ART & LIFE

Women of LUXUO: Gặp gỡ bà Thúy Nga – TGD Elite Việt Nam – “Tương lai đang tới”

May 19, 2021 | By admin

Năm 2002, Elite Vietnam chính thức được thành lập và là công ty quản lý đào tạo người mẫu chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam. Nhưng ít ai biết, một trong những nhà sáng lập và hiện là Tổng giám đốc của Elite Vietnam – nữ doanh nhân Thúy Nga đã từng từ bỏ cuộc sống đáng mơ ước để dấn thân vào một lĩnh vực khá “thị phi”:  Tổ chức và quản lý người mẫu, Hoa hậu gần hai thập kỷ.

Từ tham vọng xây dựng một công ty đào tạo Hoa hậu, người mẫu đầu tiên tại Việt Nam, thay đổi cách nhìn nhận của xã hội về nghề người mẫu, đưa nhan sắc Việt vươn tầm thế giới. Sau gần 20 năm hoạt động và trải qua hai năm chao đảo vì dịch bệnh, doanh nhân Thuý Nga đã có buổi trò chuyện với Women of Luxuo, chia sẻ về chặng đường đã qua và tương lai sắp tới gắn liền với những nhan sắc Việt trên đấu trường quốc tế.

Thách thức và cơ hội của các cuộc thi sắc đẹp hậu Covid 

Women of Luxuo: Trải qua hai năm Covid, mọi lĩnh vực đều bị ảnh hưởng, thật không may, có những quốc gia thậm chí còn chưa thể khôi phục lại nền kinh tế. Xin hỏi chị, sức sinh tồn của những cuộc thi sắc đẹp liệu sẽ nằm ở đâu?

Kể từ năm covid đầu tiên (năm 2020 – pv), những cuộc thi lớn nhất đều phải hoãn. Ví dụ từ cuộc thi đã có lịch sử 70 năm như Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ 2020 cũng chỉ mới diễn ra và kết thúc ngày hôm qua. Trong bối cảnh này, chỉ có Hoa hậu Trái đất – Miss Earth có đưa ra một phương án là làm cuộc thi online.

Thực ra, những cuộc thi trực tuyến sẽ chỉ giải quyết vấn đề các thí sinh không thể di chuyển cũng như để đỡ tốn kém hơn. Tuy nhiên, sự hấp dẫn (của các cuộc thi trực tuyến) chắc chắn sẽ không thể bằng offline. Một phần, vì các kỹ năng trình diễn không mang lại cảm xúc cho thí sinh, giám khảo, khán giả hay cả Ban tổ chức.

Năm nay, còn có sự khởi động lại của Miss Grand – Thái Lan, phải nói họ đã làm rất tốt. Các cuộc thi còn lại chưa biết tương lai sẽ như thế nào bởi tình hình dịch bệnh là cái không ai nói trước được. Có thể vào thời điểm này lắng xuống nhưng biết đâu một vài tháng nữa lại bùng lên.

Nhưng một điều tốt đẹp tôi tin là, trong thời gian này, những người đứng đầu các cuộc thi nhan sắc bắt buộc phải ngồi lại xem lại các chiến lược và phương cách tổ chức của mình. Họ phải thay đổi. Thế giới giờ đây đã không còn như trước. Bằng cách nào đấy, tôi tin họ sẽ tìm ra hướng đi phù hợp với xu thế ngày nay.

Hoa hậu không phải là một nghề, không ai sống được bằng Nghề hoa hậu và cũng không ai gọi là Nghề hoa hậu hết.

Các cuộc thi hoa hậu không được coi là một hoạt động văn hoá đơn thuần mà nghiêng về giải trí nhiều hơn, chị có buồn không nếu có ai đó nói, những cuộc thi này rồi sẽ thoái trào? 

Thực ra không chỉ là Hoa hậu mà tất cả các lĩnh vực kể cả phim ảnh, kịch, rồi ca nhạc,… nếu như không tạo ra được một sản phẩm tốt thì chắc chắn sẽ thoái trào. Vấn đề ở đây, chúng ta nên nhìn theo hướng “Hoa hậu không phải là một nghề”, không ai sống được bằng nghề Hoa hậu và cũng không ai gọi là nghề Hoa hậu hết. Hoa hậu chỉ đơn thuần là một danh hiệu để tôn vinh người được chọn để làm, để đồng hành với các nhiệm vụ lớn của xã hội bao gồm thiện nguyện, hoạt động thúc đẩy văn hoá, giáo dục, du lịch,… tuỳ thuộc vào tiêu chí của mỗi cuộc thi.

