ART & LIFE

Tang lễ Peranakan [Kỳ 1]: Đoạn đường bi ai hoa lệ cuối cùng

Jul 04, 2024 | By La Quốc Bảo

Trong văn hóa Peranakan, quyền lực và sức ảnh hưởng của người đã khuất phản ánh rõ nét trong hình thức lẫn nghi thức của tang lễ.

Hàng chục tấm trướng thêu thùa trang nghiêm được diễu hành trong đoàn đưa tang ông Tjong A Fie (Trương A Huy) – thống lĩnh cộng đồng Hoa kiều tại thành phố Medan, Indonesia, đầu thế kỷ 20.

Ngược dòng lịch sử, người Hoa Peranakan là hậu duệ của những nam nhân xuôi buồm từ Trung Quốc đại lục đến xứ Nam Dương (ngày nay là Malaysia, Singapore, Indonesia và Nam Thái Lan) vào thế kỷ 16–17 để lập nghiệp, rồi kết hôn với những phụ nữ bản địa, hình thành một nền văn hóa “dung hợp” độc đáo. Người Peranakan còn được biết đến bằng tên gọi phổ biến là baba nyonya, với baba là tiếng gọi tôn kính dành cho đàn ông, và nyonya có thể hiểu là “người phụ nữ ngoại tộc”. Do phần lớn là thương nhân với trí thông minh và tài quảng giao thiên phú, họ đã tạo dựng cho mình nền móng tài chính, xã hội vững chãi xuyên suốt thời kỳ các vùng này nằm dưới sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân. Người Hoa Peranakan tiếp xúc văn hóa Tây phương, đồng thời thực hành song song các phong tục, tập quán Trung Hoa và Mã Lai nên được xem là tầng lớp tinh hoa của xã hội. Họ có thể nói ít nhất hai ngoại ngữ, lại có của ăn của để và quyền lực chính trị không hề nhỏ. Từ tinh hoa nghi lễ của tổ tiên, họ tự bổ sung và phát triển thành chuỗi văn hóa mới, mà tang sự Peranakan chính là một ví dụ điển hình.

Trao đổi cùng nhà nghiên cứu người Singapore – Norman Cho, đồng thời cũng là một hậu duệ danh gia vọng tộc từ Malacca, tác giả đã tận mục sở thị cũng như được hỗ trợ nhiều tư liệu, hiện vật liên quan đến chủ đề đậm đà bản sắc mà hiếm ai khai thác này. Bởi vì văn hóa Peranakan phủ lên nhiều quần đảo với phạm vi địa lý quá lớn, tác giả xin tập trung phần nhiều vào hai khu vực Malacca (Malaysia) và Singapore – nơi vẫn còn bảo lưu rất tốt các hiện vật và văn bản liên quan. Và cũng bởi việc tang chế vốn rất cầu kỳ, tác giả – với tư cách là một người nghiên cứu vải vóc, dệt thêu may – sẽ khai thác chủ đề này thành loạt bài viết gồm 3 kỳ, với nội dung lần lượt tập trung vào: Đôi nét về định chế màu sắc độc đáo, đồ thêu tang lễ và trang phục tang chế.

“Giữa những xã hội nơi người Hoa chọn định cư, họ thường hòa nhập vào văn hóa bản địa, và cũng có người chọn giữ nguyên những nếp xưa lối cũ. Nhưng với baba và nyonya, họ cuối cùng lại hình thành một nền văn hóa hoàn toàn mới” – Trích lời Tiến sĩ Lee Su Kim (tại hội thảo “Thế giới của người Peranakan Babas và Nyonyas”, Đại học Tunku Abdul Rahman, Malaysia, 2020)

