ART & LIFE

“Nghe những tàn phai”: Triển lãm cá nhân lần thứ 5 của Nguyễn Công Hoài

Feb 28, 2022 | By Trang Ps

Nguyễn Công Hoài là một trong những họa sĩ thuộc thế hệ Y có quá trình hoạt động nghệ thuật sung sức và chuyên nghiệp. Suốt 10 năm qua, anh đã tham gia nhiều triển lãm nhóm và cá nhân, thể hiện những chuyển biến đáng kể trong lối suy tư và sáng tác. “Nghe những tàn phai” là cuộc trưng bày cá nhân lần thứ 5 đồng thời đánh dấu sự trở lại của anh với công chúng Sài Gòn sau 7 năm.

“Nghe những tàn phai” diễn ra từ ngày 26.2 đến 10.3 tại không gian May Artspace, 36/70 Nguyễn Gia Trí, phường 25, quận Bình Thạnh, Tp.HCM.

Như nhà nghiên cứu Lý Đợi chia sẻ, Việt Nam nói chung hay Sài Gòn nói riêng đang thiếu vắng rất rất nhiều không gian cho văn hóa – nghệ thuật, nhưng việc duy trì nó chưa bao giờ là việc đơn giản. Vì thế, May Artspace (đã có hai địa điểm tại Tp.HCM, đều khá đẹp và lý tưởng) thể hiện “chân cứng đá mềm” của người sáng lập trên con đường đồng hành cùng nghệ thuật. Với định hướng đưa tranh độc bản, có cá tính sáng tạo vào các thiết kế/tư vấn ban đầu về kiến trúc, xây dựng và trang trí nội ngoại thất, May Artspace sẽ có lối ra cho các sự kiện tại chỗ của mình.

Đau khổ và hạnh phúc là hai mặt của cuộc sống

Chia sẻ về triển lãm lần này của Hoài, họa sĩ Lương Lưu Biên chân thành: “Với bút pháp nặng tính biểu hiện, mỗi bức của Hoài là một hình hài co lại hay buông xuôi, được tạo hình mờ nhoè như hiện ra từ một hiện thực xa xôi nào đó. Thế rồi những nhát đắp dày, cào xước hay bôi xoá như những tra vấn với mỗi thân phận đó. Thi thoảng ánh sáng loé lên, tràn khắp thân thể để làm minh bạch một điều gì đó hoặc dìm tối đi để che đậy, để an ủi cho những nỗi niềm riêng tư khác.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói: “Nếu ai đó hỏi tôi: ‘Làm thế nào để chế tác tình thương yêu?’ Tôi sẽ nói rằng: ‘Chỉ có một cách duy nhất là nhìn sâu vào niềm đau, nỗi khổ của chính mình và tìm cách hiểu chúng. Nếu không, ta không thể hiểu được những khổ đau của người khác và không thương yêu ai được’.  Và triển lãm sẽ như một sự trải lòng của hoạ sĩ để tìm kiếm những đồng điệu và sẻ chia gánh nặng thập giá mà mỗi chúng ta cùng nhau mang vác, đi qua cuộc đời này”.

Từ trái sang: Họa sĩ Lương Lưu Biên, Họa sĩ Nguyễn Công Hoài, Phạm Hồng và Nguyễn Việt Triều (đồng sáng lập May Artspace).

Thật vậy, ở những năm trước, khi nhìn tranh của Hoài, tôi thấy thân phận con người được đưa vào như một thứ tâm điểm như vậy, nhưng càng về sau, đặc biệt trong giai đoạn này, tôi lại thấy sự chuyển hóa rõ ràng. Đó là hình ảnh thân phận tan giữa thế gian. Không còn quá nặng nề, dù vẫn là chủ đạo, nhưng đã có sự dung hòa, hòa vào khoảng không cuộc sống. Có vẻ như nghệ sĩ đã nới rộng được cái thấy của mình rằng thân phận không là tất cả, mà cũng chỉ vốn là một điều thật bình thường giữa muôn điều bình thường và đa dạng của tạo hóa.


 
Back to top