ART & LIFE

Triển lãm “Miên Thu”: Sự trở lại của Hoàng Phượng Vỹ sau gần 20 năm

Aug 24, 2022 | By Trang Ps

Mỗi khi xem tranh của Hoàng Phượng Vỹ, ta luôn thấy những “giấc mơ” mênh mang và êm đềm trong ông. Những giấc mơ chẳng phải về thế giới huyền bí, cao siêu hay diệu vợi, mà thật gần trong bạn, trong tôi, trong tất cả chúng ta. Hội họa của người nghệ sĩ này phản ánh tính dung dị, chân thật đến ngây thơ của đời sống vốn nhiều đa đoan. Chính vì thế nên tôi mới gọi là “giấc mơ”, tức là khát khao thầm kín của bao người, nhưng lại là thực tại của những kẻ biết đủ.

“Miên Thu” là sự trở lại của Hoàng Phượng Vỹ sau xấp xỉ 20 năm không trưng bày triển lãm cá nhân. Tại Việt Nam, ông có vẻ khá “đơn độc” trong trường phái ngây thơ. Đơn độc không phải là tính từ tiêu cực, mà chỉ đơn giản nhấn mạnh về sự kiên định của ông trong phong cách này. Tâm hồn Vỹ càng già dặn bao nhiêu, ta càng thấy nét cọ của ông đủ dung dị và hồn nhiên bấy nhiêu. Trong sự dung dị, ta thấy sự sâu sắc được thể hiện qua những lớp màu thật sự vững chãi và chân thật đến nỗi chúng không hề có một sự xáo trộn hay cạnh tranh lẫn nhau. Mỗi lớp màu đều có không gian riêng của nó, đều được thể hiện cá tính riêng của nó. Trong vẻ hồn nhiên, ta thấy tạo hình của Vỹ đủ con trẻ để nhìn ra sự thẳng thắn và trực tiếp của những nỗi niềm. Đó là niềm nhớ, niềm mong, đó là hạnh phúc đoàn viên, là hoài niệm dĩ vãng xa xôi, là tình yêu hay sự cô độc…

Dù là gì đi nữa, chính vì tiếp cận nghệ thuật một cách ngây thơ cả trong tạo hình và tạo nội tâm cho hình, nên ta thấy mọi cung bậc trong tranh Hoàng Phượng Vỹ đều thật lặng lẽ, sáng trong và nhẹ bẫng. Tôi nghĩ đó là một “đức tính” vừa khan hiếm vừa bị bỏ rơi trong đời sống sáng tạo ngày hôm nay.

Bối cảnh trong tranh Hoàng Phượng Vỹ thường là những gam màu đơn sắc, có thể lạnh đơn sắc hay nóng đơn sắc. Và sắc độ gần như được thống nhất để tạo ra một bối cảnh tĩnh cho câu chuyện. Từ đây, nhân vật có cơ hội được thể hiện tối đa hoàn cảnh riêng của họ. Người thổi sáo, kẻ đánh đàn,… bầu không khí tận hưởng nom vẻ cô đơn, nhưng lại gợi mở về nỗi cô đơn đầy thanh thản và đẹp đẽ. Khán giả của họ dù là một cánh chim hay con cú thì tất cả như hòa điệu vào cung bậc nội tâm của nhân vật. Phải chăng tất cả mọi sự sáng tạo, mọi tiếng nói, mọi hành động của chúng ta đều được lắng nghe bằng cách này hay cách khác, và chỉ có ta là người tự huyễn hoặc về sự cô lập và hiu quạnh của chính mình?

Những câu chuyện gia đình lặng thầm cũng xuất hiện nhiều trong tranh của Hoàng Phượng Vỹ. Đó là dáng ngồi nom thật yên ắng của người mẹ ôm con nhưng dường như đầy mong ngóng, trông chờ. Đó là cảnh Tết Trung Thu với chiếc đèn lồng ấu thơ “huyền thoại”, nơi một gia đình hội ngộ nhau về mặt tâm hồn. Đó là đôi uyên ương bên nhau trong niềm an vui lặng lẽ. Có lẽ, bạn và tôi sẽ thấy nhiều nốt lặng trong tranh của Hoàng Phượng Vỹ. Có thể chính trong sáng tác hội họa, tác giả đã thực sự chạm sâu vào suối nguồn sâu lắng và an lành này. Để những tranh đấu tinh thần, để những ai oán lo toan phải cung kính và khuất phục trước một nội tâm biết ẩn dật.

Xem tranh Hoàng Phượng Vỹ, tôi chiêm nghiệm nhiều về tính ngây thơ của một tâm hồn già dặn. Một người đã kinh qua đủ thị phi, thử thách, thăng trầm của cuộc sống để có thể giản dị một cách đầy khôn ngoan. Nét cọ của Vỹ là sự dung hòa giữa cá tính của một họa sĩ giàu kinh nghiệm và của một đứa trẻ thích tô vẽ theo nhận thức ban sơ của em. Vì thế, sự chân thật được đặt lên hàng đầu, nơi câu chuyện nhân vật và khía cạnh nội tâm được phơi bày một cách tự nhiên chứ không phải là sự gượng ép đầy khó chịu.

Tôi nghĩ sự sáng tạo tuyệt vời là có thể giúp người lớn chúng ta khai phá bản chất trong sáng luôn sẵn có bên trong mình. Vì sự trong sáng là điều duy nhất giúp con người miễn nhiễm khỏi những đa đoan phức tạp do chính họ tự bày vẽ.


Triển lãm cá nhân “Miên Thu” của họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ sẽ diễn ra từ 4/9/2022 – 14/9/2022 tại HAKIO – Let’s Art, 38 Trần Cao Vân, Phường 6, Quận 3, Tp.HCM.


 
Back to top