ART & LIFE

Bà Tuyết Nguyệt: Người phụ nữ đầy uy lực của nghệ thuật châu Á

May 20, 2020 | By Trang Ps

Năm 1974, giới khảo cổ và người chơi cổ vật Sài Gòn đọc được một bài báo của Giáo sư Phạm Huy Thông, Viện trưởng Viện khảo cổ tại Hà Nội viết về một di chỉ khảo cổ tại làng Vạc, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An trên tờ Arts Of Asia ( Nghệ thuật châu Á) xuất bản vào cuối năm tại Hồng Kông.

Trong hoàn cảnh đất nước đang bị chia cắt, một bài viết chuyên ngành đậm đà thông tin, với gần 20 ảnh minh hoạ về một di tích cổ từ cội nguồn đất nước từ bên kia vĩ tuyến 17 là món quà xúc động đối với độc giả miền Nam, những ai có quan tâm đến lãnh vực khảo cổ. Điều lý thú là bài viết được đăng trên tờ tạp chí rất uy tín chuyên về đồ cổ châu Á phát hành đến 80 nước trên toàn thế giới, là một tạp chí nghiên cứu hấp dẫn với hình ảnh cực đẹp, là nguồn tư liệu sống động cho các gallery, bảo tàng, những nhà sưu tập nghệ thuật và cổ vật, cùng giới sinh viên nghệ thuật.

Bất ngờ hơn là Tổng biên tập, cũng là người sáng lập tờ tạp chí là một phụ nữ Sài Gòn, bà Tuyết Nguyệt. Dù đã lớn tuổi, thỉnh thoảng bà vẫn đi về Việt Nam thăm quê hương, thường xuyên viết Lá thư Tổng biên tập và nhiều bài phỏng vấn với cái tên Tuyết Nguyệt từ 38 năm nay. Về quê nhà, không ai nhận ra bà là một phụ nữ “đầy uy lực đối với bối cảnh nghệ thuật châu Á” như Nhật báo South China Morning Post (Hồng Kông) số 24 tháng 5 năm 2006 dùng làm tựa bài viết số này.

Câu chuyện về người phụ nữ Việt danh giá này lược trong bài báo nói trên

Bà Tuyết Nguyệt sinh ra tại Tân An, một thị xã êm đềm bên bờ sông Vàm Cỏ tỉnh Long An. Cha bà từng du học ở Paris và mẹ là giáo viên. Lớn lên trong gia đình trí thức, bà nhanh chóng tiếp cận văn hoá phương Tây. Lên Trung học, bà đến Sài Gòn và trở thành nữ sinh “trường đầm” Lycée Marie Curie. Năm 1955, bà nhận học bổng học ngành Báo chí tại Trường Mundelein ở Chicago (Mỹ) và tốt nghiệp năm 1958. Năm sau đó bà kết hôn với ông Stephen Markebreiter và theo chồng đến HongKong, nơi Stephen đang hành nghề kiến trúc sư. Trong những năm tiếp theo, vừa chăm sóc bốn con nhỏ, bà vừa làm cộng tác viên tự do cho nhiều tờ báo. Từ năm 1965 đến 1970, Tuyết Nguyệt làm việc tại chi nhánh Hong Kong của tờ Modern Asia của Mỹ. Tại đây, bà học cách làm việc trong ngành xuất bản, và từ đó ấp ủ ý định thành lập tờ báo riêng.

Ý tưởng về một tờ tạp chí về cổ vật và nghệ thuật xuất bản 2 tháng một lần xuất hiện từ năm 1969, khi anh trai của bà vừa chết trong chiến tranh Việt Nam. Thời gian đó, khi đang chìm đắm trong những suy nghĩ bi quan về cuộc chiến, bà tình cờ lạc bước vào những cửa hàng đồ cổ và từ đó khám phá ra một thế giới hoàn toàn khác, một thế giới của cái đẹp.

