Ngành xa xỉ và những chiến lược chiều lòng giới siêu giàu
Từ thời trang đến giải trí, ngành xa xỉ đảm bảo những khách hàng sộp nhất đang hài lòng với thương hiệu. Và nỗ lực đó không chỉ nằm ở chất lượng hay giá thành sản phẩm.
Khi đại dịch bắt đầu, tầng lớp trung lưu không phải chi trả thêm cho việc đi lại cũng như một số các tiện ích cần thiết cho công việc. Họ dư dả hơn, sẵn sàng trả thêm cho những món đồ đắt tiền, dẫn đến doanh thu đột biến trong ngành xa xỉ. Tuy báo hiệu tình hình khả quan, điều này khiến thương hiệu cao cấp mất đi tính độc quyền vốn là tài sản vô hình lớn nhất.
Trước khi khách hàng cảm thấy cần trải nghiệm mới lạ, các thương hiệu đã bắt tay vào công cuộc giữ chân nhóm khách hàng thân thiết thuộc giới siêu giàu.
Cửa hàng độc quyền
Gần đây nhất, nhà mốt Pháp Chanel đạt mức doanh thu ấn tượng, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt tổng cộng 15,6 tỷ USD. Sau thành công này, Chanel thông báo về kế hoạch mở các cửa hàng độc quyền ở châu Á để phục vụ những khách hàng thân thiết đã luôn trung thành với thương hiệu. Điều kiện để ghi danh vào danh sách này? Bạn phải chi ít nhất vài chục nghìn USD trở lên tại cửa hàng Chanel!
“Mối bận tâm lớn nhất của chúng tôi là bảo vệ khách hàng, đặc biệt là những khách hàng quen thuộc. Chúng tôi sẽ đầu tư vào các cửa hàng được bảo vệ cẩn thận để phục vụ họ theo cách rất riêng.” Giám đốc tài chính của CHANEL, ông Philippe Blondiaux cho biết.
Các cửa hàng tư nhân này dự kiến sẽ mở cửa từ đầu năm 2023. Chanel đang gấp rút tuyển dụng hơn 3.500 nhân viên và cộng tác viên bán hàng mới để phục vụ cho việc mở rộng này. Bên cạnh đó, giá thành của những thiết kế túi xách Chanel đã tăng 71% so với thời điểm trước dịch. Trong khi giá túi xách toàn cầu của Louis Vuitton chỉ tăng khoảng 6-7%.
Sự kiện riêng tư
Đúng như tên gọi, những sự kiện riêng tư không bao giờ xuất hiện trên mặt báo nhưng lại là “vũ khí bí mật” để các nhãn hàng chuyện trò thân tình với những khách hàng thân thiết nhất. Đây có thể là một buổi tiệc rượu thân mật, buổi ra mắt sản phẩm số lượng giới hạn, hay trong trường hợp của Cartier, một buổi chiếu phim trực tuyến.
Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành thành phố New York vào năm 2020, một số khách hàng quan trọng nhất của Cartier nhận được thiệp mời, bao gồm cả mật khẩu để tham gia một buổi chiếu phim online. Được biết, sự kiện hội tụ biên kịch, đạo diễn, diễn viên hàng đầu nước Mỹ, nhưng tất cả đều giấu tên. Khách mời không được phép chia sẻ bất cứ nội dung nào liên quan đến sự kiện lên mạng xã hội. “Riêng tư” trở về với đúng định nghĩa của nó, ngay trong thời đại của Facebook và Instagram.
Cartier đánh giá sự kiện thành công vì khách hàng không chỉ hỏi mua những món đồ xuất hiện trong buổi chiếu mà còn gia tăng sự gắn bó, trung thành với thương hiệu. Đến nay, mọi ý niệm về sự kiện chỉ được truyền tai trong những buổi tiệc cũng riêng tư không kém, như một bí mật mà chỉ những người được chọn mới có thể chia sẻ với nhau.
Giá trị thật trong vũ trụ ảo
Trong vũ trụ metaverse còn quá mới mẻ, sự tham gia của các nhãn hàng cảm giác như động thái thử nghiệm hơn là một bước đi chiến lược được nghiên cứu kỹ lưỡng. Hàng hà sa số những dự án với vật phẩm kỹ thuật số NFT đã ra mắt, nhưng có lẽ thương hiệu rượu Dictador Rum đang dẫn đầu cuộc đua.
Viết tắt từ cụm “decentralized autonomous organization” (Tạm dịch: Tổ chức tự trị phi tập trung), DAO là cộng đồng những người yêu thích Dictador Rum, kết nối bằng nền tảng số. Là thành viên của DAO, bạn có quyền sở hữu một phần kho rượu xa xỉ hiếm nhất và có giá trị nhất thế giới với những chai rượu đã có tuổi đời hàng thập kỷ.
Vật phẩm NFT được sử dụng như một tấm thẻ hội viên với mức phí lên đến 1 triệu USD tùy vào tư cách tham gia. Chủ nhân của NFT có quyền bỏ phiếu quyết định cho kho sản phẩm trong thế giới thật của thương hiệu. Với bản chất là rượu, kho tàng này chỉ có thể đặc biệt hơn, hiếm có hơn qua mỗi năm. Bên cạnh đó, mỗi NFT của DAO là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, được cá nhân hóa theo bản đồ thành phố của chủ sở hữu.
Là một bài học cho toàn ngành xa xỉ trong metaverse, DAO cung cấp quyền truy cập vào một cộng đồng độc quyền, có cùng chí hướng gồm các chuyên gia, nhà đầu tư và nhà sưu tập trên toàn thế giới, tách rời và đẩy cao giá trị của sản phẩm cùng thương hiệu khỏi thị trường đại chúng. Sự kết hợp giữa nghệ thuật, dòng tiền và giá trị cộng đồng tạo nên điểm đặc biệt cho DAO so với hầu hết các dự án metaverse khác. DAO càng có giá hơn khi Dictador tận dụng mối liên hệ với nghệ thuật và kỹ thuật số để tạo nên những vật phẩm NFT bán kèm những chai rượu rum quý với mức giá từ 100,000 USD.
Với DAO, Dictador gia tăng sự hiện hiện của thương hiệu trong vũ trụ metaverse, tăng khả năng truyền thông với khách quen, đồng thời thu hút những khách hàng giàu có tiềm năng đang hoạt động tích cực trên những nền tảng này.