Starchitect – Tài năng, danh tiếng và còn gì nữa?
Starchitect không chỉ nói về các kiến trúc sư, đằng sau đó còn là câu chuyện về một giai đoạn khi mà kiến trúc không còn đơn thuần được nhìn nhận về mặt chức năng mà người ta còn khao khát về sự xuất chúng đôi khi quái dị.
Campo Volantín là nơi tản bộ lý tưởng cho một chiều mùa hè ở Bilbao, Tây Ban Nha. Bắt đầu từ tòa thị chính, một kiến trúc Baroque thế kỷ 19, cung đường xuôi theo sông Nervión kéo dài đến cây cầu La Salve nổi tiếng. Mặt tiền con đường là những kiến trúc nhẹ nhàng và tình tứ với nhiều phong cách từ Baroque, Victorian cho đến những tòa nhà Chủ nghĩa Hiện đại.
Trong đó dinh thự Olabarri ở cuối con đường có lẽ là nơi chiều lòng những người yêu mến sự hài hòa trong kiến trúc Pháp và Anh thế kỷ 19. Dần chìm đắm trong vẻ đẹp cổ điển của một thị trấn Châu Âu, người ta có thể sẽ hoảng hốt khi nhìn về phía đối diện của dinh thự này. Một con nhện khổng lồ đang chọc những chiếc chân nhọn hoắt xuống đám đông bên kia dòng sông. Đó là bức tượng Maman, một tác phẩm điêu khắc nổi tiếng của Louise Bourgeois.
Phía sau bức tượng nhện là một cảnh tượng kỳ lạ hơn, một khối kiến trúc bất quy tắc và phi kết cấu sáng lóng lánh dưới nắng, đó là bảo tàng nghệ thuật Guggenheim Bilbao. Có lẽ người ta cũng không ngờ rằng, khối nhà với những tấm Titanium nghiêng ngả hỗn loạn này lại chính là chiếc phao cứu sinh vực dậy kinh tế của cả một đô thị đang suy thoái. Công trình là tác phẩm của Frank Gehry, một Starchitect (kiến trúc sư ngôi sao).
Guggenheim Bilbao không chỉ tạo ra bộ mặt tương phản với các kiến trúc cổ điển mực thước ở Bilbao mà còn phóng đại sự khác biệt giữa kiến trúc các thời kỳ trước và kiến trúc đương đại, một thời kỳ kiến trúc mà ở đó tính nhận diện của công trình phải đặt lên trên những tiện ích thông thường. Nói cách khác, chúng ta đang sống trong thời đại huy hoàng của những kiến trúc biểu tượng và các Starchitect.
”Starchitect” được ghép lại bởi hai từ khác nhau gồm ngôi sao (star) và kiến trúc sư (architect). Theo nhà phê bình kiến trúc Nicolai Ouroussoff trên The New York Times, Starchitect vốn là một cách chơi chữ do các nhà báo chủ ý tạo ra như một cách nói mỉa mai về những kiến trúc sư mà danh tiếng của họ gia tăng đáng kể nhờ vào những công trình gây sốc, tốn nhiều tiền của và chỉ chú trọng bề ngoài.
Trong một bức thư do kiến trúc sư Stephan Jaklitsch gửi cho Archdaily, một tạp chí phổ thông về kiến trúc, đề nghị ngừng sử dụng từ “Starchitects” vì đó là một thuật ngữ cẩu thả xúc phạm đến cá nhân các kiến trúc sư và môi trường nghề nghiệp nói chung. Bức thư cũng được tạp chí này đăng tải lại kèm với tuyên bố về việc nói không với cụm từ starchitect. Mười năm sau đó, “Starchitect” trở thành một hashtag xuất hiện trong hầu hết các bài viết về những kiến trúc sư hàng đầu thế giới trong chính tạp chí này. Có lẽ thời gian đã dần tích cực hóa “starchitect” trong con mắt đại chúng, nhất là khi những kiến trúc sư này rõ ràng là sự bảo chứng về danh tiếng, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho chủ đầu tư của những dự án biểu tượng.
