Từ bảo tàng sách đến tụ điểm văn hoá: Cùng khám phá các thư viện của Saint Laurent, Gucci, Marc Jacobs và Louis Vuitton
Vài năm nay, các nhà mốt ‘đã lấn sân’ sang nhiều hoạt động địa phương khác nhau. Có thương hiệu thời trang sở hữu những nhà hàng, cà phê và thậm chí cả thư viện. Điều này đã mở ra một cách tiếp cận mới với công chúng có đam mê với văn hoá đọc.
Từ siêu thị Prada ở Thượng Hải đến Gucci Circolo ở London vẫn làm ăn tốt và thu được lợi nhuận, các thương hiệu thời trang đã tiếp tục đầu tư vào chiến lược marketing tại những địa phương trọng điểm. Trong những năm qua, các thương hiệu đã học cách biến các cửa hàng tại địa phương thành trung tâm văn hóa thực sự. Cũng giống như mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng không còn chỉ đơn thuần là chụp ảnh trước logo thương hiệu, những gã khổng lồ xa xỉ đang tạo ra những trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng của mình.
Bài viết dưới đây sẽ dắt bạn đi khám phá hiệu sách mới của Saint Laurent tại Île Gauche ở Paris và nhiều hiệu sách của các thương hiệu thời trang khác được mở ra trong những năm gần đây.
‘Bảo tàng nghệ thuật’ sách của Marc Jacobs ở London, Paris, New York và Tokyo (từ năm 2010)
Nhắc đến sự kết hợp giữa lĩnh vực thời trang và marketing, Marc Jacobs đã giúp ta nhận rằng còn có rất ít điều mà họ chưa thử. Là một trong những nhà thiết kế và giám đốc sáng tạo đầu tiên nhận ra giá trị của cộng đồng những người yêu sách, nhà tạo mẫu có trụ sở tại New York đã mở các hiệu sách trên khắp thế giới vào năm 2012. Khẳng định rằng sách cũng là một tác phẩm nghệ thuật. Jacobs đã mở một hiệu sách đầu tiên ở New York vào năm 2010 và đến nay nó vẫn còn tiếp tục hoạt động.
Sau đó thì hiệu sách cũng mở rộng sang trung tâm Paris, London và Tokyo. Từ nhiếp ảnh đến nghệ thuật, với những ấn bản hiếm nhất cho đến những bộ sách nổi tiếng nhất, Bookmarc đánh dấu nỗ lực của nhà thiết kế người Mỹ nhằm góp phần bảo tồn các hiệu sách giữa thời đại ngày nay.
Bookmarc tại Paris
Điểm giao thoa văn hoá – cửa hàng sách Gucci ở New York (2018)
Một trong những niềm đam mê lớn nhất của Alessandro Michele, cựu giám đốc sáng tạo của Gucci chính là sách. Do đó, nhà mốt đã mở một hiệu sách ở New York vào năm 2018 với tên gọi Gucci Wooster, một không gian bán hàng và “điểm gặp gỡ văn hóa” nơi người ta có thể đắm chìm vào những trang sách hay. Gucci Wooster toạ lạc tại 375 West Broadway, cửa hàng hiện đang được quản lý bởi David Strettell của Dashwood Books.
Đây đích thị là thiên đường cho những người mê sách yêu nghệ thuật và là nơi lưu giữ tất cả những cuốn sách do Gucci xuất bản trong nhiều năm qua, chẳng hạn như Useless Magic của Florence Welch, nhưng cũng có những tựa sách cũ mang tính biểu tượng trong nghệ thuật, chẳng hạn như quyển King for a Decade của Jean-Michel Basquiat.
Mở rộng chiến dịch marketing địa phương, Louis Vuitton đã mở 3 hiệu sách ở Thượng Hải (2023)
Năm ngoái, Louis Vuitton đã mở ba hiệu sách ở Thượng Hải như một phần của chiến dịch marketing của thương hiệu với xứ sở tỷ dân này. Các quán cà phê, quán bar và cửa hàng quà tặng đồng loạt khai trương tạo nên mối liên kết bền chặt giữa thương hiệu và thị trường tiềm năng này. Một năm trước, vào mùa hè, Louis Vuitton đã mở một hiệu sách ở Capri. Đó là một cửa hàng nhỏ với tông màu xanh nhìn ra biển. Trong một phần của dự án “Librairie Éphémère”, nhà mốt đã tiếp quản các cửa hàng bán hoa ở Paris và sáu sạp báo ở Milan và Venice.
Cửa hàng sách tại Capri của Louis Vuitton
Những quyển tuyệt bản và quyển mới xuất bản tại tiệm sách của Saint Laurent ở Paris (2024)
Đối với thương hiệu Saint Laurent, việc mở cửa hàng lớn nhất từ trước đến nay vào tháng 12 năm ngoái là chưa đủ. Tháng 2 này, nhà mốt đã chính thức khánh thành một hiệu sách ở trung tâm Paris, nơi trưng bày tuyển tập các đĩa hát và ấn phẩm do giám đốc sáng tạo Anthony Vaccarello phụ trách. Trước đây là một cửa hàng quần áo Saint Laurent, cơ sở mới khai trương bao gồm các phiên bản giới hạn, tạp chí và đĩa hát không còn được bán trên thị trường,…
Cùng với lễ khai trương cửa hàng, thương hiệu này đã hợp tác với nhiều nghệ sĩ khác nhau để cùng xuất bản các tựa sách mới, khởi động lại các dự án trước đây bao gồm quyển của Betty Catroux, nàng thơ lịch sử của Yves Saint Laurent. Tên của thương hiệu hiếm khi được nhìn thấy bên trong hiệu sách, nhưng nó có thể được tìm thấy trên bút, bật lửa và cốc được bày bán, chúng đều được lấy cảm hứng nghệ thuật từ những năm 90 của Vaccarello dành cho thương hiệu.
Du hành xuyên thời gian cùng ‘Anti Public Library’ của Enfants Riches Déprimés ở Paris (2024)
Nick Drake, Cocteau Twins, Tạp chí Egoïste và các ấn phẩm mang tính biểu tượng khác nằm trên kệ của cửa hàng sách với tên gọi ‘Anti Public Library’ do nhà mốt Enfants Riches Déprimés mở đã khai trương tại Paris vào cuối tháng 1 năm nay. Cái tên này từ lâu đã trở thành điểm đặc trưng của thương hiệu, chúng cũng đã từng xuất hiện trong nhiều bộ sưu tập khác nhau và tiêu đề trang Instagram mà họ từng chia sẻ.
Bước vào hiệu sách, bạn sẽ bắt gặp một bảng hiệu bằng gỗ màu xanh đậm và đồ nội thất bằng gỗ gụ. Bên cạnh đó còn có một quán bar với ghế cao mời gọi du khách thưởng thức một ly rượu vang theo giai điệu. Trải nghiệm này sẽ khiến bạn quên đi áp lực cuộc sống hiện tại và khiến bạn cất điện thoại vào để hòa mình với cuộc sống của thế kỷ trước.
Thực hiện: Mỹ Tâm I Theo: Style-Republik
Theo Nss Mag