Chỗ đứng nào cho những nữ họa sĩ trừu tượng [Kỳ 1]
Trong bài phỏng vấn Lee Krasner năm 1968, bà kể lại chuyện Hans Hofmann từng đánh giá tác phẩm của bà rằng: “Tác phẩm này tốt đến mức không ai tin là phụ nữ đã sáng tác cả”. Và, một trong những đánh giá hiếm hoi về Grace Hartigan, nhà phê bình và thẩm định nghệ thuật Clement Greenberg đã viết: “Anh ta muốn trở thành một trong những nữ hoạ sĩ đương đại vĩ đại đầu tiên”
Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng (Abstract Expressionism) thường được nhớ đến bởi kĩ thuật vẩy màu (Trừu tượng hành động) hoặc mảng màu trừu tượng lớn (Trường Màu), có xu hướng gắn liền với các nam họa sĩ như Jackson Pollock hay Willem de Kooning. Những nữ hoạ sĩ có tầm nhìn và đóng góp quan trọng cho phong trào nghệ thuật này lại không nhận được sự chú ý trong lịch sử nghệ thuật. Họ gần như bị gạt ra khỏi tiến trình phát triển và bị nhìn nhận ở tư cách là người chịu ảnh hưởng, học trò hay chỉ là vợ của những nam họa sĩ nổi tiếng (tiêu biểu như trường hợp Lee Krasner và Jackson Pollock) – thay vì được nhớ đến là những người tiên phong kiến tạo phong trào nghệ thuật này.
Ở giai đoạn mà chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng nở rộ, có lẽ chỉ có nữ họa sĩ Helen Frankenthaler là trường hợp ngoại lệ khi có cơ hội được tiếp cận với các học bổng Nghệ thuật cũng như triển lãm đối với trường phái Trừu tượng hành động (Action Painting).
Biểu hiện Trừu tượng nổi tiếng có tính đại diện cho chủ nghĩa nam quyền không chỉ vì nghệ sĩ nam chiếm ưu thế mà còn thông qua sự ảnh hưởng nặng nề của Carl Jung và Joseph Campbell trong tư tưởng, có xu hướng liên quan đến tính nam và một số cường điệu về khuôn mẫu nam giới. Và điều này đã ảnh hưởng đến sự phát triển sự nghiệp của các nghệ sĩ nữ, khi các nhà phê bình, chủ phòng tranh, thậm chí là các đồng nghiệp nam của họ – không mong muốn họ xuất hiện trong phong trào quá nhiều, thậm chí cố gắng loại trừ sự tham gia của họ trong nhóm thực hành nghệ thuật chung.
Trong bài phỏng vấn Lee Krasner năm 1968, bà kể lại chuyện Hans Hofmann từng đánh giá tác phẩm bà như sau: “Tác phẩm này tốt đến mức không ai tin là phụ nữ đã sáng tác cả”. Nữ họa sĩ Joan Mitchell từng bộc bạch nỗi sợ của mình trong bài phỏng vấn năm 1950: “Đôi khi trong những lúc nản lòng, tôi từng tự hỏi liệu phụ nữ có thật sự không thể sáng tác như cái cách mà đàn ông nói chúng tôi hay không”.
Ngay cả những nghệ sĩ nữ (như Perle Fine, Joan Mitchell, Mary Abbott) được mời tham gia vào câu lạc bộ “Eighth Street Club” – câu lạc bộ chỉ dành cho nam nghệ sĩ thảo luận về các thực hành và khả năng chuyển đổi trạng thái cảm xúc của nghệ thuật trừu tượng, thì những tác phẩm của họ vẫn hiếm khi được bán, bàn luận; số lượng triển lãm cá nhân của họ ít hơn rất nhiều so với các nam họa sĩ. Điều này không đáng ngạc nhiên, thậm chí đối với những người tạo ra kĩ thuật mới như nữ họa sĩ Helen Frankenthaler với phương pháp ngâm và nhuộm (soak-stain).
Tuy nhiên, thị trường đã có nhiều sự thay đổi và chuyển mối quan tâm đến các nữ nghệ sĩ Trừu tượng trong 5 năm trở lại đây – khởi sắc nhưng cũng là một sự chậm trễ đáng buồn. Sau khi các giám tuyển và nhà phê bình nghệ thuật tập trung lấy lại vị thế cho họa sĩ nữ trong lịch sử, các nhà sưu tầm đã chú tâm hơn, phát hiện những cơ hội đầu tư mới “phải chăng” hơn so với các nghệ sĩ nam với cái giá “trên trời”.
Một trong những triển lãm đánh dấu sự thay đổi và điều chỉnh tính cân bằng này là triển lãm “Women of Abstract Expressionism” (Phụ nữ trong Biểu hiện Trừu tượng) năm 2016, giám tuyển bởi Chanzit. Ngoài ra còn có tác phẩm “Ninth Street Women” của Mary Gabriel viết về những nữ họa sĩ thay đổi nghệ thuật hiện đại (2018); các tiểu sử của Krasner, Mitchell, Hartigan, Elaine de Kooning được Gail Levin, Patricia Albers, và Cathy Curtis nghiên cứu để viết lại. Curtis đánh giá: “Vào thời điểm tôi bắt tay vào nghiên cứu, sự chú ý của những nữ họa sĩ này trong bảo tàng là bằng 0”.
