BUSINESS OF LUXURY

Giáo dục và trò chơi trực tuyến phát triển mạnh giữa đại dịch Covid-19

Mar 13, 2020 | By Stephanie Nguyen

Chuyên gia nghiên cứu Rupert Hoogewerf vừa công bố danh sách Hurun Global Rich List 2020. Số liệu cho thấy ngay cả khi thế giới đang lo ngại vì vấn đề đại dịch, vẫn có những cá nhân vô cùng lạc quan và top 10 thế giới đã giàu nay lại còn giàu hơn.

Nếu điều chỉnh theo lạm phát, Rockefeller đã giàu gần gấp ba lần so với Bezos.

Theo danh sách được công bố vào ngày 27 tháng 02, thế giới xuất hiện 346 tỷ phú mới tính từ năm 2019. Bảng xếp hạng các tỷ phú đô la do Hurun Report thống kê là bức tranh tổng thể về tình hình tài chính của một số cá nhân giàu nhất thế giới, tính đến 31/01/2020. Hurun Report đã ra đời được chín năm và năm 2020 được tài trợ bởi Trung tâm quốc tế Shimao Shenkong, một công ty bất động sản ở Thâm Quyến.

“Sự bùng nổ về công nghệ và thị trường cổ phiếu Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc đã làm gia tăng số lượng các tỷ phú đến mức kỷ lục. Mỹ có 626 tỷ phú trong khi Trung Quốc, bất chấp Chiến tranh Thương mại, vẫn có thêm 182 gương mặt mới và có tổng cộng 799 tỷ phú. Trung Quốc phát triển tỷ phú mới nhanh gấp ba lần Mỹ, gia tăng khoảng cách với quốc gia này”, Chủ tịch và Giám đốc nghiên cứu của Hurun Báo, Rupert Hoogewerf, cho biết.

Theo Rupert Hoogewerf, Trung Quốc ngày nay có nhiều tỷ phú hơn cả Mỹ và Ấn Độ cộng lại. Thật vậy, sau khi giảm 9% vào năm 2019, mức độ giàu có tại Trung Quốc lại đạt mức kỷ lục mới, tăng 16% lên con số 11 nghìn tỷ USD. Nếu các tỷ phú trong Hurun Global Rich List 2020 hợp lại có thể tạo thành quốc gia lớn thứ ba trên thế giới, với tổng tài sản cao hơn GDP của bất kỳ quốc gia nào khác, ngoại trừ Mỹ và Trung Quốc. Trong số đó, top 10 tỷ phú đã nắm giữ gia tài đáng kinh ngạc – 1 nghìn tỷ USD.

Jeff Bezos vẫn là tỷ phú giàu nhất thế giới, mặc dù mất 10 tỷ USD trong cuộc ly hôn với vợ cũ MacKenzie Bezos.

Các tỷ phú thế giới có thể tạo thành quốc gia lớn thứ ba trên thế giới với tổng tài sản nhiều hơn GDP của bất kỳ quốc gia nào, ngoại trừ Mỹ và Trung Quốc.

Hurun Global Rich List 2020 đánh giá 2.816 tỷ phú, đến từ 71 quốc gia và 2.182 công ty. Năm 2019, có ​​346 tỷ phú mới gia nhập danh sách. Trong khi 1.811 tỷ phú chứng kiến giá trị tài sản ròng tăng lên thì 604 tỷ phú khác có giá trị tài sản giảm. 130 tỷ phú bị loại khỏi danh sách vì hệ quả kinh doanh bất động sản. Cuối cùng, 369 tỷ phú có số tài sản không thay đổi trong năm qua.

Bất động sản có thể là nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút lớn nhất về giá trị tài sản trong năm qua, tuy nhiên vẫn không thể phủ nhận khả năng đem lại sự giàu có đáng gờm của nó. Phân bổ theo ngành thì công nghệ là ngành tạo ra trị giá tài sản lớn nhất, với 18%, kế đến là đầu tư với 11%, bán lẻ đóng góp 9% và bất động sản chiếm 8,5%. Phân tích về mặt số lượng tỷ phú, 12,7% tỷ phú phát triển tài sản của mình dựa trên công nghệ, 9,6% tỷ phú làm giàu nhờ bất động sản, 8,7% thu lợi từ sản xuất và 8,6% phất lên từ đầu tư.