Sau những cuộc thi hoa hậu, các người đẹp đạt danh hiệu sẽ quay về với nghề nghiệp chính của mình hoặc đồng hành cùng ban tổ chức trong các hoạt động đã có kế hoạch. Tại Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á, các hoa hậu có thể tham dự những sàn diễn thời trang, điều này thực tế khá lạ với các quốc gia khác, vì với họ, biểu diễn thời trang vốn chỉ dành cho người mẫu chứ không phải hoa hậu.

Được biết, năm nay chị sẽ khởi động lại các cuộc thi sắc đẹp vào tháng 10 Với chị, đây có phải là một quyết định mạo hiểm?

Không chỉ có Miss Charm mà các cuộc thi khác như Hoa Hậu quốc tế tại Nhật hay Hoa hậu thế giới năm nay tổ chức ở Pusto Rico hay Hoa hậu hoàn vũ tại Mỹ vừa diễn ra mới đây thôi,… chắc chắn ban tổ chức đều hồi hộp bởi với tình hình dịch bệnh hoặc những yếu tố khác. Nhưng không vì vậy mà chúng tôi ngồi yên, cũng như các nước khác, chúng tôi đã phải đưa ra lịch trình để thì sinh chuẩn bị.

Chính vì thế mà Miss Charm,  vẫn chưa có ai có thể dám chắc sẽ được diễn ra đúng lịch dự kiến, tuy nhiên, chúng tôi đã đưa ra một lịch trình cụ thể đến các thí sinh của mình. Nếu không có gì thay đổi, cuộc thi sẽ diễn ra từ 15/9 đến 15/10 năm nay tại Sài Gòn. Hi vọng vào thời điểm ấy, vaccin đã được tiêm rộng rãi.

Tổ chức cuộc thi hoa hậu trực tuyến sẽ chỉ là giải pháp tình thế

Vì sao chị không tổ chức thi hoa hậu online, như một số quốc gia khác? 

Có lẽ, theo đánh giá của tôi, những cuộc thi Hoa hậu trực tuyến sẽ chỉ là giải pháp tình thế.

Rõ ràng, một thì sinh trình diễn trước ban giám khảo, trước khán giả những kỹ năng biểu diễn hay catwalk sẽ mang lại cảm giác hứng khởi và tích cực hơn việc trình diễn ở nhưng sân khấu không khán giả.

Chưa kể, cuộc thi còn có những hoạt động khác, thật sự khó khăn để Ban giám khảo nếu chỉ chấm giải kỹ năng, còn rất nhiều tố chất khác để chọn nên một hoa hậu.

Tại sao một cuộc hoa hậu phải tổ chức kéo dài 3 tuần hay tới 4 tuần? Bởi vì ngần ấy thời gian ới giúp một thí sinh bộc lộ gần như trọn vẹn kỹ năng và tính cách. Làm cách nào để ban giám khảo có thể quan sát thí sinh một cách chính xác qua online? Liệu cô gái này có thực sự là một người có trái tim nhân hậu hay không để họ đồng hành cùng những hoạt động thiện nguyện? Hay cô ấy có thật sự là một người thông minh sắc sảo có thể đối phó được với tất cả tình huống xảy ra hay không?

Vậy cho nên, thật lòng là tôi không đoán trước được cuộc thi hoa hậu trên thế giới sau này sẽ phát triển đến mức như thế nào trong nhiều năm tới đây, nhưng đối với tôi, tổ chức cuộc thi hoa hậu online sẽ chỉ là giải pháp tình thế.

Để chuẩn bị cho cuộc thi Miss Charm vào tháng 10 này, ekip của mình đã tới bước nào rồi?

