HOUSE OF LUXE

Người vẽ lại châu Á: Geoffrey Bawa và Lunuganga tường loang, rêu phủ

Mar 26, 2025 | By LUXUO

Lunuganga không dành cho những người muốn thấy sự hoàn hảo ngay lập tức, cũng không dành cho những ai tìm kiếm một công trình kiến trúc có thể áp đặt ấn tượng mạnh mẽ lên cảnh quan.

Chân dung Geoffrey Bawa

Tại điền trang Lunuganga, kiến trúc sư Geoffrey Bawa không thiết kế để thiết lập sự kiểm soát, mà để đặt ra câu hỏi, con người nên tương tác với cảnh quan như thế nào? Đây chính là sự khác biệt cốt lõi giữa nghệ thuật làm vườn cổ điển châu Âu, vốn dựa trên việc quản lý cây cối bằng kéo tỉa, và nghệ thuật cảnh quan của Bawa, dựa trên việc gợi ra các trải nghiệm không gian đa dạng giữa thảm thực vật nhiệt đới trù phú​.

Những khu vườn cổ điển châu Âu dường như được kiến tạo để chiếm lĩnh không gian. Trong khu vườn kiểu Pháp, con người đứng ở một vị trí trung tâm, bao quát mọi thứ trong trật tự hình học được quy hoạch nghiêm ngặt. Trong khu vườn kiểu Anh, thiên nhiên được tái dựng như một khung cảnh lý tưởng, nơi mỗi tuyến nhìn đều được kiểm soát, mỗi con đường đều dẫn đến một khung cảnh được định sẵn. Những khu vườn ấy phản ánh tư duy của một nền văn minh tin rằng tự nhiên có thể được thuần hóa, rằng con người có thể sắp đặt cảnh quan theo một trật tự được định nghĩa từ trước. Lunuganga không vận hành theo những nguyên tắc ấy. Tại điền trang Nam Á này, không tồn tại một trục chính để điều hướng, không có một điểm nhìn duy nhất để bao quát toàn bộ không gian. Không có một bố cục khép kín hay một kết cấu hình học áp đặt lên cảnh quan.

Cảnh quan tại điền trang Lunuganga

Khu vườn, quê hương và danh tính

Sinh năm 1919 trong một gia đình thượng lưu bậc nhất của Sri Lanka, Geoffrey Bawa được biết đến như một trí thức với nền giáo dục mang đậm dấu ấn Anh quốc. Ông không bắt đầu sự nghiệp với tư cách một nhà thiết kế mà theo đuổi ngành luật tại Cambridge, một con đường điển hình của giới tinh hoa thời bấy giờ. Dù vậy, những năm tháng rong ruổi qua châu Âu, dừng chân trước các biệt thự cổ ở Ý, lang thang trong những khu vườn Địa Trung Hải, đã khiến ông nhận ra rằng niềm đam mê của mình không nằm trong những điều khoản pháp lý mà trong cách không gian có thể tương tác với con người. Từ bỏ ngành luật, theo học lại tại Trường Kiến trúc Hiệp hội Kiến trúc (Architectural Association School of Architecture) ở London, nơi ông được đào tạo bài bản về kiến trúc hiện đại, cũng là nơi bắt đầu những trăn trở về quê hương và danh tính, làm thế nào để tạo ra một phong cách kiến trúc có bản sắc riêng, có thể tự định nghĩa chính mình mà không bị ràng buộc bởi những quy tắc của phương Tây hay Đông Á?

“nơi các lớp ký ức được đan cài và tái thiết kế theo thời gian”

Điền trang Lunuganga chính là câu trả lời cho những kiếm tìm đó. Khi Geoffrey Bawa mua lại mảnh đất này vào năm 1948, nơi đây vẫn là một đồn điền cao su bị bỏ hoang, từng là vườn trồng quế dưới thời Hà Lan. Liên tục trong hơn nửa thế kỷ tiếp theo, Bawa đã biến đổi khuôn viên này thành một không gian cảnh quan kiến tạo, nơi ký ức lịch sử, hình thái tự nhiên và nguyên tắc kiến trúc hiện đại được tổ chức lại trong một cấu trúc của nhiều chồng lớp lịch sử phức tạp. Giáo sư David Robson, người từng xuất bản nhiều đầu sách nổi tiếng về Geoffrey Bawa, đã mô tả Lunuganga như một “khu vườn nhân tạo, nơi các lớp ký ức được đan cài và tái thiết kế theo thời gian”​.

Bản đồ điền trang lunuganga

Tại Lunuganga, Geoffrey Bawa đã vận dụng kỹ thuật “picturing” thường thấy trong vườn kiểu Anh để tạo dựng hình ảnh bằng cách tạo ra các tuyến nhìn​. Thay vì một bố cục cố định, không gian ở đây được điều chỉnh để mỗi góc nhìn đều có sự khác biệt. Một lối đi nhỏ có thể dẫn đến một trảng cỏ rộng, một hàng cây có thể chấm dứt đột ngột để lộ ra những đường chân trời được đóng khung có chủ ý. Mỗi khung cảnh không chỉ là một hình ảnh tĩnh mà là một chuỗi trải nghiệm. Bằng cách này, không gian vườn chuyển tiếp giữa các quan điểm thiết kế cảnh quan khác nhau, nơi các yếu tố phương Tây được tái diễn giải trong điều kiện môi trường và văn hóa Sri Lanka​.

