ART & LIFE

Phan Gia Nhật Linh: “Đạo” là con đường, “Diễn” chính là kể chuyện”

Jun 24, 2022 | By Nguyen Huu Hon

Nói về “Em và Trịnh” như một dự án rất tâm huyết được thực hiện trong gần 4 năm, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết cảm xúc của anh hiện tại là vô cùng hồi hộp, vì bộ phim đã sắp đi qua một chặng đường nữa và anh đã sẵn sàng để chinh phục các dự án điện ảnh tiếp theo.

person human clothing apparel sitting

Bước đến studio trong một bộ suit được cho là “trang trọng” và “lịch sự” nhất của mình, đúng theo yêu cầu từ phía ekip, Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh vẫn không quên thêm vào bộ trang phục sự chấm phá đầy vẻ vui tươi đúng theo phong cách của mình. Là một người rất yêu điện ảnh từ khi còn trẻ, Phan Gia Nhật Linh đã có nhiều năm giữ vai trò thư ký của tòa soạn Tạp chí Điện ảnh Kịch trường trước khi theo học tại Khoa điện ảnh trường Đại học Nam California, Mỹ. Sau đó, anh về nước và sát cánh cùng các “đàn anh” như Charlie Nguyễn, Nguyễn Quang Dũng trong những bộ phim đầu tiên và năm 2015, tác phẩm điện ảnh remake “Em là bà nội của anh” hay “Cô gái đến từ hôm qua” gây được tiếng vang.

Đạo diễn Nhật Linh đã có cuộc trò chuyện cùng L’OFFICIEL Vietnam, chia sẻ về câu chuyện “phía sau cánh gà” của một người đạo diễn, cũng như chủ đề đang được nhiều người quan tâm nhất hiện nay – hành trình tạo nên bộ phim âm nhạc về huyền thoại Trịnh Công Sơn – “Em và Trịnh”.

Khi tái hiện lại một tượng đài nghệ sỹ như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, anh có gặp phải áp lực gì không?

Áp lực thì nhiều lắm! Làm phim bình thường đã có nhiều áp lực rồi, nhưng phim này còn nhiều hơn. Một trong những áp lực đầu tiên là tất cả mọi người đều về biết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng đồng thời cũng có rất nhiều bạn trẻ không biết, mà phim vừa phải đáp ứng được mong mỏi của những người thần tượng nhạc sĩ, vừa phải thu hút được Gen Z.

Áp lực thứ hai là doanh thu. Bộ phim này đang có kinh phí đầu tư rất khủng và sau hai năm Covid, thị trường phim bị ảnh hưởng rất nhiều nên áp lực về doanh thu cũng rất lớn. Thứ ba có lẽ là áp lực của chính bản thân tôi với bộ phim: Làm sao để có thể làm nên một tác phẩm vượt qua những gì mình đã làm trước đây? Tôi không muốn lặp lại những gì mình từng làm, nên “Em và Trịnh” sẽ có những điều rất khác.

clothing apparel person human suit coat overcoat

Anh có thể chia sẻ về quá trình thực hiện bộ phim? Khi nào anh sẵn sàng bấm máy?

Ý tưởng đầu tiên xuất phát từ một mẩu báo kể về đám cưới không thành của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và một cô gái người Nhật Bản. Tôi thấy câu chuyện này quá thú vị! Bởi vì ít người biết nhạc sĩ họ Trịnh cũng từng chuẩn bị làm đám cưới, mà lại còn với một cô gái Nhật! Trong lúc tôi tìm đang hiểu sâu hơn thì Galaxy ngỏ lời mời tôi làm phim nhạc kịch sử dụng tất cả bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, giống như “Mama Mia” ngày xưa từng dùng tất cả các bài hát của ABBA vậy.

