Trò chuyện Art Republik: Họa sĩ Châu Giang – Phong cách chuyển biến theo nội tâm
Là cử nhân ngành sơn dầu, nổi danh với tư cách là một nhà văn, rồi khi cầm cọ trở lại thì được biết đến như một họa sỹ vẽ lụa. Đó chính là họa sỹ Nguyễn Thị Châu Giang.
Theo dõi từ đầu hành trình hội họa của chị đến nay, người xem có thể thấy những đối cực khác biệt giữa tranh sơn dầu và tranh lụa. Dường như có hai Châu Giang hoàn toàn trái ngược đang cùng tồn tại trong một chủ thể sáng tạo nghệ thuật. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chị về tranh lụa – một mảng tranh “tay trái” nhưng lại khá hợp và làm nên thành công trong hội họa của chị hiện nay.
Một câu hỏi “muôn năm cũ”: cơ duyên nào để một người vẽ tranh sơn dầu như chị lại tìm đến lụa?
Tôi tốt nghiệp khoa sơn dầu. Sau khi ra trường một thời gian dài tôi tập trung vẽ sơn dầu. Tranh sơn dầu của tôi thường rất mạnh bạo, nhiều người nhận xét là khó xem vì nặng nề quá. Sau này, do những biến động sâu sắc trong đời sống, kiểu như mình đang bị đẩy xuống một cái vực, nếu bám víu vào sơn dầu thì cảm giác như mình càng nhanh rơi xuống vực hơn, nên tôi thử nghiệm với lụa để tìm kiếm cảm giác bình an, nhẹ nhàng, tĩnh tâm hơn, và may mắn là lụa cũng đã không phụ người yêu nó. Tôi tìm được cách giải tỏa những mâu thuẫn của mình qua tranh lụa vì có lẽ bản thân lụa đã có một sự đối nghịch rất lớn, nhìn qua tưởng là mong manh, mềm mại, có phần yếu đuối, xưa cũ nhưng lại vô cùng dẻo dai, vững bền và hoàn toàn có thể truyền tải những vấn đề đương đại.
Thêm nữa, tôi nghĩ rằng, là người sáng tác, không thể cứ đứng yên một chỗ mà phải luôn đổi mới, tìm tòi trên những chất liệu khác nhau.
Trong các tác phẩm tranh lụa của chị, dễ ấn tượng chính là nét môi cũng như nét mắt của những người phụ nữ. Chị có thể chia sẻ vì sao chị luôn chú trọng vào những chi tiết này để chúng trở thành một trong những biểu tượng quan trọng trong tranh của mình?
Cảm ơn vì bạn đã có một cái nhìn rất tinh tế với tranh của tôi. Tôi là một người thích nhìn ngắm, quan sát, ngẫm nghĩ hơn là trao đổi, trò chuyện. Vì thế tôi đặc biệt thích xem những bộ phim mà trong đó diễn viên chủ yếu diễn bằng mắt. Khi tiếp xúc với một người khác, tôi cũng thích được nhìn sâu vào mắt của người đó. Bởi vì bạn có thể khám phá được vô vàn cảm xúc không thể nói lên thành lời trong ánh mắt, trong từng chuyển động trên đôi môi của họ. Điều này đặc biệt thích hợp với hội họa của tôi, khi tôi luôn muốn được diễn tả nội tâm giằng xé, những khao khát, những uẩn ức, những nỗi buồn… bị che giấu bên trong của một con người, đặc biệt là một người phụ nữ.
Khi vẽ, điều mang đến khoái cảm nhiều nhất cho tôi chính là vẽ mắt và môi của nhân vật. Giống như bạn đã tìm thấy một sự kết nối vô cùng mãnh liệt với nhân vật của bạn. Họ nhìn thẳng vào bạn bằng cái nhìn kiểu như tò mò, mong muốn khám phá cảm xúc suy nghĩ của bạn, lại rất chân thành mời gọi bạn hãy đi sâu vào để nghiên cứu thế giới nội tâm của họ. Và bằng cách như thế, tôi tìm thấy được sự đồng cảm, sẻ chia vô cùng sâu sắc với thân phận nữ giới của họ.
Có một số bức tranh, sau khi vẽ xong, tôi đã ngồi lặng cả buổi để ngắm khuôn mặt của họ, và cứ thế mà nước mắt rơi không kìm lại được.
