ART & LIFE / Văn hóa

Tượng Đức Thánh Trần – Vùng chồng lấp của những biểu tượng

Mar 19, 2022 | By Art Republik

Công chúng phấn khởi nhận tin chiếc lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo cuối cùng cũng được trả về sau hai năm biến mất. Chúng ta có thể nhận ra những ý nghĩa nào sau diễn biến này? Bài viết truy dòng lịch sử biểu tượng chồng lấp nơi tượng đài Trần Hưng Đạo để thử lý giải cách cư dân đô thị tương tác và kiến tạo bản sắc qua hình dáng của những tượng đài.

Tượng đài Trần Hưng Đạo, biểu trưng của Hải quân. Các binh chủng khác cũng thiết kế những bức tượng khác đặt tại các giao lộ trong thành phố, một số vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Ảnh do Keith McGraw thực hiện. Nguồn ảnh: Flickr Manhhai.

Khác với một tác phẩm nghệ thuật công cộng thông thường, tượng đài là một tác phẩm được gán cho nhiều lớp nghĩa biểu tượng. Cũng giống như quốc kỳ, quốc ca và những nghi thức khánh tiết của nhà nước, tượng đài được đặt ở những không gian công cộng, sự tồn tại của nó khắc sâu vào tâm khảm của người dân về một tồn tại chung, một tinh thần thuộc về tập thể.

Tượng đài thường là những hình ảnh gợi nhắc về quá khứ và về một truyền thống chung của cộng đồng. Truyền thống ở đây là cái được nhà cầm quyền tạo dựng. Việc lựa chọn biểu tượng này chứ không phải biểu tượng khác là một tính toán cẩn thận, để tạo ra cảm giác rằng truyền thống là một dòng chảy liên tục. Những thể chế mới xuất hiện cần bám rễ vào lịch sử, vì thế họ cần sáng tạo ra những truyền thống mới để xây dựng tính chắc chắn cho sự tồn tại của mình.

Vị trí Công trường Mê Linh nơi đặt tượng Trần Hưng Đạo ngày nay là một tranh chấp biểu tượng liên tục trong lịch sử. Mỗi thời kỳ quyền lực trong lịch sử hiện đại Việt Nam đều nỗ lực tạo nên một truyền thống, một tính chính danh thông qua việc đặt các tượng đài ở vị trí này.

1. Sau khi người Pháp thiết lập hệ thống thuộc địa tại Sài Gòn, họ cho dựng tượng Đô đốc Rigault de Genouilly. Bức tượng của vị đô đốc thắng trận trong cuộc chiến với Sài Gòn đứng ngạo nghễ giữa quảng trường, nhắc nhở mạnh mẽ rằng người Pháp chính là kẻ thống trị mới.

Công trường Rigault de Genouilly nhìn ra sông Sài Gòn, nay là công trường Mê Linh. Bản đồ của Gaston Push thực hiện năm 1898.

Tượng Rigault de Genouilly, chụp trong khoảng những năm 1880-1890. Nguồn ảnh: Bibliothèque de l’ancien Musée des colonies (Paris) thông qua flickr Manhhai.

2. Sau năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm tại miền Nam bắt đầu quá trình phi thực dân hóa (decolonization), xóa bỏ và đảo hoán những tầng lớp biểu tượng mà người Pháp đã đặt ra trong một thế kỷ cầm quyền. Bức tượng cũ bị tiêu hủy khi quyền lực của Pháp lụi tàn, và chính quyền mới cần một biểu tượng mới để trám vào khoảng không trong tâm thức đó.

Tượng Rigault de Genouilly được thay thế bằng tượng Hai Bà Trưng, và tên công trường được đổi thành Mê Linh. Ảnh do Richard Olsen chụp năm 1963. Nguồn ảnh: flickr Manhhai. Xem thêm bài viết về nhà điêu khắc Paul Van Thé.

Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân, người phụ nữ mạnh mẽ, quyết đoán, thậm chí là cay nghiệt, đã có một sáng kiến độc đáo. Bà chọn Hai Bà Trưng làm biểu tượng mới và đặt tên quảng trường là Mê Linh. Bà cũng cho ra đời ngày hội của phụ nữ Việt Nam, có người đóng giả Hai Bà Trưng cưỡi voi diễu hành khắp đường phố.

Là một người phụ nữ nổi lên giữa chính trường vốn không dành sẵn chỗ cho bà, Trần Lệ Xuân tạo dựng nên hai truyền thống: tính chính danh của chính quyền mà gia đình bà đang điều hành, để tạo cảm giác rằng họ thuộc về truyền thống lâu đời của dân tộc;  và tính chính danh của riêng bà – một nữ chính trị gia, khi bà nhắc lại chiến thắng vẻ vang của Hai Bà Trưng thuở trước.

