Chủ tịch HĐQT Ana Marina Đặng Bảo Hiếu: Tinh thần thượng võ
Cách Sài Gòn chỉ khoảng 1 giờ bay, Nha Trang từ một làng chài chìm sâu trong giấc ngủ sâu giờ đây đã trở thành thiên đường nghỉ dưỡng, với sự xuất hiện của hàng loạt dự án được đầu tư bài bản. Tiêu biểu trong số đó Ana Marina, bến du thuyền có sức chứa lên đến 105 chiếc.
Với tên gọi lấy từ Thiên Y Thánh Mẫu A Na, Ana Marina là dự án Bến du thuyền mang tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên với đầy đủ các dịch vụ tiêu chuẩn (từ bến đỗ, điện nước, tiếp nhiên liệu tới hệ thống nâng hạ thủy du thuyền, sửa chữa, bảo trì, phơi đậu tàu trên bờ) tại Việt Nam. Một khi hoàn thành, ước tính Ana Marina sẽ có diện tích gấp đôi nhà ga trung tâm New York với đầy đủ tiện ích như câu lạc bộ, trung tâm hội nghị, nhà hàng ăn uống và biệt thự cao cấp.
Tại thành phố Nha Trang, nơi số lượng xe gắn máy vẫn áp đảo số xe hơi sang trọng, quy mô này có lẽ hơi quá tầm. Song theo dự báo của DBS, nền kinh tế Nha Trang thậm chí có thể phát triển hơn Singapore vào năm 2029 nếu duy trì tốc độ tăng trưởng trên 6% như 5 năm vừa qua. Ngày nay, nếu đi dọc con đường bến du thuyền nước sâu đầu tiên của Việt Nam và cung đường thoáng đãng nối từ trung tâm thành phố đến sân bay Cam Ranh, khách du lịch dễ dàng quan sát hàng loạt khu nghỉ dưỡng sang trọng với quy mô và tầm vóc khác nhau.
Những thay đổi chóng mặt này đã đưa Nha Trang trở thành điểm đến du lịch thịnh vượng trong những năm gần đây dành cho khách địa phương và ngoại quốc, đặc biệt là du khách Nga và Trung Quốc. Cũng giống như Bà Mẹ xứ sở A Na bảo vệ thuyền bè khỏi cơn thịnh nộ của biển cả, Ana Marina được tạo dựng với tầm nhìn vượt khỏi giới hạn lãnh thổ của Việt Nam, để trở thành nơi neo đậu tàu thuyền và tránh thiên tai cho các quốc gia trong khu vực, thậm chí là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Và cũng chính vì thế, trong cộng đồng người chơi và kinh doanh du thuyền tại Việt Nam, cái tên Đặng Bảo Hiếu, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Ana Marina, từ lâu đã không còn xa lạ. Yacht Style Vietnam đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện cùng ông ngay tại Ana Marina, trong thời điểm bến du thuyền đã gần như thành hình và chuẩn bị bước vào hoạt động.
Từ xuất phát điểm trong ngành du lịch, từ đâu ông lại có ý định bước vào ngành du thuyền?
Trước khi làm hướng dẫn viên du lịch từ năm 1988 đến 1992, tôi còn là thầy giáo. Tôi đến với ngành du lịch cũng là một sự tình cờ, vì cách đây vài chục năm, từ việc làm phiên dịch cho đến hướng dẫn viên du lịch là điều rất hiển nhiên. Tuy nhiên, từ hướng dẫn viên du lịch đến người làm về cơ sở hạ tầng lại là câu chuyện dài. Có thể nói, kể từ năm 1992 trở đi, tôi làm về thị trường du lịch, nên có điều kiện đi rất nhiều nơi, và nung nấu ý định có một thứ gì đó của riêng mình. Vào năm 1999, tôi mở công ty riêng.
Đó là khi tôi nhận ra rằng dù mình làm gì đi nữa, mọi việc vẫn có tính thời điểm. Thời điểm mới bắt đầu doanh nghiệp, mọi chuyện rất khó khăn, nhưng tôi cũng cố gắng tìm ra sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu khách du lịch, và đó là du lịch bằng đường sông. Năm 2006, tôi cùng một người bạn nữa tham gia vào liên doanh và đóng con tàu đầu tiên ở Hạ Long. Thành công nhỏ nhoi đó đã giúp tôi cảm thấy được khích lệ hơn, đúc kết được nhiều kinh nghiệm hơn, hiểu được nhu cầu của khách hàng về du lịch trên tàu. Năm 2009, tôi làm về tàu sông Mekong, đóng con tàu đầu tiên cùng với vài anh em bạn bè. Kể từ đó đến 2016, chúng tôi đã đóng tất cả 6 chiếc thuyền ở sông Mekong.