Thực ra,  Miss Charm đã rất là sẵn sàng rồi. Hồi năm 2020, chỉ còn ba ngày nữa thôi, các thí sinh sẽ bay đến để tham dự. Công tác chuẩn bị từ khách sạn, nhà hàng, âm thanh, ánh sáng, dịch vụ, ekip dã chuẩn bị đầy đủ. Giờ đây, nếu khởi động lại, vẫn là những con người đấy, ekip đấy.

Đương nhiên, vẫn có thay đổi hoặc khó khăn, chẳng hạn có thí sinh quá tuổi theo quy đình mất rồi, hoặc có người đã có kế hoạch lập gia đình, họ không thể nào chờ đợi hơn một năm rưỡi để tham dự Miss Charm. Thay đổi này cũng khiến ekip thay đổi nội dung trình chiếu, tài liệu thí sinh. Chưa kể, điều tôi lo lắng nhất là các bạn có thể bay tới Việt Nam an toàn hay không nữa.

Đánh đổi để được sống là chính mình

Trở lại quá khứ, khi đang ở vị trí trợ lý Đại sứ Argentina tại Việt Nam, chị bỗng bỏ ngang công việc được rất nhiều người mơ ước để dấn thân vào một lĩnh vực vô cùng mới mẻ và còn quá nhiều định kiến vào thời điểm đó. Chị có thể chia sẻ với chúng tôi lý do?

Thời còn du học ở nước ngoài, bản thân tôi đã thích tham gia các hoạt động văn hoá nghệ thuật của Sứ quán Việt Nam tổ chức cho học sinh sinh viên. Tôi yêu thích nghệ thuật, dù ngành mà mình theo học khá khô cứng, không liên quan gì đến nghệ thuật hết.

Khi về nước, thật lòng tôi cũng không bao giờ nghĩ rằng bản thân sẽ hoạt động trong lĩnh vực văn hoá giải trí. Tôi được chuẩn bị để đi theo con đường truyền thống của gia đình: một công việc ổn định, tập trung phấn đấu phát triển trong sự nghiệp.

Thật ra, tôi cũng đã trải qua khá nhiều nghề như phiên dịch, du lịch hay kinh doanh… Sau đó mới làm trợ lý cho Đại sứ Argentina đầu tiên ở Việt Nam. Công việc lúc bấy giờ rất nhiều, tôi gần như cuốn theo nó. Trung bình 1 tuần sẽ đi tiệc ngoại giao 2-3 lần, lên đồ ăn mặc đẹp, chỉn chu, tác phong cũng cần đúng chuẩn quy tắc. Rồi một ngày nhận ra mình không phải là người phù hợp với công việc này, dù nó là mơ ước của bao nhiêu người.

Vào thời điểm đó, “thiên thời địa lợi nhân hoà”, tôi có một người bạn đang làm tiến sỹ ở Mỹ về Hà Nội, chúng tôi đi chơi ở một quán bar và họ đưa ra đề nghị, rằng mình có muốn làm Elite với họ không?

“Hiện nay ở Việt Nam đang không có công ty quản lý người mẫu nào. Chị có muốn làm cùng em không? Mình sẽ cùng mua bản quyền của công ty Elite – công ty quản lý người mẫu lớn nhất thế giới, 80% siêu mẫu quốc tế đều bước ra từ công ty này” – Bạn ấy nói

Lúc đó, lĩnh vực giải trí này còn rất mới, tôi rất hứng thú, mặc dù đam mê của đời tôi là âm nhạc chứ không phải người mẫu. Tôi có thể nghe nhạc cả ngày, chứ chưa chắc có thể xem người mẫu cả ngày. Nhưng nghĩ rằng bản thân mình cũng cần thay đổi, cần sống với điều mình yêu thích là nghệ thuật và giải trí. Phải làm công việc gì đó, mà mỗi một ngày là một ngày vui.

Ngày quyết định xin thôi việc, tôi biết đã để lại trong lòng bố mẹ một sự tiếc nuối. Rồi khi chia sẻ ý định mở một công ty người mẫu, bố mẹ tôi đã rất sốc. “Tại sao con lại phiêu lưu như thế, con đang làm một công việc không phải lo điều gì cả, tại sao lại tự mở một công ty nhạy cảm như công ty người mẫu?” – Tôi nhớ bố mẹ tôi đã hỏi như vậy. Nhưng tôi biết, bố mẹ cũng đã quen với việc tôi là một con người độc lập. Sau này, khi đạt được một số thành tựu nhất định, bố mẹ mới dần an tâm.

