Smart Mom, Rich Mom (kỳ 9): Bốn quy tắc vàng trong nuôi dạy con cái của Michelle Obama
Bà Michelle Obama từng chia sẻ: “Tôi không muốn mọi người nhớ đến mình là đệ nhất phu nhân của cựu Tổng thống Mỹ. Tôi muốn họ biết đến tên mình là cô gái từ South Side Chicago”.
Bà được đánh giá là một trong những vị phu nhân Tổng thống Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn nhất từ trước tới nay. Bên cạnh vai trò người vợ, luôn hỗ trợ cựu Tổng thống Barack Obama trong sự kiện tranh cử, bà còn là một luật sư thành công, từng tốt nghiệp Đại học Princeton và Trường Luật Harvard. Ngoài ra, bà còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, là nguồn cảm hứng cho nhiều phụ nữ, trẻ em trên khắp thế giới.
Biểu tượng nữ quyền
Vào ngày 13/11/2018, Michelle Obama đã xuất bản cuốn hồi kỳ có tên “Becoming” (tạm dịch là Trở thành). Bà chia sẻ: “Cuốn sách ghi lại ký ức của tôi từ khi còn là cô gái đến từ South Side Chicago đến khi tìm thấy tiếng nói của chính mình. Tôi hy vọng hành trình của mình có thể truyền cảm hứng cho độc giả tìm thấy niềm tin vào bản thân để trở thành phiên bản họ mong muốn”. Cuốn sách thứ hai được bà xuất bản năm 2022 có tên “The Light We Carry” (Tạm dịch là Ánh sáng chúng ta mang theo: Vượt qua những thời điểm không chắc chắn). Trong đó, bà Michelle đã ẩn dụ hình ảnh “hộp công cụ cá nhân” cho thái độ, thói quen và cách thực hành để vượt qua cảm giác sợ hãi, bất lực và không chắc chắn.
Bà trở thành biểu tượng của nữ quyền và các bé gái trên toàn thế giới nhờ những câu nói lay động trái tim hàng triệu con người. Bà từng tổ chức thành công nhiều chiến dịch thúc đẩy quyền giáo dục cho trẻ em gái, xây dựng Liên minh trẻ em gái toàn cầu (Global Girls Alliance) nhằm hỗ trợ 1.500 tổ chức giáo dục trẻ em gái trên thế giới. Để vận hành Global Girls Alliance, “Chương trình Obama” sẽ có một trang gây quỹ GoFundMe hướng dẫn các nhà tài trợ cho các chương trình và tổ chức từ thiện cùng chung tay. Chương trình này cũng sẽ khuyến khích những người trẻ tuổi tham gia vào các nhóm và biến niềm đam mê của họ thành hành động.
Ngoài ra, bà cũng nỗ lực xây dựng quỹ “Let Girls Learn” (Hãy để những cô gái được đi học) nhằm hỗ trợ cho 62 triệu trẻ em gái trên thế giới được học hành. Quỹ đã cung cấp học bổng, đồng phục và phương tiện đi lại đảm bảo an toàn cho những trẻ em gái; xây dựng phòng tắm và cung cấp băng vệ sinh cá nhân trong thời kỳ kinh nguyệt. Bà chia sẻ: “Là một người phụ nữ, trên hết là một người mẹ, tôi muốn các con tôi được trao quyền, được thực hiện các hoài bão và ước mơ của mình”.
Bốn quy tắc vàng trong nuôi dạy con cái của Michelle Obama
Bà kết hôn với cựu Tổng thống Mỹ vào năm 1996 và có hai người con gái sau quá trình thụ tinh nhân tạo. Bà từng trải qua khó khăn khi trở thành bà mẹ toàn thời gian nhưng chỉ là người vợ bán thời gian bởi chồng thường xuyên vắng nhà vì công việc. Đã có lúc, bà chìm trong mệt mỏi nhưng thay vì đổ lỗi, đòi bình đẳng bà lại tự động viên bản thân phải cố gắng hơn nữa. “Khi những ý nghĩ mâu thuẫn trỗi dậy, nếu tôi phản ứng, đòi hỏi cho cá nhân tôi, mọi thứ sẽ khác. Tôi có hai con gái và tôi muốn các con hiểu rằng, cuộc đời một người phụ nữ không nhất thiết phải bắt đầu khi người đàn ông rời công việc, trở về nhà. Chúng tôi không buộc mình chờ đợi. Việc của Barack là hãy nỗ lực “bắt kịp” mẹ con tôi”, Michelle bày tỏ.
Dạy con cách tự đánh thức mình
Bà chia sẻ: “Khi lên 5 tuổi, tôi được bố mẹ tặng cho chiếc đồng hồ báo thức, mẹ đã chỉ cho tôi cách đặt giờ thức dậy và cách tắt khi đồng hồ reo. Tôi rất yêu chiếc đồng hồ bởi sức mạnh về quyền tự quyết đối với cuộc sống nhỏ bé của chính mình. Mẹ chính là người đã giúp tôi nhận ra công cụ đặc biệt này khi tôi còn hoài nghi về việc bản thân phải thức dậy đi học vào mỗi sáng”.
Đây là bài học đầu đời về việc xây dựng thói quen kỷ luật và tự chịu trách nhiệm với công việc cá nhân của mình và nó đã được áp dụng khi Michelle làm mẹ.
Để cho con được sai
Cách dạy con làm chủ cuộc sống từ việc tặng chiếc đồng hồ của mẹ đã giúp bà Michelle nhận ra rằng nhiệm vụ của mình không phải chăm sóc đứa trẻ mà là nuôi dạy một người lớn. Phải làm sao để giúp con tự đứng được trên đôi chân của mình mới là điều quan trọng nhất. Thậm chí, bà chia sẻ: “Mẹ mình cũng không trực tiếp tham gia hỗ trợ bất kỳ hoạt động nào trên trường vì muốn chúng tôi cọ xát, trải nghiệm và được mắc lỗi. Bởi trẻ con dễ phạm sai lầm nhưng điều đó không quá đáng ngại khi chúng ta dạy chúng cách nhận ra và sửa chữa”.
Học cách lắng nghe
Giống như mẹ đã từng làm với bà Michelle khi còn nhỏ, cố gắng để bà được là chính mình bên cạnh việc tôn trọng những người lớn trong gia đình. Bà cũng áp dụng phương pháp này trong quá trình nuôi dạy hai con nhỏ của mình. Bà chia sẻ: “Tôi luôn muốn các con cảm nhận được sự lắng nghe và trân trọng từ mình. Chồng tôi cũng đưa ra một số quy định chung để giữ gìn nề nếp như gấp chăn gối sau khi ngủ dậy, đọc sách hàng ngày,…”.
Nhà luôn là nơi để quay về
Ngôi nhà ấm áp và tràn đầy tình yêu thương sẽ vỗ về và trở thành nơi chốn khi con bạn muốn quay về tìm bình yên. Mặc dù không phải gia đình nào cũng thực sự hạnh phúc nhưng hãy cố gắng giúp con tìm được cảm giác ấm áp mỗi khi về nhà. Mẹ của bà Michelle sau khi chuyển về Nhà Trắng hỗ trợ bà trong quá trình nuôi con đã biến nơi đây thành không gian ấm áp dành cho nhiều đứa trẻ.