ART & CULTURE

Chân dung 8 nghệ sĩ Việt nổi bật trong thực hành nghệ thuật

Aug 18, 2020 | By Trang Ps

Từ hội họa, điêu khắc, thiết kế cảnh quan, thiết kế trang sức đến kiến trúc, Art Republik/Luxuo giới thiệu đến bạn đọc 8 chân dung nhà sáng tạo tiêu biểu tại Việt Nam. Sự nghiệp cùng câu chuyện của họ đã truyền cảm hứng sâu sắc đến thệ hệ nghệ sĩ trẻ ngày nay. 

1/ Bậc thầy vẽ tranh trừu tượng: Phạm An Hải

Kể từ năm 2012, có một họa sĩ Việt Nam đều đặn xuất hiện tại mỗi kỳ mở phiên của nhà đấu giá hàng đầu thế giới Sotheby’s. Đó chính là Phạm An Hải, người họa sĩ kỳ lạ đã kiên trì theo đuổi nghiệp cầm cọ với dòng tranh trừu tượng trong suốt 30 năm. Trong cuốn sách tập hợp các nghệ sĩ tranh trừu tượng của thế giới, anh góp mặt bên cạnh những tên tuổi như P. Cézanne, Marc Chagall, S. Dali, H. Matiss. Bộ sách trừu tượng châu Á 100 năm chọn ra 20 họa sĩ tiêu biểu nhất, và Việt Nam định danh với tên Phạm An Hải.

Tranh của anh được nhiều nhà phê bình đánh giá là có màu sắc phong phú nhưng đủ độ, phơi bày cả nội lực trong màu nóng và lạnh, để đạt tới trạng thái đa sắc, mà ẩn giấu sau đó là những cảm xúc chất chồng của một người nghệ sĩ.

“Với cá nhân tôi, đây là dòng tranh mang tính hội họa nhất, cũng giống như nhạc không lời trong thế giới âm nhạc vậy. Bởi vì thực sự thì người xem sẽ quan tâm, rung động bởi chính cảm xúc, nhịp điệu của tác phẩm đem lại. Nếu như có những cái vỏ của sự vật, hiện tượng, người ta dễ bị bám theo cái vỏ ấy, mà không còn đi đến cốt lõi nữa.” – Phạm An Hải chia sẻ.

Không có những giằng xé dữ dội, không thể hiện những gào thét nội tâm hay thế giới quan khốc liệt, tranh của anh đơn giản dung hòa giữa thực – ảo, là phép cộng giữa vật thể và hình dung trong tâm tưởng, để khắc họa cảm xúc của chính mình qua từng mảng màu tương phản và nét cọ dứt khoát. Cứ thế, từ một, hai tranh của thời điểm ban đầu đến gia tài đồ sộ của hiện tại, có thể xem như anh đã đi đến tận cùng bản năng nghệ thuật của chính mình…

2/ Bậc thầy thiết kế cảnh quan: Andy Cao

Từ năm 2018, khi đặt chân lên ngọn đồi Mâm Xôi của xứ sở hoa ban Tây Bắc, người ta vẫn thường nhắc đến giấc mơ pha lê ngắn mà đẹp, ở đó có người nghệ sĩ cảnh quan đã nỗ lực hết mình để xây đắp nên một tác phẩm nghệ thuật huyền diệu giữa ngọn đồi hẻo lánh đã phần nào bị lãng quên. Anh ấy là Andy Cao, người đã biến bao giấc mộng hão huyền thành hiện thực. Từ công trình Crystal Cloud (Mây pha lê) rộng lớn 1.400 m2 ở Áo đến Vườn Thủy Tinh (Los Angeles) hay Crystal Cloud ở sân bay Jewel Changi… Ở đó, trong khi những du khách có dịp ngụp lặn vào thế giới mộng ảo, cũng là thời điểm Andy Cao rời khỏi công trình vừa xây nên của mình, để đi xây tiếp một giấc mộng nữa từ một vùng đất khác…

Anh và cộng sự Xavier trở về Việt Nam, thổi luồng gió nghệ thuật mới tại quốc gia hãy còn xem lĩnh vực này chưa quen thuộc. Đối với Andy, một tác phẩm cảnh quan thành công là người ta đến và quên đi thời gian, ngụp lặn trong thế giới đó với những mơ tưởng riêng của họ. Khoảnh khắc ấy đến như một món quà, màu nhiệm và huyền bí.

