BUSINESS OF LUXURY

Đà phục hồi nền kinh tế Việt Nam năm 2021 – Những tín hiệu lạc quan

Feb 24, 2021 | By Ton Binh

Đại dịch năm 2020 mang đến nhiều thách thức nhưng cũng chính là cơ hội để ngành kinh tế Việt Nam có những sự thay đổi, tạo tiền đề cho sự phát triển trong năm 2021.

Theo báo cáo của Fitch Solutions, chỉ trong tháng 1 tháng đầu năm 2021, thị trường bán lẻ của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 6,4%, đây chính là mức tăng trưởng cao nhất kể từ khi đại dịch bùng nổ vào tháng 1 năm ngoái. Sự tăng trưởng này được cho là “quả ngọt” từ những chính sách kiểm soát đại dịch của chỉnh phủ. Bên cạnh đó, các chương trình khuyến mãi mạnh tay từ các trung tâm thương mại cũng góp phần vào sự tăng trưởng vào những tháng cuối năm 2020, đầu năm 2021 của ngành bán lẻ trong nước. Ngân hàng nhà nước (NHNN) cũng giảm mức lãi suất xuống còn 0,25-1% kể từ tháng 10 năm 2020 để kích thích mua sắm, tiêu dùng.

Chính những dấu hiệu này khiến các chuyên gia đưa ra những nhận định tích cực về đà phát triển của nền kinh tế Việt Năm trong năm 2021.

Ngành tiêu dùng

Ngành tiêu dùng ở Việt Nam được đánh giá sẽ có những thay đổi tích cực trong năm 2021. Nhiều chuyên gia đánh giá mức tăng trưởng cao nhất có thể lên đến 7%. Điều này cũng cho thấy quỹ đạo tăng trưởng của ngành kinh tế trong nước đang trở lại mức trung bình 6,6% trong giai đoạn 2015-2019.

Doanh số bán lẻ tại Việt Nam. Nguồn:Tổng cục thống kê, Bloomberg, Fitch Solutions

Theo dự báo của Fitch Solutions, chi tiêu cho ngành thực phẩm và đồ uống không cồn sẽ được tiếp tục được ưu tiên trong năm 2021, và sẽ duy trì mức tăng trưởng 6,6%. Trong khi đó, nếu như năm 2020, các nhóm hàng tiêu dùng khác như bán lẻ hoặc các mặt hàng không thiết yếu chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về mức tăng trưởng do các chính sách giãn cách xã hội nghiêm ngặt, thì dự đoán năm 2021 sẽ tươi sáng hơn, tuy nhiên, vẫn còn đó những lo ngại về làn sóng đại dịch tiếp theo, vì thế mức tăng trưởng sẽ ở mức trung bình thấp.

Tỉ trọng tăng trưởng ngành tiêu dùng năm 2021

Các hạng mục

2020

2021

Thức ăn và đồ uống có cồn 12.6% 6.6%
Thời trang 1.4% 12.5%
Đồ uống có cồn, thuốc lá 1.4% 12.8%
Nội thất 1.9% 12.5%
Văn hoá 1.2% 13.6%
Nhà hàng, khách sạn 1.2% 13.1%

Các phiên bản rượu giới hạn của Johnnie Walker được ra mắt dịp cuối năm 2020

Các biện pháp kích thích của chính phủ đã góp phần bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và nền kinh tế trong năm 2020. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp trung bình đã tăng nhẹ, ước tính 2,5%. Fitch Solutions dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ quay trở lại mức trước Covid-19, giảm xuống mức trung bình 2,2% cho năm 2021. Trong khi lạm phát được dự báo sẽ tăng nhẹ 3,5% vào năm 2021, từ mức ước tính 3,2% vào năm 2020.

Xa xỉ phẩm

Đại dịch bùng nổ trong năm 2020 dường như mang đến một cơ hội lớn cho ngành xa xỉ phẩm của Việt Nam. Khi ngành hàng không, du lịch bị đóng băng trong suốt thời gian qua, khách hàng thượng lưu, những người vẫn ra nước ngoài để mua sắm xa xỉ phẩm, đã phải thay đổi thói quen tiêu tiền của mình. Điều này chính là một động lực lớn để các nhãn hàng xúc tiến nhanh chóng việc quá trình thâm nhập thị trường Việt Nam. Bằng chứng là mới mới đây, hai thương hiệu hàng đầu của LVMH là Louis Vuitton và Christian Dior đã hiện diện tại khu vực Tràng Tiền.

Cửa hàng Louis Vuitton Tràng Tiền

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, và bà Hoàng Diệu Trang, quản lý cao cấp bộ phận cho thuê thương mại của Savills Hà Nội, cho biết bắt đầu quá trình nghiên cứu và tư vấn tìm kiếm mặt bằng cho hai cửa hàng này từ tháng 12.2018 cho tới tháng 4.2020. “Thị trường xa xỉ phẩm tại Việt Nam vẫn khá ổn định với nhu cầu nội địa được ghi nhận không sụt giảm quá nhiều, dù lượng khách du lịch quốc tế suy giảm. Các nhà bán lẻ vẫn giữ nhu cầu mạnh mẽ đối với các mặt bằng cao cấp, tại các vị trí đắc địa. Song đi kèm với đó là áp lực về giá thuê ngày càng tăng”, báo cáo của Savills nhận định.

Theo tính toán của Công ty nghiên cứu thị trường Statista, dung lượng thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam đạt khoảng 974 triệu USD trong năm 2020, giảm 6% so với năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu đến từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhưng sự hồi phục được dự báo sẽ diễn ra nhanh chóng và tăng trở lại hơn 17% trong năm 2021. Statista tin rằng tăng trưởng kép hằng năm của Việt Nam sẽ đạt hơn 9% trong vòng 5 năm tới. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu bán hàng xa xỉ là đồ da cao cấp, gần 30%. Kế đến là hàng thời trang, chiếm hơn 25%; đồng hồ và trang sức chiếm 21% và khoảng 24% còn lại là nước hoa, mỹ phẩm và kính mắt.

Bên cạnh ngành thời trang, một trong những xa xỉ phẩm đứng trước cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021 không thể không kể đến du thuyền.

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, tại thành phố Hồ Chí Minh, tổng số cano (có sức chở dưới 12 người) của hộ gia đình, cá nhân (chưa tính của cơ quan, đơn vị) được đăng ký đang hoạt động trên địa bàn TP là 390 phương tiện.

Chỉ riêng trong năm 2020, tại TP.HCM, số lượng phương tiện thủy nội địa đăng ký mới phát sinh là 267 phương tiện, trong đó có 22 du thuyền, 28 cano (sức chở dưới 12 người).

Theo đánh giá của đại diện Sở Giao thông Vận tải, việc neo đậu để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trên đường thủy nội địa thời gian tới là rất lớn, các khu vực neo đậu là vùng tiếp giáp vị trí khu đất thuộc quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân đang sinh sống trong khu vực. Đây chính là bàn đạp để các đơn vị phân phối, cho thuê du thuyền ở trong nước tự tin mở rộng và đưa các các thương hiệu du thuyền lâu năm trên thế giới về ra mắt giới thượng lưu tại Việt Nam.


 
Back to top