Tôi nghĩ cách hay nhất chính là kể lại những câu chuyện tình đằng sau các bài hát của Trịnh Công Sơn. Nhưng khó khăn là lại có quá nhiều câu chuyện. Thậm chí có người bạn của bác Trịnh còn đùa: “Ông Sơn yêu hai mươi mấy cô đó, làm sao mà cậu kể hết?” Thành ra lúc đó tôi phải tự đặt câu hỏi: Câu chuyện nào có thể phục vụ cho điều mình thật sự muốn?

Điều tôi thật sự muốn là làm một phim về chủ nghĩa lãng mạn. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thật ra có thể không yêu một người con gái cụ thể nào, mà ông yêu cái ý niệm về tình yêu, những vẻ đẹp mang tính biểu tượng. Vậy nên mỗi nàng thơ được đặt trong kịch bản đều được chọn lọc cẩn thận, vì họ phải đại diện cho một biểu tượng nào đó trong tình yêu của Trịnh Công Sơn.

Đội ngũ viết kịch bản có khá nhiều người, làm sao để anh phối hợp tốt nhất?

Kịch bản này có 3 người tham gia, bao gồm Nguyễn Thái Hà, Bình Bồng Bột và tôi. Mỗi người có một thế mạnh riêng. Thái Hà là người hướng nội, suy nghĩ rất thấu đáo và mạnh về cấu trúc nên Hà sẽ viết sườn kịch bản để cấu trúc chặt chẽ. Bình là người hoạt bát, sôi nổi, mạnh về thoại nên nhiệm vụ của Bình là đi gặp và phỏng vấn tất cả mọi người; cách nói chuyện giúp của Bình giúp lấy được nhiều thông tin bí mật. Và tôi là người cuối cùng sửa lại kịch bản theo hướng hình dung cách bộ phim sẽ được quay. Vì giai đoạn đó là Covid và Hà ở Mỹ, nên chúng tôi phân chia và trao đổi công việc với nhau qua online, sau gần ba năm mới xong.

clothing apparel sweater sleeve robe fashion long sleeve person human

“Phải đến khi bắt đầu làm phim ‘Em là bà nội của anh’, tôi mới phát hiện ra âm nhạc của Trịnh Công Sơn vẫn luôn ở đó, chúng luôn nằm bên trong tôi” – Đạo diễn Nhật Linh.

Bộ phim này rất được chú trọng về nhạc, bản thân anh có kết nối nào với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không?

Tôi lớn lên trong giai điệu của nhạc nước ngoài là phần nhiều. Nhưng âm nhạc của Trịnh Công Sơn hay các nhạc sĩ thời đó như Phạm Duy, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên,… được ba mẹ và chị tôi nghe, nên thật ra chúng ở bên trong con người tôi. Phải đến khi bắt đầu làm phim “Em là bà nội của anh”, tôi mới phát hiện ra âm nhạc của Trịnh Công Sơn vẫn luôn ở đó, chúng luôn nằm bên trong tôi cho đến khi càng lúc tôi càng cảm thấy muốn làm một bộ phim về âm nhạc của ông.

Nói về cảm thụ âm nhạc của Trịnh Công Sơn, chắc nhiều bạn trẻ ngày nay sẽ giống như anh, thích nghe nhạc Âu Mỹ, nhạc Hàn Quốc,… chứ không nghĩ là nhạc Việt Nam sẽ là sở thích. Nhưng anh có nghĩ đến một lúc nào đó, tình cảm đó sẽ bật lên trong họ không?

Mỗi người sẽ có một cách khác nhau. Giới trẻ bây giờ có nhiều điều kiện để tiếp cận với sự thay đổi liên tục của âm nhạc thế giới. Nhưng tôi nghĩ cũng có rất nhiều bạn trẻ được lớn lên trong những gia đình yêu nhạc Trịnh, hoặc tự các bạn có sẵn kết nối đó. Đôi khi âm nhạc còn là cảm xúc nữa, đến đúng thời điểm thì sẽ có thể chạm đến trái tim.

person human musician musical instrument guitar leisure activities guitarist performer microphone electrical device

Việc để dàn diễn viên trẻ đảm nhận vai diễn và trình bày các ca khúc của Trịnh có vẻ… khá mạo hiểm. Điều gì khiến anh chọn họ thay vì mời các nghệ sĩ gạo cội?

