STYLE

Rolex – Biểu tượng tài năng xuất chúng

Oct 04, 2023 | By Ton Binh

Kể từ năm 1905, Rolex đã duy trì tầm nhìn của nhà sáng lập Hans Wilsdorf, người vốn xem đồng hồ đeo tay là một sản phẩm của tương lai, biểu tượng của kỷ nguyên hiện đại.

CHẾ TÁC VƯỢT TRỘI THEO TIÊU CHUẨN ROLEX

Vào đầu thế kỷ 20, sự thành công của đồng hồ đeo tay chưa phải là điều chắc chắn vì còn tồn tại một số hạn chế, như không chính xác, dễ hư hỏng và cồng kềnh. Thậm chí, đồng hồ đeo tay khi ấy chỉ được coi là một món trang sức hơn là một thiết bị chỉ báo thời gian đáng tin cậy, và đồng hồ bỏ túi mới là tiêu chuẩn của tính chính xác. Nhưng Hans Wilsdorf – nhà sáng lập thương hiệu Rolex đã quyết định phát triển một chiếc đồng hồ đeo tay có khả năng bắt kịp chuyển động của người đeo, cũng như các thay đổi bất thường trong cuộc sống ngày càng năng động. Ông đã cách mạng hóa thế giới chế tác đồng hồ bằng cách vượt qua ba thách thức lớn để biến chiếc đồng hồ đeo tay thành công cụ để sử dụng hàng ngày.

Đầu tiên là có thể tạo nên các chuyển động chính xác như đồng hồ đo thời gian hàng hải – thước đo về độ chính xác của thời kỳ ấy. Thứ hai, phát triển một bộ vỏ bền bỉ và không thấm nước, để có thể bảo vệ bộ máy cơ khỏi tác nhân gây hại như bụi bẩn, hơi ẩm, nước hay mồ hôi. Và thứ ba, trang bị cho đồng hồ một bộ máy cơ tự động nhằm mang đến cho người đeo sự thuận tiện hơn mỗi ngày.

BA THÁCH THỨC VÀ BA CỘT MỐC QUAN TRỌNG TRONG LỊCH SỬ ROLEX

Thách thức về độ chính xác

1914: Đài quan sát Kew tại Anh quốc (cơ quan có thẩm quyền cao nhất về độ chính xác của các công cụ đo thời gian vào thời điểm ấy) đã trao chứng chỉ chính xác “Hạng A” cho một chiếc đồng hồ đeo tay Rolex. Đây là chứng nhận liên quan đến các bài kiểm tra cực kỳ nghiêm ngặt được thực hiện trong hơn 45 ngày và thường dành riêng cho đồng hồ hàng hải. Lần đầu tiên, Rolex đã chứng minh rằng một chiếc đồng hồ đeo tay có thể sánh ngang với những chiếc đồng hồ chính xác nhất.

Thách thức về khả năng chống nước

1926: Rolex công bố bộ vỏ Oyster, với khả năng bảo vệ tối ưu cho bộ máy thông qua một hệ thống tinh vi đã được cấp bằng sáng chế. Nhờ đó, chiếc đồng hồ có thể đồng hành cùng chủ nhân trong suốt ngày dài. Hans Wilsdorf giới thiệu rằng Oyster là “phát minh quan trọng nhất liên quan đến đồng hồ trong những năm trở lại đây”, và thực tế là khả năng chống thấm nước hoặc bụi bẩn của thiết kế vỏ này đã giúp duy trì độ chính xác của đồng hồ trong thời gian dài.

Thử thách với cơ cấu lên dây cót tự động

Năm 1931: Rolex đăng ký một loạt bằng sáng chế về chức năng lên dây cót tự động thông qua rotor tự do mang tên “Perpetual”, mà hiện nay đã trở thành tiêu chuẩn chung của toàn ngành đồng hồ. Với hệ thống này, bộ máy sẽ tự lên dây cót khi đồng hồ đang được đeo trên tay chủ nhân, đồng thời còn sở hữu một ưu điểm nữa là có thể lên dây cót liên tục nhằm đảm bảo mức năng lượng dự trữ ổn định nhất để bộ máy luôn vận hành trong trạng thái chuẩn xác. Song song đó, rotor lên dây cót tự động không chỉ giải phóng người đeo khỏi sự gò bó của việc phải thường xuyên lên dây cót thủ công cho đồng hồ, mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc hạn chế tối đa thao tác núm vặn, góp phần tối ưu khả năng chống thấm nước của đồng hồ.

HIỆU NĂNG BẤT CHẤP MỌI ÁP LỰC

Rolex luôn cam kết với khẩu hiệu “hiệu năng bất chấp áp lực” siêu hạng trong sáng tạo của mình. Do đó, mọi chiếc đồng hồ Rolex đều phải trải qua vô số các cuộc thử nghiệm trong điều kiện thực tế, phải chịu đựng thử thách khắc nghiệt nhất ngay trên cổ tay của những nhà thám hiểm tiên phong, hay các vận động viên ưu tú – những cá nhân không ngừng đẩy lùi giới hạn bản thân.