“Mục tiêu của tôi là xuất bản một tạp chí hàng đầu thế giới về nghệ thuật và cổ vật Châu Á, một sản phẩm có thể thúc đẩy sự hiểu biết, thưởng thức và yêu thích nghệ thuật đến mọi đối tượng”, bà Tuyết Nguyệt tâm sự với ký giả báo South China Morning Post.

Một bản in thử đã ra mắt vào năm 1970, và đến tháng 1/1971 thì số báo đầu tiên chính thức được phát hành. Trong lời nói đầu tiên của số ra mắt, bà viết: “Arts of Asia là tạp chí tiếng Anh duy nhất dành cho các nhà sưu tập, sinh viên các ngành nghệ thuật, cung cấp thông tin về những xu hướng nghệ thuật mới nhất trong khu vực đến với độc giả toàn thế giới”.

 

Bà Tuyết Nguyệt đã mất rất nhiều công sức để giấc mơ thành hiện thực, và nó đã không thể thành hiện thực nếu thiếu niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng của bà cũng như niềm tin và sự hỗ trợ tài chính của chồng. Ông Stephen Markbreiter, nhận vai trò Phó Tổng biên tập tạp chí, khi đó tin rằng ý tưởng của vợ mình rất tuyệt vời nên đã hỗ trợ tài chính trong suốt 5 năm đầu tiên của tờ báo.

“Phải mất 4 năm tờ báo mới có thể sống được, vì chúng tôi phải in trên loại giấy hảo hạng nhập từ Nhật để bảo đảm chất lượng hình ảnh, và giá gửi đi các nước cũng mất nhiều chi phí”. Mất thêm 10 năm nữa để tờ báo đứng vững, và sau đó được công nhận như một nguồn tư liệu hàng đầu thế giới trong lãnh vực nghệ thuật và cổ vật Châu Á.

Trong suốt thời gian đó, Bà Tuyết Nguyệt cùng đội ngũ của mình đã vượt qua những điểm mốc đáng ghi nhớ, ví dụ như khi thuyết phục được nhà đấu giá Sotheby’s khét tiếng mở phòng đấu giá đầu tiên tại Hong Kong cách nay 35 năm. Sotheby’s có thể quảng cáo những lô hàng quan trọng trong cuộc đấu giá sắp tới trên tờ báo, và điều đó giúp cho Arts of Asia được biết đến nhiều hơn.

Nicholas Chow, giám đốc khu vực Trung Quốc và Đông Nam Á của Sotheby’s cho biết: “Arts of Asia có sự am hiểu không ai sánh được về bối cảnh nghệ thuật Châu Á ở khu vực và cả thế giới. Arts of Asia đã hỗ trợ rất nhiều cho cuộc đấu giá đầu tiên tổ chức tại Hong Kong của nhà Sotheby’s, năm 1973. Và đã đưa tin về tất cả những cuộc đấu giá sau đó – ở Hong Kong, London, New York.”

Sau đó, tờ tạp chí này đã thực sự tác động đến thị trường cổ vật và nghệ thuật Châu Á, khi mời được một Công ty đấu giá lừng danh khác là nhà Christie’s tổ chức đấu giá tại HongKong vào năm 1986. Tạp chí mang lại hiệu quả lớn khi tường thuật những tin tức về đấu giá từ tất cả các phòng đấu giá, với thông tin chi tiết về người mua. Đó là chưa kể, tờ báo cũng tác động ít nhiều đến giá cả thị trường. Ví dụ, một bài báo giới thiệu những chai nước hoa nhỏ in tháng 9/2002 đã làm giá những món đồ này tăng từ 20-30% sau đó.

Cộng tác viên của tạp chí bao gồm các họa sĩ, nhà sưu tầm, chuyên gia bảo tàng và giáo sư đại học có uy tín trên khắp thế giới. Tuy nhiên, các bài viết về những đề tài chuyên sâu lại được thực hiện với ngôn ngữ giản dị và dễ hiểu nên rất dễ tiếp thu bởi mọi tầng lớp người đọc.