Theo tôi, đây là hát trong phim chứ không phải hát trên sân khấu, nên quan trọng nhất vẫn là cảm xúc của nhân vật chứ không phải kỹ thuật trình diễn bài hát. Trong “Em và Trịnh” có ba nhân vật là ca sĩ: ca sĩ Thanh Thúy, ca sĩ Khánh Ly và ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh.

Với danh ca Thanh Thúy, ekip đã tính phương án tìm một giọng ca nữ để lồng tiếng nhưng tôi nghĩ để tìm người hát hay như cô Thanh Thúy là chuyện không tưởng, vậy nên tôi nói Nhật Linh cố gắng thể hiện làm sao cho giống nhất có thể với nữ danh ca thôi, còn lại giao cho anh Đức Trí xử lý (cười).

Riêng với Bùi Lan Hương, đó lại là thử thách lớn vì Hương cũng là ca sĩ nên không biết Bùi Lan Hương sẽ hát giống cô Khánh Ly hay hát giống Bùi Lan Hương?. Nhưng Hương trả lời: “Bây giờ, nhiều người có thể giả giọng cô Khánh Ly, nhưng đó chỉ là giả giọng thôi. Còn Hương muốn hát giống nhân vật Khánh Ly trong phim chứ không phải ‘copy’ cô Khánh Ly ngoài đời”. Và tôi hoàn toàn đặt niềm tin đó vào Bùi Lan Hương.

Nếu hỏi tại sao tôi liều lĩnh đặt niềm tin thì… thật ra tôi cũng không còn phương án tốt hơn, bởi vì các nhân vật toàn ở độ tuổi 16 đến 19 tuổi (cô Thanh Thúy đi hát năm 15, 16 tuổi), bây giờ làm sao lấy giọng danh ca ngày đó để ghép vào được nữa? Tôi tin các bạn diễn viên đã có thực lực diễn xuất, đặc biệt một vài người có nền tảng ca hát sẵn rồi nên tôi cũng không quá lo lắng.

“Đôi khi âm nhạc còn là cảm xúc nữa, đến đúng thời điểm thì sẽ có thể chạm đến trái tim.”

Trailer "Em và Trịnh" tái hiện cảnh tháo guốc kinh điển của Khánh Ly | Điện ảnh | Vietnam+ (VietnamPlus)

Số lượng nhân vật trong phim khá nhiều và những diễn viên vào các vai quan trọng đều là những gương mặt mới đối với điện ảnh. Anh đã tìm kiếm họ ra sao?

Một trong những điều tôi rất tin vào bản thân là việc chọn diễn viên. Trực giác của đạo diễn rất quan trọng. Tôi không quá câu nệ việc diễn viên có nổi tiếng, có nghề, có kinh nghiệm hay không, quan trọng là có thể nhìn thấy nhân vật bên trong người đó và họ có tin vào nhân vật mình sắp đóng hay không.

Tôi được VNCAST  trợ giúp rất lớn. Có đến 8000 hồ sơ được họ tuyển chọn kỹ trước khi gửi đến tôi. Quá trình casting kéo dài từ tháng 10 năm 2019 đến tháng 9 năm 2020 mới đủ vai.

Avin là người cuối cùng bước vào vòng casting. Lúc đầu, tôi không nghĩ cậu này được, vì Avin nhìn như diễn viên Hàn Quốc, đi vào còn run lẩy bẩy. Avin diễn cũng không quá xuất sắc, nhưng khi cậu cầm đàn lên và hát, tôi thấy ngay lập tức bên trong cậu có sự mong manh của người nghệ sĩ. Từ đó đến lúc Avin nhận vai là khoảng 3 tháng; cậu phải lên Đà Lạt sống, học thiền, học diễn, và phải làm 100 tỉ thứ khác nhau cho đến khi test mà khán giản tin đây là Trịnh Công Sơn thật.

