Nghệ thuật

Tang lễ Peranakan [Kỳ 2]: Cẩm nhung bao phủ nỗi tâm tang

Jul 06, 2024 | By La Quốc Bảo

Các tú phẩm dùng trong tang lễ của người Peranakan đều là các thượng phẩm vải vóc và thủ nghệ, với màu sắc lẫn đồ án thêu đều chứa đựng những ngụ ý thái hòa, tiêu diêu cực lạc.

Cặp rèm và một tấm phủ quan tài được trưng bày trong không gian giả lập tang lễ, thuộc triển lãm “Phong tục người Peranakan” tại Bảo tàng Peranakan, Singapore, năm 2012.

Đồ thêu dành cho tang lễ Peranakan là một trong những “hạng mục” cổ vật hiếm gặp nhất. Ngoại trừ những dòng tộc rất lớn mạnh đã chuẩn bị hoàn chỉnh từ rèm treo đến lọng tán cho riêng gia đình, thì phần lớn đều sử dụng các thức thêu sẵn mà dịch vụ mai táng cung cấp. Tuy nhiên, không vì làm sẵn mà đơn giản xuề xòa, các tú phẩm này đều là hàng cao cấp, được thêu tay và chế tác tinh xảo từ Trung Quốc theo đơn đặt hàng của các thương nhân nội địa, và giá thuê cũng không hề rẻ. Nếu là vật phẩm thuộc sở hữu của gia tộc, chúng sẽ được truyền qua nhiều đời, đến khi không còn sử dụng được nữa thì sẽ được lưu giữ làm kỷ niệm. Đối với các cơ sở mai táng, phần nhiều được “lưu kho” bởi lớp kế nhiệm hoặc hiến tặng cho bảo tàng. Những tú phẩm này cũng ít được trao đổi trên thị trường vì lý do tâm linh.

Thực tế, đối với người Peranakan, cái chết là bắt đầu cho một lần chuyển sinh mới tốt đẹp hơn, vì vậy chỉ nên đau buồn cho những ký ức, kỷ niệm trong kiếp này và nên tiễn đưa người quá cố trong niềm hân hoan, để họ ra đi thanh thản mà không lưu luyến hồng trần. Thế nhưng, dù quan niệm là vậy nhưng cảm xúc là thứ khó mà kìm nén, trước sự đau buồn tột cùng thì những thức lụa là thêu dệt hoa mỹ chính là biểu trưng cho sự “hân hoan” đó.

“Dưới mái hiên các gia đình quyền quý Peranakan, nơi hai luồng duy mỹ Trung Hoa, Mã Lai hội tụ và nở rộ hàng thế kỷ, cái chết vừa là nỗi đau buồn tột cùng, vừa là thời khắc đánh dấu một đời người trọn vẹn”

Trước khi chôn cất, màu trắng được xem là tang tóc nhất, các thành viên trực hệ đều mặc áo vải thô, trắng nguyên, xổ gấu, đơn giản hết mức có thể. Lúc này các thức đồ vải nội thất cũng mang màu chủ đạo là trắng, be, đen hoặc xanh đen. Nói chung là những gam màu ảm đạm.

Trong thời gian cư tang, màu sắc của các loại tiền bàn, rèm treo, trướng phủ và cả lồng đèn đều tuân theo tổ hợp xanh chàm phối với trắng, đen, tím than, xanh lục. Đôi khi thiếu màu xanh chàm, nhưng chỉ cần 3 trong 4 màu còn lại phối với nhau, đều có thể dễ dàng nhận biết được đây là phẩm vật tang chế. Hệ màu này khác hẳn với quan niệm Trung Hoa đại lục khi màu thạch thanh (xanh đen) và xanh lam lại là những màu biểu trưng quyền lực trên phẩm phục của hoàng gia và quan lại.

Các thức thêu quan trọng nhất trong tang sự của người Peranakan là tiền bàn (桌围 – trác vi) và tấm phủ áo quan (棺被 – quan bị).

Trác Vi

Trác vi – hay tok wi trong ngôn ngữ Peranakan, là vật phẩm tâm linh nhằm che đi khoảng không giữa các chân bàn. Việt Nam ta quen gọi “tiền bàn”, chữ “tiền” nghĩa là trước, còn “bàn” là nói gọn của bàn thờ. Tiền bàn thường được trang trí bằng các hình tượng “lộc hạc” (con hươu và chim hạc), “tiên đào tùng thụ” (trái đào tiên và cây tùng), v.v. – những đồ án gắn liền với mong ước “vạn vật giao hòa”, “trường sanh bất lão” trong quan niệm Đạo giáo. Vào trước ngày đưa tang, các gia đình Peranakan có điều kiện sẽ sử dụng tiền bàn thêu trên nền trắng hoặc các sắc xanh nhạt, tím nhạt. Sau khi chôn cất và bắt đầu thời gian cư tang, sẽ đổi qua một tấm khác với đồ án tương tự, nhưng màu sắc chủ đạo là xanh chàm, xanh lam hoặc tím sẫm.