Nếu hỏi là mình có hạnh phúc hay không thì hiện tại mình có, bởi mình được sống cuộc sống như mình mong muốn

Hạnh phúc đối với chị là gì?

Thật ra, khi đủ từng trải, tôi nghĩ rằng hạnh phúc có rất nhiều màu sắc. Có người thích phiêu lưu, có người thích tiền bạc, danh vọng… Mỗi người có một nghĩ suy về hạnhh phúc của mình. Với tôi, khi đã trải qua tuổi trẻ, đã đủ bầm đập, đủ cung bậc cảm xúc, mặc dù anh vẫn muốn thứ gì đó, nhưng hầu hết mọi người vẫn mong muốn: là sự bình yên.

Mỗi ngày mở mắt ra là có việc gì đó phải làm, phải chiến đấu với rất nhiều thứ để đạt được cái đích đấy, ngày tiếp theo lại có một cái đích khác, rõ ràng là, không bao giờ có cái gì thành công mà đơn giản cả, nó đều phải trả giá bằng tiền bạc, sức khoẻ,… và sau khi đạt được một số thứ thì mình nhận thấy bình yên mới vô cùng quý giá và quan trọng.

Không phủ nhận là tuổi trẻ tôi rất “hăng”, cũng thích tiền, cũng đam mê trải nghiệm nhưng rồi đến một ngày, khi tối về nằm nghĩ suy về cuộc đời mình, nhiều thăng trầm và bị cuốn đi trong nhiều thứ, lúc đó mới biết đâu là cái đích của đời mình.

Nếu hỏi là mình có hạnh phúc hay không thì hiện tại là mình có, bởi mình được sống cuộc sống như mình mong muốn.

Chuyên nghiệp hóa các cuộc thi sắc đẹp trong nước

Cho phép tôi hỏi chị một câu này nhé? Theo Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn vừa được Chính phủ ban hành đã bỏ quy định về việc không tiếp nhận thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ. Chị nghĩ sao về điều này? Đây có phải là một bước tiến đến chuyên nghiệp của các cuộc thi Hoa hậu?

Theo tôi, Nghị định mới này đang bắt kịp với xu hướng của thế giới. Đã từ lâu các cuộc thi Hoa hậu lớn nhỏ trên thế giới đều không đề cập đến vấn đề phẫu thuật thẩm mỹ. Đó là vì họ có lý. Mới đầu mình nghe cũng thấy khá không công bằng “Lẽ nào những người chỉnh sửa ít lại giống với những người chỉnh sửa nhiều à?”. Nhưng nếu câu chuyện đặt ra chỉ cho phép những người chỉnh sửa ít, thì ít là bao nhiêu? Đó là những câu chuyện cãi nhau triền miên.

Vậy nên từ lâu, thế giới những cuộc thi hoa hậu đã có một cái luật ngầm với nhau. Cô có thể phẫu thuật thẩm mỹ nhưng tự cô phải biết giới hạn. Ví dụ, không bao giờ người ta chấm top quá cao  một thí sinh mà nhan sắc không có, sau đó thay đổi toàn bộ hình hài để trở thành một cô gái lộng lẫy để dự phần cuộc thi.

Tóm lại, bạn có thể phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng luật ngầm trong giới sẽ phải đòi thêm những  yếu tố khác như trí tuệ, hành xử, lòng nhân ái, tài năng,…  Rõ ràng, nếu thí sinh hội tụ đủ các yếu tố, không can thiệp quá sâu làm thay đổi khuôn mặt thì cơ hội có thế vào sâu hơn so với người đã đập phá “lung tung” trên khuôn mặt – các bạn ấy sẽ dừng chân ở một top nhất định thôi.

Sau khi đạt giải ở các cuộc thi trong nước, thí sinh chiến thắng vẫn phải trải qua huấn luyện để có thể tiến tới các cuộc thi quốc tế phải không? Cụ thể hơn là rèn luyện về điều gì?

