BUSINESS OF LUXURY

Khi nhà giàu Trung Quốc cho con gái học làm tiểu thơ

Mar 01, 2020 | By Stephanie Nguyen

Trung Quốc đang chứng kiến xu hướng mới khi hàng loạt triệu phú trẻ đổ xô đến Anh, Pháp để học các lễ nghi và phép tắc trong cư xử, đặc biệt là những tiểu thư muốn trở nên thanh lịch, tinh tế và đĩnh đạc để bước ra thế giới.

Năm 2013, nữ doanh nhân Hồng Kông, cô Sarah Jane Ho (đứng trong hình) đã thành lập Sarita Institute tại Bắc Kinh và Thượng Hải để giáo dục phụ nữ Trung Quốc mọi nghi thức phương Tây, từ quy tắc ăn uống đến cách chải chuốt.

Khi Guillaume Rué de Bernadac sáng lập trường Academie de Bernadac để dạy phép xã giao của người Pháp cho các quý cô Thượng Hải vào năm 2014, bài học mà các học viên cảm thấy khó nhất lúc bấy giờ là cách tạo dáng chụp ảnh. 

Cách tạo dáng do trường Academie de Bernadac chỉ dạy khác hoàn toàn với phong cách bình thường của người châu Á. Đó là phong cách xuất hiện trên thảm đỏ, với các cử chỉ tay và điệu bộ khuôn mặt được điều chỉnh kĩ càng. Bernadac, người đã trở thành chuyên gia savoir-vivre nổi tiếng nhất Trung Quốc cho hay: “Mỗi khi kết thúc một lớp học, các học viên thường sẽ tạo dáng theo kiểu ‘dễ thương’ để chụp hình. Vì vậy, giờ đây trường dạy cả hai trường phái: chụp hình theo phong cách Tây và Đông.”

Guillaume Rué de Bernadac đang trong lớp phổ biến về nghi thức bên bàn ăn.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của các trường lễ nghi như bây giờ, không ai có thể nghĩ rằng vài thập kỷ trước, các trường học như thế này ở Trung Quốc đã từng bị tẩy chay và đối xử như một loại mốt nhất thời. Ngày nay, chúng bắt đầu trở thành xu hướng mạnh mẽ trong giới thượng lưu Trung Quốc, cho thấy mong muốn và sự sẵn sàng thích nghi với toàn cầu của người dân. Sinh sống ở một quốc gia là siêu cường kinh tế thế giới, công dân Trung Quốc cần phải giao thiệp nhiều hơn bao giờ hết,và các trường dạy lễ nghi, nơi chỉ dạy từng chi tiết nhỏ từ cách cắt một quả chuối đến cách cầm tách trà, trở thành nhu cầu hiển nhiên.

Sara Jane Ho đã theo học tại Học viện Villautrefrefeu, trường dạy nghi lễ truyền thống cuối cùng tại Thụy Sĩ và tốt nghiệp Trường Kinh doanh Harvard ở Hoa Kỳ.

Theo Viện nghiên cứu du lịch nước ngoài Trung Quốc, các chuyến đi nước ngoài của người dân Trung Quốc đã tăng từ 10,5 triệu vào năm 2000 lên 57,4 triệu vào năm 2010 và 149,7 triệu năm 2018. Sự tăng vọt này dẫn đến một vài hệ quả không hay về khách du lịch Trung Quốc, với hàng loạt bài báo viết về hành vi không phù hợp của họ khi đi ra nước ngoài, chẳng hạn như ném đồng xu vào động cơ máy bay để cầu may, nhảy vào chuồng thú trong công viên hoang dã hay xả rác bừa bãi.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của các trường lễ nghi như bây giờ, không ai có thể nghĩ rằng vài thập kỷ trước, các trường học như thế này ở Trung Quốc đã từng bị tẩy chay và đối xử như một loại mốt nhất thời. Ngày nay, chúng bắt đầu trở thành xu hướng mạnh mẽ trong giới thượng lưu Trung Quốc, cho thấy mong muốn và sự sẵn sàng thích nghi với toàn cầu của người dân.

Sarita Institute là một trường dạy về cách thức và lễ nghi ứng xử khác, được nữ doanh nhân Hồng Kông, Sara Jane Ho, thành lập tại Bắc Kinh năm 2013. Sarita Institute là một trong những ngôi trường tiên phong trong giảng dạy nghi thức phương Tây tại Trung Quốc. Năm 2015, Sarita Institute mở chi nhánh thứ hai tại Thượng Hải. Học phí để theo học ở đây có thể lên đến 14.281 USD cho khóa học hostess 12 ngày, một trong những khóa phổ biến nhất ở đây. 