Cố ý quay lại không khí tranh lụa thời kì Đông Dương từ cả mặt tạo hình lẫn kỹ thuật vẽ và nhuộm lụa, chị có cho rằng mình đang làm sống lại một thời kỳ vàng son của tranh lụa hay là đang làm mới thể loại này trong ý niệm hoài cổ?
Ngày xưa viết truyện tôi cũng luôn thích đặt nhân vật của mình vào một bầu không khí bãng lãng hoài cổ, một không gian cũ kĩ có phần tăm tối cho dù họ thở hơi thở của thời đại. Khi đến với hội họa, tôi cũng vẫn giữ nguyên sự yêu thích đó nên chọn cách tạo hình, sử dụng kỹ thuật truyền thống để vẽ nên những vấn đề của thời đại.
Trải qua gần hai thập kỷ làm việc trên một vài chất liệu như sơn dầu, dó, lụa… điều lớn nhất tôi học được là dù trên bất kỳ chất liệu nào, nếu bạn làm việc thật nghiêm túc, nếu bạn dành thật nhiều thời gian cho nó mà không cố gắng trông đợi nó sẽ trả lại gì cho mình, thêm với duyên nợ trời cho, bạn chắc chắn sẽ gặt hái được quả ngọt. Bởi qua quá trình làm việc nghiêm túc mỗi ngày, bạn sẽ tự mình chắt lọc được những kinh nghiệm, kỹ thuật xử lý bố cục, chất liệu, phát hiện ra những hiệu ứng mà chất liệu có thể mang lại mà không một trường lớp, một tiền bối nào có thể dạy hết cho bạn. Bên cạnh đó, biết cách tạo ra hiệu ứng mới cho chất liệu cũng là việc vô cùng quan trọng. Tư tưởng có thể không thay đổi, nhưng với mỗi chất liệu bạn phải giữ được và tôn vinh được sự độc đáo khác biệt của từng thể loại.
Tôi là một người cực kì mâu thuẫn, đặc biệt là trong suy nghĩ. Điều này làm nên một tôi rất riêng trong sáng tạo nhưng cũng làm tôi rất mệt mỏi. Tôi muốn thay đổi cái này, tôi muốn làm cái kia, tôi muốn giải phóng cái nọ, nhưng rồi sau tất cả, tôi lại làm những cái mà tôi đang làm (hoặc làm những cái tôi đã không muốn làm trong suy nghĩ).
Bạn hãy thử hình dung, khi vẽ một bức tranh lụa cần sự điềm tĩnh, cẩn thận, tâm an thì bài hát mà tôi nghe đi nghe lại trong suốt thời gian này lại là bài Numb và In the End của Linkin Park thì sẽ cảm nhận được sự mâu thuẫn là như thế nào.
Thế nên chọn cách tạo hình, kỹ thuật truyền thống của tranh lụa để nói đến cuộc sống, thân phận người phụ nữ trong xã hội hiện đại ngày hôm nay chính là đến từ mâu thuẫn trong nội tâm của tôi mà thôi, chứ tôi chưa bao giờ cho rằng mình đang làm sống lại một thời kỳ vàng son của tranh lụa hay là mình đang làm mới thể loại này trong ý niệm hoài cổ.
Tranh của chị mới thoáng qua thì có vẻ chúng thuần túy và dễ cảm. Nhưng xem xét kĩ có thể thấy chị đang tinh tế thể hiện những concept hơn là chú trọng vào cái đẹp thuần túy. Chị nghĩ sao về nhận xét này?
Vâng, tôi cho rằng đây là một nhận xét khá chính xác. Tôi luôn quan niệm, tranh đương nhiên là phải đẹp. Nhưng tôi thích vẽ một bức tranh có một câu chuyện, một thế giới riêng với những ý nghĩa sâu sắc của nó. Để mỗi khi ngắm nhìn, lòng bạn phải xao động, bạn phải dành thêm nhiều thời gian để tò mò khám phá, để sau khi rời đi rồi, dù thứ bạn nhận được chỉ là dư vị đắng chát của cảm xúc, thì bạn vẫn không thể quên được nó.
