Art News Letter 2/T7: Trò chuyện nhiếp ảnh – triết học, hòa nhạc thể nghiệm và triển lãm cá nhân
Art News Letter giới thiệu đến bạn đọc 4 sự kiện nghệ thuật tiêu biểu diễn ra trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội trong tháng 7 và tháng 8 này: 1/Chuỗi thuyết trình về điện ảnh châu Á, 2/ Hòa nhạc thể nghiệm, 3/ Trò chuyện Niccolo Machiavelli – Con người và nghệ thuật cai trị của quân vương, 4/ Triển lãm Ôm khoanh trời cũ của Nguyễn Tuấn Cường.
Hương vị Châu Á: Chuỗi thuyết trình về điện ảnh Châu Á
Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD giới thiệu chuỗi thuyết trình về điện ảnh Châu Á với hàng loạt diễn giả là các chuyên gia / nhà phê bình / giám tuyển về điện ảnh nổi tiếng trong nước.
Sự kiện diễn ra vào chiều thứ bẩy hoặc chủ nhật hàng tuần trên nền tảng Zoom.
Thông tin chi tiết:
– Sự sống và cái chết trong phim của Satyajit Ray, 15h chủ nhật 11/7, Diễn giả Phan Đăng Di
– Ẩn dụ trong những khuôn hình: Thử thách xem phim Abbas Kiarostami, 15h thứ bẩy 17/7, Diễn giả Mai Anh Tuấn
– Tại sao Làn sóng mới của điện ảnh Hàn Quốc lan tỏa toàn cầu?, 15h thứ bẩy 24/7, Diễn giả Lê Hồng Lâm
– Một điện ảnh không lịch sử trong phim của Síu Phạm và Trương Minh Quý, 15h chủ nhật 1/8, Diễn giả Vũ Ánh Dương
– Song Lang: Yêu anh đến chết, 15h thứ bẩy 7/8, Diễn giả Nguyễn Quốc Thành
– Hiroshi Shimizu, lời cảm tạ, 15h thứ bẩy 14/8, Diễn giả Đỗ Văn Hoàng
Mời các bạn đăng ký tham dự tại đây: https://forms.gle/KgHd4RGgY7ggkonU9
Link Zoom sẽ được Trung tâm gửi vào email đăng ký của các bạn trước mỗi sự kiện 1 tiếng
Hòa nhạc thể nghiệm: DRIFTING INTERVALS – Những khoảng trôi
Luôn có những người phụ nữ vượt qua các giới hạn để tự do thể hiện bản thân và sự sáng tạo của họ. Họ tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau và làm phong phú thêm kinh nghiệm nhằm tạo cho mình một cuộc sống thú vị hơn. “Những khoảng trôi” là một dự án âm nhạc bao gồm năm nhà soạn nhạc/nghệ sỹ biểu diễn nữ. Từ ý tưởng của nghệ sỹ Lương Huệ Trinh, chất liệu trong mỗi tác phẩm đặt hàng là góc nhìn cá nhân của một nhà soạn nhạc về việc trao đổi văn hóa Việt Nam-Đức. Không những thế, sự tinh tế và nhạy cảm của những nghệ sĩ này cũng sẽ được thể hiện trong phần chơi ứng tác. Buổi hòa nhạc được thực hiện từ Việt Nam, Đức, Pháp và Ghana.
Các nghệ sĩ bao gồm:
Lương Huệ Trinh (Ghana)
Ngô Trà My (Việt Nam)
Séverine Ballon (Pháp)
Ute Wassermann (Đức)
Eva Zöllner (Đức)
Thời gian: 17.07.2021, 7PM UTC+7 / 2PM UTC+2
Livestream qua Fanpage Goethe-Institut Hanoi
Truy cập https://qrco.de/bcEa72 để biết thêm thông tin
Niccolo Machiavelli – Con người và nghệ thuật cai trị của quân vương
Niccolò di Bernardo dei Machiavelli (1469- 1527) sinh ra tại thành phố Florence nước Ý. Ông là một triết gia, một nhà ngoại giao kiệt xuất thời kì Phục Hưng. Dù có nhiều điều tiếng không hay về ông nhưng hầu hết những nhà nghiên cứu đương đại đều coi ông là người sáng lập ra hệ tư tưởng chính trị học hiện đại và có đóng góp rất lớn cả đối với khoa học quân sự và ngoại giao.
Một trong những tác phẩm nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của Machiavelli là cuốn “Quân vương” với nhiều quan điểm chính trị của ông về thuật trị nước, dù nó cũng đã gây nhiều “lùm xùm” nhất. Cuốn sách có nhiều khái niệm cơ bản về triết học chính trị, về bản chất của con người, bản chất của vương quốc, những nguyên lý trị vì và về người trị vì theo quan điểm của Machiavelli – được rút ra từ chính những trải nghiệm trong cuộc đời huy hoàng của một nhà ngoại giao.
Những quan điểm của Machiavelli đưa ra trần trụi hơn so với những gì mà người ta thường ca tụng về con người và cuộc sống, nhưng không thể phủ nhận những điều ông nói là sai thực tế. Francis Bacon (1561-1626) đã trả lại sự công bằng cho “Quân vương” khi nhận xét: “Chúng ta chịu ơn Machiavelli và những tác giả đã viết về những điều mà con người làm chứ không phải điều con người nên làm”.
Ôm khoanh trời cũ – Một triển lãm của Nguyễn Tuấn Cường
Ôm Khoanh Trời Cũ gồm loạt tranh sơn mài mới nhất của Nguyễn Tuấn Cường, tiếp nối series tranh tĩnh vật đặc trưng của anh. Vẫn đậm chất thơ, giàu tính tự sự, tuy vậy, các tác phẩm lần này của Cường dường như vượt ra vẻ kín đáo và bình lặng quen thuộc, trở nên thách thức nhiều hơn, khám phá mối tương quan trong không-thời gian và suy ngẫm về những hiện diện – vắng mặt, về hình và về bóng.
“Với tranh của Nguyễn Tuấn Cường, ta thấy mình được đặt vào một không gian mờ tối, trầm lặng nhưng không tịch mịch. Rồi từ trong bầu không khí kín đáo, riêng tư nhưng rất đỗi dịu dàng ấy, các hình dáng dường như lộ ra, vừa đủ tỏ tường để lọt vào tầm mắt, nhưng cũng đồng thời giấu lại, chìm trong khoảng bóng nửa tối (penumbra) của Sơn ta, không gian ngưỡng giữa phần được chiếu sáng và phần bóng tối hoàn toàn. Những tầng, những lớp sơn then và sơn cánh gián phủ dày, sậm lại, mở ra cả một khoảng không rất sâu và thẫm. Đặt vào trong sự thăm thẳm đó lại là vài ba món đồ vật. Quá tĩnh lặng và bé nhỏ, chúng chỉ ở đó, đơn thuần để vạch cho rõ khoảng không trống rỗng bao quanh chúng, và neo giữ ánh nhìn của ta tránh khỏi bị lạc trôi đi mất. Những món đồ gia dụng quen thuộc như bát, lọ, bình, hay đèn dầu, những vật dụng đã tồn tại cả nghìn đời ấy như kéo ta ngược thời gian, trở về thời quá vãng xa xôi nay chỉ còn được gợi nhắc qua vài tục lệ cổ và truyện kể truyền miệng” – trích bài viết cho triển lãm của nghệ sĩ Oanh Phi Phi.
Thời gian: 09.07 – 09.08.2021 (10h00 – 19h00)
Manzi Art Space, 14 Phan Huy Ích, Ba Đình
Mở cửa tự do