Nghệ thuật

Trò chuyện Art Republik: Với Ace Lê và triển lãm “Of Limits” tại Singapore

Mar 08, 2021 | By Trang Ps

Triển lãm nhóm Of Limits (3 -30/3/2021) tại Singapore do Ace Lê và các thành viên nhóm Of Limits đồng giám tuyển, giới thiệu 11 tác phẩm từ 6 nghệ sỹ Đông Nam Á, bao gồm Phạm Hà Ninh, Quỳnh Lâm, Okui Lala, Lala Bohang, Kelly Limerick và Crystal Sim. 

Chủ đề “Về Giới Hạn” thảo luận những xung đột tâm lý, quan hệ xã hội-chính trị được đẩy tới tiệm cận trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, và những ranh giới mới được chúng ta vạch ra một cách chủ đích hay trong tiềm thức.

Art Republik/LUXUO đã có cuộc chuyện trò với giám tuyển Ace Lê để hiểu hơn về thông điệp triển lãm và các tác phẩm của 6 nghệ sỹ, đặc biệt là hai nghệ sỹ đến từ Việt Nam.

Chào anh Ace Lê! Với tư cách là thành viên nhóm Of Limits đồng giám tuyển, anh có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa triển lãm nhóm tại Stamford Arts Centre, Singapore lần này, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay?

Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành và cả thế giới bị thảy vào trạng thái hỗn loạn, rất nhiều vấn đề chính trị-xã hội vốn đã tiềm ẩn nay được bày ra ánh sáng và khuếch đại ở nhiều mức độ khác nhau, từ những bất công xã hội và phân biệt đối xử cho tới quan hệ giữa người với người. Hầu hết chúng ta, dù ở góc độ cá nhân hay tập thể, đều đã và đang phải trải qua những giới hạn được đẩy đến cùng cực. Theo lời của triết gia Karl Jaspers thì đó cũng là khi “bộ não con người phải đối đầu với chu vi hạn hẹp của chính nó, rồi tự tìm cách vượt lên trên sự an phận của giới hạn ấy mà tiến vào một vùng nhận thức tự thân mới.” Ở đây, nhóm giám tuyển chúng tôi muốn nghiên cứu những phương thức sáng tạo đa dạng của giới nghệ sỹ, được họ sử dụng như một công cụ đối phó và vượt qua với những giới hạn đó, cụ thể ở đây là ba tầng lớp: giới hạn nội tại, giới hạn quan hệ người-người, và giới hạn giữa các cộng đồng.

Chính bởi sự đa dạng đó, và sự đa dạng trong nhóm giám tuyển, chúng tôi quyết định lựa chọn 11 tác phẩm từ 6 nghệ sỹ đến từ 4 quốc gia trong Đông Nam Á, cũng là để tự thử thách khả năng xử lý giới hạn cho chính mình. Mỗi nghệ sỹ, với khả năng và kênh sáng tạo khác nhau, đã mày mò và tái định nghĩa lại những khái niệm cơ bản về ranh giới, khu bản lề và vùng tiệm cận.

Được biết, 11 tác phẩm của 6 nghệ trải rộng trên nhiều phương tiện khác nhau, anh đánh giá chung như thế nào về bộ sưu tập, đặc biệt là các tác phẩm từ hai bạn đến từ Việt Nam là Hà Ninh Phạm và Quỳnh Lâm?

Nhìn chung, đây là một bộ sưu tập có tính thời sự cao. Hầu hết các tác phẩm đều được sáng tác trong giai đoạn đại dịch, phản ánh những dao động và xung đột tâm lý – xã hội – chính trị vi mô và vĩ mô trong khu vực. Sáu nghệ sỹ đều có tuổi đời rất trẻ, nhưng đã có những thành công nhất định trong sự nghiệp. Ví dụ, tác phẩm video triptych của Lala Bohang (sn. 1985, Indonesia) đã được trình chiếu tại Jakarta Biennale 2020. Okui Lala (SN. 1991, Malaysia) cũng có tác phẩm được đánh giá cao tại Singapore Biennale 2019-2020. Crystal Sim (SN. 1999, Singapore) là một ngôi sao sáng những năm gần đây tại Singapore, dũng cảm đóng góp một tác phẩm đa phương tiện được nhiều người chú ý, đó là một cuốn sách gồm ảnh chụp, chỉ thêu, nhúng nước muối biển, thể hiện trải nghiệm của chính nghệ sỹ khi trải qua những biến cố tâm lý dẫn tới trầm cảm và hội chứng tự làm tổn thương bản thân.

Đến từ Việt Nam có hai nghệ sỹ. Tôi chọn diptych của Quỳnh Lâm (SN. 1988), bởi đây là một cặp tác phẩm độc đáo nói về chủ đề bản sắc của nhóm thiểu số xa xứ. Hai video “Betweenessee” (2020) và “Missing Link” (2020) được sắp đặt như một cuộc đối thoại bằng hình ảnh và âm thanh giữa nội tại nghệ sỹ và bối cảnh xung quanh, với những yếu tố song song như ca khúc thiếu nhi, bản đồ địa hình – lịch sử, chất liệu thiên nhiên được cóp nhặt, và màn trình diễn tự thân.