Không gian bên trong những gian nhà tại Lunuganga

Nội thất bên trong các gian nhà tại Điền trang Lunuganga

Kiến trúc tại Lunuganga với các chi tiết truyền thống bản địa

Tường loang, rêu phủ và kiến trúc của thời gian

Các yếu tố kiến trúc trong tổng thể điền trang này không xuất hiện như một thực thể độc lập mà được đặt vào tổng mặt bằng với vai trò như một phần của hệ thống cảnh quan​. Những gian nhà thấp tầng, mái hiên rộng, hành lang nửa mở nửa kín, không làm đứt đoạn địa hình, mà đóng vai trò như những yếu tố trung gian giữa các khoảng không trong mặt bằng rộng lớn của toàn bộ điền trang.

“một hệ thống không gian vừa mang tính trật tự, vừa giữ được tính ngẫu nhiên của cảnh quan thiên nhiên”

Một trong những công trình đặc biệt là “Hen House”, một pavilion nhỏ với mặt bằng vuông, dựng trên bốn cột gạch với ba mặt được bao lấy bởi hệ song gỗ​. Công trình này dựa trên nguyên tắc kiến trúc Ambalama, một kiểu nhà dừng chân truyền thống của Sri Lanka, nhưng được Bawa tái tạo với bố cục hiện đại hơn. Đây là một cách để ông tái cấu trúc những nguyên tắc kiến trúc truyền thống trong một bối cảnh mới. Trong khi đó, tại hàng hiên phía Bắc, Bawa sử dụng hệ thống tường đá theo mô hình lưới hình học hiện đại, đối lập với các yếu tố tự nhiên xung quanh​. Kết hợp với bức tường lượn sóng và hệ thống tượng đặt rải rác, Bawa tạo ra một hệ thống không gian vừa mang tính trật tự, vừa giữ được tính ngẫu nhiên của cảnh quan thiên nhiên. Tại đây, Bawa cũng sử dụng một bức tường đá để giới hạn không gian, nhưng thay vì dựng lên một ranh giới cố định, bức tường ấy lại trở thành một bề mặt phản chiếu ánh sáng, một kết cấu mà hình dạng của nó thay đổi theo từng thời điểm trong ngày​. Một lần nữa, kiến trúc không xuất hiện như một thực thể đơn lẻ, mà là một phần trong chuỗi biến đổi không ngừng của thời gian lên không gian.

Hen House tại điền trang Lunuganga

Bawa không tân trang những mảng tường vôi cũ của dãy nhà thời thuộc địa, mà để lại các vết loang. Những phiến đá lát sân không được mài bóng, mà để rêu bám, để chúng thay đổi từng chút theo một cách tự nhiên nhất. Có lẽ Bawa không tìm kiếm sự hoàn hảo trong vật liệu. Ngược lại, ông chấp nhận sự hao mòn tự nhiên như một phần của thiết kế. Những bức tường vôi loang lổ, bề mặt gạch đất nung không tráng men, hệ thống đá lát đường dần bị rêu phủ theo thời gian, tất cả đều được ông giữ nguyên trạng thái phong hóa​. Việc sử dụng vật liệu không đánh bóng tạo ra một cảm giác rằng Lunuganga không phải là một không gian được kiến tạo trong một lần, mà là một thực thể liên tục phát triển.

Quang cảnh điền trang Lunuganga

Một góc tiểu cảnh ao tại điền trang Lunuganga

Một hình ảnh khác về khu vườn

Lunuganga không phải là một công trình cố định mà là một không gian liên tục thay đổi theo thời gian, theo mùa, theo cách mà con người trải nghiệm nó. Một ngày mưa, những bức tường vôi trắng có thể mang một vẻ đẹp hoàn toàn khác so với những ngày nắng gắt. Một buổi sáng sớm, khi ánh sáng mặt trời len qua tán cây, những khoảng sân lát đá trở nên lấp lánh. Buổi chiều muộn, khi hoàng hôn phủ lên mặt hồ, toàn bộ không gian biến thành một bức tranh phong cảnh, nơi kiến trúc, thiên nhiên và ánh sáng lồng vào nhau.

“tận hưởng những thay đổi nhỏ nhất của ánh sáng, của gió, của những mảng tường không còn nguyên vẹn”

Không phải ai cũng hiểu được giá trị của những gì Bawa đã tạo ra. Lunuganga không dành cho những người muốn thấy sự hoàn hảo ngay lập tức, cũng không dành cho những ai tìm kiếm một công trình kiến trúc có thể áp đặt ấn tượng mạnh mẽ lên cảnh quan. Nó là nơi dành cho những ai biết lắng nghe, biết cảm nhận, biết tận hưởng những thay đổi nhỏ nhất của ánh sáng, của gió, của những mảng tường không còn nguyên vẹn.

Sân vườn trong điền trang Lunuganga

Cảnh quan tại điền trang Lunuganga

Điền trang Lunuganga nhìn ra hồ Dedduwa

Bằng cách tái diễn giải những nguyên tắc thiết kế từ cả phương Đông và phương Tây, kết hợp cùng một hệ thống cảnh quan liên tục biến đổi, điền trang Lunuganga trở thành một minh chứng cho cách mà kiến trúc và cảnh quan có thể vận hành không chỉ như một thực thể vật chất, mà như một phương thức để đọc và tái cấu trúc lịch sử và tự nhiên trong một bối cảnh mới​.

Vũ Thành

——————————

“Người vẽ lại châu Á” là chuỗi bài nhằm tái khám phá di sản của các kiến trúc sư gốc Á có tầm ảnh hưởng, những người đã góp phần định nghĩa lại kiến trúc châu Á trong bối cảnh toàn cầu. Thông qua các tác phẩm gây tiếng vang, những kiến trúc sư này đã đưa mỹ cảm và tinh thần bản địa trở lại đời sống đương thời. Châu Á hay phương Đông, qua kiến trúc của họ, không còn là một khái niệm huyền bí và lạc điệu mà trở thành bài học giá trị cho các vấn đề đương đại.

——————————


 
Back to top preload imagepreload image