Nghệ thuật / Đấu giá

Bức “Chân dung phụ nữ” của Nam Sơn sắp được đấu giá tại Paris

Jun 20, 2022 | By Art Republik

Vào lúc 14h ngày 24 tháng 6, bức tranh “Chân dung phụ nữ” của hoạ sĩ Nguyễn Nam Sơn (1899-1973), sẽ được đấu giá tại nhà Millon (Paris) với giá ước tính cao nhất khoảng 120.000 EUR (tương đương 2.935.000.000 VND).

Bức tranh “Portrait de femme” (Chân dung phụ nữ) (1938) của hoạ sĩ Nam Sơn, lot 1, phiên “L’art moderne Vietnamien, de la tradition à la modernité”, nhà đấu giá Millon, Paris.

“Chân dung phụ nữ” (1938) là một bức tranh của Nam Sơn, trước đây thuộc bộ sưu tập Nguyễn Văn Lâm (cà phê Lâm), Hà Nội.

Những người yêu thích hội họa tại Hà Nội đều biết danh tính của ông Nguyễn Văn Lâm. Dù không liên quan đến nghệ thuật, song ông Lâm là một người rất yêu chuộng hội họa. Quán cà phê Lâm là nơi hội tụ thường xuyên của nhiều văn nghệ sĩ danh tiếng như Nguyễn Tuân, Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Hoàng Lập Ngôn, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng…

Hà Nội vào thập niên 60-70, trong gian đoạn khó khăn, các họa sĩ đến đây đa phần “nghiện” cà-phê, hay nói đúng hơn là ghiền không khí nghệ sĩ phóng khoáng, chủ quán lại thân quen nên có thể ghi sổ nợ, thỉnh thoảng họ còn được ông Lâm cho vay tiền mua vật liệu và màu vẽ… Khi số tiền nợ trở nên quan trọng, họ mang tranh đến trả, ông Lâm vốn yêu nghệ thuật nên nhận tất cả, bất kể tranh thuộc thể loại phong cảnh, ký họa, chì than hay bột màu…, đôi khi còn có cả sơn dầu! Theo tháng ngày, trên tường quán cà-phê Lâm dần dần được treo kín nhiều tác phẩm quý giá.

Sinh thời, ông Nguyễn Văn Lâm sưu tầm hơn 700 bức tranh, nhiều lần ông cho mượn một số tranh trong kho tàng của mình để triển lãm tại một số nước châu Á, châu Âu… “Chân dung phụ nữ” là một trong những bức tranh thuộc bộ sưu tập Nguyễn Văn Lâm tại triển lãm “Mùa xuân Việt Nam” ở Paris, do Bộ Văn hóa – Thông tin Việt Nam và Tòa thị chính Paris tổ chức vào năm 1998, giới thiệu về sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam.

Trong dịp này, tạp chí Voyager đã nói về tranh Nam Sơn với lời bình phẩm: “Chỉ cho tới ngày nay, sau bao nhiêu năm bị lãng quên, các họa sĩ Việt Nam đã buộc người ta phải kính trọng[1].

Chân dung hoạ sĩ Nam Sơn (1899-1973).

“Chân dung phụ nữ” là một tác phẩm khổ lớn, rất uyển chuyển. Họa sĩ thể hiện bức tranh bằng những nét nhanh, mạnh, dứt khoát. Người ta có cảm tưởng rằng họa sĩ vẽ chưa xong, và sẽ còn trở lại nhiều lần để hoàn thành, chứ không chỉ là một bức phác thảo.

Khuôn mặt của người phụ nữ trẻ lôi kéo ánh mắt chúng ta đầu tiên, gợi nhớ đến nhan sắc nàng Thuý Vân trong truyện Kiều của Nguyễn Du: “Vân xem trang trọng khác vời / khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang“.

Qua nét vẽ tinh tế của họa sĩ, mái tóc bím sẵn vấn khéo léo trên đầu như một vầng vương miện làm tăng khuôn mặt trái xoan, đôi môi cong thoáng mỉm cười, ánh mắt mơ màng nhìn xa xăm, như sống trong nỗi nhớ, như đang chờ đợi ai…

Nàng ngồi nghiêng, tay trái tựa lên thành ghế. Chúng ta nhận thấy rõ ràng những nét phác mạnh mẽ, chính xác, dưới tà áo dài, gấu quần, đôi dép… Tay phải buông hững hờ trên gối, những ngón thuôn dài, mềm mại, tương phản nét chì tô đậm phần ngực và áo dài với những nếp gấp được diễn tả rất kỹ lưỡng, ôm lấy cơ thể.

