BUSINESS OF LUXURY

Nguyễn Quý Dương – Vietnam Bespoke Shop: “Âu phục Bespoke là một nền văn hoá”

Oct 23, 2022 | By Ton Binh

Xuất phát từ niềm đam mê với thời trang may đo Bespoke, Nguyễn Quý Dương đã xây dựng thương hiệu Vietnam Bespoke Shop hay còn được biết đến với cái tên VBS Tailor. Lựa chọn dịch vụ xa xỉ để kinh doanh, Dương Nguyễn đã giúp thay đổi nhận thức của khách hàng về món đồ mang tính nghi thức, văn hoá như Bespoke. 

Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa Luxuo và Nguyễn Quý Dương – chủ nhân của VBS Tailor. 

Nguyễn Quý Dương – chủ nhân của VBS Tailor

Vì sao anh lại lựa chọn thời trang may đo Bespoke để xây dựng thương hiệu tại Việt Nam? 

Xuất phát từ đam mê cá nhân của tôi với vẻ đẹp và thông điệp của những bộ suit, comple. Chúng đại diện cho văn hoá và thể hiện cá tính của người mặc. Bespoke là biểu trưng cho những món đồ mang tính nghi thức, chúng đại diện cho văn hoá, lối sống và thế giới quan của người mặc. 

Tôi đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu, viết blog và kết nối với các blogger trên thế giới về mảng may đo Bespoke. Thông qua sự giới thiệu của họ và đam mê của bản thân, mình học hỏi, trau dồi và hoàn thiện kiến thức. 

Đồng thời, tôi cũng là người rất khó để có thể lựa chọn trang phục vừa vặn với cơ thể, nên đã quyết định mở một nhà may cho bản thân. 

 Lý do khiến những khách hàng lại tin tưởng VBS? 

Đa số các khách hàng khi đến với VBS Tailor đều có câu chuyện riêng thú vị, bởi họ đã từng may đo quần áo ở hầu hết các nước phát triển như Ý, Anh, Nhật,… Họ đến và chia sẻ, đồng hành cùng thương hiệu, nhằm nâng cao bức tranh toàn cảnh, vị thế của ngành thủ công. Họ lựa chọn vì mong muốn tại Việt Nam cũng sẽ có cơ sở đủ tiêu chuẩn về may đo quốc tế. 

Quan điểm của tôi từ trước đến nay đều tập trung vào chất lượng và sự tỉ mỉ trong từng khâu. Mỗi khách hàng khi đến VBS đều sẽ được tư vấn, trao đổi sao cho phù hợp với yêu cầu của mỗi người. Sau đó, chúng tôi sẽ tiến hành phác thảo, làm thử và ráp từng phần của bộ đồ,.. Khách hàng sẽ được tham gia vào quá trình hoàn thiện, từ đó họ hiểu về lý do lựa chọn kiểu dáng, quy trình tạo nên một bộ suit. Thời gian để hoàn thiện bộ trang phục hoàn chỉnh sẽ mất từ 4-6 tuần. 

Nói chung, may đo Bespoke giống như bộ môn thưởng thức, lĩnh vực mang tính quy ước và thể hiện cái tôi cá nhân cao. 

Trong suốt quá trình xây dựng thương hiệu, đã bao giờ anh gặp phải những yêu cầu khó từ khách hàng? 

Chúng tôi lại là những người thích sự thử thách nên chưa bao giờ bị làm khó bởi những yêu cầu của khách hàng. Họ thường đưa ra những tiêu chuẩn nhất định như may dấu chỉ, lựa chọn lót áo,… Bên cạnh quy chuẩn vốn có của Bespoke, yếu tố quyết định tới thành công cho bộ đồ là sự hài lòng của khách hàng. Không những vậy, chúng tôi luôn mong có thể đem lại những trải nghiệm chất lượng và cẩn thận tới các khách hàng ngay từ khâu nguyên vật liệu và chuẩn bị. Tóm lại, nếu có những  yêu cầu càng khó thì chúng tôi lại có thêm nhiệt huyết làm việc. 