Rất nhiều, không bao giờ là đủ. Ngay cả bản thân các cô đạt Hoa hậu Hoàn vũ, trở về, họ vẫn tiếp tục rèn luyện. Ở Việt Nam, gần như chưa có các trung tâm đào tạo Hoa Hậu chuyên nghiệp, nên thường thí sinh đi thi chưa qua đào tạo hoặc chỉ huấn luyện trong thời gián ngắn.

Biểu diễn trên sân khấu nước ngoài cũng khác trong nước, đó là lý do Elite Việt Nam khi mở trung tâm đào tạo hoa hậu Việt Nam, bên cạnh những huấn luyện viên người Việt thì có mời huấn luyện viên quốc tế, những người đã có học trò thành danh để họ đào tạo. Các chuyên gia này có một số bí quyết nhỏ để làm sao cho học trò của mình, giữa dàn người đẹp có thể nổi bật, thu hút và lọt vào ống kính hoặc đôi mắt của Ban giám khảo.

Và khi bắt được camera thì góc mặt như thế nào lên hình đẹp nhất. Bên cạnh đó, thí sinh cũng phải làm việc với các nhà thiết kế để lên đồ, trình diễn như thế nào để phù hợp. Một số những hoạt động riêng thuộc khuôn khổ chương trình ví dụ như Hoa hậu Thế giới sẽ đánh giá cao các hoạt động nhân ái, bắt buộc thí sinh sẽ phải có kế hoạch chuẩn bị và quay clip tham gia từ A đến Z.

Một người đẹp được chấm hoa hậu hay á hậu, thì đó phải là một người có đầy đủ yếu tố tổng hợp nhất, chứ chưa hẳn là người đẹp nhất.

Để một người đẹp đăng quang tin rằng cần phải có nhiều phẩm chất. Là một chuyên gia, theo chị đó là gì? 

Một Hoa hậu đòi hỏi nhiều phẩm chất tổng hợp. Tại sao những cuộc thi như Người mẫu thế giới Elite Model Look, chỉ kéo dài trong 5-7 ngày,  chỉ tập trung vào hoạt động chuyên môn, trong khi Những cuộc thi Hoa hậu phải kéo dài đến 3-4 tuần, vì chúng tôi cần được nhìn thấy những phẩm chất tổng hợp của người đăng quang.

Thêm nữa, mỗi cuộc thi Hoa hậu thường có một tiêu chí riêng. Nếu Hoa hậu Thế giới thường chuộng vẻ đẹp của nhân ái, trí tuệ thì Hoa Hậu hoàn vũ thường sáng cửa cho những vẻ đẹp bốc lửa. Ngoài ra, chắc chắn là một Hoa hậu phải có tài, phải có khả năng thuyết phục vì sao BGK và khán giả nên chọn họ và chấm họ thang điểm cao nhất.

Gần đây, tôi vẫn băn khoăn mãi một chuyện: những thí sinh Việt của mình đang bị giống nhau quá nhiều. Khi có một xu hướng nào đó, các cô ấy đều giống nhau. Họ phải đầm đuôi cá, họ phải tóc uốn xoăn. Vì sao cứ phải chạy theo vậy? Ví dụ như hoa hậu H’hen Niê, tại sao cô ý dám bộc lộ cá tính của mình, đã cắt mái tóc tém như thế. Thực tế là cô ấy đã rất thành công. Nhưng câu chuyện ở đây không phải là “người ta đi phải mình đi trái” mà phải làm sao cho phù hợp và tôn lên vẻ đẹp của mình nhất. Thiếu đi tính bộc lộ cá nhân, chỉ đi theo một lối mòn trong khi trên thế giới họ đang đánh giá rất cao sắc màu cá nhân của mỗi người.

Nữ doanh nhân Thuý Nga trong cuộc họp báo của Miss Charm 2020

Điều gì làm nên uy tín, chất lượng, giá trị cốt lõi của các cuộc thi sắc đẹp? Đó là ở thì sinh hay ở ban tổ chức?

