTYLE

ECOXURY: Nói gì khi nói về hạnh phúc giữa đại dịch toàn cầu? 

Mar 20, 2020 | By Stephanie Nguyen

Chuyện kể, có một chú chó nhỏ hỏi mẹ mình: “Mẹ ơi, hạnh phúc ở đâu?”

Mẹ chú chó mỉm cười đáp: “Hạnh phúc nằm ở chiếc đuôi xinh xắn của con đó!”

Chó con thích lắm, ngày nào chú cũng ngắm nghía chiếc đuôi của mình, vừa nhảy vừa vẫy vẫy chiếc đuôi! Nhưng rồi một hôm, chú buồn bã chạy đến bên mẹ: “Mẹ ơi, tại sao con chẳng bao giờ nắm giữ được hạnh phúc?”

Mẹ khẽ vuốt ve cún con và đáp: “Chỉ cần con tự tin bước về phía trước, hạnh phúc sẽ tự đi theo con thôi!”

Ảnh: Unsplash

Thiết nghĩ, trong cuộc sống, chúng ta đã bao lần cố đuổi theo hạnh phúc theo cách của chú chó nhỏ. Mỗi người đều có một mục đích sống khác nhau, nhưng chắc chắn ai cũng mong muốn được hạnh phúc. Đối với một số người, hạnh phúc là thành công trong sự nghiệp. Một số người khác lại thấy hạnh phúc khi được thỏa mãn mọi đam mê. Trong khi một gia đình ấm êm và khỏe mạnh đã đủ là hạnh phúc cho nhiều người giản dị. 

Tuy vậy, những ngày gần đây, khi loài người đang đứng giữa tâm bão, hạnh phúc có vẻ đang trở thành món hàng xa xỉ.

Nguồn ảnh: Unsplash.

Vậy hạnh phúc là gì mà ai cũng cố nắm bắt? Và hạnh phúc bền vững có thể nào đạt được hay không?

Thực tế, hạnh phúc bền vững chính là hạnh phúc được xác lập trên cơ sở con người có được bản lĩnh để duy trì cảm giác ấy trong bất kỳ điều kiện nào.

Con người hay nhầm lẫn hạnh phúc là sự thỏa mãn. Họ hạnh phúc khi có nhiều tiền, một công việc tốt hay khi tất cả nhu cầu cá nhân được thỏa mãn. Nhưng bao nhiêu tiền là đủ? Công việc như thế nào là tốt? Nếu đạt được nhu cầu rồi, làm sao để tiếp tục hạnh phúc? Chúng ta lạc dần trong những câu hỏi và rồi thấy hạnh phúc càng lúc càng trôi xa.

Khi không còn cảm giác thỏa mãn, con người bắt đầu cảm thấy hạnh phúc thật mong manh. Một họa sĩ người Nga từng vẽ bức tranh có chiếc ghế bị cưa mất một chân rồi đặt lên đó một quả táo với ngụ ý rằng hạnh phúc giống như quả táo trên chiếc ghế gãy kia, sẽ luôn chênh vênh và mong manh như vậy. 

Hạnh phúc bền vững là quá trình con người tự nhận ra cái mong manh và hữu hạn trong từng giây phút mình đang có, để bớt chút hưởng thụ mà chủ động giữ gìn để hạnh phúc được dài lâu.

Trong chuyến đi Ecoxury Getaway tại Cam Ranh do Luxuo.vn tổ chức, người mẫu Thanh Trúc Trương chia sẻ: “Vật chất sẽ có lúc đầy lúc vơi nhưng nếu tinh thần ổn định, bạn sẽ có một cuộc sống đủ đầy từ bên trong.”

Người mẫu Thanh Trúc Trương trong chuyến Ecoxury Getaway tại Cam Ranh được Luxuo tổ chức vào tháng 12/2019. Ảnh: RAHHUU STUDIO

Covid-19 khóa sạch mọi hoạt động trong tất cả các lĩnh vực từ từ kinh tế, giáo dục, chính trị, du lịch, thể thao (trừ y tế). Chẳng mấy ai có thể cảm thấy hạnh phúc với nút dừng bất ngờ mà lâu như vậy. Tuy nhiên, điều này cũng đem đến cho con người cảm nhận khác về những gì chúng ta vốn cho là bình thường.

Covid-19 cho chúng ta khoảng nghỉ để nhìn lại những hạnh phúc giản dị mình vô tình bỏ sót trong cuộc sống.

Chúng ta bắt đầu hình thành nhiều thói quen mới – giữ gìn vệ sinh không chỉ cho cơ thể mà còn cho đồ vật, ăn uống cân bằng và tăng cường vitamin, luyện tập thể dục, thể thao đều đặn. Nhiều người tận dụng thời gian để đọc sách và suy nghĩ – vốn là thứ xa xỉ khi bị guồng máy công việc cuốn đi quanh năm suốt tháng. Các mối quan hệ được hâm nóng, đặc biệt là những mối quan hệ gần gũi nhất mà đôi khi nhịp sống nhanh khiến ta chỉ kịp lướt qua đời nhau. Các dịch vụ giải trí ngừng hoạt động khiến cuộc sống như quay về thời lạc hậu, nhưng nhờ thế mà con người được dịp sống chậm và quan sát nhiều điều, kể cả bản thân mình.