Trì Vũ Phong, chủ tịch Perfect World Investment & Holding Group.

Chuyên gia phân tích Cowen Helane Becker chia sẻ: “Mỗi ngày chúng tôi đều nghĩ rằng mình đã chạm đáy, nhưng không phải. Các báo cáo về virus tiếp tục xuất hiện khắp nơi như Croatia, Pháp, Đức, Áo, Hy Lạp và những chỗ khác nữa. Trước tình hình hiện tại, biên giới giờ chỉ còn là lằn ranh trên bản đồ. Câu hỏi đặt ra là: người ta sẽ thay đổi kế hoạch di chuyển của họ như thế nào.”

Cổ phiếu công nghệ trỗi dậy và tác động của coronavirus

Nhìn chung cho đến nay, 2020 là một năm tốt đối với thị trường chứng khoán. NASDAQ (sàn chứng khoán đánh giá cao các công ty công nghệ thông tin) dẫn đầu với mức tăng 26%. Thị trường chứng khoán Ấn Độ và Trung Quốc cũng đã chứng kiến tăng trưởng ở mức 15% và 14%. Tuy nhiên, mức tăng này cũng không thể xóa nhòa sự u ám với tương lai bùng phát của COVID-19. Chỉ số Down Jones đã giảm 1.200 điểm, theo Wall Street Journal. Tại Trung Quốc, mặc dù thị trường xảy ra việc bán tháo hàng loạt cổ phiếu giúp ngăn lỗ sau đợt Tết Nguyên đán kéo dài, chứng khoán Trung Quốc vẫn tăng mạnh trong khoảng 14% kể từ Hurun Global Rich List 2019.

Mặc dù làm đình trệ phần lớn nền kinh tế, coronavirus vẫn tạo cơ hội cho các nhà cung cấp nội dung trực tuyến về giáo dục và trò chơi. Wu Xushun, Giám đốc Interactive Entertainment có tài sản tăng tăng 29% với 2,4 tỷ USD. Trì Vũ Phong, Chủ tịch của Perfect World có tài sản tăng 17% với 5,1 tỷ USD. Lin Qi của Yoozoo chứng kiến tài sản tăng 1,2 tỷ USD, chiếm 8%. Robin Li của Baidu, công ty sở hữu nền tảng video trực tuyến iQiyi đã chứng kiến mức tăng 8%.

Bernard Arnault là tỷ phú duy nhất trong top 5 không phải người Mỹ.

Việc đóng cửa trường học cũng mang lại lợi ích cho các nhà cung cấp giáo dục trực tuyến như Chen Xiangdong của Genshuixue với 4,7 tỷ USD, người đã thấy giá cổ phiếu của mình tăng một phần ba kể từ cuối tháng 01. Zhang Bangxin của TAL Education là người dẫn đầu thị trường với mức tăng giá trị là 10,4 tỷ USD.

Các công ty dược phẩm, đặc biệt là công ty chuyên về vắc-xin cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Danh sách bao gồm An Kang của Hualan Biological Engineering với doanh thu 4.2 tỷ USD, tăng 23%; Du Weimin của Biokangtai với doanh thu 4,7 tỷ USD, tăng 15% và Jiang Rensheng của Zhifei Biological Products với doanh thu 8,8 tỷ USD, tăng 8%.

Các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch cúm bao gồm những công ty về khách sạn và du lịch. Cụ thể những cái tên chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong Global Rich List là Zhang Yong của thương hiệu nhà hàng Haidilao bị giảm giá trị 12%, Wang Xing của nền tảng giao hàng Meituan-Dianping giảm giá trị 15%.

Sẽ thế nào nếu bạn đóng vai trò cả nhà sản xuất lẫn người mua lớn nhất thế giới?

Đó là điều đang xảy ra với Trung Quốc. Quốc gia này đang dẫn đầu danh sách Global Rich List 2020 với 182 tỷ phú mới, tiếp theo mới là Mỹ và Ấn Độ với 59 và 44 tỷ phú mới. Trong danh sách 182 tỷ phú mới này, 74 người làm giàu nhờ công nghệ, 52 người đi lên từ sản xuất, 41 người phát triển nhờ bất động sản, 43 người kinh doanh dược phẩm, 30 người bán lẻ và 30 người kinh doanh F&B. Trong số 79 tỷ phú phát triển nhanh nhất, sở hữu từ 5 tỷ USD trở lên tài sản ròng trong năm qua, Trung Quốc dẫn đầu với con số 25, Mỹ theo sau với 10 tỷ phú, Pháp sở hữu 5 đại gia và Ấn Độ đóng góp 4 người vào danh sách.