CỘT MỐC QUAN TRỌNG:

  • 1927: Rolex cung cấp cho vận động viên bơi lội người Anh, Mercedes Gleitze một chiếc đồng hồ Oyster khi cô thực hiện hành trình bơi qua eo biển Manche.
  • Năm 1933: Đồng hồ Oyster đồng hành cùng Đoàn thám hiểm Houston khi thực hiện chuyến bay đầu tiên qua đỉnh Everest ở độ cao hơn 10.000m trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
  • 1935: Với chiếc Oyster trên cổ tay, Sir Malcolm Campbell đã trở thành người đàn ông đầu tiên phá vỡ rào cản tốc độ huyền thoại 300 dặm/giờ (xấp xỉ 482 km/giờ) khi cầm lái chiếc Bluebird của mình.
  • 1947: Chuck Jeager – phi công đầu tiên phá vỡ rào cản âm thanh (Mach 1) bằng chiếc máy bay tên lửa phản lực X-1, với một chiếc đồng hồ Rolex Oyster trên cổ tay.
  • Năm 1953: Rolex tài trợ cho đoàn thám hiểm người Anh, trong đó Sir Edmund Hillary và Tenzing Norgay đã trở thành những người đầu tiên lên tới đỉnh Everest ở độ cao 8.848m (29.028 feet).
  • 1960: Tàu ngầm Trieste do Jacques Piccard và Don Walsh điều khiển đã gắn một chiếc đồng hồ Oyster Deep Sea Special ở phần thân khi chinh phục độ sâu kỷ lục 10.916m tại rãnh Mariana, ngoài khơi Thái Bình Dương. Mặc dù phải chịu mức áp suất khổng lồ hơn một tấn trên mỗi centimet vuông, nhưng chiếc đồng hồ vẫn trong tình trạng hoàn hảo khi trở lại mặt nước.
  • 1968-1969: Rolex đồng hành cùng Chuyến thám hiểm xuyên Bắc Cực thành công bằng đường bộ đầu tiên của đoàn thám hiểm người Anh, sau hành trình dài gần 6.000 km và trải qua một mùa đông trên các tảng băng trôi.
  • 2012: Một chiếc đồng hồ Rolex Deepsea Challenge thử nghiệm đã được gắn vào thân chiếc tàu lặn của James Cameron để lặn xuống độ sâu 10.908m tại rãnh Mariana, trong chuyến thám hiểm Deepsea Challenge. Chiếc đồng hồ vẫn hoàn toàn nguyên vẹn khi phải chống chịu mức áp suất phi thường tương đương với trọng lượng xấp xỉ 12 tấn lên mặt kính.

TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG CỦA ĐỒNG HỒ ROLEX

Mỗi chiếc đồng hồ Rolex đều được thiết kế, sản xuất, thử nghiệm và chăm chút tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ nhất. Cách tiếp cận “siêu hạng” này thể hiện qua tám phẩm chất cơ bản đặc trưng của Rolex: độ chính xác, khả năng chống thấm nước, tính tự động, độ chắc chắn, sự tối giản, tính khéo léo, sự thoải mái và độ bền bỉ. Những nguyên tắc kỹ thuật cùng thẩm mỹ này luôn là kim chỉ nam của Rolex, đồng thời mang đến trải nghiệm đặc biệt cho người đeo với các tính năng thể hiện sự tinh thông trong từng chuyên môn.

CHỨNG NHẬN THIẾT BỊ ĐO THỜI GIAN TỐI THƯỢNG

Rolex cam kết mọi chiếc đồng hồ đều được thiết kế và sản xuất với chất lượng cao nhất, thể hiện qua dòng chữ “Superlative” khắc trên mặt số – chứng nhận cho hiệu suất cực cao của từng sáng tạo. Chứng chỉ này xác nhận, rằng mọi chiếc đồng hồ Rolex đều đã vượt qua một loạt bài kiểm tra khắt khe theo tiêu chí cụ thể của riêng thương hiệu trước khi xuất xưởng.

Dòng chữ khắc trên mặt đồng hồ Rolex đã phát triển qua nhiều năm. Ban đầu là “Chronometer” rồi đổi sang “Officially Certified Chronometer” vào cuối những năm 1930, trước khi trở thành “Superlative Chronometer Officially Certified” khoảng 20 năm sau đó. Các tên gọi ấy chứng tỏ khả năng đổi mới liên tục của thương hiệu cũng như độ chính xác liên tục nâng cao của đồng hồ. Năm 1957, Rolex tung ra một thế hệ máy đồng hồ mới, được trang bị bánh xe cân bằng với các vít Microstella bằng vàng (đai ốc Microstella từ năm 1983), các bộ máy calibre của dòng 1500 mang lại hiệu suất tuyệt vời, thậm chí vượt qua mọi tiêu chí cần thiết để đạt chứng nhận vào thời điểm đó. Nhằm ghi dấu những phẩm chất đặc biệt này, Rolex đã tạo ra thuật ngữ “Superlative Chronometer” – ký hiệu này sau đó được kết hợp với “Officially Certified Chronometer” vốn đã xuất hiện trên mặt số đồng hồ Rolex, rồi hình thành cụm từ danh tiếng “Superlative Chronometer Officially Certified”.

Dòng chữ “Superlative Chronometer Officially Certified” hay đơn giản là “Superlative Chronometer” xuất hiện trên mẫu đồng hồ Perpetual 1908 ra mắt vào năm 2023 là ngụ ý cho sự khẳng định, rằng đồng hồ Rolex đã vượt qua vô vàn tiêu chuẩn hiện có. Chúng là kết quả từ chuyên môn và tiến bộ kỹ thuật, cũng như các phương pháp thử nghiệm vô song của thương hiệu.


 
Back to top