BUSINESS OF LUXURY

Doanh thu của Kering trên đà phục hồi nhờ giới siêu giàu

May 18, 2023 | By Nguyen Huu Hon

Theo báo cáo của quý, doanh số bán hàng của LVMH tăng 17% lên 21,04 tỷ euro, Hermès tăng 22% trong cùng kỳ, mặc dù giá trung bình tăng 7%, đạt 10% ở một số khu vực. Dẫn đầu là Tập đoàn Kering sau một năm bê bối và tái cấu trúc hiện đang tập trung vào phân khúc thượng lưu để theo kịp đối thủ. 

Tập đoàn xa xỉ của Pháp sở hữu các thương hiệu như Gucci, Balenciaga, Saint Laurent và Bottega Veneta đã báo cáo rằng doanh số bán hàng quý đầu tiên chỉ tăng 2% trên doanh thu 5,08 tỷ euro, với sự sụt giảm ở Bắc Mỹ và phục hồi dần dần ở Trung Quốc. Đó là một mức tăng khiêm tốn sau khi tăng 2% trong quý IV. Doanh số bán hàng thuần túy của Gucci đã tăng 1% so với mức giảm 14% trong ba tháng trước đó, do bị ảnh hưởng bởi sự ra đi của Alessandro Michele và giai đoạn chuyển tiếp khi công ty chờ Stefano de Sarno tiếp quản hoàn toàn vị trí giám đốc sáng tạo vào tháng Chín tới.

Nhưng không chỉ Gucci là động lực thúc đẩy tài chính xuyên suốt của Kering, vì các thương hiệu khác của tập đoàn cũng có kết quả khác nhau: Doanh số bán hàng của Bottega Veneta không thay đổi trong quý đầu tiên, so với mức tăng 6% trong ba tháng trước đó. Doanh thu của Saint Laurent tăng 8%, trong khi tình hình tại Balenciaga phức tạp hơn nhiều sau vụ bê bối vào tháng Mười một năm ngoái. Đối với thương hiệu dưới sự chỉ đạo sáng tạo của Demna, doanh thu tiếp tục giảm 9% sau khi giảm 4% trong quý IV, chủ yếu ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Trung Đông.

Bắt kịp xu hướng, các thương hiệu trang sức của Kering, bao gồm Boucheron và Qeelin, đã đạt mức tăng trưởng hai con số trong quý và thương hiệu trang phục nam Brioni có doanh thu ấn tượng, thể hiện rõ tầm quan trọng của khách hàng cao cấp. Trong một thông cáo do WWD đưa ra, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành François-Henri Pinault cho biết, kết quả quý đầu tiên của Kering không đạt như mong đợi: “Khi chúng tôi cố tăng sức hấp dẫn cho các thương hiệu và nâng cao vị thế của chúng tại các thị trường trọng điểm, những cải thiện về doanh số dần dần qua mỗi tháng đã đem lại tín hiệu tích cực cho cả tập đoàn.”

Trọng tâm chiến lược của Kering vẫn là nâng cao thương hiệu Gucci thông qua các sáng kiến kinh doanh như khai trương salon làm đẹp, các không gian cố định và tạm thời phục vụ những khách hàng đặc biệt nhất có thể đặt mua hành lý, đồ da cao cấp, đồ nội thất và trang sức bespoke với mức giá từ khoảng 40.000 € đến 3 triệu €, và các sáng kiến nhằm tăng cường sức ảnh hưởng của thương hiệu tại thị trường Trung Quốc với việc khai mạc Gucci Cosmos Show ở Thượng Hải.

Salon dành cho giới siêu giàu của Gucci

Một trong những bước tiến đáng kể của Gucci là salon cực kỳ cao cấp đầu tiên được khai trương vào tháng này tại Los Angeles, hoàn chỉnh với những bộ trang phục thảm đỏ cáu cạnh. Trong một cuộc họp qua điện thoại với các nhà phân tích, Jean-Marc Duplaix, Giám đốc tài chính của Kering cho biết buổi ra mắt là một “thành công lớn” vì đã giúp thu hút những khách hàng Mỹ giàu có: “Khái niệm salon tương tự như đồ trang sức cao cấp. Chúng tôi biết đó không phải là giải pháp hiệu quả đóng góp vào doanh số bán hàng trong thời gian ngắn. Nhưng về mặt hình ảnh, vốn dành cho đối tượng khách hàng trọng điểm đồng thời là đại sứ thương hiệu thì việc đầu tư cho lĩnh vực này là vô cùng cần thiết.”

Vì thương hiệu Ý đang trong thời kỳ thay đổi, Kering ‘rất khiêm tốn’ về tham vọng của mình cho năm 2023. Duplaix chia sẻ: “Công việc chúng tôi đang làm tại Gucci là một hành trình, không phải một cuộc đua và chúng tôi không kỳ vọng nó sẽ đơm hoa kết trái trong thời gian ngắn. Nhưng chúng tôi rất được khuyến khích bởi những tiến bộ mà chúng tôi đã đạt được cho đến nay, cam kết của tất cả các nhóm và phản ứng của thị trường.”

Thực hiện: Bảo Long
Theo NSS Magazine


 
Back to top