Trong “Betweenessee”, Quỳnh Lâm du hành tới lui giữa những ký ức tuổi thơ trong giai điệu quen thuộc “Reo Vang Bình Minh” và khoảnh vườn trồng mẫu đơn ngoài studio tại Mỹ, nơi nghệ sỹ bị mắc kẹt lại trong đại dịch. Ca khúc của nhạc sỹ Lưu Hữu Phước được sáng tác hơn 70 năm trước, trước thềm của cuộc chiến Mỹ-Việt và bảy thập kỷ với quan hệ phức tạp của hai quốc gia. Những lời hát về một tương lai bừng sáng, đầy hương, hoa, gió, nắng, được lồng ghép ý nhị vào bối cảnh hiện tại, trừ đi bóng dáng những đứa trẻ. Mối tương quan địa lý – lịch sử ấy được đảo ngược lại trong “Missing Link”. Ca khúc phản kháng “I Shall Not Be Moved” gợi lại quá khứ đau đớn ở miền Nam nước Mỹ, trong khi hình tượng cây tre lại là ẩn dụ cho bản sắc Việt của nghệ sỹ khi bị chuyển dịch khỏi quê hương. Trong màn trình diễn lồng ghép trong video với lá tre và đốt tre, chúng ta có thể thấy những dòng chữ “khắc xuất” và “khắc nhập” biểu trưng cho quá trình lắp ghép hay gỡ bỏ những mảnh bản sắc của một người Việt xa xứ. Thông qua cặp quan hệ của kẻ cư trú trong quá khứ/hiện tại và nơi cư trú trong hiện tại/quá khứ, Quỳnh Lâm đã bóc tách và tái khẳng định những yếu tố định sắc bản thân bằng cách kiếm tìm những điểm chung với các nạn nhân khác của chấn thương lịch sử, vượt thời gian và không gian.

Quỳnh Lâm vốn đã được biết đến với những thí nghiệm xử lý thực vật vừa như đối tượng, vừa như phương tiện sáng tạo bao gồm sắp đặt, trình diễn và các tác phẩm hai chiều nên việc nghệ sỹ sử dụng hoa mẫu đơn và thân cây tre ở đây cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Điểm đặc biệt là, chính những giới hạn về tư liệu sáng tác trong giai đoạn phong tỏa giãn cách đã được chuyển thành một tổ hợp phương tiện thú vị: hoa và cây tìm được trong khu vực cách ly, những tư liệu địa lý-lịch sử trực tuyến, và màn trình diễn tự thân. Trong quá trình mày mò với những giới hạn đó, có lẽ nghệ sỹ đã tự tìm được cho mình những câu trả lời cần thiết về bản sắc bị dịch dời.

Nếu Quỳnh Lâm đối đầu với vị thế chơi vơi bằng cách vẽ cầu nối qua những phân cách địa lý, lịch sử và văn hóa, thì Phạm Hà Ninh (SN. 1991) lại đi tìm mình trong miền phi thực. Dự án đầy tham vọng “My Land” (2017 – đến nay) là một thế giới giả tưởng được Hà Ninh kiến tạo và kiểm soát tuyệt đối, như một lối thoát tâm lý để nghệ sỹ đối phó với những hỗn độn chính trị – xã hội ngoài đời thực. Đây là dự án sẽ còn kéo dài nhiều năm, với kiến trúc mở rộng và đa phương tiện, bao gồm những bản vẽ hai chiều, điêu khắc ba chiều, nội dung viết, và trò chơi ảo. Các kết cấu phong cảnh và kiến trúc liên thông với nhau, nhưng mỗi thành phần đơn đều tiềm ẩn lý tưởng, thông điệp và câu chuyện riêng của mình. Ví dụ, hai tranh vẽ được trưng bày là “E4.3 [Institute of Proportion]” (2021) và “F2.1 [organic rig number one]” (2020), là hai trong số những đơn vị xuất hiện trong bản đồ mẹ 8×8 “[mothermap]” được cập nhật hàng năm. Quá trình viễn tưởng, kiến thiết và chỉnh sửa những miền tâm thức đã trở thành một dạng giải thoát tâm lý và trao quyền tự thân.

Trong thời gian đại dịch tại Hà Nội, Hà Ninh bị ốm và đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật. Trải nghiệm đầy khó khăn và giới hạn này đã khiến nghệ sỹ nghiền ngẫm nhiều về tiềm thức của con người và sự chủ quan của nó, rồi đưa những chiêm nghiệm ấy vào một dạng thức sáng tạo ngày càng mang tính hữu cơ, tương tự như một cơ thể biết phát triển, đôi khi vượt quá ý muốn của người chế ngự, phá bỏ luật lệ và những trách nhiệm đi cùng. Sự giải phóng ấy được hiện rõ trong hệ quy chiếu đa chiều, nay đã bao gồm thêm một chiều rất mới, là mối quan hệ với người xem. Điều này thể hiện rõ ở trò chơi vừa hoàn thành “Institute of Distance” (2020), một hình dung của vũ trụ “My Land”. Người chơi có thể tải trò chơi từ Google Play và Apple Store. Bất chấp sự biệt lập, trải nghiệm cho phép người chơi kết nối với tâm thức của nghệ sỹ, và tự lý giải nó theo ngôn ngữ riêng tư. Và đó là cách Hà Ninh mượn miền sáng tạo để vượt qua những biên giới nội tại và quan hệ xã hội bên ngoài.