Mối quan tâm đã thay đổi nhanh chóng. Bảo tàng nghệ thuật Baltimore và Bảo tàng đương đại San Francisco tổ chức triển lãm hồi tưởng về Mitchell năm 2021. Bảo tàng Guggenheim Bilbao cũng tổ chức triển lãm hồi tưởng về hành trình của Krasner sau khi các tác phẩm được trưng bày tại Barbican Centre, London năm 2019.
“Trong 12 đến 18 tháng sau đó, giá các tác phẩm bắt đầu tăng nhanh chóng”, đánh giá bởi Nicole Schloss – chuyên gia về Nghệ thuật đương đại của Sotheby’s và cũng là người tham gia vào buổi đấu giá phá kỉ lục của Frankenthaler cho tác phẩm Royal fireworks (1975) tháng 6/2020, đạt mức gần 7.9 triệu USD.
Montana Alexander – đối tác của New York Gallery cho rằng: “Thị trường các tác phẩm nam giới như Rothko không còn nhiều khả năng đi xa hơn nữa. Những người có khả năng chi trả chỉ còn đếm trên đầu ngón tay”. Ví như so sánh giữa Elaine de Kooning và Bill de Kooning, dù giá cả tác phẩm giữa hai người còn chênh lệch khá nhiều, khoảng cách chất lượng các tác phẩm giữa hai vợ chồng thực chất không nhiều; thế nên, các nhà sưu tầm đã và đang chuyển hướng đầu tư.
Dù các tác phẩm của nữ họa sĩ Biểu hiện Trừu tượng tăng nhanh nhưng mối quan tâm không hoàn toàn đồng đều. Ba họa sĩ đứng đầu danh sách là Krasner, Frankenthaler và Mitchell; sau đó là một số họa sĩ khác từng tham gia vào triển lãm “Ninth Street Show” năm 1951 (một trong những triển lãm định hình nghệ thuật hiện đại tại New York) như Elaine de Kooning, Sonja Sekula, Anne Ryan…
Ngoài ra còn có trường hợp của Corinne Michelle West, dù cô không có mức giá cao như ba họa sĩ hàng đầu trong danh sách nhưng các tác phẩm của cô cũng đã tăng gấp mấy lần so với giai đoạn đầu. Ví dụ như tác phẩm “Forgotten Ancestors” (1967) được đấu giá thành công tại Christie’s năm 2019 với 81.250 USD, cao gấp ba lần kỉ lục đấu giá trước đó của cô.
Grace Hartigan (1922 – 2008) – một trong những nữ nghệ sĩ quan trọng chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng và trường phái New York (New York School) – đã chờ đợi rất lâu trong sự nghiệp mình để được định giá công bằng như các đồng nghiệp nam khác, đồng thời hi vọng nhận được những ý kiến phê bình. Ấy vậy mà một trong những đánh giá hiếm hoi về bà lại được Clement Greenberg (nhà phê bình nổi tiếng và nhà thẩm định nghệ thuật) viết như sau: “He wants to be the contemporary of the first great woman painter,” (giữ nguyên bản gốc vì sự sai sót của nhà phê bình, tạm dịch: “Anh ta muốn trở thành một trong những nữ họa sĩ đương đại vĩ đại đầu tiên”).
Ba năm sau khi có cơ hội nói chuyện trực tiếp với Clement, bà thẳng thắn đáp trả rằng ông đã vô trách nhiệm trong chính công việc của mình. Bà nói: “Và cho dù có bất kì ý kiến nào, ông trước hết cần tôn trọng năng lượng và sự nghiêm túc tôi dành cho những thực hành của mình.”
Và trong năm 2020 vừa rồi, tác phẩm tĩnh vật của Hartigan (Tác phẩm “Flower Still Life” sáng tác năm 1954) đã đạt kỉ lục tại nhà đấu giá Doyle với 187,500 USD, trở thành kỉ lục cao thứ ba trong các tác phẩm của bà.
Hartigan đã đạt được sự tôn trọng sau hơn 60 năm kể từ lần nói chuyện với Clement, giống như những nữ nghệ sĩ vĩ đại khác cùng thời với bà. Các tác phẩm của họ cuối cùng đã bước ra “ánh sáng” và được đánh giá đúng với vị trí của nó, đánh dấu bước đầu rũ bỏ những định kiến giới trong nghệ thuật.
Nguồn:
Women of Abstract Expressionism (2016) – Artsy
The Rising Market for Women Abstract Expressionists – Artsy
Oral history interview with Lee Krasner, 1964 Nov. 2-1968 Apr. 11 – A.A.A Program
Thực hiện: Trâm Bùi