[Hình a] Một tấm tiền bàn nền trắng được dùng từ khi bắt đầu tang sự cho tới ngày làm lễ Động quan. Hiện vật thêu chủ đạo đồ án “Lộc hạc đồng xuân” (鹿鶴同春) – là lối chơi chữ của “Lục hiệp đồng xuân” (六合同春), vốn đại diện cho tứ phương Đông-Tây-Nam-Bắc và hai cõi Thiên-Địa, ám chỉ sự hòa hợp của vạn vật sinh linh, giao hòa đất trời.

[Hình b] Tiền bàn thêu dùng trong giai đoạn cư tang với đồ án y hệt như tấm nền trắng vừa ví dụ ở trên, nhưng nền xanh chàm và khung viền nền trắng, lá phủ bên trên màu tím than với khung viền màu xanh ngọc. Hiện vật thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Peranakan, Singapore.

Để ý rằng ở lá phủ của cả hai hiện vật (hình a và b) đều có thêu đôi uyên ương chơi đùa giữa hồ sen. Theo quan niệm dân gian Trung Hoa, sen là biểu tượng của sự tinh khiết, không vấy bẩn bụi trần, ví von một đời phải sống liêm khiết như sen vậy. Đôi uyên ương lại là hình tượng phu thê tâm đầu ý hợp, vĩnh kết đồng tâm. Người Peranakan coi trọng hôn sự và lễ giáo, nên nghiễm nhiên sẽ đặt một niềm tin trọn vẹn về nghĩa vợ chồng suốt một đời, ngay cả khi chuyển kiếp. Chính vì vậy, tiền bàn có hình tượng đôi uyên ương cũng được coi là dấu hiệu cho biết người quá cố đã kết hôn.

Đám tang của bà Gwee Soon Neo (phu nhân ông Ong Boon Tat) với tấm tiền bàn màu trắng (dùng trước khi làm lễ Động quan), năm 1952. Nguồn ảnh: Album gia đình bà Sharon GJ Ong, Singapore.

Trác vi dành cho một vị lão niên đức cao vọng trọng, có hình ảnh Tam tinh Phước Lộc Thọ cùng “Lưỡng long tranh châu” ở lá phủ. Dù tình trạng hoàn hảo và lượng đồ án không hề nhỏ nhưng có thể thấy rằng tác phẩm thêu được phối đơn giản, ít bùng nổ sắc màu mà chỉ tập trung các tông xanh nhạt với màu cam làm điểm nhấn.

Quan bị

Xuyên suốt những ngày phúng viếng, quan tài sẽ được trang nghiêm phủ lên tấm thêu cực kỳ lộng lẫy, tầng tầng lớp lớp sống động gọi là “kaun phue” (棺被 – quan bị). Đây là một trong các sản phẩm được đặt hàng riêng từ các xưởng thêu nức tiếng vùng Quảng Châu và Triều Châu của tỉnh Quảng Đông, hoặc Tuyền Châu và Chương Châu của tỉnh Phước Kiến. Vì đa phần người Peranakan có gốc gác tổ tiên từ tỉnh Phước Kiến hoặc Triều Châu di dân về xứ Nam Dương, nên không lấy làm lạ khi họ xây dựng một đường dây thương nghiệp chặt chẽ với các khu vực này. Lối thêu Chương Châu chuộng mũi thêu sa hạt hoặc dây chuyền, đồ án thêu được tạo tác sống động, chuyển màu tinh nhã. Hầu hết các tú phẩm thể hiện rõ nét sự dung hợp văn hóa Peranakan đều được thực hiện bởi nghệ nhân vùng này.

Quan tài và tấm phủ quan tài của phu nhân Thung Leng Nio trong đám tang của bà vào năm 1928

Tấm phủ quan tài theo lối Triều Châu, với cạnh dọc của tầng ngoài cùng được thêu các điển tích trong “Thập nhị tứ hiếu”. Đây được xem hiện vật phủ quan tài lớn nhất từ trước tới nay được tìm thấy tại Singapore (433.0 x 337.0 cm), thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Văn minh Châu Á, Singapore.

Bảo tàng Wereld của Hà Lan cũng có sưu tầm một tấm phủ quan tài thêu lối Chương Châu. Đây được xem là một ví dụ điển hình của thẩm mỹ Malacca và Singapore, được thêu 10 lớp gồm 5 tầng và 5 dải diềm, kích thước gần 4 mét chiều dài và 2 mét rưỡi chiều rộng, đính ba hàng huệ tử (tiếng Việt quen gọi “chân chỉ”) đa sắc trang nhã, dịu bớt đi sự tang thương vốn có.