Khác với sự tang tóc và giản đơn trong thực hành tang lễ Á Đông, dưới mái hiên các gia đình quyền quý Peranakan, nơi hai luồng duy mỹ Trung Hoa, Mã Lai hội tụ và nở rộ hàng thế kỷ, cái chết vừa là nỗi đau buồn tột cùng, vừa là thời khắc đánh dấu một đời người trọn vẹn. Những lúc này đây, một không gian tràn ngập các thức lụa là lọng tán, thêu thùa tinh nhã được bày biện rực rỡ trang nghiêm, nhưng bất ngờ phủ bởi một màu lam huyền bí. Quyền lực và sức ảnh hưởng của người đã khuất sẽ được phản ánh xuyên suốt khoảng thời gian này, chính vì vậy mà chưa bao giờ đám tang được cử hành một cách tiết kiệm. Nhà nghiên cứu Peter Lee từ Đại học Quốc gia Singapore đã nhận định về những đám tang Peranakan cách đây hơn một thế kỷ: “Cử hành một tang lễ có khi còn tốn kém hơn cả số tài sản mà một người con [trong số nhiều anh chị em] được thừa kế. Một đám tang có thể tốn tới 10.000 đô [Straits dollar], trong khi đó một căn nhà phố chỉ cần khoảng 4.000 đô”.

Một lễ đưa tang tại Singapore năm 1910 với tán thêu và cung đăng đi trước. Kung teng (宮燈 – cung đăng) là loại lồng đèn được treo trong những dịp trang trọng nhất, theo văn hóa Mân Nam, Trung Quốc.

Đôi kung teng (宮燈 – cung đăng) được bao phủ bằng lớp vải thêu tinh nhã, không có chức năng thắp sáng nhưng biểu thị cho tính nghiêm trang, uy trọng của tang sự.

Có thể khẳng định rằng, phú quý sinh lễ nghĩa là triết lý gắn liền với đời sống con người Peranakan. Với họ, đời người có 3 cột mốc quan trọng nhất: sinh – hôn – tử. Mỗi cột mốc là những chuỗi nghi thức trịnh trọng, phức tạp và riêng biệt. Khi mà hôn sự truyền thống thường kéo dài tới 12 ngày với vô vàn hoạt động và lễ nghi, thì một tang sự kéo dài 3 năm với 3 cung bậc “định chế” trang phục, đồ thêu khác nhau là điều dễ hiểu.

Nghi thức báo tang

Ngay khi một thành viên trong gia đình qua đời, người nhà sẽ mau chóng dán một hình chữ X màu trắng giữa tấm ji-hoe tại cửa chính. Ji-hoe (字號 – tự hiệu) tức tấm biển khắc tên nhà, chẳng hạn dòng họ Huỳnh ở số 157 đường Neil, Singapore, có tư dinh tên “種盛” (Chúng Thạnh), thì hai chữ “種盛” sẽ được khắc trên tấm biển, còn họ “黃” (Huỳnh) sẽ được viết trên cặp lồng đèn treo ngay hai bên – gọi là ji-teng (字燈 – tự đăng).

Tự hiệu ở giữa, bằng gỗ, có hai con sư tử làm giá đỡ – một đặc trưng của người Hoa phía nam. Hai bên treo tự đăng “黃府” (Huỳnh phủ) và “奉政大夫” (Phụng chánh đại phu). Nguồn ảnh: Visit Singapore

Chữ X dán ngay tấm tự hiệu của một tư dinh tên “Tề Dương” tại Mã Lai, theo bộ tài liệu điền dã của nhà nghiên cứu Lee Eng Kew.

Trường hợp hi hữu người quá cố phải được cử hành tang lễ ở một nơi không phải nhà mình, thì một dải chai kee (彩旗 – thải kỳ), tức dải lụa đỏ vốn được treo trong các dịp lễ tiết, sẽ được căng lên trước cửa, song song miếng dán chữ X trắng, báo hiệu rằng tang sự này không phải của gia chủ hay thành viên trong gia đình.

Xanh thẳm một cõi hư vô

Trước khi chôn cất, màu trắng được xem là tang tóc nhất, các thành viên trực hệ đều mặc áo vải thô, trắng nguyên, xổ gấu, đơn giản hết mức có thể nhằm thể hiện nỗi đau buồn tột độ, đồng điệu với văn hóa khối đồng văn (Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lưu Cầu).