Hoàng Hà lại là một trường hợp khác. Tôi biết Hà ở lớp “Gặp gỡ mùa thu”, nhưng Hà bé lắm, nên tôi không nghĩ Hoàng Hà hợp cho vai nào được hết. Nhưng sau đó tôi gặp lại Hoàng Hà khi bạn đang quay MV “Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp” của Hòa Minzy ở Huế. Lúc đó tôi rủ Hà vào Sài Gòn cast thử, và lúc đó tôi mới thấy, cô bé này cũng có thể vào vai một người tình ở tuổi 16 được.

Trong quá trình đóng phim, các diễn viên phải học rất nhiều thứ, bao gồm cả giọng Huế. Họ đều phải tự học hay sao?

Đoàn phim có hỗ trợ nhưng quan trọng nhất vẫn là các diễn viên tự tập, sau đó nhờ cô Trịnh Vĩnh Trinh rèn luyện thêm cho. Nhân vật mà tôi cảm thấy lo nhất là vai Ngô Kha của Samuel, vì Samuel là Việt Kiều, nói tiếng Việt đã khó, bây giờ lại phải nói giọng Huế và đọc thơ. Tôi nhớ ngày đầu tiên nghe Ngô Kha đọc thơ, tôi đã nói: “Chết rồi! Không được đâu, bài thơ này quan trọng lắm. Em không thể đọc thơ như thế này được.” Nhưng đến ngày quay, Ngô Kha (Samuel) lên đọc thơ trước khoảng 300 em học sinh – sinh viên (diễn viên quần chúng) ở Huế mà tất cả mọi người đều xúc động, các bạn còn hô hào muốn thầy Kha đọc tiếp. Rất là vui. Đó cũng là một trong những trường đoạn mà tôi thích nhất trong phim.

“Tôi rất thích việc đi khám phá và tìm kiếm các bạn diễn viên, vì không biết ai sẽ đến và ai sẽ là người được chọn.”

Anh từng chia sẻ không thích đánh giá bộ phim bằng những thứ không kiểm soát được, ví dụ như thời điểm, thị hiếu của khán giả,… Vậy tiêu chí để anh đo lường thành công của những bộ phim là gì?

Thật ra, tôi luôn đặt ra tiêu chí cho bản thân. Là người cung Xử Nữ, đôi khi tôi tự đánh giá bản thân còn khắt khe hơn người khác nhìn tôi. Nhưng đương nhiên, khi làm một bộ phim, biết đối tượng khán giả là ai, nên tôi sẽ luôn xem xét đánh giá của một vài người trong số đó. Nếu họ đánh giá phim thành công hay thất bại, tôi sẽ tin điều đó.

Anh có tiêu chí gì khi chọn phim để làm không, hay anh sẽ đi theo định hướng của nhà sản xuất?

Cả hai. Ví dụ như dự án “Em là bà nội của anh” xuất hiện vào thời điểm tôi rất muốn làm phim về gia đình và tuổi thanh xuân sao cho có thể cười được, khóc được. Sau đó bên CJ ngỏ lời xem tôi có muốn remake bản phim này của Hàn không. Hay, tôi có ước mơ được chuyển thể cuốn “Thằng quỷ nhỏ” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, sau đó nhận được lời mời thực hiện bộ phim “Cô Gái Đến Từ Hôm Qua”. Rồi đến “Trạng Tí”, tôi nhận lời từ Ngô Thanh Vân ngay thời điểm có mong muốn làm phim về “Sơn Tinh Thủy Tinh”, và Vân hứa với tôi rằng “ông làm ‘Trạng Tí’ đi rồi sau này tôi làm ‘Sơn Tinh Thủy Tinh’ với ông”. Rồi đến “Em và Trịnh”…