Tôi nhận thấy, du lịch bằng đường thuỷ là một phân khúc rất độc đáo, nhưng tôi chợt nhận ra cơ sở hạ tầng tại Việt Nam chưa đủ để du lịch đường sông trở thành một sản phẩm hoàn thiện như ở các quốc gia khác. Tôi từng muốn phát triển các bến đỗ dọc đường sông Mekong, nhưng cơ chế lúc ấy chưa cho phép.
Nha Trang và Hạ Long là những vùng biển rất đẹp, thu hút rất nhiều khách du lịch, nhưng chúng ta có một vấn đề là chưa có đủ cơ sở phát triển du lịch biển phục vụ cho tàu bè. Tại Việt Nam, tàu bè chủ yếu vẫn là tàu hoán cải: những con tàu đánh cá, do nhu cầu phát triển, đã được nâng cấp lên với cabin hay nhà hàng để trở thành tàu du lịch, nên có quy chuẩn rất kém. Đó là điều rất nguy hiểm, vì nó kéo theo thực trạng đơn giản hóa các quy chuẩn cho việc vận hành tàu. Hầu hết các bến du thuyền ở Việt Nam hiện nay vẫn chỉ dừng lại ở mức bến cảng cho tàu du lịch, vì từ xuất phát điểm ban đầu, chúng chưa được xây dựng để thực sự trở thành bến du thuyền.
Từ hướng dẫn viên du lịch đến người làm về cơ sở hạ tầng lại là câu chuyện dài. Có thể nói, kể từ năm 1992 trở đi, tôi làm về thị trường du lịch, nên có điều kiện đi rất nhiều nơi, và nung nấu ý định có một thứ gì đó của riêng mình. Vào năm 1999, tôi mở công ty riêng. Đó là khi tôi nhận ra rằng dù mình làm gì đi nữa, mọi việc vẫn có tính thời điểm.
Chính vì thế, khi nghĩ đến việc phát triển du lịch ở Nha Trang với tàu bè và du thuyền, điều chúng tôi nghĩ ngay đến là tiêu chuẩn vận hành, đặc biệt là vấn đề an toàn (cho cả hành khách và cho chính con tàu). Đầu tiên, chúng tôi chỉ nghĩ đến việc xây dựng một bến nhỏ cho một vài con tàu, sau đó lại nhen nhóm ý định cho vài chục tàu, nhưng cuối cùng khi dự án được chấp thuận vào năm 2011, quy mô dự án đã lớn hơn thế nhiều.
Đến năm sau, dự án này sẽ chính thức tròn 10 năm. Đó là một quá trình rất dài, mà nếu như những người làm dự án không đam mê (tôi không dám dùng từ tâm huyết vì từ này quá lớn), thì không thể theo đuổi được đến cùng.
Tính đến nay, Ana Marina do ông sáng lập vẫn được xem là bến du thuyền đúng chuẩn quốc tế đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam. Để làm được điều đó, Ana Marina phải đáp ứng được những tiêu chuẩn gì?
Khi chúng tôi khởi động dự án từ năm 2011, việc đưa được một hòn đá xuống vịnh Nha Trang là rất khó, vì vào thời điểm ấy, người dân xung quanh không chấp nhận việc can thiệp vào thiên nhiên bằng những hình thức như vậy. Tuy nhiên, đã xác định là nền kinh tế biển, chúng ta không thể khai thác theo cách hoang sơ được mà bắt buộc phải can thiệp, chỉ có điều là can thiệp như thế nào mà thôi. Nhìn chung có hai cách tiếp cận chính: can thiệp để tôn tạo tốt hơn, hay tác động tiêu cực và phá hủy môi sinh. Chúng tôi đi theo hướng doanh nghiệp bền vững, nên với bất cứ sự can thiệp nào vào tự nhiên, chúng tôi đều phải tính toán. Mấy năm trời, chúng tôi cứ loay hoay không biết làm ra sao. Con đường ấy quá dài, bao nhiêu doanh thu từ các lĩnh vực khác chúng tôi đều đưa cả vào đây.