“Với họ, đời người có 3 cột mốc quan trọng nhất: sinh – hôn – tử. Mỗi cột mốc là những chuỗi nghi thức trịnh trọng, phức tạp và riêng biệt”

Y phục trong từng giai đoạn hôn lễ được quy định kỹ lưỡng ra sao, thì với tang lễ, càng phân chia cầu kỳ, tỉ mỉ không kém, thể hiện sự chăm chút tiểu tiết tới mức khó tin của văn hóa người Peranakan. Sau khi chôn cất, màu sắc tương ứng với mỗi giai đoạn của ba năm cư tang là: đen, xanh lam, xanh lục. Tùy vào mối quan hệ giữa người quá cố và gia quyến mà có những quy định cụ thể về phối màu hay trang sức.

Những tấm chấn, tiền bàn, rèm treo trướng phủ, thậm chí là lồng đèn dùng cho tang sự Peranakan đều được quy định bằng tổ hợp xanh chàm phối với trắng, đen, tím than, xanh lục. Đôi khi thiếu màu xanh chàm, nhưng chỉ cần 3 trong 4 màu còn lại phối với nhau, đều có thể dễ dàng nhận biết được đây là phẩm vật tang chế. Hệ màu này khác hẳn với quan niệm của Trung Hoa đại lục, khi màu thạch thanh (xanh đen) và xanh lam lại là những màu biểu trưng quyền lực trên phẩm phục của hoàng gia và quan lại.

Đám tang của bà Gwee Soon Neo (phu nhân ông Ong Boon Tat) với tấm tiền bàn màu trắng (dùng trước khi làm lễ Động quan), năm 1952. Nguồn ảnh: Album gia đình bà Sharon GJ Ong, Singapore.

Bàn thờ lễ Động quan, từ chùm ảnh của gia đình bà Sharon GJ Ong (Singapore). Trước bàn thờ phủ tấm tiền bàn có màu sáng (tạm đoán trắng hoặc xanh nhạt) theo điển lệ Peranakan. Hai bên có cặp cung đăng – loại đèn dành treo trong dịp trang trọng nhất theo văn hóa Mân Nam, Trung Quốc. Khác với cung đăng treo ở nhà làm bằng gỗ và bọc vải thêu, cặp cung đăng cỡ đại này được làm bằng giấy, ở trên tọa hai vị Tiên đồng Ngọc nữ cũng bằng giấy và cắm rất nhiều hoa.

Một tấm tiền bàn nền trắng được sử dụng cho tới ngày làm lễ Động quan. Tương tự Việt Nam, tiền bàn là vật phẩm tâm linh nhằm che đi khoảng không giữa các chân bàn thờ.

Một thể loại văn hóa vật chất nổi bật trong tang lễ của người Peranakan là Kuan ta (棺罩 – Quan tráo), tức xe chở quan tài (linh xa). Quan tráo thường được trang trí nhiều tấm chấn thêu, đính hàng huệ tử (tua rua) nhiều màu, vừa làm tăng độ trang trọng vừa đem lại cảm giác mỹ lệ, thay vì nỗi tang tóc. Độ xa hoa của quan tráo cũng cho ta biết rõ thứ bậc của người quá cố. Trên đỉnh linh xa còn có thể đặt một hình tượng như chim hạc hoặc kỳ lân, báo hiệu rằng đây là quan tráo đưa tiễn một người quyền lực trong gia tộc. Hình tượng chim hạc hàm ẩn câu thành ngữ “Giá hạc tây quy” (駕鶴西歸) – tức “Cưỡi hạc về trời” hay “Cưỡi hạc về tay” (mặt trời lặn ở hướng tây, hay cõi “Tây phương cực lạc” là cách nói ám chỉ một thế giới tốt đẹp, an vui mà con người có thể đến sau khi qua đời).

Quan tráo trên linh xa của phu nhân Lim Imm Neo (qua đời vào ngày 10.10.1925, Singapore), treo dày đặc nhiều tấm chấn thêu tinh nhã. Bức tượng chim hạc hoặc phụng hoàng trên đỉnh cỗ xe, báo hiệu rằng đây là quan tráo đưa tiễn một phụ nữ quyền lực trong gia tộc.

Lễ Động quan của một nam nhân đức cao vọng trọng tại Singapore, nhận biết bằng tượng con kỳ lân trên đỉnh quan tráo.

