Castro Smith: Câu chuyện về anh chàng nghệ nhân khắc trang sức tin vào “phép thuật”
Nhiều nghề thủ công địa phương đang trên bờ vực tuyệt chủng, đặc biệt ở những đô thị hiện đại, hàng thủ công dần biến mất do tính chất tốn kém thời gian và sự kiên nhẫn đặc thù của lĩnh vực này, từ đó dẫn đến tình trạng thiếu người có chuyên môn và sự sáng tạo.
Khắc là một hình thức nghệ thuật cổ xưa. Thực hành chạm khắc trên các vật liệu rắn có từ thời Lưỡng Hà vào năm 5.000 trước Công nguyên, khi các họa tiết phức tạp được cắt vào mặt phẳng của những tảng đá. Với đồ trang sức, những chiếc nhẫn đầu tiên được tìm thấy ở Ai Cập cổ đại và Hy Lạp cổ đại nổi bật với biểu tượng gia đình hay được dùng như con dấu nhận dạng.
Ngày nay, nghề thủ công hiếm hoi này được bảo tồn bởi những hãng đồng hồ xa xỉ như Patek Philippe hay Piaget, nơi các nghệ nhân tận tụy dành hàng giờ đồng hồ khắc, chạm, vẽ những đường cong, họa tiết tinh tế, sắc sảo với kích thước nhỏ hay vô cùng nhỏ. Những kỹ năng hiện thời của họ được truyền từ các thế hệ nghệ nhân trước đây.
Câu chuyện về chàng nghệ nhân khắc trang sức tin vào “phép thuật”
Với Castro Smith, khắc là kỹ thuật hiện thực hóa sự sáng tạo nghệ thuật của anh, một công cụ cơ bản thúc đẩy trí tưởng tượng nhằm tạo ra tuyệt phẩm trang sức thủ công hoàn hảo. Smith nổi tiếng với nhiều thiết kế phức tạp. Anh là một nghệ nhân thay vì là một thợ kim hoàn hay thợ khắc. Anh thường cố theo đuổi và ghi lại những kinh nghiệm điều hay mà anh học được trong chuyến đi của mình trước khi chúng rơi vào quên lãng.
Smith chia sẻ rằng càng ngày ngành nghề thủ công sẽ càng được đánh giá cao: “Nó đang có một chút hồi sinh, nhưng là một sự hồi sinh muộn màng. Đây là những loại ngôn ngữ không được viết ra mà là những ký ức sống động trên tay và trong tâm trí bạn. Bạn có thể mua một số cuốn sách để hiểu về nó, thực hành nó nhưng biến ngôn ngữ thành hành động và biến nó thành một kỹ năng chuẩn xác là điều khó khăn.”
Chàng trai 31 tuổi này từng là nhân viên pha chế trước khi quyết định làm việc trong thiết kế trò chơi máy tính hay làm phim. Nhưng với tình yêu vẽ, cuối cùng, anh đã nộp đơn xin học nghề chạm khắc, nơi anh được đào tạo những kiến thức cơ bản, theo đúng nghĩa đen, dưới tầng hầm của một workshop (xưởng). Ở đó, anh phải đánh bóng các tấm kim loại trong khi nhìn thoáng qua công việc khắc thực tế, trước khi thực sự thực hành nó vào cuối ngày trong 5 năm tới.
Anh không thích nó lắm! Sau đó, anh được trao học bổng Winston Churchill Memorial Trust và ghé thăm Nhật Bản để nhận khóa đào tạo một năm của Kenji lo (một trong những nghệ nhân kim hoàn lừng danh nhất của xứ sở hoa anh đào) trước khi quay trở lại London. Lúc này, anh đã trang bị cho mình kỹ năng đa dạng hơn và bắt đầu quá trình suy nghĩ sáng tạo.
Sở hữu thương hiệu riêng cho phép Smith tự do sáng tạo. Với tay nghề của mình, anh đã khiến những chiếc nhân thoát ra khỏi phong cách truyền thống của nó. Giờ đây, chúng không còn là những chiếc nhẫn láng bóng nuột nà mà nổi bật với những điêu khắc ý nghĩa, mang tính biểu tượng và có câu chuyện đằng sau. Một trong những tác phẩm nổi bật nhất của anh là Golden Heart, lấy cảm hứng từ niềm tin thần thoại Hy Lạp rằng nếu khắc một cơ quan nội tạng bị tổn thương trên chiếc nhẫn có thể chữa lành cơ quan đó cho chủ nhân. Vì vậy, anh cũng đã khắc hai lá phổi lên chiếc nhẫn của mình vì anh bị hen suyễn.
Thông qua công việc của mình, Smith nhận ra rằng anh rất thích thiết kế các tác phẩm được ủy thác. Anh chia sẻ rằng bản thân rất thích tạo ra biểu tượng tác phẩm trang sức dành riêng cho đúng đối tượng. Mỗi người đều có kỷ niệm và tầm nhìn cuộc sống khác nhau, và với Smith, sự nghiệp của anh là gắn kết chúng trong các vật thể để có thể tồn tại qua nhiều thế hệ.
Đặc biệt trong thời đại hàng thủ công bị đe dọa bởi sự phát triển của máy móc và công nghệ, nhiều sản phẩm đã dần mất đi tính cá nhân và chất lượng. Đối với nhà sáng tạo, một phần của quá trình nghệ thuật cũng bị thui chột. Hồi còn nhỏ, Smith rất thích vẽ, nhưng anh không thường thích những gì anh vẽ cho lắm. Anh thích quá trình anh tạo ra bản vẽ đó hơn. Nó đưa anh đến những địa điểm giống như những cuốn sách của trí tưởng tượng tuyệt vời đưa anh đến đó vậy.
“Chúng tôi đơn giản là những người tin vào phép thuật. Phép thuật không nằm ở vật thể, mà những điều ẩn giấu đằng sau đó.”
Máy móc sẽ không thể trở thành bậc thầy trong lĩnh vực này! Khi người khách mua một chiếc nhẫn của Smith, cơ bản là anh ta đang mua trải nghiệm mà Smith đã tạo ra cho họ. Từ việc trò chuyện với nghệ sĩ, đến việc hồi tưởng lại ký ức trong tâm trí họ cho đến khi nhận được một tuyệt tác trang sức thể hiện toàn bộ câu chuyện đó là điều hết sức tuyệt vời. Hầu hết mọi người đều vui vẻ và hạnh phúc khi được là một phần của quá trình dài tốn kém ấy. Nó đòi hỏi sự tinh nhạy, thấu cảm và lắng nghe của nghệ nhân. Máy móc hoàn toàn vô nghĩa khi nói đến chủ đề đó.
Smith chia sẻ: “Chúng tôi đơn giản là những người tin vào phép thuật. Phép thuật không nằm ở vật thể, mà những điều ẩn giấu đằng sau đó.”