BUSINESS OF LUXURY

LUXUO Point: Khủng hoảng nhân lực ngành hàng xa xỉ, báo động từ Âu sang Á

May 07, 2023 | By Van Anh Nguyen

Với nhu cầu thị trường tăng cao, các tập đoàn xa xỉ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân tài khi ngày càng có nhiều thợ thủ công lớn tuổi rời khỏi ngành thời trang.

Túi Hermès và Louis Vuitton được trưng bày tại Sotheby’s ở Cologne (Photo: Rolf Vennenbernd/dpa/Alamy)

Trên bàn làm việc trong một xưởng may của Hermès ở ngoại ô phía đông bắc Paris, Lionel Prudhomme giới thiệu các mẫu thiết kế túi phiên bản giới hạn mới mà nhà mốt từ Pháp này đang thực hiện: một phiên bản chiếc túi Kelly cổ điển với các tấm gỗ sơn với thiết kế lấy cảm hứng từ giải thiên hà (có già 22.000 euro), và một số phiên bản khác với màu xanh lam rực rỡ và màu cam nhạt.

Nằm trong một khu phức hợp có cấu trúc kính và bê tông hiện đại, xưởng sản xuất đồ da ở Pantin này là một trong 21 xưởng của Hermès trên khắp nước Pháp. Đây cũng là nơi tầm nhìn của các nhà thiết kế trở thành sản phẩm hoàn chỉnh. “Ý tưởng thiết kế được biến thành một bản mẫu, sau đó chúng tôi sẽ nỗ lực cải thiện để có thể tái sản xuất bất cứ thời điểm nào từ chính thiết kế đó,” giám sát viên của xưởng sản xuất này cho biết. Giống như những chiếc túi mà anh làm ra, những nghệ nhân bậc thầy như Prudhomme, người đã làm việc tại Hermès trong ba thập kỷ và có thể tạo ra ít nhất 85 mẫu túi khác nhau giờ đều là những yếu tố đặc biệt quý hiếm. Sự tăng trưởng nhanh chóng được thúc đẩy bởi nhu cầu khổng lồ từ người tiêu dùng Trung Quốc, ngành công nghiệp xa xỉ châu Âu đang phải đối mặt với áp lực tuyển dụng gay gắt cho các vị trí trải rộng trên mọi lĩnh vực, từ sản xuất đến bán lẻ và quản lý.

“Những vị trí này thường đòi hỏi nhiều năm đào tạo, thậm chí hơn 10 năm. Tuy nhiên, đây cũng thường bị coi là những nghề nghiệp “không có tương lai,” Bénédicte Epinay, chủ tịch của tổ chức công nghiệp Comité Colbert cho biết. “Đồng thời, ngành công nghiệp xa xỉ đang phải chứng kiến các chương trình đào tạo những kỹ năng này ngày một biến mất, do nhiều lớp học phải đóng cửa vì không đủ học sinh.”

(Ảnh: Alfredo Piola)

Xây dựng và duy trì đội ngũ nghệ nhân có tay nghề cao là một thách thức đặc biệt khó khăn, nhất là với một ngành công nghiệp mà việc gia công ở các quốc gia khác không phải là một lựa chọn khả dĩ để có thể duy trì chất lượng và nguồn gốc xuất xứ (vốn là bằng chứng cho mức giá đắt đỏ của sản phẩm). Lấy một chiếc túi Hermès làm ví dụ, người mua có khi phải chờ đợi hàng năm trời để có thể chạm tay vào chiếc túi mình muốn sở hữu, bởi các nghệ nhân da phải dành ít nhất 15 giờ để làm thủ công từng chiếc túi như vậy. Việc trả lương trong ngành này cũng là một bảo mật. Theo Hermès tiết lộ, mức lương cho các nghệ nhân mới làm việc có thể còn “cao hơn” cả mức lương tối thiểu của Pháp và có thể bao gồm cổ phần trong công ty trong khoảng thời gian trung và dài hạn.