Chúng tôi loay hoay mãi đến năm 2015, 2016, khi có cơ duyên gặp gỡ nhóm người làm việc cho Camper & Nicholsons, công ty có 200 năm trong việc phát triển hạ tầng ven biển cho du thuyền. Họ đã thuyết phục được tôi với cách tiếp cận bền vững, còn chúng tôi đã thu hút được họ khi có chung định hướng phát triển hạ tầng ven biển khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Từ đó, kết hợp cùng một vài công ty khác có chuyên môn về xây dựng cảng biển, chúng tôi đề ra được kế hoạch tổng thể để tạo nên Ana Marina. Với bến du thuyền này, chúng tôi phải học lại từ đầu, về cọc, kè, môi trường xung quanh, kể cả những vấn đề đơn giản như việc trồng cây xanh thế nào.
Vào thời điểm bắt đầu, chúng tôi lại chọn đúng vùng san hô chết vì trước đó từng là vùng nuôi tôm, ngọc trai, khiến khu vực xung quanh bị xâm hại không ít. Chúng tôi đã phải làm sạch toàn bộ, nạo vét phần đáy, mang cả những tảng đá có san hô bám đi để nuôi ở chỗ khác. Nhưng đến lúc đặt kè, lấn biển, san hô lại mọc lại. Đối với bến du thuyền, điều này có ý nghĩa rất lớn. Nếu như khách sạn dùng tiêu chuẩn “sao” để đánh giá, thì bến du thuyền dùng “mỏ neo” (anchor). Để đạt “5 anchors”, chất lượng nước là một trong những tiêu chí để đánh giá thông qua tình trạng của thuỷ sinh. Và sự xuất hiện trở lại của san hô nơi đây đã chứng tỏ vùng nước đã rất sạch.
Tất cả là một câu chuyện dài, mà chúng tôi thấy rằng 10 năm là hoàn toàn xứng đáng. 10 năm đó không phải chỉ để xây dựng, mà còn để học hỏi. Thế nên, tôi chưa bao giờ tiếc nuối cho 10 năm mình bỏ ra, để sau đó, nếu có ai muốn làm bến du thuyền, tôi có thể nói với họ rằng tiêu chuẩn để làm bến du thuyền là thế nào, và làm sao để nó thật bền vững.
Tại Việt Nam, ngành kinh doanh du thuyền vẫn đang gặp khó khăn do số lượng bến du thuyền hạn chế. Theo anh, nguyên nhân của điều này là do đâu, và trong tương lai, khó khăn trên sẽ được khắc phục như thế nào?
Vâng, cô có thể thấy là chỉ với riêng Ana Marina, chúng tôi cũng đã mất đến 10 năm để xây dựng. Tôi nghĩ, khó khăn trong việc xây dựng bến du thuyền chính là nó đắt tiền. Và thứ đắt hơn nữa đó chính là thời gian. Công ty chúng tôi đã làm nhiều thứ liên quan đến du lịch, từ tàu sông, du lịch lữ hành đến khách sạn, và mọi lợi nhuận đều để dành cho bến du thuyền này, chỉ vì một lý do đơn giản: khách sạn như khách sạn của chúng tôi, Việt Nam đang có đến hàng ngàn, nhưng nói đến bến du thuyền tiêu chuẩn như Ana Marina, thì chỉ có một mà thôi.
Anh có thể mô tả đôi nét về các hoạt động của Ana Marina? Bên cạnh bến du thuyền, anh đang có các hoạt động kinh doanh nào khác trong ngành du thuyền không?
Một trong những mục tiêu lớn của Ana Marina chính là để phát triển du lịch địa phương, đặc biệt là Nha Trang, nơi có nhiều thuận lợi trong phát triển du lịch biển nhưng hoạt động chủ yếu của du khách vẫn chỉ giới hạn trong việc đến và tắm biển. Đến với biển, chúng ta không chỉ có Sun và Sea mà còn là Sport, mà điều mà Việt Nam đang rất thiếu, mà cuộc đua F1 đáng lẽ ra đã diễn ra là một trong số đó.
Một trong những mô hình tôi đã được biết đến và muốn học hỏi chính là Yacht Club Monaco của Thái tử Albert, với mục tiêu hàng đầu là phát triển du lịch thông qua các hoạt động diễn ra trên du thuyền. Nhắc đến du thuyền, mọi người thường hay nhắc đến khái niệm ultra-luxury. Luxury có thể bao hàm rất nhiều khía cạnh, như đồng hồ, xe hơi hay các thú chơi khác, nhưng nếu để nói đến du thuyền, phải là ultra-luxury. Ultra-luxury là vì nó đòi hỏi người khác bỏ ra nhiều công sức để phục vụ cho nhu cầu giải trí của một nhóm người nhỏ.
