ART & CULTURE / Nghệ sĩ

KTS Nguyên Hạnh Nguyên: Bản sắc văn hóa tạo nên giá trị bền vững cho kiến trúc

Mar 17, 2021 | By Trang Ps

Với hơn 25 năm giảng dạy và thiết kế, KTS Nguyên Hạnh Nguyên thời gian vừa qua đã ra mắt cuốn sách Sáng tạo (CADA) để lại dấu ấn quan trọng trong ngành. Là người phụ nữ dấn thân vào nhiều công việc khác nhau, những công trình do chị thiết kế phản ánh tính bản sắc vượt thời gian và tư duy sáng tạo nhạy bén.

Chào KTS Nguyên Hạnh Nguyên! Thông qua những công trình chị thiết kế, nhận thấy chị luôn đưa yếu tố bản sắc như giá trị cốt lõi để hình thành ý tưởng sáng tạo. Tuy nhiên, không ít người cho rằng Việt Nam không có bản sắc kiến trúc. Chị nhận định ra sao về ý kiến này?

Đúng là từ trước tới nay, nhiều người Việt thường tự hỏi tại sao những quốc gia khác có bản sắc kiến trúc mà Việt Nam lại không có. Có lẽ,  bản sắc là một từ khó hiểu, người ta nghĩ nó phải có chiều dài lịch sử cùng quy mô lớn về mặt kiến trúc hay không gian văn hóa. Nhưng thật ra, bản sắc là đặc điểm riêng, và chỉ nơi ấy mới có nhằm tách biệt ra khỏi những vùng khác.

“Kiến trúc hiện đại bản địa, kiến trúc tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc” cũng là một cụm từ gây khó hiểu. Người ta thắc mắc tự hỏi “bản sắc dân tộc” là gì? Nhưng hiểu một cách đơn giản, mỗi vùng miền đều có đặc điểm riêng, vì nó phụ thuộc vào tính chất địa lý khác biệt, chưa kể đến việc mỗi điểm đều có tiến trình lịch sử khác nhau, cùng vai trò nhất định trong quá khứ. Chính những điều đó tạo nên bản sắc, bắt buộc người kiến trúc sư phải cảm nhận thật sâu, và phải đủ sự rung cảm thì mới nhận ra. Tôi gọi đó là tính mẫn cảm của người thiết kế.

Nhưng giờ đây, vì sự đứt gãy trong tư duy thẩm mỹ mà xây dựng ở các vùng miền là như nhau. Đi từ vùng núi đến đồng bằng, từ Bắc vào Nam, nhà ở y chang khiến phần đông không còn nhận ra bản sắc kiến trúc nước ta nữa.

Chị có thể nói rõ hơn về tính đứt gãy này?

Vừa rồi, trong bài trình bày ở hội thảo quốc tế về kiến trúc Sài Gòn, tôi nhấn mạnh rằng kiến trúc Việt Nam bị đứt gãy sau hai thời kỳ là Indochine và Hiện đại bản địa. Indochine (Kiến trúc Đông Dương) xuất hiện khi người Pháp sang Việt Nam, nhưng người ta cảm nhận rằng không thể “sao chép nguyên xi” kiến trúc Âu châu sang Đông Dương được, bởi điều kiện khí hậu cùng hoàn cảnh ở đây là khác biệt. Điều đó bắt buộc họ phải tái xem xét kiến trúc Việt truyền thống, tạo ra một thời kỳ Indochine rực rỡ từ năm 1920 đến năm 1954.

Tiếp sau đó là kiến trúc hiện đại bản địa, khi các kiến trúc sư Việt Nam ra nước ngoài du học, rồi quay về thiết kế công trình tại nước nhà. Họ thu nạp tinh hoa kiến trúc hiện đại ở các nước tân tiến nhưng không áp dụng máy móc tinh thần hiện đại ấy vào Việt Nam vì các điều kiện ngoại cảnh là khác biệt. Thay vì thế, họ áp dụng hiện đại (đã học được) cùng tinh thần Indochine, dần dần theo thời gian, tạo ra một hệ thống kiến trúc hiện đại bản địa đặc sắc ở Sài Gòn. Thoạt nhìn vào là những khối nhà bê tông, nhưng quan sát kỹ hơn, ta vẫn thấy vẻ đẹp kiến trúc Việt Nam truyền thống. Thời kỳ rực rỡ này kéo dài đến năm 1975.

Indochine và Hiện đại bản địa là những từ khóa riêng để Việt Nam hãnh diện khi đi ra quốc tế. Tuy nhiên, thật tiếc, sau hai thời kỳ này, kiến trúc Việt Nam bị đứt gãy và đến nay vẫn chưa tạo ra được bản sắc gì. Những gì chúng ta làm ra không được gọi tên và nhòe nhoẹt với các phong cách kiến trúc khác. Đó có lẽ là một điều đáng xấu hổ.

Biểu hiện của tính đứt gãy này được thể hiện như thế nào trên kiến trúc diện rộng tại Việt Nam, thưa chị?