Kể từ sau bảo tàng Guggenheim Bilbao, Frank Gehry có thể được xem là starchitect hàng đầu thế giới. Nhà phê bình Hal Foster đã nêu quan điểm về công trình này trong bộ phim tài liệu Sketches of Frank Gehry của Sydney Pollack như sau, Frank Gehry “đã cho chủ đầu tư nhiều hơn những gì mà họ mong chờ, một không gian tuyệt hảo khiến người xem choáng ngợp, một hình ảnh ngoạn mục có sức lan tỏa qua các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới để trở thành một thương hiệu.”. Nhà bảo tàng này đã được xem như chất xúc tác cho một kế hoạch lớn hơn nhằm xoay chuyển tình hình của một thành phố công nghiệp đang suy thoái và chịu áp lực từ chủ nghĩa khủng bố ly khai xứ Basque vào những năm 90s.
Công trình biến Bilbao thành một điểm đến mới trên bản đồ du lịch thế giới, chỉ riêng nhà bảo tàng đã đón hơn một triệu du khách mỗi năm. Danh tiếng về kiến trúc của Guggenheim Bilbao đã tạo ra một hiệu ứng toàn cầu. Hàng loạt các công trình đương đại gắn liền với những cái tên đình đám trong giới kiến trúc bắt đầu xuất hiện từ ảnh hưởng của “hiệu ứng Bilbao”, chẳng hạn như Centre Pompidou-Metz thiết kế bởi Shigeru Ban, hay gần đây hơn là siêu cấu trúc vòm cho bảo tàng Louvre Abu Dhabi thiết kế bởi Jean Nouvel.
“Hiệu ứng Bilbao” cho chúng ta thấy sức mạnh trong việc gia tăng lợi ích kinh tế thông qua đầu tư các công trình ấn tượng nhất là khi chúng gắn liền với tên tuổi của những Starchitect. Nhờ vào việc thị trường coi trọng những công trình bất động sản biểu tượng, các starchitect giờ đây không chỉ có tài năng, danh tiếng mà còn được chủ đầu tư trao quyền lực trong việc tạo ra biểu tượng mới cho các tổ chức hay thậm chí là một vùng đô thị. Sự thật này gói gọn trong một câu bông đùa của cây bút về nghệ thuật Peter Aspden trong bài phỏng vấn với Frank Gehry trên tờ Financial Times, “cần một bảo tàng mới ư? gọi ngay cho Frank Owen Gehry trên đường dây nóng của starchitect.”.
Với hàng dài khách hàng chờ đợi, không khó hiểu khi Gehry là kiến trúc sư giàu thứ hai thế giới, với giá trị tài sản ròng 100 triệu USD. Kiến trúc sư đứng đầu về sự giàu có với giá trị tài sản ròng 240 triệu USD, cũng là một Starchitect không quá xa lạ với giới kiến trúc và tài chính, đó là Sir Norman Foster, người đứng đầu tập đoàn kiến trúc Foster+Partners.
Triển lãm về sự nghiệp của kiến trúc sư Norman Foster tại trung tâm George Pompidou, Paris, vừa qua là dịp để công chúng quan sát rõ hơn về một trong những Starchitect hàng đầu. Triển lãm tập trung giới thiệu các tác phẩm nổi tiếng nhất của Norman Foster, từ Bloomberg Headquarter đến các thiết kế sân bay gắn liền với thương hiệu Foster+Partners. Sự kiện lần này của Foster ở George Pompidou center được tài trợ chính bởi Bloomberg và JP Morgan Chase, trong đó dự án cho Bloomberg tại London cũng là một trong những tòa nhà được giới thiệu nổi bật nhất. Ngoài ra một loạt các phương tiện đặc biệt trưng bày tại trung tâm của triển lãm càng làm tăng thêm cảm giác hào nhoáng.
Bên cạnh một chiếc xe Dymaxion futurist và một chiếc máy bay nhỏ treo từ trần là chiếc xe hơi của kiến trúc sư Le Corbusier, chiếc Voisin C7 Lumineuse năm 1926. Triển lãm này cũng không thiếu một phần quan trọng mà các starchitect thường tạo ra trong sự nghiệp của mình, đó là các vấn đề gây tranh cãi. Nhà phê bình Eleanor Beaumont đã đưa ra một số chỉ trích về triển lãm của Norman Foster trên tờ The Architectural-review.
Bà cho rằng triển lãm hướng về tương lai nhưng lại thiếu những đề xuất cụ thể về thế giới hậu carbon và tôn vinh quá mức một tác giả duy nhất mà phớt lờ đóng góp của những cộng sự quan trọng trong quá trình thiết kế, đặc biệt là những kiến trúc sư đã tham gia trong nhiều bản vẽ thuộc nửa sau của triển lãm. Và mặc dù Foster khẳng định rằng đây là một “Futurespective” (nhìn về tương lai) thay vì một quá trình hồi tưởng, thì triển lãm vẫn ám chỉ đến một “tương lai” mà các di sản của nhiên liệu hóa thạch vẫn còn tồn tại. Điều đó khiến cho tuyên bố bền vững trở nên vô nghĩa giữa nhiều mô hình tháp bê tông và các sân bay to lớn.