“Đây không phải nhu cầu phù phiếm. Các nghi thức ứng xử này thật sự rất thực tế. Đó là việc học cách làm sao để bản thân thoải mái và tạo sự thoải mái cho những người xung quanh. Đó còn là việc học cách ứng xử tinh tế ngay cả khi rơi vào những hoàn cảnh khó xử nhất.”, cô Sara Jane Ho, người đã theo học tại Học viện Villautrefrefeu, trường dạy nghi lễ truyền thống cuối cùng tại Thụy Sĩ và tốt nghiệp Trường Kinh doanh Harvard ở Hoa Kỳ, cho biết.

Ông de Bernadac cũng đồng ý với cô Sara Jane Ho. Sinh ra trong gia đình người Pháp với ông cố là gia sư riêng cho các thành viên của hoàng gia Ma-rốc, triều đại Mohammed V, những phép cư xử thượng lưu đã ngấm vào máu của ông. “Nói một cách đơn giản, chúng tôi dạy các cô gái cách thể hiện bản thân tốt nhất trong mọi hoàn cảnh”, Bernadac nói. 

Ông de Bernadac, cho biết các lớp học về cách cư xử như đi đứng thanh lịch, là một trong những lớp phổ biến nhất của trường.

Tại Academie de Bernadac, 90% người đăng ký lớp học là phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 50, sống ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến. Họ đều là những người đi nước ngoài thường xuyên và muốn học cách cư xử nhã nhặn để được tôn trọng khi ở ngoại quốc. Họ muốn trở thành những đại sứ quốc gia.

“Đây không phải nhu cầu phù phiếm. Các nghi thức ứng xử này thật sự rất thực tế. Đó là việc học cách làm sao để bản thân thoải mái và tạo sự thoải mái cho những người xung quanh. Đó còn là việc học cách ứng xử tinh tế ngay cả khi rơi vào những hoàn cảnh khó xử nhất”, Sara Jane Ho.

Quy tắc ứng xử trong ăn uống là một trong những bài học cơ bản nhất khi bắt đầu học về quy tắc lễ nghĩa. Các khóa học phổ biến nhất tại Academie de Bernadac bao gồm lớp “Divine Deportmant” dạy cách thể hiện bản thân (trị giá khoảng 1.000 USD/ 3 ngày), và lớp “Elegantly Outstanding” dạy về giao tiếp xã hội và các nguyên tắc trong ăn uống (trị giá 556 USD/ ngày).

Những bài học nghi thức kiểu phương Tây đang ngày càng trở nên phổ biến đối với thế hệ trẻ thượng lưu tại Trung Quốc. Hình minh họa: Bea Crespo@illustrationroom.com

Bên cạnh phân khúc dành cho cá nhân (B2C), trường học lễ nghi cũng tổ chức các lớp lớn dành cho khách hàng VIP của doanh nghiệp, gọi là B2B2C. Cô Sara Jane Ho chia sẻ rằng Sarita Institute của cô phục vụ hàng loạt những thương hiệu lớn. Hermès đã thuê cô dạy lễ nghi phương Tây cho 20 khách hàng thường xuyên và lớn nhất của họ tại cửa hàng ở Hàng Châu.

Theo Shaun Rein, người sáng lập công ty tư vấn China Market Research, xu hướng tiêu dùng xa xỉ của người Trung Quốc đang ngày càng trở nên có chọn lọc. Việc sử dụng hàng giả để khoe mẽ phát triển mạnh mẽ 15 năm trước, nay đã nhường chỗ cho thị hiếu tinh tế và tinh thần quý trọng giá trị nguyên bản lên ngôi. Rein bình luận: “Sắm một chiếc túi Chanel rất dễ, nhưng để thể hiện đúng thần thái của nó thì không phải ai cũng làm được. Trong vài năm trở lại đây, khách hàng Trung Quốc bắt đầu quan tâm đến các phép ứng xử. Một người nông dân hay công nhân có thể trở nên giàu có bởi khả năng kinh doanh, nhưng nếu anh ta không biết cách cư xử thanh lịch thì anh ta vẫn bị coi thường. Và đó chắc chắn là điều anh không muốn truyền lại cho con cái mình.”