Theo anh, điều gì tạo nên giá trị của những bộ trang phục Bespoke? 

Bespoke là một dịch vụ xa xỉ và điều đó được tạo nên từ công sức và thời gian của những người thợ. Có khi họ phải mất đến 15-20 năm hoặc thậm chí cả cuộc đời để có kinh nghiệm tạo nên những bộ quần áo ấy. 

Không chỉ vậy, một bộ trang phục chỉnh chu cũng phải xuất phát từ chất liệu tốt. Với VBS, tôi đã phải qua châu Âu và làm việc với các thương hiệu lớn trên toàn cầu về vải gun hay len (chất liệu dày dặn). Tôi từng được thăm các nhà máy dệt và chứng kiến cách họ trải len, kéo sợi thành một tấm vải. Thậm chí, họ cũng áp dụng nhiều kỹ thuật để biến nó thành tấm vải mềm, mịn hoàn chỉnh. Điều này được tạo nên từ một nền công nghiệp lâu đời. 

Một số thương hiệu như Loro Piana, mỗi năm họ sẽ ra những BST theo mùa, có những mẫu vải chỉ đủ cho 52-53 chiếc áo trên thế giới và sẽ không sản xuất lại. Chúng tôi cũng nhập một số loại vải quý hiếm như cashmere, alpaca, vicuna với những đặc tính đặc biệt để khách hàng có thể thử. 

Hiện nay, văn hoá Bespoke dần được đón nhận bởi những người trẻ tuổi và những hội nhóm chia sẻ kiến thức về Âu phục có số lượng thành viên đông đảo. Anh có suy nghĩ như thế nào về điều này? 

Đây là một tín hiệu tốt bởi khi nhận thức về sản phẩm được nâng cao, thị trường sẽ được mở rộng và điều này đem lại lợi ích cho những người làm bespoke và may đo nói chung. Đồng thời, những hội nhóm như Satorial Guys được hình thành một cách tự nhiên và kiến thức sẽ từ đó được chọn lọc một cách tự nhiên. Trong đó, họ sẽ có sự tranh luận, phản biện ý kiến hay, dở để sàng lọc và đem lại những gì thuần túy và tốt nhất. 

Nếu để so sánh giữa đồ Bespoke và “ready to wear” hay “make to measure”, anh sẽ phân biệt chúng như thế nào? 

Tôi sẽ ví nó đơn giản như món ăn: Với “ready to wear” bạn đến và chỉ được chọn những món có sẵn trong thực đơn; với “make to measure” bạn sẽ được lựa chọn ga giảm gia vị trong một món ăn; còn với “Bespoke” món ăn này được chế biến để dành riêng cho bạn, chỉ mình bạn mới có thể thưởng thức.

Những định hướng sắp tới của VBS Tailor? 

Trước đây, tầm nhìn của tôi là muốn đem đến môi trường mà đội ngũ có thể phát huy được khả năng, trải nghiệm và sản xuất trên những gì tốt nhất: vật liệu, công cụ,… Sứ mệnh đem đến cho khách hàng Việt Nam: trải nghiệm chất lượng và đầy đủ nhất, nâng cao tầm vóc của người Việt: mặc bộ suit do nhà may Việt Nam làm cho không chỉ các nhà ngoại giao hay nguyên thủ quốc gia. 

Sắp tới, nhà may vẫn chung thành với hình thức làm đồ thủ công, mong muốn luôn cải tiến và đưa đến chất lượng ở mức cao nhất, cải thiện hơn nữa. 

Đối với VBS tại Sài Gòn sẽ đem đến trải nghiệm khác biệt, bespoke hơn nữa từ địa điểm: cửa hàng, trang trí bên trong cửa hàng được tuỳ chỉnh lại dựa vào lối sống của khách hàng trong Sài Gòn: mang hơi thở của Art Decor: khách hàng có thể ngồi nhâm nhi cà phê, cocktail, xì gà,… hơi khác hơn so với cơ sở phía Hà Nội.

Thu Thảo 


 
Back to top