“Tôi thấy ở Việt Nam có nhiều dự án đẹp nhưng thiếu điểm nhấn. Chúng cần một âm thanh, tiếng nói và màu sắc riêng. Giấc mơ trong cuộc đời tôi là tạo ra một khu vườn Âu Cơ gồm 100 vườn ở những điểm đến “tùy duyên”. – Andy Cao chia sẻ: “Khi nói về “xa xỉ cuối cùng”, những khu vườn có thể được liệt kê vào danh sách này. Vì trên thế giới, chúng ta có thể tìm thấy người có 100 ngôi nhà, 100 khách sạn, nhưng đã bao giờ có ai sở hữu 100 khu vườn hay chưa?”

3/ Kiến trúc sư: Sơn Đặng

Kiến trúc sư Sơn Đặng tốt nghiệp thạc sĩ kiến trúc Đại học Cornell. Anh từng làm việc tại những công ty kiến trúc lớn của thế giới như OMA-New York, Carlos Zapata Studio-New York, Venturi, Scott Brown & Associates-Philadelphia, Arata Isozaki-Tokyo…., từng trải qua nhiều công trình và dự án có dấu ấn trên toàn cầu.

Kể từ khi trở về nước, kiến trúc sư chủ yếu tư vấn cho các dự án lớn, giúp chủ đầu tư tránh được những sai lầm nghiêm trọng trong việc phát triển dự án không theo chuẩn mực quốc tế và từng bước nâng tầm cách làm dự án tại Việt Nam. Với hiểu biết của người chuyên tư vấn dự án, kiến trúc sư Sơn Đặng đã góp sức vào các chiến dịch bảo vệ những cánh rừng quốc gia tại Tam Đảo, Sơn Đoòng, Cát Bà, Phú Quốc. Anh để lại dấu ấn khi thành công trong chiến dịch không cho xây dựng cáp treo băng qua Vườn Quốc gia Cát Bà.

Gần đây nhất, kiến trúc sư Sơn Đặng đã giúp Khu bảo tồn Biển Hòn Cau tiến hành dự án ngôi nhà cho rùa biển Thạch Tạ Hòn Cau, công trình vừa là mái nhà cho cán bộ và tình nguyện viên bảo tồn rùa biển vừa là một nơi chốn hết sức đặc biệt để kết nối con người với thiên nhiên.

4/ Nữ họa sĩ chuyên sơn mài: Hiền Nguyễn

Trong lĩnh vực sơn mài, không thể không nhắc đến “nữ tướng” Hiền Nguyễn. Hành trình mân mê nghiên cứu tìm tòi và sáng tạo trong chất liệu này đã cho phép chị được sống chậm thật chậm để có thể hiểu sâu hơn về chính con người mình.

Nữ họa sĩ luôn có ham muốn làm mới mình với chất liệu sơn mài truyền thống. Năm 2019, chị đã thử nghiệm vẽ chất liệu sơn mài trên toan. Ngoài tinh thần, ý tưởng sáng tạo, cảm xúc, năng lực thẩm mỹ, thử nghiệm phải mang đặc trưng của chất liệu, thông qua kỹ thuật chất liệu.