Về phía anh, anh đánh giá cao sáng tạo của các nghệ sĩ nào? 

Bản thân tôi đã cộng tác với nghệ sỹ đan móc Kelly Limerick (SN. 1991, Singapore) qua khá nhiều dự án, nhưng tác phẩm đa phương tiện “Brother” (2020) trong triển lãm là một tác phẩm tôi đặc biệt yêu thích. Lấy ý tưởng từ sự kiện truyền thông năm ngoái đưa tin một phần đáng kể cộng đồng lao động nhập cư tại Singapore bị mắc Covid-19 trong những ký túc xá với điều kiện dưới chuẩn, nghệ sỹ đặt ra những câu hỏi lớn về tính trong-ngoài và lợi ích nhóm trong xã hội đương đại của một quốc gia vốn được gắn mác là hiện đại và văn minh.

Tại Singapore, “brother” là cách gọi những người thân thiết, đồng thời cũng là cách gọi thân thiện những người xa lạ trên phố. Bắt đầu từ ba tuần trước triển lãm, nghệ sỹ đã đan một tấm chăn lớn hình vuông bằng sợi trắng. Một tuần trước khai mạc, nghệ sỹ dùng tay chấm mực đen lên đó dòng chữ “brother”, rồi tháo chăn ra và đan lại thành một dải dài, khiến dòng chữ biến mất khi hòa vào định dạng mới. Tuy vậy, những vết mực lấm lem còn lộ rõ, thể hiện mối quan hệ và phi quan hệ giữa cộng đồng đa số và các cộng đồng thiểu số. Trên thực tế, những vết đen này chỉ được lộ ra dưới những luồng soi được kịch tính hóa của truyền thông, và trong những echo chamber kéo theo, đặt ra những thử thách giới hạn của sự bao dung khi quyền lợi bản thân của nhóm đa số gặp nguy hiểm.

Bên cạnh sắp đặt đan móc trại không gian trưng bày, toàn bộ màn trình diễn của tác phẩm còn được lưu lại dưới dạng video. Quá trình kiến tạo, phá hủy rồi tái kiến tạo của Kelly Limerick còn đóng vai trò một câu hỏi hiện sinh cho những công việc lặp đi lặp lại như bất tận của những công nhân nhập cư (và nới rộng ra, là cho mỗi người xem), một vòng luẩn quẩn giới hạn trải nghiệm và mức độ tiếp xúc của họ, và qua đó giới hạn nhận thức của chính chúng ta về vấn đề này.

Anh có thể giới thiệu một chút về Of Limits Collective, nhóm giám tuyển của triển lãm thú vị này?

Of Limits Collective là một nhóm Thạc sỹ khóa Nghiên cứu Bảo tàng và Giám tuyển Nghệ thuật tại Đại học Bách khoa Nam Dương, Singapore, bao gồm năm thành viên đến từ năm nền văn hóa khác nhau: Sneha Chaudhury (Ấn độ), Chay Wei Qin (Singapore), Ace Lê (Việt Nam), Jason Leung (Indonesia) and Beatrice Morel (Pháp). Nhóm quan tâm nghiên cứu những vấn đề chính trị-xã hội liên quan tới bản sắc, tầng lớp, xuất xứ, chủng tộc, và niềm tin. Với triển lãm đầu tay này, nhóm vinh dự được nhận giải 2020 Platform Projects Curatorial Award do NTU Centre for Contemporary Art Singapore (NTU CCA) bảo trợ, là giải thưởng dành cho dự án giám tuyển xuất sắc nhất của năm.

Một chút về chương trình Thạc sỹ Nghiên cứu Bảo tàng và Giám tuyển Nghệ thuật (MA in Museum Studies and Curatorial Practices) tại Đại học Bách khoa Nam Dương (Nanyang Technological University), Singapore: đây là khóa học đầu tiên thuộc thể loại này ở châu Á với sự tập trung vào nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Đông Nam Á. Chương trình rất mới, chỉ bắt đầu từ 2019, khóa của tôi là khóa thứ hai. Chủ nhiệm chương trình (kiêm Giám đốc NTU CCA) là Giáo sư Ute Meta Bauer, cựu giám tuyển Documenta 11 (2001-2002).

Hiện tại, tôi vẫn là người Việt Nam duy nhất trong khóa học này, và đánh giá cao giáo trình học thuật bài bản và chương trình thực hành và networking đa dạng ở đây. Rất mong có nhiều bạn người Việt đăng ký hơn trong tương lai. Về nội dung cụ thể, có lẽ nên dành cho một bài chuyên sâu khác.

Cảm ơn anh Ace Lê vì những chia sẻ hữu ích!


 
Back to top