BUSINESS OF LUXURY

Luxuo Point: Ít Shopping Mall, nay chuỗi bán lẻ Parkson Việt Nam chính thức phá sản, ông lớn Aeon “ăn nên làm ra”

Apr 30, 2023 | By Ton Binh

Sau 18 năm hoạt động, Công ty Parkson Việt Nam đã nộp đơn phá sản tự nguyện lên toà án tại TP.HCM vào ngày 28/4. 

Công ty mẹ Parkson Holdings cho biết, Parkson Việt Nam có lịch sử hoạt động thua lỗ nhiều năm, một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19. Đồng thời, việc thiếu sự hỗ trợ từ chủ sở hữu mặt bằng của Parkson Việt Nam như không giảm giá hoặc giảm giá tiền thuê không đáng kể trong thời gian giãn cách đã ảnh hưởng xấu đến tài chính của công ty.

Theo đánh giá của tập đoàn, việc tiếp tục hoạt động tại Việt Nam là điều không khả thi về mặt thương mại và xác định, việc nộp đơn phá sản sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho Parkson Việt Nam. Tuy vậy, thủ tục cần được sự chấp thuận của cơ quan quản lý tại Việt Nam.

Theo luật pháp Việt Nam, Parkson Việt Nam là đơn vị chịu toàn bộ trách nhiệm pháp lý và không liên quan đến công ty mẹ hay các thành viên khác trong hệ thống. Do đó, khả năng rủi ro tối đa của tập đoàn bán lẻ Malaysia chỉ bị giới hạn ở phần vốn góp vào Parkson Việt Nam. Trong báo cáo tài chính kiểm toán, PRA đã ghi nhận khoản lỗ đối với toàn bộ giá trị phần vốn góp vào Parkson Việt Nam.

Công ty TNHH Parkson Việt Nam được thành lập năm 2007, người đại diện là Bernandette Chong Yin Wah. Parkson Retail Asia mở trung tâm thương mại đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 6/2005 mang tên Parkson Saigon Tourist Plaza.

Thời kỳ đỉnh cao, chuỗi bán lẻ này từng có 10 trung tâm thương mại tại các khu đất vàng và được xem là tiêu chuẩn về trung tâm thương mại cao cấp tại Việt Nam.

Mặt khác, sau khi “đại gia” ngành bán lẻ một thời như Parkson dừng hoạt động, thị trường Việt Nam kỳ vọng sẽ chứng kiến sự đổ bộ, xuất hiện thêm nhiều đơn vị bán lẻ nước ngoài có tiềm lực mạnh.

Bởi trái ngược với bức tranh kinh doanh thua lỗ của Parkson, Tập đoàn bán lẻ Central Retail Corporation (CRC) vừa công bố khoản đầu tư trị giá 1,45 tỉ USD vào Việt Nam giai đoạn 2023 – 2027 khiến nhiều nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.

Một nhà bán lẻ lớn khác là Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) cũng đã có kế hoạch đến năm 2025 sẽ triển khai thêm 16 dự án tại Việt Nam, trong đó có 3 – 4 dự án tại Hà Nội, mục tiêu của Aeon là mở rộng 30 trung tâm mua sắm và siêu thị bách hóa tổng hợp vào 2030.

Kết quả cuộc khảo sát gần đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, 100% doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản tại Việt Nam đang kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng trong năm 2023. Trong đó, 80% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng mạng lưới bán lẻ trong 1 – 2 năm tới.

Theo bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương, hệ thống phân phối Việt Nam đang chiếm ưu thế với doanh nghiệp FDI cả về sự hiện diện ở các địa điểm và tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường khoảng 142 tỉ USD và dự báo tăng lên 350 tỉ USD vào năm 2025.

Mặc dù hệ thống bán lẻ Việt Nam chiếm thị phần chủ yếu là bán lẻ truyền thống nhưng nhiều chuyên gia vẫn khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng với nhà bán lẻ trong khu vực như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, bởi họ rất hiểu tâm lý người tiêu dùng nội địa. Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phải nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm, qua đó giữ vững thị phần, không bị đối thủ ngoại lấn sân.

Tổng hợp 


 
Back to top