Arts of Asia là tạp chí chuyên về nghệ thuật và cổ vật Châu Á duy nhất phát hành khắp thế giới. Chính vì lý do đó, và vì uy tín của tờ báo, rất nhiều người muốn được xuất hiện trên Arts of Asia. Tạp chí nhận được nhiều đăng ký quảng cáo và rất nhiều đăng ký như vậy bị từ chối. Bà Nguyệt nói rằng phát hành chỉ 6 tờ mỗi năm nghĩa là tạp chí có đủ năng lực để chọn lựa. “Từ lúc khởi đầu, chúng tôi đã có một công thức và chúng tôi không thay đổi nhiều qua chừng ấy năm. Độc giả yêu thích ảnh bìa, những bài xã luận chứa đựng nhiều thông tin, sự trình bày một cách rõ ràng dễ hiểu những vấn đề mang tính học thuật, chứ không chú ý nhiều đến những bức ảnh chất lượng cao”.

Bà Tuyết Nguyệt, Ảnh: Michael Chung 2006

Suốt 40 năm qua, bà đã điều hành tờ tạp chí, xây dựng uy tín và cả ảnh hưởng mạnh mẽ của nó thông qua niềm đam mê nghệ thuật và cổ vật Châu Á. Khi nhìn lại thành quả của mình, bà chia sẻ: “Cuộc đời tôi trở nên phong phú và đầy màu sắc. Và tôi muốn chia sẻ niềm vui này với người khác một cách hữu ích và lâu dài. Tôi đã tạo ra một lớp độc giả thật sự tin tưởng và thích thú với những bài báo của Arts of Asia. Bằng việc phát hành số báo đầu tiên năm 1971, tôi đã thành công trong việc giới thiệu vẻ đẹp và những giá trị Châu Á đến cho độc giả Châu Á và khắp thế giới. Rất ít người có hiểu biết về chủ đề này vào thời điểm đó.

Làm báo về nghệ thuật châu Á, nên không lạ khi khi thấy có một số đồ cổ và đồ nghệ thuật được trưng bày trong văn phòng của bà. “Bày xung quanh bạn những món đồ đẹp có thể làm phong phú cuộc sống của bạn, Cái đẹp kích thích cả trí óc lẫn cảm xúc”. Lọ nước hoa tí hon là một trong những vật sưu tầm ưa thích của bà, bắt đầu từ thập niên 60 vì giá cả khá dễ chịu. Bộ sưu tập này của bà hiện được trưng bày tại bảo tàng Nghệ thuật của Đại học HongKong.

Dù xa quê hương đã lâu và nhận lãnh sứ mệnh phổ biến nghệ thuật châu Á, bà Tuyết Nguyệt luôn dành ưu ái cho nghệ thuật Việt Nam. Tạp chí Arts of Asia số đầu tiên năm 1971 có trang bìa là bức tượng bà Nguyệt, gốm cây Mai của đất Nam bộ quê hương của bà. Một số báo năm 2008 có tới 4 bài của 4 tác giả Việt Nam giới thiệu Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Các đề tài khác được giới thiệu trang trọng, hình ảnh minh hoạ rất đẹp về Bảo tàng Sài Gòn trước 1975 ( Tuyết Nguyệt), tác phẩm của Hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Hoạ sĩ Mai Long, gốm Việt, bộ sưu tập tranh Việt của nhà sưu tập Indonesia, Gốm Biên Hoà (Kerry Nguyễn Long), Đồ pháp lam ở Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế (Trần Đức Anh Sơn)… Giao diện trang web của tạp chí nổi bật bức tranh “Thiếu nữ và hoa sen” của họa sĩ Nguyễn Sáng.

Cùng các nhân vật làm rạng ngời văn hoá Việt tại hải ngoại như Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị, Trần Văn Khê, v.v. bà Tuyết Nguyệt là một điển hình thành công trong lĩnh vực báo chí chuyên ngành của thế giới. Chắc chắc sự phổ biến hiểu biết về nghệ thuật châu Á có sự góp phần không nhỏ của tạp chí Arts of Asia do bà khai sinh và nuôi dưỡng ngày càng lớn mạnh.

PHẠM CÔNG LUẬN (theo South China Morning Post)


 
Back to top