Người phụ nữ trẻ ngồi đó như người mẫu, hay là họa sĩ đang nắm bắt những tâm tình lúc ấy chiếm trọn tâm trí của nàng? Tất cả đều tinh tế nhẹ nhàng, như một lời gọi mời lắng nghe…

Một bức chân dung như vậy, thật đúng với lời khen: “Un sonnet sans défaut vaut seul un long poème” (Một bài sonnet vẹn toàn quý hơn cả bài thơ dài dặc, Boileau). [2]

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm (1932-2021), con gái của hoạ sĩ Nam Sơn trước tác phẩm của cha.

Về họa sĩ Nam Sơn, vai trò đồng sáng lập Trường Mỹ Thuật Đông Dương của ông đã được xác nhận trong quyển sách “Các trường nghệ thuật Đông Dương” (Nha Học chính, Toàn quyền Đông Dương xuất bản, Hà Nội, 1937) [3].

Tại trang 10, chúng ta đọc được “… Trường Mỹ thuật Đông dương hay Trường Mỹ thuật Hà Nội được sáng lập bởi họa sĩ VICTOR TARDIEU, trong thời kỳ ông MERLIN là Toàn quyền Đông dương (nghị định ngày 27 tháng 10 năm 1924), ông VICTOR TARDIEU hiện nay là Hiệu trưởng“.

“Các trường nghệ thuật Đông Dương” (Nha Học chính, Toàn quyền Đông Dương xuất bản, Hà Nội, 1937), trang 16.

Tại trang 16, “… Việc giảng dạy môn Đồ họa và Trang trí được phụ trách bởi một giáo sư chuyên ngành bậc 2, ông NAM SƠN, là một trong hai người sáng lập Trường Mỹ thuật Đông dương. Ông đã đạt được những thành quả lỗi lạc trong việc giáo dục đào tạo và đóng góp một phần rộng lớn trong việc phục hưng nền Mỹ thuật truyền thống An Nam, cũng là học thuyết và hiến chương của toàn Trường“.

Chú thích:

[1] Voyage magazine, số tháng 05/1998.

[2] Đinh Trọng Hiếu, “Một vài bức vẽ của Nam Sơn”, tập san của Hội cựu học sinh trường Chasseloup-Laubat / Jean-Jacques Rousseau, Sài Gòn (AEJJR), n° 206.

[3] “Các trường nghệ thuật Đông Dương” lưu trong Thư viện Quốc gia Pháp dưới ký hiệu “QUARTO V 11476”, và tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hà Nội dưới ký hiệu “M.10692”, gồm 41 trang, trình bày lịch sử hình thành và cấu trúc của 5 trường mỹ thuật tại Đông Dương (Hà Nội, Phnom-Penh, Biên Hòa, Gia Định, Thủ Dầu Một). Riêng về trường Hà Nội, sách còn đề cập đến vai trò của ban chấp hành cũng như nhiệm vụ của các giáo sư. Sách tập hợp những Báo cáo (rapports) với chính quyền Đông Pháp, do Victor Tardieu viết hàng năm.

Ngô Kim-Khôi

* THÔNG TIN ĐẤU GIÁ

Nguyễn Nam Sơn, “Portrait de femme” (Chân dung phụ nữ) (1938), than chì trên giấy, 54,5 x 81 cm, có chữ ký và ngày tháng ở phía dưới bên phải. Tác phẩm từng được Nguyễn Văn Lâm (chủ thương hiệu cà phê Lâm, Hà Nội) sưu tầm và gia truyền, sau đó được mua lại và thuộc sở hữu của bộ sưu tập tư nhân.

Bức tranh được đưa ra đấu giá công khai tại phiên “L’art moderne Vietnamien, de la tradition à la modernité” (tạm dịch: Mỹ thuật Hiện đại Việt Nam, từ truyền thống đến hiện đại) của nhà Millon, tại Paris, lot 1, vào lúc 2 giờ chiều ngày 24 tháng 6 năm 2022 (thứ Sáu). Giá ước tính từ 80.000 – 120. 000 EUR (tương đương 1.955.000.000 – 2.935.000.000 VND)

Nhà đấu giá mở cửa trưng bày từ 11 giờ sáng đến 6 giờ chiều, ngày 22 và 23 tháng 6 năm 2022, tại Salons du Trocadero – 5, avenue d’Eylau 75116 Paris.

Để tham quan phiên đấu giá, vui lòng truy cập tại đây.


 
Back to top