Sáng tạo khởi đi từ tri giác: mắt thấy, tai nghe rồi được ghi nhớ. Trí nhớ sẽ dẫn đến liên tưởng, sự liên tưởng lấy cảm hứng làm xúc tác mà tạo ra tác phẩm. Bản chất của cảm xúc không phải là ý thích, ý muốn hay ý định thể hiện mà là phản xạ của tâm thức trước một đối tượng hữu hình hay vô hình.

Với chị, việc chất vấn các yếu tố trong đời sống, chất vấn về bản chất nghệ thuật, trải nghiệm bản thân sẽ là “mồi lửa” cho những ý tưởng sáng tạo. Đó cũng chính là thành quả của một chuỗi tư duy và được miêu tả qua tác phẩm. Không có một sự ngẫu hứng hay ngẫu nhiên nào cả.

5/ Bậc thầy digital art: Phan Vũ Linh

Trong lĩnh vực digital art, Phan Vũ Linh là một trong những người tiên phong tại Việt Nam. Anh theo đuổi và thực hành hết mình để tạo ra những tác phẩm vừa mang tính mỹ thuật vừa phục vụ nhu cầu của cộng đồng.

Sau du học từ Mỹ về, anh nhận ra digital art còn có thể ứng dụng rộng rãi và sâu sắc hơn nữa. Thay vì làm những bức tượng thủ công thì bây giờ, chúng ta có thể thực hiện trên máy hoàn toàn và dễ dàng. Thời gian rút ngắn lại chỉ còn 1/3 so với vẽ tay hay nặn tay. Theo anh, xu hướng phát triển của thế giới cho thấy digital art là chất liệu bao phủ tất cả. Như bạn thấy, thị trường đã xuất hiện không ít nghệ sĩ AI. Còn tính thẩm mỹ hay vấn đề chọn chất liệu thủ công hay máy móc là do thiện cảm và cảm nhận riêng của mỗi người. Và cũng không thể phủ nhận một điều rằng đối với mỹ thuật ứng dụng, máy móc giúp chúng ta nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Anh và đội ngũ ấp ủ tạo dựng công viên chủ đề mang tính hiện đại kết hợp với truyền thống, chẳng hạn như công viên giáo dục cho trẻ em. Ngoài ra, việc tham gia thực hiện một bộ phim khoa học viễn tưởng giúp thỏa chí sáng tạo của những người theo đuổi digital art như anh.

6/ Họa sĩ vẽ tranh siêu thực: Vũ Mười

Khi hội họa siêu thực đã kén nghệ sĩ Việt Nam chọn và giới sưu tập cũng chưa thực sự mở lòng, họa sĩ Vũ Mười vẫn tự tin chọn đi theo sở thích và cá tính của mình. Anh tâm niệm, đi mãi thì sẽ thành đường.

Vũ Mười yêu thích hội họa siêu thực và bắt đầu theo đuổi trường phái này kể từ khi còn là sinh viên. “Ở giai đoạn này, nói tranh của Vũ Mười đậm chất siêu thực cũng đúng nhưng để đạt đến độ siêu thực mong muốn, tôi cần thêm thời gian, và đó cũng là đích đến trong nghệ thuật của cá nhân mình.” Thông thường, suy niệm của anh xoay quanh chủ đề tình yêu cuộc sống, thời gian và âm nhạc. Những yếu tố này trở thành “nàng thơ” trong bức họa của Vũ Mười từ lúc nào không hay.

Trong các sáng tác của mình, họa sĩ thường sử dụng gam màu nóng chủ đạo, đặc biệt là sắc đỏ và vàng. Màu đỏ xuất hiện hầu hết các tác phẩm của anh. Nó luôn mang đến cái nhìn ấn tượng và có khi là ma mị. Các hình ảnh thường xuyên xuất hiện trong tranh của anh là âm nhạc, thời gian, đồng hồ, rừng cây khô, tổ chim hay cô gái mặc váy đỏ…

7/ Điêu khắc gia theo xu hướng sản phẩm bền vững: Trần Thiện Nhứt

Là một điêu khắc gia tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Tp. HCM vào năm 2008, Trần Thiện Nhứt có con tim giàu lòng trắc ẩn trước vẻ đẹp nguyên sơ và bất tận của thiên nhiên. Trần Thiện Nhứt quyết tâm nghiên cứu chất liệu thay thế vừa thân thiện với môi trường vừa an toàn cho sức khỏe  và tinh thần con người. Và thế, những nội thất bằng chất liệu thay thế carton ra đời.