Các công trình hiện nay hiếm ảnh hưởng hay học hỏi từ Indochine hay hiện đại bản địa. Tư duy thẩm mỹ hạn chế tạo ra sự đứt gãy văn hóa. Con người không quan tâm đến những gì thuộc về quá khứ nữa mà có chiều hướng học rất nhanh kiến thức quốc tế nhưng lại không học tới. Kiến trúc quốc tế nhấn mạnh vào tính thẩm mỹ, với tỷ lệ vàng và ngôn ngữ tạo hình chuẩn xác. Nhưng chúng ta lại không đi vào được tỷ lệ chuẩn ấy, hoặc nếu đạt, thì nhà thiết kế phải đấu tranh với chủ đầu tư rất nhiều để khẳng định cái riêng.

Trong quá trình ấy, chúng ta cảm thấy như thể chân mình bị lung lay vì toàn bộ tinh hoa truyền thống ta đã chối bỏ. Chúng ta coi truyền thống là dĩ vãng. Hoặc có khi, ta bê nguyên kiến trúc truyền thống ở vùng núi đặt vào vùng đồng bằng một cách thô thiển. Nếu quan sát kỹ, ta có thể nhận ra kiến trúc vùng đồng bằng như đồng bằng sông Cửu Long cũng có truyền thống riêng, như lớp mái dài nhưng không dốc vì mưa không to, nhà trên cọc cao vì điều kiện ngập nước. Nếu ta tinh nhạy học hỏi kiến trúc truyền thống ở vùng ta sắp sửa làm dự án thì sẽ tạo ra sự nối tiếp một cách logic.

Như trong công trình Rocky Garden mà chị thiết kế cách đây hai năm tại khu vực bãi Xép – ghềnh Đá Đĩa, Phú Yên, chị phát hiện đá đã đi vào cuộc sống của người dân hàng trăm năm nay, từ đá làm nhà, đá làm chuồng bò, đá xếp con đường đi, be bờ, và mộ đá, với những ngôi mộ hơn 500 năm tuổi. Đó là bản sắc của Phú Yên mà nhiều người chẳng hề hay biết, mà người ta chỉ biết Phú Yên là “tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Khi khám phá thấy vậy, chị đã nghiên cứu sâu và đưa bản sắc văn hóa truyền thống ấy vào công trình này. Điều đó như thêm chứng tỏ giá trị bản sắc đã trở thành yếu tố bền vững hàng đầu trong thiết kế của chị!

Đúng thế! Thông thường, người ta nghĩ đến bền vững là yếu tố vật lý: bền theo thời gian hay kiến trúc xanh (green). Nhưng tôi hiểu bền vững theo ý nghĩa lớn hơn, là bền vững về khía cạnh văn hóa, tức tính di truyền văn hóa sẵn có đến tương lai.

Cũng giống như bây giờ, khi làm kiến trúc, ta phải có thái độ 100 năm sau nữa thì chúng sẽ là di sản. Tức công trình kiến trúc hiện nay không khác gì trạng thái di sản mới. Khi tiếp cận với thái độ ấy, thế hệ tương lai khi nhìn vào những gì chúng ta đã làm sẽ cảm thấy trân trọng và khao khát lưu giữ bản sắc. Nhưng nếu không tạo ra giá trị và sao chép một cách thô thiển không chắt lọc thì họ sẽ nhận ra một thời kỳ Việt Nam không có bản sắc kiến trúc.

Là tác giả của cuốn sách Sáng tạo (CADA), như vậy, dù có tiếp thu tinh hoa truyền thống thì dường như sáng tạo vẫn là yếu tố định nghĩa nên phong cách thiết kế của chị?

Trong 2 năm làm nghiên cứu phó giáo sư vừa rồi, có một người thầy trong hội đồng mới hỏi tôi rằng trong 25 năm giảng dạy và hành nghề thì 3 từ khóa định nghĩa nên Nguyên Hạnh Nguyên là gì. Tôi đưa ra ba từ là: giảng dạy, nghiên cứu khoa học và thi hành thiết kế. Nhưng tôi đề nghị thầy cho thêm một từ khóa nữa vì nếu không có nó thì đó không phải là tôi. Và từ khóa ấy chính là sáng tạo. Đó là thứ nằm chính giữa cái kiềng ba chân.

Xét thấy, từ trước đến nay, từ giảng dạy, viết lách, nghiên cứu đến thiết kế,… mọi thứ của tôi đều xoay quanh sáng tạo, tức tạo ra cái mới có giá trị hơn cái cũ đúng với bối cảnh đó và con người đó. Bởi nếu không tạo ra giá trị thì mọi thứ chỉ là làm cho có, hoặc chỉ đơn thuần đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư thôi thì chưa được mà cần tạo ra giá trị cho xã hội.