Tấm phủ quan tài thêu lối Chương Châu. Hiện vật thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Wereld, Hà Lan

Dễ nhận thấy rằng màu chủ đạo là các sắc: đen, xanh chàm, trắng, xanh thiên thanh (là một màu trung tính) và tím sẫm. Nổi bật ở tầng trung tâm, cũng là thượng tầng trang nghiêm nhất, tọa ba vị Tam tinh: Phước – Lộc – Thọ, trên dưới hai tích “Tiên hạc hàm đào” và “Tùng lộc diên niên” hay gọi chung là “Lộc hạc đồng xuân”, tượng trưng cho cõi tiên giới bởi lối chơi chữ “Lục hòa đồng xuân”: tức bốn hướng Đông-Tây-Nam-Bắc và Thiên-Địa hòa làm một.

[Chi tiết] Tấm phủ quan tài thêu lối Chương Châu. Hiện vật thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Wereld, Hà Lan

Tầng tiếp theo là “Phụng lân hý hoa viên”, cũng là tổ hợp độc đáo được yêu thích của người Peranakan ở Malacca và Singapore. Nhiều giả thuyết cho rằng trong quan niệm của người Peranakan ở các khu vực này, con rồng quá nặng nề từ hình thức lẫn tâm linh, trong khi con rùa lại hơi lép vế về mặt thẩm mỹ, vì vậy mà nghiễm nhiên hai loài kỳ lân, phụng hoàng trở thành cặp đôi linh thú được ưu ái thể hiện ở hầu hết loại hình nghệ thuật.

“Đối với người Peranakan, cái chết là bắt đầu cho một lần chuyển sinh mới tốt đẹp hơn,
vì vậy chỉ nên đau buồn cho những ký ức,
kỷ niệm trong kiếp này và nên tiễn đưa người quá cố trong niềm hân hoan, […] trước sự đau buồn tột cùng thì những thức lụa là thêu dệt hoa mỹ chính là biểu trưng
cho sự “hân hoan” đó”

Ở tầng thứ ba, hình ảnh Tám vị tiên như thể hiện niềm tin rằng thánh thần sẽ đưa đường dẫn lối cho linh hồn người quá cố đến nơi an nghỉ một cách thanh thản. Tiếp đó, các tầng ngoài cùng được thể hiện bằng “Cửu phẩm chi điểu” – chín loài chim tượng trưng cho chín bậc Văn quan trong cung đình nhà Thanh, đi từ Nhất phẩm đến Cửu phẩm là: tiên hạc, cẩm kê (trĩ vàng), khổng tước (công), vân nhạn (vịt trời), bạch nhàn (gà lôi trắng), lộ tư (cò), khê xích (uyên ương), am thuần (chim cút), luyện tước (chim bắt ruồi); xen kẽ tổ hợp Tứ linh (Long-Lân-Quy-Phụng) cùng các loài linh vật khác như: kim hổ, văn báo, bạch tượng (voi trắng), v.v.. Tất cả sống động, hòa quyện giữa tĩnh và động, giữa hư và thực, như thể biểu tượng hóa của cõi vĩnh hằng đang phủ lên một kiếp người.

[Chi tiết] Tấm phủ quan tài thêu lối Chương Châu. Hiện vật thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Wereld, Hà Lan

Các đồ thêu khác

Ngoài hai thức thêu quan trọng kể trên, các gia đình quyền quý còn sử dụng rèm treo ở khu vực đặt quan tài, hoặc che đi giường của người đã mất. Chúng có thể được thêu cùng một rập với đồ án đám cưới, chỉ khác màu nền là xanh lam.

Rèm che phòng quan tài/giường liệm theo lối Singapore/Malacca. Hiện vật thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Peranakan, Singapore.

Rèm che cửa vào phòng tân hôn theo lối Singapore/Malacca. Dễ dàng nhận ra sự tương đồng trong thiết kế. Tuy nhiên ở đồ cưới, hình ảnh con hươu thường được lược bớt.

Ảnh chụp cho thấy rèm che giường liệm của phu nhân Thung Leng Nio trong đám tang của bà vào năm 1928

Hiện vật rèm che giường liệm, là một trong hai chiếc rèm thêu dùng trong tang lễ của phu nhân Thung Leng Nio năm 1928, được liên gia tộc Kan-Han-Tan quyên tặng cho Bảo tàng Wereld của Hà Lan.

Một tấm chấn màu đen treo trong những ngày tang lễ

Lồng đèn tang lễ được phủ tấm thêu nền trắng, diềm tím và xanh lá – 3 sắc màu tang chế, trái ngược với phiên bản đám cưới/Tết với màu chủ đạo màu hồng đỏ. Hiện vật lồng đèn tang của Bảo tàng Peranakan, Singapore. Hình ảnh chụp bởi La Quốc Bảo (do hiệu ứng màu của không gian trưng bày, nên trong ảnh chụp, tấm thêu phủ lồng đèn có nền như màu vàng)

Vải thêu bọc lồng đèn cưới, từng được bán bởi phòng trưng bày đồ cổ Michael Backman, London, Vương quốc Anh.

(Đọc tiếp kỳ 3)

 


 
Back to top