Anh tìm kiếm giấy tái chế từ các nguồn như ve chai, xưởng công nghiệp làm giấy, hộ gia đình, thùng rác,… sau đó xay và đánh nhuyễn rồi dùng keo sạch lên khung.  Như chiếc bàn và chiếc ghế này, thoạt đầu, hầu hết mọi người chưa biết đều bị đánh lừa thị giác vì cứ tưởng là bàn ghế đá. Nhưng chúng được làm từ carton. Chỉ có một số chi tiết nhỏ (như chân bàn, chân ghế nhỏ) bắt buộc phải luồn thêm sắt bên trong, còn lại chúng tôi sử dụng cốt giấy. Sau khi chế tác phần thô thủ công, thương hiệu Atelier Saigon (do anh sáng lập) bắt đầu quét sơn tự nhiên lên sản phẩm. Đơn vị cũng sử dụng sơn mài vì tính thẩm mỹ đặc trưng của nó.

Nội thất Atelier Saigon là sự kết hợp giữa điêu khắc và ứng dụng để trở thành sản phẩm tiêu dùng trong gia đình. Khoảng 3 năm trước, anh liều mạng đầu tư một container nội thất sang Âu châu và đấu giá ở Drouot Auction House. Thật bất ngờ, ở đây, người ta chú trọng về giá trị bền vững và thẩm mỹ độc đáo nên chuyến đi đó trở về khá thành công. Sản phẩm nội thất Atelier Saigon có giá cao nhất lên đến 25.000 euro và đang được trưng bày ở một số gallery New York.

8/ NTK trang sức: Nga Dương

Nga Dương là nữ chủ nhân đầy cá tính của Bảo tàng Nghệ thuật đá quý GAM (Gemstones Art Museum), đồng thời là người sở hữu thương hiệu trang sức “Duong Jewelry & Objects”. GAM và nhãn hiệu trang sức Duong Jewelry & Objects là hai dự án hoàn toàn khác, nhưng có chút liên quan. Duong Jewelry & Objects sử dụng nguồn đá quý từ bộ sưu tập của GAM và có flagship boutique nằm trong không gian GAM, nhưng hoàn toàn tách biệt độc lập, có outlet ở các nơi khác như Lam-Sài Gòn, Tân Mỹ-Hà Nội, boutique của Amanoi Resort Việt Nam và boutique của The Chedi Muscat đặt tại Oman-Trung Đông.

Nga Dương quan tâm đến trường phái thiết kế Bắc Âu, rất mãnh liệt, hơi cực đoan nhưng luôn có tính hài hước, hóm hỉnh. Khi thiết kế, chị thấy khá khó khăn nếu phải tạo tác với những tinh thể quá vẹn toàn. Hãy cứ để thô, cắt gọt (facet) không theo quy chuẩn nào, ngay cả những tinh thể sau khi facet mà được lật ngược mặt đáy lên trên cũng rất thú vị.

“Sau khi vẽ tay các mẫu phác thảo, tôi phát triển chúng trên digital và gửi cho xưởng đất sét nặn. Các mô hình prototype của tôi được gửi về cũng giống như một tác phẩm điêu khắc, bằng đất sét màu và gắn trên các ống tròn. Từ đó các tỉ lệ, hình khối và chi tiết được hiệu chỉnh, đặc biệt là trên bộ khung đất sét đó, tôi có thể thử và thay thế nhiều viên đá quý khác nhau cho đến khi ưng ý.”


 
Back to top