Vấn đề hiện tại của chúng ta là thiếu cơ sở để đáp ứng nhu cầu của một lớp người ưu tú. Tôi không phủ nhận những khía cạnh tiêu cực trong thói quen tiêu dùng của một vài người, nhưng song song với đó, vẫn có một lớp người khác rất ý thức về cách làm cho cuộc sống thăng hoa hơn. Không phải chúng ta cứ đeo trên tay một chiếc đồng hồ đắt tiền nghĩa là luxury, mà cái quan trọng hơn là yếu tố tinh thần, là “noble spirit”, hay nói nôm na là “tinh thần thượng võ”.
Tất cả là một câu chuyện dài, mà chúng tôi thấy rằng 10 năm là hoàn toàn xứng đáng. 10 năm đó không phải chỉ để xây dựng, mà còn để học hỏi. Thế nên, tôi chưa bao giờ tiếc nuối cho 10 năm mình bỏ ra, để sau đó, nếu có ai muốn làm bến du thuyền, tôi có thể nói với họ rằng tiêu chuẩn để làm bến du thuyền là thế nào, và làm sao để nó thật bền vững.
Không bàn đến những cuộc đua thuyền lớn trên thế giới, ngay tại Việt Nam, chúng ta cũng có những con người hay hoạt động như thế, mà một người trong số đó tôi biết chính là Trần Công Lý, người có công ty chuyên làm những chiếc thuyền fiberglass, đã bắt tay cùng các anh em yêu thuyền làm những thuyền nhỏ đua với nhau. Đó chính là tinh thần biển cả, tinh thần thượng võ mà tôi muốn nhắc đến.
Về lâu dài, tôi muốn Ana Marina trở thành một trung tâm ở Việt Nam và rộng hơn là Đông Nam Á về phát triển du lịch, du thuyền và các môn thể thao liên quan đến du thuyền. Việt Nam hiện đang có các vịnh rất đẹp lấy vịnh Nha Trang làm trung tâm, ở phía Nam có vịnh Cam Ranh, đến Vĩnh Hy, Mũi Né, phía Bắc có vịnh Vũng Rô, Ninh Vân, và khu vực Quy Nhơn, vùng biển khuất gió rất hoàn hảo để làm nơi neo đậu và ghé đến thăm thú cho tàu bè. Tại đó, các bến du thuyền có thể phục vụ như một garage, đưa ra giải pháp cho chủ sở hữu phương tiện kiểm tra tình trạng, sửa chữa và thay thế linh kiện nếu cần thiết.
Bên cạnh Ana Marina, được biết ông còn mở ra một câu lạc bộ (CLB) du thuyền với các hoạt động hướng dẫn kỹ năng bơi lội, kỹ năng sinh tồn biển, lái thuyền buồm… cho các bạn trẻ. Từ đâu ông lại có ý tưởng này?
Đưa một con thuyền xuống nước là điều không đơn giản. Một chiếc du thuyền dù là nhỏ nhất cũng đòi hỏi được vận chuyển và lắp đặt đúng tiêu chuẩn. CLB mà tôi muốn làm là Ana Marina Yacht Club (AMYC), một trong những CLB du thuyền đầu tiên của Việt Nam có đầy đủ điều kiện để duy trì và phát triển, đáp ứng được những yêu cầu của người chơi du thuyền chuyên nghiệp. Đó là nơi tụ hội của những người có tinh thần đam mê với biển cả, chứ không nhất thiết phải là người sở hữu du thuyền.
Chúng tôi đã mất 10 năm để xây dựng một bến du thuyền, nên cũng không vội vã trong việc lựa chọn những người tham gia câu lạc bộ. Nếu như Yacht Club Monaco đặt ra phương châm hoạt động là “one marina, one team, one spirit”, thì chúng tôi cũng xem việc “cùng tinh thần” là yếu tố rất quan trọng.
Một trong những hoạt động nổi bật của Ana Marina Yacht Club là tham dự cuộc đua Hong Kong to Viet Nam Race. Còn trong tương lai, kế hoạch này của ông là như thế nào?
Năm 2013 tại Nha Trang, chúng tôi từng tổ chức cuộc đua du thuyền First Regatta, kết hợp cùng một câu lạc bộ du thuyền của một người đàn ông Pháp gốc Việt sáng lập ở Sài Gòn lúc bấy giờ và Corsair Marine. Sau đó, vì tập trung vào xây dựng bến du thuyền nên tôi chưa tổ chức được thêm lần nào. Trong thời điểm tạm ngưng vì Covid-19, tôi đang ấp ủ dự định mở một lớp học về thuyền buồm để tiếp tục tổ chức các cuộc đua du thuyền trong thời gian sắp tới.
Xin cảm ơn ông vì những chia sẻ rất chân tình!