Các lớp học trực tuyến cũng bắt đầu nở rộ. Hình minh họa: Bea Crespo@illustrationroom.com

Một kênh khác để đào tạo lễ nghi là B2B. Các khách sạn năm sao và các thương hiệu xa xỉ từ Gucci, Givenchy, Cartier đến Ritz-Carlton, Waldorf Astoria, InterContinental và St Regis, đã thuê ông de Bernadac đào tạo cho nhân viên của họ. 

Trung Quốc ngày nay đang phát triển một hệ thống quốc gia có tên gọi Tín dụng Xã hội (Social Credit) dùng để nâng cao khả năng quản lý xã hội, cải thiện trật tự thị trường và khuyến khích hành vi đúng đắn của công dân cũng như doanh nghiệp. Hành vi gian lận và phản nguyên tắc xã hội sẽ làm giảm tổng điểm Tín dụng Xã hội, trong khi quyên góp từ thiện và làm tình nguyện sẽ làm tăng số điểm đó. De Bernadac hy vọng hệ thống này sẽ có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của anh, đặc biệt nếu những hành vi được khuyến khích bao gồm những lễ nghi cơ bản được dạy trong trường của Bernadac.

Không dừng lại ở đó, các lớp học này cũng đang tác động mạnh đến chính quyền địa phương. Chính quyền thành phố Thượng Hải vừa hợp tác với học viện de Bernadac để đào tạo cách xử lý tình huống khẩn cấp một cách khéo léo cho nhân viên bệnh viện và dạy cách cư xử đúng mực cho học sinh trong các chuyến ngoại khóa ở nước ngoài. Chương trình bao gồm 600 bài học, được dạy xuyên suốt một tháng, mỗi bài kéo dài ba giờ đồng hồ. Đó là thách thức rất lớn cho sáu người hướng dẫn. Do đó, ông Bernadac đã đề xuất ý kiến đào tạo giáo viên để họ truyền đạt lại cho học sinh. Ông nhận định: “Đây có thể là xu hướng mới trong tương lai: đào tạo nghi thức cho giáo viên trường học.”

Các lớp học hướng đến phân khúc B2C, B2B2C và B2B. Trẻ em được học cách cư xử đúng mực khi ra nước ngoài.

Nhu cầu về đào tạo nghi thức cho các sự kiện VIP đến từ các tập đoàn, công ty mỹ phẩm, thời trang và trang sức cũng rất lớn, đóng góp mức doanh thu hàng năm từ 30 đến 100% cho trường Academié de Bernadac trong suốt sáu năm hoạt động.

Các trường nghi thức khác cũng đang dần ra đời, từ trường học trong nước đến các chi nhánh đến từ phương Tây. British Etiquette Tutors ở London, Anh vừa mở văn phòng đại diện ở Bắc Kinh. Bên cạnh đó còn có các trường Stanhope Etiquette ở Thượng Hải và Học viện Chengli ở Bắc Kinh.

Các lớp học trực tuyến cũng phát triển rầm rộ. Cô Sara Jane Ho đang xây dựng những bài học lễ nghi trên WeChat. Điều này sẽ giúp các lớp học của cô vượt ra khỏi phạm vi các thành phố loại một để khai thác tiềm năng khổng lồ đến từ các thành phố loại hai, ba và bốn tại Trung Quốc. Các lớp học lễ nghi trực tuyến này sẽ là một mảng mở rộng của trường dạy lễ nghi hiện tại. Academié de Bernadac cũng sẽ bắt đầu các lớp học trực tuyến vào năm tới.

Ngược lại, số người trên thế giới quan tâm đến văn hóa Trung Quốc, từ việc học tiếng Quan Thoại đến tìm hiểu Nho giáo hay Đạo giáo, đang ngày càng tăng. Tổ chức US-China Strong Foundation tại Washington DC dự đoán số lượng người Mỹ học tiếng Quan Thoại sẽ đạt khoảng một triệu người trong năm 2020.

Sarita Institute cung cấp các khóa học trực tuyến về nghi thức kinh doanh của Trung Quốc với các chủ đề đa dạng, từ các bữa tiệc truyền thống, văn hóa chào hỏi và cách xưng hô trang trọng. De Bernadac sẽ khai giảng một khóa học vào mùa hè trị giá 556 USD/ ngày với nội dung về quy tắc trong ăn uống, kinh doanh và giao thiệp xã hội tại Trung Quốc dành cho khách hàng phương Tây đang bày tỏ quan tâm.

South China Morning Post


 
Back to top