BUSINESS OF LUXURY

Tôi học được gì? Nữ tướng Vinfast “thách thức” ông trùm xe điện Elon Musk

May 07, 2023 | By Ton Binh

Sau khi được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc VinFast toàn cầu, bà Lê Thị Thu Thuỷ đã dẫn dắt VinFast trở thành thương hiệu xe điện vươn tầm thế giới. Giữa một thị trường tầm cỡ như Mỹ với các tên tuổi hàng đầu như Tesla, Porsche, Mercedes-Benz, Audi,… sự xuất hiện của VinFast không chỉ là kẻ ngoại đạo mà còn hứa hẹn trở thành một thế lực mới đến từ Đông Nam Á. 

Bà Lê Thị Thu Thuỷ – Tổng Giám đốc Vinfast toàn cầu

Cuối năm 2022, lô 999 chiếc xe điện VF8 đầu tiên đã được xuất khẩu sang Mỹ, đánh dấu kỷ nguyên mới của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Theo hãng tin Reuters, VinFast đang hiện thức hoá giấc mơ 5 năm tới sẽ trở thành trung tâm sản xuất ô tô điện quan trọng ở Đông nam Á, cung cấp cho thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu.

Hay tờ Bloomberg nhận định: “Những chiếc xe điện VinFast sẽ mang khát vọng và niềm tự hào của Việt Nam ra thế giới. Và cũng là cột mốc quan trọng của VinGroup khi đặt ra mục tiêu xuất khẩu xe điện từ 5 năm trước”.

Sự kiện 999 chiếc xe ô tô điện của Việt Nam đầu tiên được xuất khẩu sang Mỹ

Để đạt được những thành công như hiện tại, không thể không nhắc đến người đàn bà quyền lực Lê Thị Thu Thuỷ, mang nhiều tham vọng và sự kiên trì để hiện thực hoá ước mơ ô tô Việt vươn tầm thế giới.

Hành trình đến với VinFast 

Trước khi giữ chức Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu, bà Thuỷ từng giữ nhiều chức vụ quan trọng. Cụ thể, năm 2008, bà từng là Phó chủ tịch của Lehman Brothers tại các thị trường Nhật Bản, Thái Lan, Singapore. Bà cũng là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư bất động sản trên thị trường châu Á.

Đến tháng 6/2012, bà Thuỷ nhận chức Tổng giám đốc Vingroup, thay thế người tiền nhiệm là bà Mai Hương Nội. Khi gia nhập tập đoàn, với vai trò Trưởng ban Đầu tư và sau này là Phó chủ tịch Tập đoàn phụ trách đầu tư, bà Thuỷ đã thực hiện nhiều thương vụ quan trọng có ảnh hưởng với đối tác nước ngoài như phát hành 100 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế của Vincom vào năm 2009 và 185 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế của Vingroup vào năm 2012.

Vào ngày 12/3/2013 tại Geneva (Thuỵ Sĩ), bà Lê Thị Thu Thuỷ (Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup) đã được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) bình chọn là một trong 199 “Lãnh đạo trẻ toàn cầu 2013” – Young Global Leaders (YGL) Class of 2013.

Chấp nhận sự hoài nghi để bứt phá

VinFast giới thiệu xe tại triển lãm ô tô Los Angeles năm 2021

Khi Vingroup quyết định gia nhập thị trường ô tô vào tháng 6/2017, bà Thuỷ đang giữ chức Phó Chủ tịch Tập đoàn. Bà được giao nhiệm vụ mở nhà máy sản xuất ô tô đầu tiên của Việt Nam. Cũng từ thời điểm đó, tên tuổi của nữ tướng ngành ô tô Việt bắt đầu nổi bật hơn rất nhiều trong ngành ô tô trong nước và quốc tế khi chèo lái con thuyền VinFast ra biển lớn.

Bà từng chia sẻ: “Hồi tháng 9/2017, tôi đã bắt đầu đi khắp thế giới để nói với mọi người trong ngành ô tô và cung ứng. Họ nghĩ rằng chúng tôi điên nhưng sau đó bắt đầu tin vào kế hoạch của chúng tôi. Chúng tôi có quan hệ tốt đẹp với BMW ngay từ lúc bắt đầu cũng như tương tác tốt với GM”.

Sau khoảng 21 tháng thành lập, VinFast đã khánh thành tổ hợp sản xuất ô tô, xe máy điện rộng 335ha tại khu công nghiệp Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng) và bàn giao những chiếc xe Fadil đầu tiên cho khách hàng.