“Ở Nhật Bản có bộ môn thiền gọi là ngồi lặng im, không làm gì cả. Bạn không nhất thiết phải thiền như lối thiền trong Phật Giáo. Chỉ cần giữ cho tâm trí bình lặng, không suy nghĩ, ấy đã là thiền,” Giám đốc Sáng tạo Tim Phạm chia sẻ.

Chúng ta bắt đầu nhìn thấy sự nhỏ bé và vô thường của mình trước tự nhiên và vũ trụ. Chúng ta cuối cùng cũng nhìn ra được loài người không phải bá chủ muôn loài. “Chỉ khi cái cây cuối cùng chết đi, dòng sông cuối cùng bị đầu độc và con cá cuối cùng bị đánh bắt, con người mới nhận ra là chúng không thể ăn được tiền.” Để rồi chúng ta sẽ tự vấn về vai trò của loài người trên hành tinh và cách chúng ta đang sống qua mỗi ngày.

Cần rất nhiều khoảng lặng để tạo ra sự thay đổi cho một hành tinh bền vững hơn. Ảnh: Hermes Rivera / Unsplash

Có lẽ cần rất nhiều khoảng lặng như thế, trong rất nhiều người, để tạo ra sự thay đổi cần thiết cho một hành tinh đang quá phức tạp và nhiễu nhương như Trái Đất. Nhưng nếu chịu ngồi lặng im và quan sát, chúng ta sẽ thấy sự thay đổi chạm ngõ rồi. 

Xu hướng chuyển sang dùng mỹ phẩm tự nhiên và hạn chế bao bì.

Có một thế hệ đang theo đuổi lối sống xanh và rút khỏi chủ nghĩa tiêu dùng. Họ sử dụng cốc riêng để mua cafe buổi sáng, đựng cơm trong hộp cá nhân cho bữa trưa và dùng túi vải để đi mua sắm. Họ nói không với thời trang nhanh, lựa chọn thời trang chậm và tái chế, sử dụng mỹ phẩm tự nhiên. Họ du lịch có trách nhiệm bằng các phương tiện không phát ra khí thải carbon hoặc tái đầu tư vào các dự án cộng đồng. Họ lựa chọn ăn uống có chọn lọc để không chỉ bảo vệ sức khỏe chính mình mà còn bày tỏ sự tôn trọng với tự nhiên.

Có người từng viết: “Corona sẽ đi vào lịch sử nhân loại. Còn chúng ta sẽ lưu lại trang sử cuộc đời mình.”

Chúng ta có thể nhìn Trái Đất như một hành tinh đang lâm nguy hoặc nhìn nó như một chú phượng hoàng khổng lồ, tự thiêu rụi mình trong ánh lửa hoàng kim để rồi bắt đầu lại sự sống từ mớ tro tàn.

LVMH làm điều chưa từng lặp lại trong lịch sử suốt hơn 70 năm – biến xưởng nước hoa thành nhà máy chế tác nước rửa tay. Gucci đi đầu trong phong trào cam kết bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã. Trong khi đó, Dior lan tỏa thông điệp ý nghĩa sau buổi diễn Xuân Hè 2020 với toàn bộ cây xanh dựng cảnh được đem tặng cho thành phố sau khi sự kiện kết thúc, và Gia tộc đứng sau thương hiệu Ferrari quyên góp 10 triệu euro và 150 máy thở để chống dịch Corona ở Ý. 

Sàn diễn SS20 của Dior. Ảnh: Fashionista.

Gucci nêu bật thông điệp bảo vệ động vật hoang dã trong chiến dịch SS2020.

Thế giới đang xích lại gần nhau. Con người bắt đầu hành động vượt lên trên những lợi ích của chính mình. Có người sẽ nghi ngờ, liệu những hành động tốt đẹp này sẽ kéo dài bao lâu, hay sau khi đại dịch chấm dứt, con người sẽ quay lại với lối sống chia rẽ và bản tính tranh giành vốn có? 

Nhưng thiền định có câu:

“Trước khi giác ngộ, tôi chẻ củi và gánh nước. Sau khi giác ngộ, tôi chẻ củi và gánh nước.”

Có thể trước và sau đại dịch, con người vẫn sẽ tiếp tục công việc giống như trước, vẫn sẽ có những vấn đề về thiên tai, đói nghèo, xã hội cần được giải quyết. Nhưng với tâm thế của một thế hệ từng bước qua đại dịch và những chuyển biến lớn về nhận thức, chắc chắn sẽ có sự thay đổi trong lối sống. Con người sẽ dần tiến tới lối sống bền vững, tôn trọng tự nhiên và thế giới mình đang sống, để đạt được hạnh phúc lâu dài.


 
Back to top