Lễ nghi phản ánh cả trong ẩm thực

Ẩm thực Peranakan nổi tiếng là sự kết tinh của nhiều luồng mỹ thực giữa bản địa Mã Lai, Trung Quốc, thậm chí cả Thái Lan, và ngoại nhập Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh Quốc. Đây là kết quả hình thành sau nhiều thế kỷ giao thoa và chắt lọc văn hóa. Tuy nhiên, hầu hết các món đều lấy tinh thần cốt lõi của Trung Hoa và Mã Lai làm nền tảng mà biến tấu.

Suốt những ngày phúng viếng (kéo dài khoảng 3–7 ngày), ngoài món cháo bắt buộc phải có, tang lễ Peranakan còn tiếp đãi khách viếng bằng nhiều loại bánh được chuẩn bị chăm chút và đậm đà bản sắc. Ấn tượng hơn là cả đồ ăn cũng bắt buộc tuân theo hệ màu tang chế là đen và xanh lam, đôi lúc gồm cả xanh lá cây. Thông thường, các gia đình không tự làm mà sẽ thuê một nhà bếp chuyên nghiệp phụ trách. Một trong các món bánh phổ biến nhất chính là ku kueh (龜粿 – quy quả), bánh bột nếp ép khuôn hình mai rùa, nhân đậu xanh, đậu phụng hoặc dừa – y hệt món bánh quy ở Tây Nam bộ Việt Nam. Hồng quy quả (紅龜粿 – bánh rùa đỏ) là một loại bánh ngọt mang ý nghĩa trường thọ và tốt lành, được dùng trong các dịp lễ, tiết quan trọng trong văn hóa Trung Hoa, nhưng trong tang sự của người Peranakan, phải cải sắc từ màu đỏ rực rỡ thành màu đen ảm đạm. Màu xanh lam từ hoa đậu biếc cũng được phối hợp nhằm làm dịu đi không khí tang thương, duy chỉ màu trắng là có thể dùng cho cả tang lễ và tiết Thanh Minh.

Ku kueh của cửa hàng bánh Ji Xiang (吉祥 – Cát Tường) ở Singapore, thành lập từ năm 1989, chuyên về ku kueh phong cách Peranakan. Trên bánh, thay vì có chữ 寿 (Thọ) theo cách truyền thống, cửa hàng đã dùng tên thương hiệu là 吉祥, với ý nghĩa phúc lành, thịnh thượng. Nguồn ảnh: shootandspoon (IG)

Một món bánh khác thường dùng trong tang lễ Peranakan là kueh salat (tên Singapore) hoặc gading galoh (tên Malacca) – về bản chất giống xôi cadé ở Việt Nam, nguyên bản là xôi nếp trắng và cadé màu vàng đặt bên trên. Đây là một món bánh ngọt truyền thống, dùng để ăn nhẹ và phổ biến trong đời sống thường nhật ở miền Nam Việt Nam, cũng như ở Singapore và Malaysia. Riêng trong tang lễ của người Peranakan, món bánh này sử dụng xôi nếp nhuộm màu hoa đậu biếc thành xanh lam cùng lớp cadé màu xanh lục từ lá dứa.

Kueh salat của The Carbon Chef – do đầu bếp Benjamin Kirk thành lập, công ty chuyên cung cấp dịch vụ ẩm thực, các khóa học và workshop nấu ăn, làm bánh ở Singapore.

Kueh lapis truyền thống 9 tầng của Sue.perlicious Bakery ở Anh, do Sue – một thợ làm bánh người Malaysia, thành lập vào năm 2020, với mong muốn quảng bá vẻ đẹp ẩm thực Malaysia.

Đầu bếp nổi tiếng người Singapore – Lloyd Matthew Tan, chỉ ra thêm một ví dụ khác là món kueh lapis (tương tự bánh da lợn), nếu bình thường được đổ nhiều lớp màu khác nhau thì phiên bản xanh lam-trắng sang trọng được dành riêng cho tang lễ khi xưa.

(Đọc tiếp kỳ 2)


 
Back to top