Công ty này cũng cho biết mức lương trung bình hàng năm của một nghệ nhân ở Pháp là 25.350 Euro, nhưng tại LVMH, “mức lương trung bình trong những ngành nghề này cao hơn rất nhiều” so với mức đó. Các kế hoạch giúp nhân viên có thể hưởng đãi ngộ và chế độ chia sẻ lợi nhuận tại các công ty họ làm việc cũng “rất quan trọng”. Ví dụ, Louis Vuitton cung cấp cho công nhân xưởng may trung bình 18 tháng lương mỗi năm nhờ các chương trình chia sẻ lợi nhuận. Để so sánh, một giao dịch viên ngân hàng kiếm được trung bình từ 14.000 Euro đến 24.000 Euro (theo trang web việc làm Glassdoor). Tuy nhiên, trong vài thập kỷ gần đây, những người trẻ tuổi ở các nước sản xuất hàng xa xỉ chính như Pháp và Ý đã không còn thiết tha các nghề thủ công và dạy nghề, trong khi một thế hệ thợ thủ công lớn tuổi đang dần nghỉ hưu.

Một lý do khác dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân lực ở các nhà mốt xa xỉ là việc thiếu hiểu biết đầy đủ về những công việc triển vọng trong lĩnh vực xa xỉ, cũng như nhận thức sai lầm rằng một số công việc (đặc biệt là những công việc trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống và khách sạn sang trọng) thường đồng nghĩa với việc phải làm nhiều nhưng lương thấp và khả năng thăng tiến hạn chế.

(Ảnh: Alfredo Piola)

Theo Comité Colbert, tại Pháp, trung bình mỗi năm có khoảng 20.000 công việc trong lĩnh vực xa xỉ (không bao gồm dịch vụ và khách sạn) không tìm được nhân sự. Các ngành thiếu hụt nhân lực nhiều nhất gồm thợ may, thợ kim hoàn và nghệ nhân làm đồ da cũng như kỹ thuật viên bảo trì và lái máy kéo tại các vườn nho. Trong khi đó, nhu cầu từ các công ty ngày càng lớn và tăng dần. Lấy LVMH là một ví dụ, tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới do tỷ phú Bernard Arnault điều hành đã tuyển 60.000 nhân viên trên toàn cầu vào năm ngoái và đang tìm cách tuyển 15.200 người chỉ riêng ở Pháp trong năm nay, bao gồm 3.500 thợ thủ công. Chantal Gaemperle, giám đốc nhân sự toàn cầu của tập đoàn này cho biết: “Tôi muốn có thể nói rằng chúng tôi chỉ đơn giản là cần những người làm họa tiết, hoặc thợ may hoặc chuyên gia công nghệ thông tin, nhưng phạm vi công việc của chúng tôi trải rộng hơn như vậy rất nhiều [trên tất cả các chức năng của LVMH]”.

Để giải quyết tình trạng này, cả Hermès và LVMH đều đang tiếp cận các trường học và trường cao đẳng, tuy nhiên LVMH dựa vào việc truyền miệng nhiều hơn để thu hút các ứng viên. Hermès là công ty duy nhất trong số các tập đoàn xa xỉ lớn của Pháp có các hoạt động sản xuất và các chương trình đào tạo thủ công trong cùng một khuôn viên. Ở địa điểm đối diện một khoảng sân vườn từ xưởng may nguyên mẫu ở Pantin, khoảng 50 thực tập sinh của Hermès dành khoảng 18 tháng để học nghề từ khâu yên ngựa đến đóng những chiếc đinh vàng nhỏ xíu trong xưởng giảng dạy trước khi có thể bắt đầu làm việc tại xưởng may. “Để có thêm 250 đến 300 nghệ nhân mỗi năm, chúng tôi cần đào tạo khoảng 450 đến 500 người,” Emmanuel Pommier, giám đốc điều hành đồ da của Hermès cho biết.

Năm 1992, Hermès có 250 nghệ nhân làm việc trong các xưởng phía trên cửa hàng của Hermès ở Paris. Ngày nay, Hermès có tới 4.700 thợ thủ công thuộc da, trải khắp 9 địa điểm sản xuất ở Pháp, mỗi địa điểm có tới ba xưởng sản xuất và một trường đào tạo. Pommier cho biết hầu hết các ứng viên nộp đơn trực tiếp vào các chương trình học nghề, nhưng hồ sơ của họ đã thay đổi trong những năm qua. “Trước đây, ứng viên từ 16 đến 18 tuổi sẽ trực tiếp đến với chúng tôi để được đào tạo, nhưng giờ không còn như vậy nữa. Hầu hết họ sẽ làm một công việc khác trước trong vài năm trước khi đến với chúng tôi.”

