ART & CULTURE

Hành trình về nguồn đầy xúc động của họa sĩ Trung Nghĩa trong triển lãm “nát giỏ còn bờ tre”

Nov 09, 2020 | By Trang Ps

Khai mạc triển lãm sắp đặt “nát giỏ còn bờ tre” của họa sĩ Trung Nghĩa đã diễn ra thành công ngoài mong đợi vào tối 7/11 vừa qua. Sự kiện thu hút nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng tham gia cùng đông đảo khán giả yêu thích nghệ thuật. Đứng trước những tác phẩm đẹp đẽ và giàu chất thơ – thành quả hơn 3 năm sáng tạo miệt mài của Nghĩa và 4 ông già đan lát, ai nấy đều xúc động vỡ òa.

Họa sĩ Trung Nghĩa cùng 3 ông thợ đan lát Sáu Nhì, Tạ Ba, Bốn Giai

Tại tầng 4, Gallery Hải Nam số 2b Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, Sài Gòn hiện đang trưng bày những tác phẩm mây tre đan của Trung Nghĩa, đánh dấu thành quả xấp xỉ 4 năm anh miệt mài làm việc cùng đội thợ đan lát ở độ tuổi gần đất xa trời ở huyện Nông Sơn, Quảng Nam, cũng là nơi chôn rau cắt rốn của họa sĩ.

Đồng tổ chức bởi Art Republik, Luxuo, Saigon Vivu, dưới sự giám tuyển của nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi,  “nát giỏ còn bờ tre” đã đưa tín đồ nghệ thuật lạc bước vào “thiên đường” giàu chất thơ với những suy niệm không ngừng về hành trình đi tìm nguồn cội và cái đẹp.

Bên cạnh những tác phẩm đi vào lòng người, sự xuất hiện của 3 ông già đan lát: Sáu Nhì, Tạ Ba, Bốn Giai (một người thợ là ông Tám Quý đã mất vào dịp Tết vừa qua) khiến cuộc thưởng lãm trở nên trọn vẹn và giàu tình cảm. Không ai có thể tưởng tượng đằng sau thân hình vốn nhỏ bé và tuổi già nhiều bệnh tật ấy là nghị lực phi thường và dấn thân đến thế. Họ từng trèo đèo, vượt suối, băng rừng, chặt tre, vuốt nan, tỉ mần tần mần từ ngày này qua ngày khác để làm nên những kiệt tác trong triển lãm này.

Họ từng trèo đèo, vượt suối, băng rừng, chặt tre, vuốt nan, tỉ mần tần mần từ ngày này qua ngày khác để làm nên những kiệt tác trong triển lãm này.

Giám tuyển Lý Đợi: “Hành trình làm tác phẩm thú vị hơn cả việc triển lãm”

Theo dõi và làm việc sát sao cùng họa sĩ Trung Nghĩa trong dự án mây tre đan này, giám tuyển kiêm nhà nghiên cứu nghệ thuật Lý Đợi chia sẻ thẳng thắn: “Trung Nghĩa đến với “nát giỏ bờ tre” từ một cảm xúc và cảm hứng nhỏ bất chợt nhưng càng làm càng nới rộng ra. Chính đó là điểm vừa thú vị vừa khó khăn; thú vị vì không bắt đầu từ một ý niệm lớn; khó khăn vì làm đến đâu nghĩ đến đó, có khi sai thì phải làm lại. Nhưng chính hành trình ấy khiến hành trình làm tác phẩm còn thú vị hơn cả việc triển lãm, bởi bản thân họa sĩ phải kết nối lại nhiều điều.

Thứ nhất, Nghĩa cũng như đa số trong thế hệ chúng ta hôm nay, bị hoàn cảnh khách quan đưa đẩy đến mất gốc, mất quê hương. Đến tuổi 40 tìm về thì anh nhận ra những điều tươi đẹp mới mẻ trong những thứ tưởng chừng lỗi thời, cũ kỹ. Thứ hai, quá trình làm việc đã khiến Trung Nghĩa mở rộng chiều kích tư duy, sáng tạo cùng tính phiêu lưu. Bởi trước đây, họa sĩ gắn mình với tranh khói lửa khá an toàn, chiều thị giác và nhiều người thích thú. Và cuối cùng, nhờ hành trình 4 năm mà sự bao dung, cảm thông bên trong Nghĩa rộng mở. Bởi anh thuộc tuýp nghệ sĩ cô độc, khó tính, giờ đây làm việc nhóm với người lớn tuổi hơn mình nên phải trau rèn tính nhún nhường và chia sẻ.

Có ba mô hình đương đại phổ biến: 1) rập khuôn quốc tế, 2) nghĩ ra điều tiên phong không giống ai và 3) lấy cảm hứng từ truyền thống. Thì thế, “nát giỏ còn bờ tre” thuộc mô hình thứ 3. Nhưng bởi khi đi, Trung Nghĩa chưa rõ bản thân sẽ đi đâu, làm gì, nên mỗi tác phẩm trong dự án không rõ ý niệm. Điều này vô hình trung đã giúp tự thân nó phô diễn được kỹ thuật mây tre truyền thống hơn là “chở đạo”, từ đó gián tiếp đưa người xem về với một nghề đang mai một và dần  biến mất. Yếu tố này đã gợi lên biết bao niềm cảm xúc tiếc thương đồng cảm cho phía khán giả, để mỗi người tự vấn những câu hỏi.

Khi nhìn từ khía cạnh này, “nát giỏ còn bờ tre” đã khiến công chúng vỡ òa nhiều điều. Tuy nhiên, với nghệ sĩ chọn hướng đi đương đại như Trung Nghĩa, áp lực lớn nhất vẫn là đầu vào và đầu ra cho tác phẩm. Những câu hỏi đặt ra tiếp theo là “bỏ nhiều tiền, không bán được, cất ở đâu, lấy gì làm tiếp”. Giả dụ có kho cất thì còn động lực làm tiếp nữa không? Các nghệ thuật đương đại như sắp đặt, trình diễn, ý niệm… khi sinh ra thì mục đích lớn nhất là chống lại sự sở hữu, sưu tập, vì thế mà tính ảo giác rất lớn.”

Nhà nghiên cứu nghệ thuật Ngô-Kim Khôi

Trong khi đó, nhà nghiên cứu nghệ thuật Ngô-Kim Khôi cho rằng “nát giỏ còn bờ tre” đã làm được một điều rất đáng quý là chuyên chở vẻ đẹp thơ ca mơ mộng trong một thứ chất liệu vốn dĩ thô cứng, để rồi, bất cứ ai tham quan không gian triển lãm đều phải thốt lên vỡ òa vì không tưởng tượng được rằng khi bước vào nghệ thuật, mây tre lại mềm mại và ảo diệu đến thế.

Ảnh: GONU FILM

Triễn lãm “nát giỏ còn bờ tre” được đồng tổ chức bởi Art Republik, Luxuo và Saigon vivu, mở cửa tự do tại Gallery Hải An, lầu 4, số 2b Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, Tp. HCM, từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối từ ngày 08 – 14/11/2020.


 
Back to top