Thật ra khi đó, tôi rất muốn làm một bộ phim về tình yêu thời chiến. Ban đầu Galaxy chỉ muốn tôi làm phim tình yêu “ca múa hát” thôi, nhưng tôi nghĩ nếu “dụ” được Galaxy làm phim về một phần cuộc đời của Trịnh Công Sơn thì nó sẽ bao gồm luôn cả tình yêu thời chiến. Và thế là cả hai bên đồng ý làm. Cái đó tôi gọi là “khớp lệnh” đó, tức tôi cũng có những ý định sẵn trong đầu, và tôi sẽ làm nếu như lời mời từ bên ngoài “khớp lệnh”.

Tôi rất mong trong mỗi dự án mình sẽ học được điều gì đó để mình luôn mới, không quay trở lại với cái ban đầu.

Không có phim nào của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh giống với phim nào. Nhưng nếu có một dấu ấn chung trong tất cả bộ phim của anh, thì đó là gì?

Tôi nghĩ đó là văn hóa, con người Việt Nam. Trong tất cả các phim tôi làm, những giá trị đó rất quan trọng. Nó mang tinh thần cốt lõi. Kể cả “Em là bà nội của anh” remake từ kịch bản Hàn Quốc, nhưng nếu không nói đó ra thì tôi vẫn tự không ai biết, vì tất cả mọi thứ trong phim đều rất Việt Nam, mang linh hồn của người Việt Nam. “Cô Gái Đến Từ Hôm Qua” lấy bối cảnh từ thời thanh xuân của thế hệ 8X, 9X. “Trạng Tí” là phim dân gian Việt Nam cho các em nhỏ. Và  “Em và Trịnh” rõ ràng lấy cảm hứng từ một di sản văn hóa của người Việt.

Đạo diễn Nhật Linh có phải là người hoài niệm không?

Cũng có thể nói như vậy. Tôi rất hay nhìn lại quá khứ. Hầu hết phim của tôi cũng xoay quanh những chuyện đã qua. Nói đúng hơn là tôi mượn chuyện ngày xưa để nói chuyện ngày nay.

“Mượn chuyện ngày xưa để nói chuyện ngày nay” nhưng những phim của anh vẫn được khán giả hiện đại đón chờ. Có công thức nào cho thành công này?

Tôi không biết! (cười). Tôi nghĩ chắc mình luôn làm hết sức thôi. Đó cũng là điều mà ngày xưa tôi nghĩ là ưu điểm, nhưng bây giờ thì vừa ưu, vừa khuyết. Vì mình quá yêu dự án của mình, mình ôm nó chặt quá đến mức những người làm chung bị lo sợ. Tôi hay nói: “Không ai được đụng vô đứa con của tôi! Không ai được thò tay vô, không ai được sửa gì hết!”

Điều gì khiến anh bị thu hút bởi những bộ phim về lịch sử và văn hóa như vậy?

Vì câu chuyện hay quá!

Thật ra, xét cho cùng, tôi làm phim là để kể chuyện và tôi thấy đây là những câu chuyện quá hay. Chúng mang nhiều ý nghĩa và thông qua đó, cho tôi không gian để có thể truyền đạt tư tưởng, suy nghĩ về cuộc sống. Thông qua câu chuyện đó, tôi kể nên một chuyện khác.

Mọi người đang dần quay về khai thác những yếu tố về lịch sử và văn hóa, cả trong điện ảnh lẫn âm nhạc. Và câu hỏi lớn đặt ra là làm sao để nghiên cứu và thể hiện sao cho đúng, vì văn hóa hay di sản gắn sâu vào tâm trí của người Việt rồi, nếu làm không phù hợp sẽ làm rộ lên tranh cãi…

Tranh cãi là tốt. Có tranh cãi thì nó mới phát triển được.