Những ý tưởng kiến trúc của các starchitect không chỉ là chủ đề bàn tán của giới phê bình kiến trúc trên thế giới mà còn nhận được nhiều phản hồi từ phía công chúng, những người quan tâm đến kiến trúc. John R. Silber, giáo sư luật và triết học, cựu chủ tịch đại học Boston đã viết một cuốn sách có tựa đề “Architecture of the Absurd, How “Genius” Disfigured a Practical Art”, tạm dịch, “Kiến trúc phi lý, cách mà “các thiên tài” đã làm biến dạng một môn nghệ thuật thực dụng”, để nói về vấn đề này.
Cách tiếp cận của John Silber có thể xem là ví dụ tiêu biểu cho cách mà những người ngoài ngành nhìn về kiến trúc. Không phải nhà phê bình cũng không phải các kiến trúc sư, mà chính người sử dụng mới chỉ ra được những vấn đề thực tế, sát sườn và trực quan nhất của kiến trúc. Chẳng hạn như trong cuốn sách này, John Silber đã nêu ra câu hỏi về việc liệu những đường chéo cắt mạnh đầy cảm xúc trên mặt đứng bảo tàng Do Thái ở Berlin có thực sự xuất phát từ hình ảnh những địa điểm của người Do Thái tại thành phố này như lời của kiến trúc sư Daniel Libeskind giải thích hay không?
Bởi vì những đường cắt mơ hồ và trừu tượng ấy cũng xuất hiện trên một công trình khác của starchitect này, đó là bảo tàng Hoàng gia Ontario, Toronto, một nơi có bối cảnh hoàn toàn khác biệt với cộng đồng Do Thái Berlin trước Chủ nghĩa quốc xã . Điều này đặt ra nghi vấn Daniel Libeskind đang áp đặt một thủ pháp tạo hình yêu thích của mình lên câu chuyện của các thành phố dù chúng có bối cảnh về văn hóa và lịch sử cực kỳ khác biệt. Hai công trình biểu tượng ở Trùng Khánh và Singapore của kiến trúc sư Moshe Safdie cũng gặp vấn đề tương tự, khi mà hình ảnh công viên trên cao vắt qua đỉnh của các tòa tháp đã trở thành biểu tượng mới của Marina Bay, Singapore, nay cũng xuất hiện ở quần thể Raffles City.
Thậm chí khu đô thị này còn bị chế giễu với cái tên Marina Bay Sands 2.0 và là một trong những tòa nhà xấu nhất Trung Quốc theo một khảo sát vào tháng 4.2023 của CityLab Bloomberg .Việc các starchitect lặp lại chính mình tạo ra một vấn đề về tính địa phương trong kiến trúc đại diện cho các vùng đất khi việc tạo dựng hình ảnh cho đô thị tương lai được đặt vào tay một số ít tinh hoa. Việc nhân bản các chi tiết kiến trúc mang tính biểu tượng đang tạo ra một viễn cảnh nơi mà sự đa dạng của cá tính bản địa trong kiến trúc đô thị dần bị thay thế bởi dấu ấn cá nhân của một nhóm nhỏ các kiến trúc sư nổi tiếng.
Starchitect không chỉ nói về các kiến trúc sư, đằng sau đó còn là câu chuyện về một giai đoạn khi mà kiến trúc không còn đơn thuần được nhìn nhận về mặt chức năng mà người ta còn khao khát về sự xuất chúng đôi khi quái dị. Nó phóng đại sự khác biệt giữa bộ mặt của xã hội tiền công nghiệp, khi kiến trúc quan tâm đến lối sống, sử dụng vật liệu địa phương và thích ứng khí hậu bản địa, với xã hội tiêu dùng, khi mà các danh hiệu, giải thưởng và tính nhận diện phải đặt lên trên những tiện ích thông thường. Và khi sức ảnh hưởng trở nên quá lớn, danh tiếng của starchitect cũng có khả năng che khuất đi những vấn đề do kiến trúc của họ tạo ra.
Bài: Bùi Thúc Đạt