Trái với Hermès, các tập đoàn như LVMH và Kering (chủ sở hữu của Gucci và Saint Laurent) chọn hợp tác với các nhà sản xuất bên ngoài trên một số sản phẩm cũng như hợp tác với các trường dạy nghề. LVMH đã bắt đầu xây dựng mạng lưới các trường đào tạo đối tác từ một thập kỷ trước nhưng “đến năm 2020, chúng tôi nhận ra rằng mình vẫn chưa có đủ nhân tài,” Alexandre Boquel, giám đốc ‘métiers d’excellence’ của tập đoàn chia sẻ.  “Métiers d’excellence” được biết đến như một danh hiệu bao gồm 280 loại vai trò khác nhau trong các công việc thương mại, thủ công và dịch vụ và chiếm một nửa trong số 200.000 lực lượng lao động toàn cầu của tập đoàn này.

“Có một cuộc chiến giành nhân tài thực sự vì các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi cũng cần tuyển dụng nhiều. Điều này mang lại lợi ích cho ngành xa xỉ, nhưng chắc chắn nó cũng sẽ tạo nên những sự căng thẳng trong quá trình tuyển dụng,” ông nói thêm.

Trong một thị trường lao động eo hẹp, các tập đoàn như LVMH nhận ra rằng họ cần phải đáp ứng điều kiện làm việc và lương bổng cạnh tranh. Cả LVMH, Hermès và Kering đều chọn tiếp cận tại các trường học và cao đẳng. Bên dưới một biểu ngữ LVMH treo bên ngoài tòa thị chính thế kỷ 19 của Reims, ở vùng Champagne của Pháp, một hàng người xếp hàng quanh quảng trường và chờ đợi. Đây không phải là những người đang chờ để vào cửa hàng của Dior hay buổi trình diễn thời trang, mà là một đợt tuyển dụng. Đây là một trong năm sự kiện được LVMH lên kế hoạch tổ chức trên khắp nước Pháp trong năm nay, tiếp nối một chiến dịch tương tự vào năm 2022.

Emmanuel Pommier (Ảnh: Valérie Archeno)

Trong khu vực giới thiệu, các nhân viên của LVMH cố gắng lôi kéo sự chú ý của ứng viên tới các công việc và các chương trình đào tạo từ chế tạo đồng hồ cao cấp đến khách sạn. Đây cũng là lĩnh vực đang có sự sụt giảm ứng viên “khá nghiêm trọng” trong những năm gần đây. Theo Gaemperle, việc tìm kiếm các ứng cử viên sáng giá cho ngành bán lẻ cao cấp vốn đòi hỏi mức độ cẩn thận, khả năng trình bày và kiến ​​thức sản phẩm cao ngày càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Một buổi tuyển dụng kiểu này cũng có sự xuất hiện của tai nghe thực tế ảo khi

Chúng được sử dụng để giúp ứng viên hình dung cuộc sống hàng ngày của một nhà sản xuất đồ trang sức tại Dior hoặc một nhân viên bán hàng tại Louis Vuitton. Nhân viên LVMH sau đó sẽ tiến hành các cuộc phỏng vấn nhanh và ứng viên được khuyến khích bỏ CV của mình vào các hộp niêm phong có dán nhãn cho những công việc khác nhau.

Việc tiếp cận cộng đồng để “chiêu mộ nhân tài” kiểu này nhằm mục đích phá vỡ khoảng cách giữa những công việc từ học nghề và những ngành nghề chuyên nghiệp cũng như mang đến kiến thức thiếu hụt do học sinh không được tiếp xúc với những công việc đặc thù này tại trường học.

“Cuộc cách mạng công nghiệp trước đây đã có sự phân chia giữa kỹ sư và nghệ nhân, điều này tạo nên một hệ thống phân cấp chưa từng có trước đây. Thông điệp này vẫn tồn tại: Nếu bạn học giỏi, bạn phải vào đại học để học chứ sẽ không đi học nghề,” Boquel nói.

“Một đứa trẻ 15 tuổi thường có thể mô tả khoảng 10 công việc, chủ yếu là những công việc mà cha mẹ chúng đã làm như cầu thủ bóng đá hay người có tầm ảnh hưởng. Chúng tôi có tới 280 loại công việc để giải thích.” Giải thích là một chuyện, việc thuyết phục để chiêu mộ đủ những người trẻ tuổi để trở thành thợ thủ công hoặc nhà nghiên cứu rượu vang có tay nghề cao vẫn sẽ là một thách thức mà những nhà mốt hàng đầu hiện nay đang phải đối mặt và tìm kiếm giải pháp.

Bài: Adrienne Klasa (Theo Financial Times)


 
Back to top