Tất cả. Nó sẽ là con gà và quả trứng. Ban giám khảo chắc chắn sẽ có trước nhưng điều gì tạo nên uy tín cuộc thi thì đầu tiên ban tổ chức sẽ phải xác định rất rõ tiêu chí lập ra cuộc thi. Ví dụ Miss Charm sẽ chọn ra thí sinh đồng hành các hoạt động về văn hoá giáo dục ưu tiên là du lịch. Khi có tiêu chí thì mới có thể bám vào và xây lên các hoạt động trước, trong và sau cuộc thi. Sau đó tìm được dàn ban giám khảo thực sự có uy tín để  chuyên môn chọn những thí sinh mong muốn, như Miss Charm hy vọng tìm những thí sinh sexy bốc lửa nhưng bên cạnh đó cũng phải có trí tuệ.

Thứ ba những hoạt động công bố trên truyền thông báo chí cũng phải thuyết phục được đây là một cuộc thi rất chuyên nghiệp thì những thí sinh chất lượng họ mới đến và chính thí sinh mới thực sự là những người làm nên hình ảnh của cuộc thi. Đêm chung kết là cái cuối cùng để mọi người thấy cuộc thi này có thực sự chuyên nghiệp như vậy không và cuộc thi đầu tiên sẽ là tiền đề cho những năm sau để lấy được sự tin tưởng của khán giả cũng như các nhãn hàng. Đó cũng là lý do chất lượng các thí sinh Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ ngày càng tốt lên.

Làn sóng tẩy chay của cư dân mạng thời gian gần đây khá lớn. Nhiều người đẹp sau khi đăng quang bắt đầu bị đào bới về quá khứ, điều đó có ảnh hưởng đến uy tín của ban tổ chức sau khi trao giải?

Ít nhiều thì tôi nghĩ là có. Tuy nhiên, ở vai trò đã từng ngồi trong ghế ban tổ chức một số cuộc thi, tôi nghĩ rằng việc đào bới hơi quá đà. Ví dụ một sự cố nói lỡ miệng hay nhầm lẫn sang người khác, có khi các em đăng quang năm 18 nhưng lại bị đào bới nhưng hành động không quá vi phạm vào đạo đức và lối sống năm 15-16 tuổi.

Mặt khác, đây cũng là lời nhắc nhở cho các em khi có ý định đi thi hoa hậu, hãy lường trước sẽ xảy ra chuyện nọ chuyện kia xảy đến với mình, hãy cẩn trọng lời ăn tiếng nói và phát ngôn của mình nơi công cộng hay trên mạng xã hội.

Kể cả không có covid thì thị trường nhan sắc Việt Nam chắc chắn phải có sự thay đổi, để đi theo đúng cách mà thế giới đang làm.

Trải qua một thách thức không ngờ tới, chị Thuý Nga có nhận định như thế nào về thị trường sắc đẹp việt nam trong thời gian sắp tới?

Hiện nay ,rõ ràng chúng ta đang tiến dần tới chuyên nghiệp. Tuy nhiên, có một vií dụ như Nghị định mới về việc các thành phố sẽ được cấp phép để tổ chức cuộc thi sắc đẹp. Nhưng có một câu hỏi rằng liệu có nhiều quá không, nhưng mọi người không nhận thấy là trên thế giới người ta không hỏi rằng nhiều hay ít mà người ta chỉ quan tâm đến việc liệu cuộc thi đó có uy tín và chuyên nghiệp hay không?

Không chỉ là sân khấu hoành tráng, 50-70 thí sinh mà còn ở chất lượng ban giám khảo, chất lượng thí sinh và việc đào tạo thí sinh trước khi tiến vào cuộc thi hoa hậu mới là quan trọng. Không thể bắt khán giả chấp nhận một cô hoa hậu non nớt trước rồi sẽ tỏa sáng sau khi thi mà chúng ta hoàn toàn có thể có cô hoa hậu tỏa sáng cả trước lẫn sau khi thi nhờ những trung tâm đào tạo hoa hậu.

Women of LUXUO là series 50 cuộc trò chuyện, bài viết về những người phụ nữ Việt sống và cống hiến cho sự phát triển của Việt Nam. Tập này được mang đến bởi LUXUO và Elite Vietnam. Mời bạn đón đọc và gặp gỡ những nhân vật tiếp theo của cuộc trò chuyện.

Bài viết: Hằng Nga I Hình ảnh: Long Đặng


 
Back to top