Đến đầu tháng 10/2018, VinFast đã khiến cả thế giới kinh ngạc trước tốc độ phát triển nhanh chóng khi lần lượt giới thiệu hai mẫu xe điện đầu tiên mang tên LUX A2.0 cho dòng Sedan và LUX SA2.0 cho dòng SUV tại Paris Motor Show 2018.

Tháng 11/2022, tại triển lãm Điện tử Tiêu dùng CES, VinFast công bố chiến lược phát triển thành công công ty sản xuất xe điện 100% và công bố các dòng xe điện hoàn chỉnh phân khúc A-B-C-D-E. VinFast tiên phong triển khai mô hình kinh doanh cho thuê pin tại tất cả thị trường.

Nhạy bén với thời cuộc

Việc lựa chọn xuất khẩu xe điện sang Mỹ được coi là sự tính toán có chủ đích của thương hiệu VinFast, đặc biệt là người lãnh đạo thương hiệu.

Bà Thuỷ đã trả lời bài phỏng vấn độc quyền từ Rest of World rằng lựa chọn Mỹ là con đường vòng an toàn để bắt kịp các đối thủ.

“Trên thực tế, mục tiêu ban đầu của VinFast là sản xuất ô tô điện và vươn ra toàn cầu. Nhưng để sản xuất xe điện, cách học nhanh nhất là đi đường vòng bằng cách học từ những người giỏi nhất trong ngành ô tô, như BMW hay General Motors. Chúng tôi đã học cách thiết lập và phát triển ô tô, cách thiết lập một nhà máy và những tiêu chuẩn chất lượng cần thiết”, bà cho biết thêm.

Ngoài ra, thị trường Mỹ và châu Âu vốn là hai khu vực khó tính hàng đầu nên khi đã chinh phục được khách hàng tại đây thì những khu vực khác không phải là vấn đề lớn.

Thời gian tới, VinFast tiếp tục thu thập phản hồi từ người tiêu dùng để tạo ra sản phẩm tốt hơn. Con đường tuy có khó khăn nhưng sẽ bền vững vì đi lên từ mục đích của người tiêu dùng.

Bà cho biết: “999 chiếc xe VF 8 City Edition được xuất khẩu qua Mỹ vào tháng 12, đã được xác định là xe để tiếp thị. Phạm vi lái của chiếc xe này bị hạn chế hơn so với những chiếc xe phiên bản tiêu chuẩn sẽ được giao cho khách hàng sau này, vì loại pin của chúng khác. Nhưng VinFast vẫn muốn trực tiếp đưa những chiếc xe này đến tay người tiêu dùng, để chúng tôi có thể nhận được phản hồi từ họ. Khách hàng có thể chạy thử và sau đó đổi lấy xe khác”.

Xây dựng chiến lược thần tốc

Reuters từng nhận định bà Thuỷ là “nữ tướng” của VinFast, đủ khả năng thách thức hãng xe điện Tesla của Elon Musk

Sau khi xuất khẩu dòng xe điện VF8 mới, bà Thuỷ đã lựa chọn dựa vào các nhà cung cấp như nhà sản xuất pin Contemporary Amperex Technology hay công ty cung cấp thiết bị điện Aptiv thay vì phát triển công nghệ độc quyền của VinFast.

Ngoài ra, thương hiệu cũng đầu tư xây dựng nhà máy tại Mỹ, đây là điều mà những hãng xe đối thủ của Trung Quốc như Nio hay Xpeng khó có thể thực hiện khi căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh vẫn tiếp diễn.

Tuy nhiên, bà Thuỷ phải thuyết phục các nhà đầu tư không nên lo ngại về tình hình tài chính của công ty, khi tập đoàn mẹ công bố khoản lỗ ròng  34.5000 tỷ đồng ( khoảng 1,48 tỷ USD) trong 9 tháng đầu năm 2022.

Theo dữ liệu từ Refinitiv, hiện đã có 9 công ty Việt Nam niêm yết tại nước ngoài, huy động được tổng số vốn 1,5 tỷ USD. Do đó, nếu thành công, việc niêm yết của VinFast sẽ mang đến cơ hội hiếm có để khai thác nền kinh tế mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kỳ vọng sẽ tăng trưởng 6,2% vào năm 2023. Điều này sẽ giúp bà Thuỷ có thể tận dụng được cơ hội này để thúc đẩy nỗ lực tại thị trường nước ngoài.

Tổng hợp 


 
Back to top