Điều này cũng cần được xem xét trong thế đỗi ngẫu với những tuyên ngôn nữ quyền của các nhóm cách mạng, và Trần Lệ Xuân đáp trả rằng bà cũng làm cách mạng cho phụ nữ. Ở đây, ta thấy Hai Bà Trưng là một mạng lưới biểu tượng chồng chéo, có nhiệm vụ thuyết phục công chúng về sự tồn tại chắc chắn của chính quyền, cho họ một cảm giác an toàn về gốc rễ. Năm 1963, bức tượng bị kéo sập cùng với sự đổ vỡ của chính quyền Đệ nhất Cộng Hòa.

Bệ tượng còn lại sau khi bức tượng Hai Bà Trưng bị kéo sập. Ảnh do Thomas Whiteside chụp năm 1963. Nguồn: flickr Manhhai

3. Năm 1967, các binh chủng của chính quyền mới tại miền Nam kêu gọi thiết kế những tượng đài mới. Mỗi binh chủng được yêu cầu tìm kiếm nhân vật lịch sử đại diện cho riêng mình, lại là một nỗ lực kết nối với lịch sử. Hải quân đã chọn Trần Hưng Đạo, người đã đánh tan quân Mông Nguyên và được suy tôn vào hàng đại thánh trong lịch sử Việt Nam.

Trần Hưng Đạo ngự trị tại một trong những vị trí quan trọng nhất trong thành phố, và ông vẫn đứng đó đến tận hôm nay dù chính quyền xây nên pho tượng đã sụp đổ vào năm 1975. Bức tượng đã tự tách mình khỏi ý nghĩa ban đầu của chính quyền cũ, để trở thành một mã nhận diện về lịch sử. Người dân không còn nhớ nguồn gốc ra đời của tượng đài này, cái họ quan tâm là lịch sử, di sản và sự tiếp diễn của cộng đồng mình.

Nếu ở phần trước, ý nghĩa biểu tượng của tượng đài được nhà nước tùy ý gán đặt và có nhiệm vụ chuyển tải hệ ý thức mà nhà nước mong muốn, thì ở đoạn sau chúng ta sẽ xem xét cách những áp đặt này tan biến và người dân trở nên chủ động trong việc tạo dựng bản sắc của riêng họ.

Sau một nửa thế kỷ, tượng Trần Hưng Đạo trở thành một cột mốc chắc chắn trong tâm thức của người dân thành phố. Tượng đài theo nghĩa ban đầu không phải là một nơi để thờ, nhưng chức năng của nó đã được biến đổi qua thời gian. Người dân thành phố đan cài vào đó những dấu hiệu nhận diện, bản sắc, niềm tự tôn, cảm giác thành kính và ngưỡng vọng. Chiếc lư hương khổng lồ đã xác định chắc chắn rằng pho tượng này còn hơn cả một tượng đài, nó là một kiến tạo bản sắc.

Sau khi chiếc lư hương bị di dời không rõ lý do, người dân thành phố đã dành hai năm để phản ứng. Hàng loạt những biểu tượng mới được thêu dệt quanh đó, ví dụ như lời nguyền dành cho những kẻ góp phần di dời lư hương. Hàng chục bài báo bình luận và yêu cầu trả lư hương lại vị trí cũ. Niềm tin phi lý đan xen cùng những thảo luận thận trọng về tính toàn vẹn của di sản đã tạo nên một mạch ngầm phản ứng xoay quanh vụ việc này. Một chiếc lư hương đơn lẻ thì là chuyện vặt, nhưng chuỗi hành xử phức tạp xoay quanh nó mới là chuyện đáng chú ý. Vừa qua, chiếc lư hương đã trở về và người ta ăn mừng chiến thắng vì đã bảo vệ thành công biểu tượng bản sắc của mình.

Tượng Trần Hưng Đạo may mắn hơn tượng Hai Bà Trưng vì có được nửa thế kỷ chuyển đổi ý nghĩa và trở thành cột mốc bản sắc. Bản sắc đó do cư dân đô thị đan dệt nên. Nếu mỗi tượng đài đều là một áp đặt ý nghĩa và quyền lực khi nó vừa được tạo thành, thì quá trình chung đụng và phản ứng cho phép cư dân tạo ra những phản kháng chống lại sự định đặt. Biểu tượng là do cư dân xây dựng, họ sẽ phá hủy hay giữ gìn tùy vào mạng lưới mà họ dệt nên.

Rõ ràng tuổi đời không phải là yếu tố quan trọng nhất khi thảo luận về di sản. Một truyền thống mới được sáng tạo không quá lâu trong lịch sử lại dễ dàng có được một tồn tại chắc chắn trong cách cộng đồng cảm nhận, suy nghĩ và phản ứng. Không chỉ là một dấu mốc vật lý, tượng đài chứa trong nó một mạng lưới ý nghĩa phức tạp và bằng cách bóc tách những tranh chấp trong ý nghĩa, chúng ta hiểu thêm về những thay đổi quan trọng trong lịch sử của một cộng đồng người.

Hiếu Y


 
Back to top