Việc tạo ra công trình đương đại phải đạt yếu tố công năng cho đương đại. Nói đầy đủ hơn thì là, thẩm mỹ có thể kết hợp giữa quá khứ và hiện tại, nhưng công năng thì nhất thiết phải phục vụ cho tinh thần đương đại. Ở chừng mực nào đó, chất liệu có thể truyền thống, nhưng trong ngôn ngữ thiết kế như tạo độ phẳng, độ sạch,… phải mang tinh thần đương đại, thường biểu lộ qua phần nội thất. Chẳng hạn, đương đại ở đây được thể hiện qua nội thất tối giản, giường tủ bàn ghế được giấu vào bên trong,…

Nếu đồ đạc truyền thống không ở trong không gian thiết kế đúng chất truyền thống hay ngôi nhà cổ thì mình sẽ dễ bị nệ cổ, tức là bị phụ thuộc. Đó không phải là sáng tạo. Không gian kiến trúc nằm trong thời đương đại thì phải có hồn đương đại. Nó có thể gợi một chút ít quá khứ nhưng không bị mắc kẹt trong quá khứ ấy.

Có những công trình nệ cổ bê nguyên kiến trúc Âu châu sang Việt Nam, nếu có thể sao chép y nguyên tất cả, nó có thể đẹp nhưng không phải là sáng tạo.

Chị luôn đi tìm kiếm giá trị bản sắc của từng nơi chốn và ở mỗi công trình luôn có bộ chất liệu riêng, chị có thể lý giải thêm về điều này được chứ?

Tôi luôn tin mỗi nơi chốn đều có một giá trị cốt lõi, và dù công trình nhỏ đến mấy cũng đều có câu chuyện riêng. Bộ chất liệu mà tôi sử dụng trong công trình quan trọng không kém bộ màu khóa.

Tôi còn nhớ công trình mà mình thiết kế ở đường Trần Hưng Đạo, Quận 1, Sài Gòn. Đó là ngôi nhà xây dựng từ thời Pháp, nổi bật với mảng tường gạch ba banh trải dài trên 3 tầng rưỡi. Khi ngắm nhìn nó, tôi hiểu rằng mình không thể tác động thô thiển bằng cách gỡ toàn bộ để xây dựng cái mới. Gạch ba banh là chất liệu của thời kỳ đó, mình không còn cách nào khác ngoài việc tôn vinh, lưu giữ và suy nghĩ xem chất liệu nào của thời kỳ này có thể đối thoại tốt với nó.

Trong bài giảng của tôi về ma trận chất liệu thì một trạng thái thô nhất có thể thì tương phản với tinh nhất có thể. Tôi quyết định làm trần thạch cao trắng nhẵn hết cỡ, bởi trong ngôn ngữ thiết kế, nếu nhấn mạnh chất liệu thì bắt buộc mình phải kiệm màu.

Có lẽ, đi tìm giá trị cốt lõi giống như cái gốc rễ, cái nền tảng trước khi mình đi vào sáng tạo!

Tôi luôn nghĩ trước khi sáng tạo, ta phải hiểu phương pháp thiết kế để dựa vào đó, ta tự hỏi làm gì tiếp theo để tạo ra sự sáng tạo. Sáng tạo phải phát khởi sau khi nền tảng sẵn có. Bởi nếu không có nền tảng thì sáng tạo sẽ thành tối tạo. Với tôi, sáng tạo là một phần làm việc thận trọng.

Tôi luôn dạy các em về “re-thinking” như một phần của nền tảng ấy. Bản thân hiểu khả năng tư duy của con người là vô hạn, tư duy có thể khiến họ bứt phá trong một thời gian ngắn và chạm mục tiêu đã đặt ra. Nhưng với kiến trúc sư, vì họ thường có nhiều tài năng từ vẽ, thiết kế, thi công công trình,… mà ưu điểm ấy lại hóa thành nhược điểm khiến họ khó tập trung tư duy và thời gian. Như vậy, bài giảng “re-thinking” giúp sinh viên sắp xếp tư duy, khi sắp xếp tư duy mới đến phần MOD (tức Method of design – Phương pháp thiết kế) và cuối cùng là CADA (Creative Approach in Design and Architecture).

Sau 2 năm làm nghiên cứu phó giáo sư, tôi lại tiếp tục quay về công việc thiết kế của mình. Hành nghề thiết kế là cách tôi chứng minh những lý thuyết mình nói ra.

Chị có thể nói thêm về tinh thần chung trong các dự án mình lựa chọn cũng như nghiên cứu lâu dài nào đó cho một kế hoạch sắp tới?

Các dự án của chúng tôi thường tập trung vào đối tượng những người yếm thế, nhóm 20 – 35 tuổi. Khi muốn tìm một nơi lưu trú tốt thì họ phải chọn vị trí xa trung tâm, vì thế mà thời gian di chuyển ngoài đường cũng nhiều hơn. Từ năm 2016, chúng tôi đã nghiên cứu thiết kế không gian mang tinh thần “less private, more public” cho nhóm này và hy vọng trong tương lai gần sẽ ra mắt.

Cảm ơn KTS Nguyên Hạnh Nguyên vì những chia sẻ thú vị nhé!

Ảnh chân dung nhân vật: RAB HUU STUDIO


 
Back to top