Tuy nhiên, nếu xét top 10 thì 7 trong số đó là tỷ phú Hoa Kỳ. Nổi bật trong danh sách là Steve Ballmer, Armancio Ortega và Bernard Arnault với khối lượng tài sản cá nhân tối thiểu 20 tỷ USD. Top 10 đóng góp 140 tỷ USD tài sản trong năm qua và tổng trị giá tài sản hiện tại của họ là 961 tỷ USD, chiếm 9% tài sản của danh sách Hurun Global Rich List 2020.

Cuộc ly hôn của Jeff Bezos và vợ cũ khiến tài sản của Bezos mất đi 10 tỷ USD.

1/ Jeff Bezos, CEO Amazon là người giữ vị trí đầu bảng của Hurun Global Rich List 2020 với 140 tỷ USD, giảm 7 tỷ USD chủ yếu sau thỏa thuận ly hôn với vợ cũ MacKenzie Bezos.

2/ Bernard Arnault, CEO LVMH tỷ phú duy nhất trong top 5 không phải người Mỹ. Ông đã tăng hai bậc lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng với giá trị tài sản tăng 21 tỷ USD năm ngoái, đóng góp vào tổng tài sản 107 tỷ USD.

3/ Bill Gates tụt xuống vị trí thứ ba với 106 tỷ USD. Tài sản của ông tăng thêm 10 tỷ USD trong năm qua.

4/ Warren Buffett giảm một bậc xuống vị trí thứ tư với 102 tỷ USD. Tài sản của ông tăng 14 tỷ USD, tương đương với 16% trong năm qua.

5/ Mark Zuckerberg là tỷ phú trẻ nhất trong danh sách với số tuổi là 35. Với 4 tỷ USD tài sản tăng thêm, anh nắm giữ vị trí thứ năm với tổng tài sản 84 tỷ USD.

6/ Amancio Ortega, chủ sở hữu của Zara, đã tăng một bậc lên vị trí thứ sáu nhờ vào mức tăng khổng lồ 25 tỷ USD trong năm qua, khiến tổng tài sản anh sở hữu là 81 tỷ USD. Tadashi Yanai ở độ tuổi 70 tuổi lần đầu tiên vào top 100 với mức tăng 40%. Ông là chủ sở hữu công ty Fast Retailing sở hữu thương hiệu bán lẻ quần áo Uniqlo. 

7/ Carlos Slim Helu, một cổ đông quan trọng của Thời báo New York và tập đoàn tài chính Citigroup, đã bị giảm một bậc xuống vị trí thứ bảy với 72 tỷ USD.

8/ Sergey Brin và Larry Page, đồng sáng lập Google, đều lọt Top 10 lần thứ hai, với giá trị tài sản đều tăng 26%, lần lượt chạm mốc 68 tỷ USD và 67 tỷ USD.

9/ Mukesh Ambani của Reliance đã duy trì vị trí Top 10 lần thứ hai sau khi thêm 13 tỷ USD vào tổng tài sản trị giá 67 tỷ USD.

10/ Steve Ballmer của Microsoft là người chiến thắng lớn nhất trong danh sách năm nay nhờ vào sự tăng giá cổ phiếu Microsoft với mức vượt quá 1 nghìn tỷ USD. Microsoft một lần nữa trở thành công ty có giá trị nhất thế giới.

Cuối cùng thì, thực chất thế giới đang có bao nhiêu tỷ phú?

Hoogewerf giả định: “Nếu với mỗi người trong danh sách được tìm thấy, chúng tôi đang bỏ sót một người nào khác ngoài kia, hoặc hơn, thì thế giới đang có khoảng 6.500 tỷ phú, tăng 500 so với năm ngoái. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng con số thực sự còn nhiều hơn thế. Điển hình, chúng tôi ghi nhận có 626 tỷ phú ở Mỹ, vậy nên con số thực có lẽ là 1.500, ít nhất phải gấp đôi. Ở Trung Quốc, danh sách chúng tôi có 800 người nhưng thực tế có lẽ phải gần 2.000.”


 
Back to top