Vì lẽ đó, bạn sẽ có lúc thấy vô cùng xúc động khi đọc được một nhận xét thế này “Thật diễm phúc khi có được thân nữ. Một lão bà mà suốt thời niên thiếu và thanh niên luôn mơ ước biến thành nam nhân, nay đã thấy ra lầm lẫn” (cảm nghĩ của một khán giả xem Ẩn hoa 2). Nghệ thuật có thể không thay đổi được thế giới, nhưng vẫn có thể mang đến những chuyển biến tích cực, dù là rất nhỏ bé, trong quan niệm, suy nghĩ của loài người. Đó cũng chính là nhờ vào những câu chuyện mà chúng đang che giấu sau vẻ đẹp đơn thuần của mình.
Sau một hành trình dài từ Ẩn hoa 1, đến Ẩn Rồng, rồi Ẩn hoa 2, chị nghĩ mình đã tìm được bản ngã trong sáng tạo hội họa?
Bản tính là một người khá khép kín và thích sự cô độc cũng như khá nhạt nhẽo, có thể vài tuần cũng chỉ có nhu cầu mặc đúng 1 bộ quần jean áo thun, ăn đúng một món trứng xào, nghe đi nghe lại một bản nhạc yêu thích, không cần giao tiếp nói chuyện với ai vẫn thấy rất ổn, nhưng với hội họa thì khác, mỗi một thời kỳ, tranh của tôi là một series khác biệt. Sự khác biệt ấy gắn liền với đời thực, trải nghiệm của chính tôi. Nên cũng vì thế mà phong cách của tôi cũng hình thành theo chuyển biến nội tâm của từng giai đoạn cuộc sống.
Đến thời điểm này có thể nói, chỉ duy nhất với hội họa tôi mới được sống thật nhất, là chính mình nhất. Tôi không biết như vậy có phải là mình đã tìm được bản ngã trong sáng tạo hội họa hay chưa?
Là một biên tập viên, một nhà văn chuyên nghiệp với mười mấy đầu sách, sau này khi trở lại cầm cọ, chị có cảm thấy tư duy văn chương ảnh hưởng lớn tư duy hội họa trong quá trình vẽ của chị hay không?
Tôi thích vẽ từ năm 4 tuổi, và từ lúc này đã xác định ước mơ được làm họa sỹ. Đến năm học lớp 3, tôi bắt đầu tập tành sáng tác thơ, văn và phát triển lĩnh vực này mạnh nhất trong khoảng thời gian từ 16-25 tuổi. Thời điểm đó nhìn đâu, gặp gì tôi cũng có thể viết ra thành một truyện ngắn. Sau đó thì tôi sáng tác văn chương ít dần đi, dành hầu hết thời gian vào việc vẽ và chăm sóc con cái. Bây giờ nhìn cái gì, ngắm nghía ai cũng thành tranh hết.
Tôi nghĩ là có sự hỗ trợ mạnh mẽ lẫn nhau trong các loại hình nghệ thuật. Truyện của tôi thường được độc giả nhận xét có những màn tả cảnh, tả nhân vật tinh tế và đẹp như một bức tranh. Còn khi vẽ tranh, tôi tâm niệm rằng, đẹp là rất quan trọng, nhưng gắn liền với nó phải có những câu chuyện, những suy nghĩ thật sâu sắc thì mới níu kéo được cái nhìn, bởi khán giả sẽ muốn dành nhiều thời gian hơn để ngắm và nghĩ về bức tranh.
Chị thấy thế hệ họa sỹ tranh lụa hiện nay đang tiếp nhận và khác biệt với tiền nhân như thế nào?
Tôi là dân sơn dầu, từng vì những biến động của đời sống cá nhân mà tìm đến lụa để giúp mình sống bình tĩnh hơn, nên dù cố gắng tìm tòi, học hỏi, tôi vẫn thấy kiến thức và tài năng của mình trên tranh lụa khá hạn hẹp. Tôi thật sự nể phục một số họa sỹ vẽ tranh lụa hiện nay. Có thể không cùng quan niệm trong sáng tạo hội họa, nhưng rõ ràng tôi phải thừa nhận rằng tư duy, kỹ thuật của họ phát triển rất mạnh mẽ và hiện đại. Họ đã phá bỏ được những ràng buộc, quy định cũ kĩ của truyền thống. Họ đã mang đến những làn gió mới vô cùng khác biệt cho tranh lụa hiện đại.
Nhưng sâu thẳm trong lòng thì tôi vẫn đắm đuối với những gì sâu lắng, đằm thắm và giản dị hơn.
Vâng, cảm ơn chị!