Cảm hứng của anh đến từ đâu?

Từ tất cả mọi thứ! Ngay cả khi tôi và bạn nói chuyện với nhau cũng có thể trở thành cảm hứng. Mỗi ngày, mọi thứ tôi tiếp nhận là một hạt mầm bên trong, tôi nuôi đến một lúc nó đủ lớn sẽ nở thành cây, sau đó tôi quyết định ươm cây nào để tập trung phát triển cây đó.

Hiện tại có bao nhiêu hạt mầm/dự án anh đang định cho thành cây? 

Cách đây một tháng khi tôi ngồi với các bạn trợ lý thì có khoảng… 37 dự án (cười thẹn thùng). Tôi luôn có rất nhiều dự án nhưng không phải cái nào cũng quăng ra làm ngay, vì phải có ý thức về nó. Có những dự án đến từ những chuyện rất lâu và mất rất nhiều thời gian mới thành hình.

Anh nghĩ tố chất quan trọng để trở thành người đạo diễn là gì?

Trong chữ “Đạo diễn” có chữ “đạo” là con đường, là khả năng lãnh đạo, dẫn dắt cả đoàn phim đi cùng với mình. Vì những người ở sau như bị bịt mắt và họ phải đặt niềm tin vào người đạo diễn thì mới đi được. “Diễn” chính là kể chuyện. Người đạo diễn phải có khả năng kể chuyện vì nếu không có khả năng đó thì dù có một ekip giỏi, mình vẫn có thể làm hỏng bộ phim. Đó là hai yếu tố quan trọng đối với tôi.

“Trong chữ ‘Đạo diễn’ có chữ ‘đạo’ là con đường, ‘Diễn’ chính là kể chuyện.”

Tầm nhìn của anh trong thời điểm này là gì?

Tôi không muốn làm phim chỉ cho thị trường Việt Nam nữa; những bộ phim kế tiếp phải vượt ra khỏi biên giới. Đó là ước mơ và tôi phải nỗ lực từng bước một. Trong các bộ phim trước, tôi quan trọng cảm xúc nhưng mọi người nói tôi làm phim không duy mỹ. Nên đến với “Em và Trịnh”, tôi nói: “Tôi sẽ làm bộ phim duy mỹ, một bộ phim rất đẹp để mọi người thấy rằng tôi cũng làm được, chỉ là chưa làm bao giờ thôi”. Đó là những thay đổi thú vị mà tôi không bao giờ nghĩ đến, cho tới khi tôi thấy làm phim đẹp cũng có cái thú vị. Vậy nên, ở các dự án kế tiếp, tôi sẽ bắt đầu suy nghĩ theo hướng duy mỹ hơn.

Anh có thể chia sẻ một chút về các dự án tiếp theo?

Sắp tới tôi sẽ có “Số đỏ” và “Dog Cow”. “Số đỏ” là bộ phim theo thể loại trào phúng, giễu nhại, mỉa mai và châm biếm mà ngày xưa có rất nhiều ở Việt Nam nhưng sau này không còn nữa. Còn “Dog Cow” là một dự án tôi phát triển từ năm 2017 và từng thắng giải Dự án ở Liên hoan phim 2018. Đó là một phim hài đen, châm biếm về chủ đề môi trường và sẽ khác hoàn toàn với những gì tôi từng làm trước đây.

Ước mơ lớn của tôi là làm phim về “Sơn Tinh Thủy Tinh”, “Trọng Thủy Mỵ Châu”, “Bạch Đằng Giang”,… Tôi tin một lúc nào đó mình có thể làm được, và tất cả những thứ tôi đang làm đều là để học hỏi kinh nghiệm, xây dựng ekip để đồng tâm cùng nhau trong những dự án lớn đó.

Cảm ơn Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh về cuộc trò chuyện thú vị này!


 
Back to top